
Ông có thể điểm qua và đánh giá về quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Australia với Việt Nam, đặc biệt là với TPHCM trong những năm gần đây và triển vọng hợp tác trong thời gian tới.
Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước chúng ta đang tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và ngày càng đa dạng hơn theo từng năm. Sự hiện diện lâu dài của Australia tại Việt Nam với tư cách là một đối tác viện trợ, sự hợp tác giữa hai nước trong các vấn đề quan trọng mang tính khu vực như cúm gia cầm, phòng chống buôn người và buôn thuốc phiện phi pháp, và quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư đang tăng nhanh hơn bao giờ hết đã góp phần tạo dựng nên mối quan hệ song phương như chúng ta thấy hiện nay.
Đối với bất kỳ quan hệ song phương nào thì sợi dây liên hệ giữa nhân dân hai nước luôn đóng vai trò hết sức quan trọng – đây là khía cạnh mà theo tôi Việt Nam và Australia đang làm rất xuất sắc. Có trên 200.000 Việt kiều đang sinh sống tại Australia, gần 7.000 sinh viên Việt Nam hiện đang theo học tại Australia, và hơn 7.000 sinh viên khác đang theo học các khóa học do các trường của Australia tổ chức tại Việt Nam. Nếu gộp thêm yếu tố dòng chảy du lịch và kinh doanh đang tăng nhanh giữa hai nước chúng ta, thì điều này có nghĩa là hơn bao giờ hết, ngày càng có nhiều công dân Úc và Việt Nam hình thành các mối liên hệ cá nhân với nhau.
Tôi may mắn có mặt tại đây vào giai đoạn quan trọng trong quan hệ giữa hai nước chúng ta. Trong 18 tháng qua, số lượng các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước nhiều chưa từng thấy, trong đó có chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng John Howard. Một số mốc quan trọng nữa trong năm 2006 là Australia và Việt Nam đã kết thúc thành công đàm phán song phương mở đường cho Việt Nam ra nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và sự hợp tác chặt chẽ của chúng ta trong các vấn đề liên quan tới APEC để đảm bảo sự chuyển giao tốt đẹp vai trò chủ nhà APEC 2006 của Việt Nam sang vài trò chủ nhà APEC 2007 của Australia.
Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, tôi nhìn thấy những bằng chứng và lợi ích thực tế của quan hệ giữa nhân dân hai nước chúng ta đang hiện hữu hàng ngày. Các công ty Australia đang rất quan tâm tới Việt Nam và nhận thấy TPHCM là nơi mà họ cần tới – trong năm 2006, hơn một nửa các dự án đầu tư mới của Australia vào Việt Nam đều hiện diện tại TPHCM. Ngoài ra, trong năm 2006, số lượng du khách Australia tới thăm TPHCM cũng tăng lên gần 15% so với năm 2005, và hơn 1.700 sinh viên TPHCM đã chọn đi du học tại Australia. Các mối liên hệ cá nhân đang góp phần tăng cường quan hệ song phương sẽ được mở rộng hơn khi nền kinh tế của Australia và Việt Nam hội nhập với nhau sâu hơn nữa trong những năm tới. TPHCM sẽ là giao điểm quan trọng cho sự phát triển này.
Trong những năm gần đây, TPHCM đã có nhiều nỗ lực để thu hút các nhà đầu tư và du khách nước ngoài tới Thành phố làm ăn và tham quan. Riêng đối với các nhà đầu tư và du khách Australia, theo ông, TPHCM nên làm gì nữa để có thể thu hút họ tới Thành phố?
