Sở Ngoại vụ TPHCM – Chặng đường 35 năm |
Sau khi Miền Nam được hoàn toàn giải phóng vào ngày 30.04.1975, Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã tiếp quản Bộ Ngoại giao của chế độ Việt Nam Cộng hòa tại số 6 đường Alexandre de Rhodes, quận 1, và sự kiện này chính là cột mốc đầu tiên mở ra quá trình hình thành và phát triển Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh trong suốt 35 năm qua (1975 – 2010).
|
Chặng đường 35 năm là một chặng đường dài, trải qua nhiều cột mốc lịch sử, gắn với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, với tư cách là một cơ quan trực thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh đã có những đóng góp thiết thực, quan trọng vào sự nghiệp đối ngoại của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. 1. Giai đoạn từ 30.04.1975 đến 25.04.1976. Đây là giai đoạn tiền thân của Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh, với tên gọi là Ban Ngoại vụ, trực thuộc Ủy ban Quân quản TPHCM. Ông Hoàng Bích Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam được cử làm trưởng đoàn tiếp quản Bộ ngoại giao của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Ngày 02.05.1975, Ban Ngoại vụ Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định được thành lập tại trụ sở số 6 đường Alexandre de Rhodes, quận 1. Ông Hoàng Bích Sơn được giao nhiệm vụ làm trưởng ban và ông Dương Đình Thảo, Vụ trưởng Vụ Báo chí thuộc Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam làm phó ban. Về chức năng của Ban Ngoại vụ, bên cạnh các công tác ngoại vụ của Thành phố, Ban Ngoại vụ còn phụ trách mảng đối ngoại và lãnh sự của Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Ban Ngoại vụ chịu sự chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Thành ủy và Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định. Nhiệm vụ chính trị của Ban Ngoại vụ trong thời gian này là: bảo vệ chủ quyền lợi ích của quốc gia, thể hiện đường lối chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước là đền ơn đáp nghĩa với bạn bè, tăng cường hợp tác với các nước và làm nghĩa vụ quốc tế, góp phần vạch trần tội ác và hậu quả của cuộc chiến tranh xâm lược vừa qua. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Ban Ngoại vụ đã tiến hành một số công tác cụ thể như:
Hoạt động của Ban Ngoại vụ tuy chỉ trong một giai đoạn ngắn ngủi khoảng một năm sau ngày giải phóng, nhưng khối lượng công việc đối ngoại làm được là rất to lớn, tạo ra nền móng vững chắc để Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện tốt những công việc sau này. 2. Giai đoạn từ 1976 – 1986. Sau khi Hiệp thương thống nhất đất nước vào ngày 25.04.1976, Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập thay thế Ban Ngoại vụ. Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan đại diện ở phía Nam, trực thuộc Bộ Ngoại giao, đồng thời chịu sự chỉ đạo của Thành ủy và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Dương Đình Thảo trở thành Giám đốc đầu tiên của Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh trong thời kỳ 1976 – 1977. Sau đó là giữ vị trí Giám đốc các ông Lê Quang Chánh (1977 – 1981, là Phó Chủ tịch UBND TPHCM kiêm nhiệm), Hồ Tư Trực (1981 – 1982), Vũ Hắc Bồng (1982 – 2001). Cũng trong giai đoạn này, Ban Lãnh đạo Sở Ngoại vụ TPHCM còn có những Phó Giám đốc là ông Cao Kiến Thiết (1976 – 2981), ông Hồ Tư Trực (1977 – 1981), ông Huỳnh Anh (1979 – 1986), ông Lâm Văn Khai (1982 – 1991), bà Lê Tuyết Thanh (1982 – 1983), ông Nguyễn Đức Diếu (1982 – 1983) Trong giai đoạn này Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh có những chức năng và nhiệm vụ sau:
