Quy chế về Lãnh sự Danh dự của nước ngoài tại Việt Nam

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 139/2000/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 139/2000/QĐ-TTG NGÀY 04 THÁNG 12 NĂM 2000 BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ LÃNH SỰ DANH DỰ CỦA NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM


THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao,


QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về lãnh sự danh dự của nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 443/TTg ngày 30 tháng 8 năm 1993 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định đối với lãnh sự danh dự của nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 3. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Nguyễn Mạnh Cầm

(Đã ký)

 



 QUY CHẾ

VỀ LÃNH SỰ DANH DỰ CỦA NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM


(Ban hành kèm theo Quyết định số : 139/2000/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ)


Điều 1.

1. Chính phủ Việt Nam chấp thuận việc bổ nhiệm viên chức lãnh sự danh dự của nước ngoài để đứng đầu Tổng lãnh sự quán, Lãnh sự quán, Phó lãnh sự quán và Đại lý lãnh sự quán của nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi chung là "cơ quan lãnh sự"). Người đứng đầu các cơ quan này tương ứng với thứ tự trên là Tổng lãnh sự danh dự, Lãnh sự danh dự, Phó lãnh sự danh dự và Đại lý lãnh sự danh dự (sau đây gọi chung là "Lãnh sự danh dự").

2. Lãnh sự danh dự của nước ngoài tại Việt Nam không phải là viên chức Nhà nước, không nhận lương của Chính phủ bất cứ nước nào, được nước ngoài ủy nhiệm (sau đây gọi là "nước cử") và được Bộ Ngoại giao Việt Nam (sau đây gọi là "Bộ Ngoại giao") chấp thuận thực hiện các chức năng lãnh sự trong khi vẫn có thể hoạt động nghề nghiệp hoặc thương mại sinh lợi tại Việt Nam.

Điều 2. Việc thành lập cơ quan lãnh sự và bổ nhiệm Lãnh sự danh dự được thực hiện như sau:

1. Nước cử gửi công hàm đề nghị Bộ Ngoại giao chấp thuận về nguyên tắc việc lập cơ quan lãnh sự, trong đó nêu sự cần thiết của việc lập cơ quan lãnh sự, dự kiến khu vực lãnh sự và tên gọi của cơ quan lãnh sự. Bộ Ngoại giao xem xét chấp thuận về nguyên tắc việc thành lập cơ quan lãnh sự.

2. Sau khi được chấp thuận về nguyên tắc, nước cử gửi công hàm đề nghị Bộ Ngoại giao chấp thuận việc cử người làm Lãnh sự danh dự, kèm theo bản trích yếu tiểu sử của người đó, dự kiến nơi đặt trụ sở cơ quan lãnh sự và các chức năng lãnh sự. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Ngoại giao có thể yêu cầu nước cử bổ sung những thông tin liên quan khác.

3. Sau khi trao đổi với các cơ quan hữu quan, Bộ Ngoại giao quyết định việc chấp thuận người được cử làm Lãnh sự danh dự của nước ngoài tại Việt Nam.

4. Người được chấp thuậnlàm Lãnh sự danh dự được Bộ Ngoại giao cấp miễn phí Giấy chấp nhận lãnh sự. Giấy chấp nhận lãnh sự có thể bị thu hồi bất kỳ lúc nào mà không cần nêu lý do.

5. Cơ quan lãnh sự và Lãnh sự danh dự chỉ được phép hoạt động sau khi Lãnh sự danh dự được cấp Giấy chấp nhận lãnh sự.

Điều 3. Khu vực lãnh sự của cơ quan lãnh sự không vượt quá địa giới hành chính của một tỉnh hoặc một thành phố trực thuộc Trung ương và bao gồm ít nhất một huyện, thị xã, hoặc một quận thuộc tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 4.

1. Lãnh sự danh dự phải có quốc tịch nước cử hoặc quốc tịch Việt Nam.

2. Trường hợp nước cử muốn bổ nhiệm người mang hai hay nhiều quốc tịch làm Lãnh sự danh dự thì phải được Bộ Ngoại giao đồng ý. Sự đồng ý này có thể bị rút lại bất kỳ lúc nào mà không cần nêu lý do.

Điều 5. Người được đề nghị chấp thuận làm Lãnh sự danh dự phải có chỗ ở hoặc nơi làm việc trong khu vực lãnh sự của cơ quan lãnh sự mà người đó dự kiến đứng đầu, đã cư trú hoặc làm việc ít nhất 01 năm trong khu vực lãnh sự, có lý lịch tư pháp rõ ràng, có khả năng về tài chính, không phải là Lãnh sự danh dự cho một nước ngoài khác tại Việt Nam.