Như Ngài Thủ tướng Howard đã từng nói khi ông tới thăm TPHCM vào tháng 11 năm 2006 vừa qua, đầu tư sẽ tới nơi nào mà nó được chào đón. Tôi nhận thấy và đánh giá cao nỗ lực của Chính quyền TPHCM đã thực hiện từ trước tới nay để thu hút đầu tư nước ngoài và tôi muốn nói rằng các công ty và nhà đầu tư Australia đang rất quan tâm tới TPHCM. Tuy nhiên, như chính bản thân chính quyền TP cũng đã thừa nhận tại một hội nghị gần đây với các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, còn nhiều việc phải làm để cải thiện môi trường đầu tư ở Thành phố này và để đảm bảo rằng sự quan tâm của các nhà đầu tư Australia sẽ được biến thành các dự án đầu tư thực sự. Các doanh nghiệp Australia mong muốn có một môi trường pháp lý minh bạch và chắc chắn sẽ làm ăn phát đạt nếu các thủ tục hành chính tiếp tục được đơn giản hóa và lực lượng lao động có tay nghề được đầu tư phát triển. Chúng tôi hoan nghênh sáng kiến tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài và nhận thấy giá trị lớn trong việc tổ chức thường xuyên các cuộc gỡ như vậy. Bước đi quan trọng tiếp theo các cuộc gặp gỡ này là đảm bảo các vấn đề đã được nêu lên phải được quan tâm để tìm biện pháp giải quyết một cách nhanh chóng và minh bạch. Một thách thức quan trọng nữa đối với Chính quyền TPHCM là việc thực thi số lượng lớn những luật và nghị định mới ra đời từ việc gia nhập WTO và cải cách kinh tế rộng hơn. Các bạn nên nhớ rằng mục đích và tinh thần của những sự thay đổi này là để làm cho hoạt động trao đổi thương mại và đầu tư tại Việt Nam trở nên thuận lợi và quy củ hơn.
Về khía cạnh thu hút du khách Australia – bất kỳ điều gì mà các bạn đang làm hiện nay, hãy tiếp tục làm bởi vì nó đang phát huy tác dụng! Việt Nam là điểm du lịch hấp dẫn hiện là câu nói cửa miệng của nhiều người ở Australia và chúng ta vừa chứng kiến hãng Hàng không Jetstar của Australia tham gia vào thị trường Việt Nam để phục vụ cho lượng du khách ngày càng tăng. Những du khách này bị thu hút bởi các di tích văn hóa và lịch sử của Việt Nam, chi phí thấp, và lòng mến khách nổi tiếng của con người Việt Nam. Để làm cho ấn tượng của du khách đến TPHCM và Việt Nam được tốt hơn, chính quyền thành phố nên tập trung đào tạo đội ngũ làm việc trong ngành du lịch và đảm bảo những tiêu chuẩn dịch vụ cao hơn trong các ngành có liên quan tới du lịch. Một khía cạnh nữa cũng cần được quan tâm là cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông.
Hiện nay, Australia là một trong những quốc gia cung cấp viện trợ lớn cho Việt Nam. Xin ông cho biết nguồn viện trợ của Australia cho Việt Nam trong năm 2007 sẽ tập trung vào những lĩnh vực nào và vùng nào? Sau công trình cầu Mỹ Thuận, Chính phủ Australia có dự định viện trợ cho dự án nào có quy mô lớn như vậy trong thời gian sắp tới không?
Việt Nam là quốc gia được nhận viện trợ song phương lớn thứ 4 của Australia. Trong năm tới, chương trình viện trợ của Australia tiếp tục tập trung hỗ trợ phát triển nông thôn, giảm nhẹ thiên tai, cung cấp hệ thống cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết với WTO. Australia tiếp tục đặt ưu tiên cao vào khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và các vùng duyên hải miền Trung.
Australia là một trong số các quốc gia cung cấp nhiều học bổng du học nhất cho Việt Nam (hiện nay là 150 suất mỗi năm) và họat động này sẽ tiếp tục được duy trì. Chương trình viện trợ của Australia cũng giúp Việt Nam giải quyết một loạt các vấn đề mang tính khu vực và xuyên biên giới bao gồm buôn người, buôn lậu ma túy, chống khủng bố, cúm gia cầm và HIV/AIDS.
