Thành phố Thẩm Dương (CHND Trung Hoa)

 

Vị trí thành phố Thẩm Dương trong tỉnh Liêu Ninh

 

 

Bản đồ đô thị Thẩm Dương

a. Thông tin cơ bản:

Dân số:

Tổng dân số thành phố là 7,204 triệu người, trong đó dân số nội thành là 5,066 triệu người (số liệu năm 2006).

Diện tích:

Tổng diện tích thành phố là 13.000 km2, trong đó diện tích nội thị khoảng 3.495 km2.

Vị trí địa lý:

Thẩm Dương, tên gọi tắt là Thẩm, là thủ phủ tỉnh Liêu Ninh, thành phố trung tâm lớn nhất của vùng đông bắc Trung Quốc. Thẩm Dương nằm ở phía nam khu vực đông bắc, miền trung tỉnh Liêu Ninh, có địa hình chủ yếu là đồng bằng và một phần gò đồi thấp phía đông nam. Trong địa phận thành phố có các sông Liêu Hà, Hỗn Giang, Tú Thủy chảy qua.

 

Sông Liêu Hà

Khí hậu:

Mang tính lục địa ôn đới bán ẩm ướt, có bốn mùa rõ rệt. Nhiệt độ trong năm dao động từ - 290C – 360C, bình quân 8,30C, lượng mưa trung bình hàng năm là 500mm.

Đơn vị hành chính:

Thẩm Dương được chia thành 9 khu, 1 thành phố trực thuộc và 3 huyện. 9 khu gồm Đại Đông, Hòa Bình, Hoàng Cô, Thẩm Hà, Thiết Tây, Vu Hồng, Tô Gia Đồn, Đông Lăng, Thẩm Bắc; 1 thành phố trực thuộc là Tân Dân; 3 huyện là Pháp Khố, Khang Bình, Liêu Trung.

 

Thẩm Dương ngày nay

Lịch sử:

Thẩm Dương là thành phố văn hóa lịch sử nổi tiếng, cái nôi của nền văn hóa lưu vực Liêu Hà. Thời kỳ đồ đá mới cách đây hơn 7.200 năm, khu vực này đã có người sinh sống. Năm 229 trước Công nguyên, Hầu Thành được xây dựng tại đây, Thẩm Dương được chính thức hình thành từ đấy.

Năm 1625, Nỗ Nhĩ Cáp Xích (Nurhachi) xây dựng kinh đô tại đây, đặt tên là Thịnh Kinh. Năm 1636, Hoàng Thái Cực (Huangtaiji) đổi quốc hiệu là “Thanh”, dựng nên nhà Thanh. Năm 1644, nhà Thanh vào Bắc Kinh, Thịnh Kinh trở thành kinh đô phụ. Từ đó, Thẩm Dương là trung tâm hành chính của chế độ phong kiến quân phiệt, đế quốc dưới tên gọi Phụng Thiên cho đến khi được giải phóng vào tháng 11/1948.

 

Thành phố Thẩm Dương về đêm

Chính trị:

Cơ cấu tổ chức chính quyền địa phương:

Chính quyền nhân dân thành phố và các Ủy ban, Cục cơ quan chức năng như Ủy ban Phát triển và Cải cách, Ủy ban Giáo dục, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Khoa học kỹ thuật, Ủy ban Nông nghiệp, Ủy ban Các sự vụ Tôn giáo và Dân tộc, Cục Công an, Cục Dân chính, Cục Tài chính, Cục Dân sự, Cục Lao động và Xã hội, Cục Y tế, Cục Thủy lợi, Cục Thống kê, Cục Thể dục Thể thao…

Lãnh đạo thành phố Thẩm Dương:

  • Bí thư Thành ủy: Trần Chính Cao
  • Thị trưởng: Lý Anh Kiệt

Kinh tế:

GDP:

Năm 2005 tổng giá trị sản xuất đạt 224 tỷ Nhân dân tệ, tăng gấp đôi so với năm 2000, tăng trưởng luôn giữ mức hai con số trong vòng 5 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm đạt 13,8%. Thu nhập tài chính địa phương đạt 181,5%.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 4,59 tỷ USD, tăng 7,5% so với năm ngoái, trong đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 2,22 tỷ USD, giảm 8,3%, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,371 tỷ USD, tăng 29,7%. Trong các sản phẩm xuất khẩu, giá trị xuất khẩu các sản phẩm cơ điện đạt 1,397 tỷ USD, chiếm 56,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Vai trò của Thẩm Dương đối với sự tăng trưởng của Trung Quốc:

Thẩm Dương là một thành phố công nghiệp nặng quan trọng của Trung Quốc với 3.033 nhà máy có quy mô lớn. Trong phạm vi bán kính 150 km xung quanh Thẩm Dương, tập trung 8 thành phố công nghiệp lớn nghiêng về công nghiệp cơ bản và công nghiệp chế tạo.