Điều 6

1. Trong trường hợp Lãnh sự danh dự không thể thực hiện chức năng của mình, nước cử có thể đề nghị Bộ Ngoại giao chấp thuận người tạm thời thay thế Lãnh sự danh dự, đồng thời nêu rõ lý do, thời gian thay thế, chức năng lãnh sự người đó được thực hiện và bản trích yếu tiểu sử của người đó.

2. Sau khi trao đổi với các cơ quan hữu quan, Bộ Ngoại giao xem xét chấp thuận người tạm thời thay thế Lãnh sự danh dự. Việc chấp thuận này có thể bị rút lại bất kỳ lúc nào mà không cần nêu lý do.

Điều 7. Bộ Ngoại giao hướng dẫn, giải quyết việc thay đổi trụ sở, mở rộng hoặc thu hẹp khu vực lãnh sự, thay thế Lãnh sự danh dự, chấm dứt hoạt động của cơ quan lãnh sự và Lãnh sự danh dự.

Điều 8.

1. Lãnh sự danh dự có quyền thực hiện các chức năng lãnh sự do nước cử ủy nhiệm và được Bộ Ngoại giao chấp thuận.

2. Các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tạo thuận lợi cho cơ quan lãnh sự và Lãnh sự danh dự thực hiện chức năng của mình theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, hoặc theo thoả thuận giữa Việt Nam và nước cử.

Điều 9.

1. Khi thực hiện các chức năng lãnh sự, Lãnh sự danh dự có quyền:

a) Trực tiếp liên hệ, làm việc với các cơ quan địa phương của Việt Nam trong khu vực lãnh sự;

b) Thông qua cơ quan đại diện ngoại giao của nước cử tại Việt Nam (nếu có) để liên hệ, làm việc với các cơ quan Trung ương của Việt Nam. Trong trường hợp nước cử không có cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam thì Lãnh sự danh dự có thể thông qua Bộ Ngoại giao để liên hệ.

2. Khi dự định tổ chức các hoạt động lễ tân (chiêu đãi, chiếu phim ...) có mời khách là công dân Việt Nam hoặc cần sự giúp đỡ của phía Việt Nam, Lãnh sự danh dự phải thông báo trước 07 ngày cho cơ quan ngoại vụ địa phương hoặc cho một cơ quan do ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan chỉ định.

Điều 10. Hồ sơ lưu trữ và tài liệu của cơ quan lãnh sự là bất khả xâm phạm với điều kiện những hồ sơ và tài liệu đó phải được để tách biệt với những giấy tờ, tài liệu, thư tín mang tính chất cá nhân hoặc liên quan đến nghề nghiệp hay hoạt động thương mại của Lãnh sự danh dự và của những người cùng làm việc với Lãnh sự danh dự.

Điều 11. Cơ quan lãnh sự có thể tuyển dụng lao động để phục vụ cho công tác lãnh sự trên cở sở tuân thủ các quy định liên quan của pháp luật Việt Nam.

Điều 12.

1. Cơ quan lãnh sự có quyền sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc thông thường như thư tín, điện thoại, telex, fax ..., thông qua hệ thống bưu chính viễn thông của Việt Nam.

2. Chỉ trong những trường hợp được Bộ Ngoại giao cho phép, cơ quan lãnh sự mới có thể sử dụng giao thông viên ngoại giao, giao thông viên lãnh sự, túi ngoại giao, túi lãnh sự, điện mật mã để liên lạc với các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc với Chính phủ của nước cử.

Điều 13.

1. Cơ quan lãnh sự và Lãnh sự danh dự không phải là công dân Việt Nam hoặc không phải là người nước ngoài thường trú tại Việt Nam được hưởng các quyền ưu đãi, miễn trừ theo Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam ngày 23 tháng 8 năm 1993, các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

2. Lãnh sự danh dự là công dân Việt Nam hoặc là người nước ngoài thường trú tại Việt Nam, người tạm thời thay thế Lãnh sự danh dự được hưởng quyền được thông báo cho nước cử khi bị bắt, tạm giữ, tạm giam hoặc bị truy tố; quyền không phải cung cấp chứng cứ liên quan đến chức năng lãnh sự; và quyền miễn trừ xét xử như dành cho Lãnh sự danh dự theo Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam ngày 23 tháng 8 năm 1993 đối với những hành động chính thức trong khi thực hiện chức năng lãnh sự.

3. Thành viên gia đình của Lãnh sự danh dự và của người tạm thời thay thế Lãnh sự danh dự, nhân viên cơ quan lãnh sự không được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ.

Điều 14. Lãnh sự danh dự, người tạm thời thay thế Lãnh sự danh dự có nghĩa vụ tôn trọng pháp luật và tập quán của Việt Nam.

Điều 15. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Quy chế này.

 

 
Copyright by © 2005 Vietnam Ministry of Foreign Affairs - Office in HCM City Email: Banbientap@mofahcm.gov.vn