* Hỗ trợ thành lập Tổng Lãnh sự quán Campuchia tại Thành phố Hồ Chí Minh. * Tiếp nhận và quản lý Viện Trao đổi văn hóa với Pháp (IDECAF) từ tháng 9.1982. * Phối hợp với Cục Quản lý Xuất nhập cảnh tổ chức thực hiện Chương trình xuất cảnh định cư ODP, Chương trình xuất cảnh con lai, Chương trình xuất cảnh HO (ba chương trình này đều kết thúc vào năm 2001). Để thực hiện tốt những chức năng và nhiệm vụ trên, Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức bộ máy gồm những phòng ban chức năng như sau: 1. Phòng Lãnh sự. 2. Phòng Lễ tân – Báo chí. 3. Phòng K (được thành lập năm 1980, chuyên trách về Campuchia. Đến năm 1982, Phòng K kết thúc nhiệm vụ và được giải thể). 4. Cơ quan Phục vụ Đại diện nước ngoài (đến năm 1984 được tách ra khỏi Sở và trực thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay là Công ty Dịch vụ Cơ quan nước ngoài - FOSCO). 5. Văn phòng Sở. 6. Phòng Tổ chức Cán bộ. 7. Phòng Tài vụ (được thành lập năm 1984). 8. Viện Trao đổi văn hóa với Pháp. 9. Nhà khách quốc tế. Đây là giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn, tình hình quốc tế không thuận lợi cho Việt Nam, tuy nhiên, Sở Ngoại vụ TPHCM đã góp phần quan trọng vào công tác đối ngoại chung của cả nước, từng bước khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. 3. Giai đoạn từ 1986 đến nay. Từ sau năm 1986, khi Việt Nam bắt đầu thực hiện chính sách mở cửa và đổi mới kinh tế, muốn làm bạn và đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới, số lượng các đoàn khách quốc tế tới thăm Thành phố tăng nhanh, trong đó có nhiều đoàn là nguyên thủ quốc gia các nước trên thế giới. Cùng với các đoàn khách quốc tế, số lượng các phóng viên nước ngoài tới tìm hiểu, đưa tin và số lượng các nhà đầu tư nước ngoài tới tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh cũng tăng mạnh. Đặc biêt là số lượng các cơ quan đại diện nước ngoài và các tổ chức quốc tế đã tăng lên nhanh chóng. Các hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế cũng diễn ra thường xuyên với quy mô lớn hơn tại Thành phố. Nhìn chung, hoạt động đối ngoại tại Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn này được mở rộng nhanh cả về chất và lượng. Ban Lãnh đạo Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ này gồm các Giám đốc Vũ Hắc Bồng (1982 – 2001), Lê Quốc Hùng (2001 – 2008), Trần Quang Dũng (từ 2008 đến nay); các Phó Giám đốc Võ Thịnh (1992 – 2002), Lê Quốc Hùng (1994 – 2001), Lương Văn Lý (1994 – 2001), Lê Hưng Quốc (2001 – 2008), Tần Xuân Vũ (2003 – 2007), Trần Quang Dũng (2003 – 2008), Nguyễn Vũ Tú (2007 – 2010), Nguyễn Hồng Lĩnh (từ 2007 đến nay), Trần Thị Hiếu Hạnh (từ 2009 đến nay). Trong bối cảnh mới, Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh bên cạnh việc đảm bảo chức năng chung của ngành ngoại giao về lễ tân và lãnh sự, còn thực hiện một số nhiệm vụ chính như sau:
* Trực tiếp đào tạo ngoại ngữ và nghiệp vụ ngoại giao cho các cán bộ làm công tác đối ngoại và các doanh nghiệp ở các tỉnh thành phía Nam nhằm đáp ứng nhu cầu mở cửa, hội nhập kinh tế. * Tham gia vào các chương trình đào tạo lớn của Thành phố: đào tạo 300 tiến sĩ và thạc sĩ, đào tạo tiếng Anh cho 200 cán bộ của Thành phố. Để đáp ứng với tình hình và nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện một số thay đổi về bộ máy tổ chức:
Trong giai đoạn hiện tại, cơ cấu tổ chức của Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh đã tương đối hoàn chỉnh, phát huy được tốt các chức năng của mình, đảm bảo được khối lượng công tác do Bộ Ngoại giao phân công, đáp ứng yêu cầu công tác đối ngoại của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh thành phía Nam nói chung. Hiện nay cơ cấu bộ máy của Sở Ngoại vụ gồm: 1. Phòng Lễ tân 2. Phòng Lãnh sự 3. Phòng Văn hóa - Thông tin Đối ngoại 4. Phòng Chính trị - Kinh tế Đối ngoại 5. Văn phòng Sở 6. Phòng Tổ chức Cán bộ 7. Nhà khách Chính phủ 8. Viện Trao đổi văn hóa với Pháp (IDECAF) 9. Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng Kiến thức ngoại giao và Ngoại ngữ (CEFALT) 10. Trung tâm Dịch vụ Đối ngoại (FSC) Một cột mốc ghi nhận bước tiến mới của Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh: Trong năm 2008 Sở được nâng cấp lên Cục Hành chính hạng II. Cũng trong năm 2008, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao có quyết định tách hai đơn vị là Viện Trao đổi văn hóa với Pháp (IDECAF) và Trung tâm Dịch vụ Đối ngoại (FSC), hai đơn vụ này được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP. Nhìn chung, cùng với việc hoàn thiện dần bộ máy và tổ chức nhân sự, vai trò và tầm hoạt động của Sở Ngoại vụ TPHCM ngày càng mở rộng, tạo ra bước chuyển biến lớn về công tác ngoại vụ địa phương, cũng như trong các lĩnh vực bồi dưỡng chuyên môn ngoại giao và ngoại ngữ, đào tạo nghiệp vụ, cải tiến các thủ tục lãnh sự… Trong suốt chặng đường 35 năm kể từ khi thành lập cho tới nay, Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh đã không ngừng phấn đấu vươn lên và ngày càng trở nên vững vàng về bản lĩnh chính trị cũng như tính chuyên nghiệp trong hoạt động đối ngoại, đáp ứng ngày càng tốt hơn những yêu cầu và nhiệm vụ mới trong thời kỳ đất nước mở cửa bước vào hội nhập với thế giới. Chặng đường 35 năm qua cũng là một chặng đường đầy khó khăn, phức tạp đối với những người làm công tác ngoại giao, trong điều kiện phải đáp ứng tốt những nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước, Bộ Ngoại giao và Chính quyền Thành phố giao phó theo từng giai đoạn lịch sử của đất nước. Tuy nhiên, với chức năng, nhiệm vụ được phân công, tập thể Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, trở ngại, hoàn thành xuất sắc những trọng trách được giao phó. Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh đã đóng vai trò như cánh tay nối dài của Bộ Ngoại giao tại TPHCM và các tỉnh phía Nam, là đầu mối giúp lãnh đạo thành phố triển khai chính sách đối ngoại một cách hiệu quả và thiết thực. Hiện có 42 cơ quan lãnh sự, 7 văn phòng đại diện kinh tế - thương mại – văn hóa và 5 tổ chức quốc tế đóng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh tham mưu và triển khai các hoạt động của thành phố trên các diễn đàn quốc tế như CITYNET, Diễn đàn Thị trưởng Đông Á, Hiệp hội Thị trưởng các thành phố Pháp ngữ (AIMF), Hiệp hội các thành phố (LUCI)…, hỗ trợ phát triển hợp tác chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… với bạn bè khắp thế giới, tiến hành kết nghĩa với 22 địa phương nước ngoài. Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển trong suốt 35 năm qua, Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh tự hào về những thành tích đã đạt được. Ghi nhận những đóng góp này, Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh đã vinh dự được hai lần đón nhận Huân chương lao động hạng ba (năm 1979) và hạng nhất (năm 2001), Huân chương độc lập hạng ba (2005), cùng với nhiều bằng khen của Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Công đoàn Việt Nam, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh như Bằng khen của Bộ trưởng Bộ ngoại giao (2005), Bằng khen của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (2005), Cờ truyền thống của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (2005), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2007)… Những thành tích mà Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được trong 35 năm qua là nhờ vào:
Trong thời gian tới đây, trên cơ sở đường lối đối ngoại của Đảng và chủ trương, chính sách đối ngoại của nhà nước, Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tập trung vào công tác ngoại giao phục vụ kinh tế, xây dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động đối ngoại tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam, tìm cách phát huy mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh thành phía Nam với các địa phương nước ngoài để đem lại hiệu quả thiết thực hơn. Truyền thống của đơn vị sẽ là tiền đề vững chắc để tập thể cán bộ công chức của Sở Ngoại vụ tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ sắp tới. (BBT Website Sở Ngoại vụ TPHCM) |
Copyright by © 2005 Vietnam Ministry of Foreign Affairs - Office in HCM City Email: Banbientap@mofahcm.gov.vn |