Một ưu tiên nữa sẽ vẫn là tiếp tục sử dụng các mạng lưới của Việt Nam để phân bổ viện trợ của Australia. Điều này bao gồm cả việc tham gia cùng với các nhà tài trợ khác để tài trợ cho dự án Tín dụng Hỗ trợ Giảm Nghèo (PRSC), Chương trình Trọng điểm Quốc gia về Cung cấp Nước sạch và Vệ sinh Nông thôn và Chương trình Hậu gia nhập WTO.
Tháng 4 năm 2006, Chính phủ Australia công bố Sách Trắng về chương trình viện trợ cho nước ngoài của Australia – Viện trợ của Australia: Thúc đẩy Tăng trưởng và Phát triển Bền vững. Một số sáng kiến hình thành nên một phần của Sách Trắng bao gồm Sáng kiến Cơ sở hạ tầng cho Tăng trưởng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Trong khi quá trình phát triển sáng kiến cơ sở hạ tầng này đang diễn ra, sẽ là quá sớm để khẳng định về những dự án cụ thể sẽ được thực hiện theo Sáng kiến này, song Việt Nam có thể sẽ được hưởng lợi từ hoạt động đồng tài trợ với các nhà tài trợ khác cho các dự án hạ tầng cơ sở được lựa chọn.
Được biết để kỷ niệm 219 năm ngày Quốc khánh Australia (26/1/2007), TLSQ dự kiến sẽ tổ chức Liên hoan Văn hoá Australia tại TPHCM vào hạ tuần tháng 1/2007. Xin ông cho biết sự kiện này có trở thành hoạt động thường niên không?
Tôi rất vui có cơ hội giới thiệu Liên hoan Văn hóa Australia tới các độc giả của các bạn vì đây là một cơ hội tuyệt vời để chia xẻ những khía cạnh đặc thù riêng của văn hóa Australia với công chúng Việt Nam. Vì các sự kiện của Liên hoan Văn hóa nhắm vào đối tượng là cả cộng đồng người Australia và Việt Nam tại đây, nên chúng tôi hy vọng các sự kiện sẽ là cơ hội cho cả hai cộng đồng hiểu biết về nhau hơn. Những hoạt động chính của Liên hoan Văn hóa Australia tại TPHCM bao gồm Liên hoan Phim (20-24/1) với các bộ phim đương đại của Australia được chiếu cả bằng tiếng Anh và tiếng Việt, và Ngày hội Ẩm thực và Rượu vang diễn ra vào ngày 21/1. Chúng tôi còn tổ chức một số buổi biểu diễn âm nhạc của các nhạc công người Australia gốc Việt, Giải đấu Gôn và Lễ kỷ niệm chính thức Ngày Quốc khánh Australia. Cho tới nay, những phản hồi tích cực về Liên hoan Văn hóa cho thấy rằng chúng tôi sẽ phải cố gắng để đưa Liên hoan này thành hoạt động thường niên.
Nhân dịp năm mới 2007, ông có thông điệp gì muốn chuyển tới độc giả của website chúng tôi không?
Trước hết, tôi xin chúc mừng Việt Nam vì những thành tựu to lớn trong năm 2006. Việt Nam giờ đây đang thực sự nằm trong tầm phủ sóng ra-đa của thế giới và có thể tự hào vì đã tổ chức thành công Hội nghị APEC và trở thành thành viên thứ 150 của WTO. Từ góc độ cá nhân, tôi xin chân thành cảm ơn các bạn đồng nghiệp Việt Nam đang công tác tại Sở Ngoại vụ vì sự hỗ trợ, đặc biệt là cho chuyến thăm vừa qua của Thủ tướng chúng tôi, và xin chúc các bạn cũng như tất cả các độc giả một năm mới an khang thịnh vượng!
(Thực hiện: BBT Website Sở Ngoại vụ, Hà Phương, ngày 25-1-2007)