Những năm gần đây, các ngành công nghiệp phát triển toàn diện. Các ngành chế tạo ôtô, linh kiện xe máy, điện tử viễn thông, hóa chất bước đầu trở thành cột trụ quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế; năng lực sáng tạo khoa học kỹ thuật và phát triển doanh nghiệp không ngừng được nâng cao, hình thành hàng loạt sản phẩm mang tính cạnh tranh cao; bên cạnh đó, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng kết hợp với việc bảo vệ môi trường.

 

Một nhà máy ở Thẩm Dương

Kinh tế xã hội thành phố không ngừng phát triển, mức sống người dân được nâng cao, Thẩm Dương đã đạt được danh hiệu “Thành phố điển hình bảo vệ môi trường quốc gia”, “Thành phố xanh cả nước”. Liên tục trong hai năm gần đây, Thẩm Dương luôn đứng trong tốp 10 các thành phố tốt nhất, có sức cạnh tranh cao nhất Trung Quốc.

Các ngành nghề là thế mạnh:

Thẩm Dương có thực lực công nghiệp hùng hậu, lấy công nghiệp chế tạo máy làm chủ đạo. Bên cạnh đó, nông nghiệp phát triển mạnh với các ngành chính là trồng lúa, rau quả. Thẩm Dương còn là trung tâm thương mại, tài chính, kinh tế đối ngoại, trao đổi hàng hóa lớn nhất vùng đông bắc

Giao thông vận tải:

Thẩm Dương là cảng hàng không, đầu mối giao thông đường sắt, đường ôtô lớn nhất của khu vực đông bắc, có hệ thống đường cao tốc tỏa khắp nối các thành phố lớn, thông với cảng lớn Đại Liên, Doanh Khẩu, Cẩm Châu với chiều dài 400 km.

Thẩm Dương nằm trên tuyến đường sắt Kinh Cáp và các tuyến đường sắt nối Đại Liên, Đan Đông, Tứ Bình. Đường ôtô cao tốc nối Bắc Kinh, Trường Xuân, Cáp Nhĩ Tân, Đại Liên, Đan Đông. Đường sông chủ yếu có sông Liêu Hà. Sân bay quốc tế Đào Tiên có 53 tuyến bay trực tiếp với các thành phố lớn trong nước, 19 tuyến bay quốc tế.

Năm 2005, Thẩm Dương đón tiếp 3,265 triệu lượt khách quốc tế đến từ 159 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.            

Văn hóa - xã hội:

Một số danh lam thắng cảnh nổi tiếng:

Cố cung Thẩm Dương là quần thể kiến trúc cung điện hoàn chỉnh lớn thứ hai mà Trung Quốc còn giữ được sau Cố cung Bắc Kinh. Cung điện có giá trị lịch sử và nghệ thuật rất cao, được xây dựng từ năm 1625 và hoàn thành vào năm 1636, là hoàng cung của Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích (Nurhachi) và Thanh Thái Tông Hoàng Thái Cực (Huangtaiji).

 

Cố cung Thẩm Dương

Đông Lăng (Phúc Lăng) là lăng mộ Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích (Nurhachi) và hoàng hậu Diệp Hách Nạp Thích (Yehenala) có diện tích hơn 500 ha, kiến trúc trang nghiêm, điêu khắc tinh tế, thể hiện được nghệ thuật kiến trúc truyền thống độc đáo của Trung Quốc.

 

Đông Lăng

Công viên Bắc Lăng (Chiêu Lăng) là lăng mộ của Thanh Thái Tông Hoàng Thái Cực (Huangtaiji) và Hiếu Đoan Văn Hoàng hậu (Boerjijite), có diện tích 3,32 triệu m2, là điểm du lịch kết hợp tham quan lăng mộ và phong cảnh vườn rừng.

Website chính thức:

http://www.shenyang.gov.cn

b. Hoạt động hợp tác:

Văn kiện ký kết:

Tháng 4 năm 1999, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Chí và Phó Thị trưởng thành phố Thẩm Dương Khương Hiến Chí đã ký “Bản thỏa thuận hữu nghị giữa thành phố Hồ Chí Minh nước CHXHCN Việt Nam và thành phố Thẩm Dương nước CHND Trung Hoa” tại TPHCM.

Hoạt động giao lưu:

Các đoàn đã trao đổi:

  • Các đoàn TPHCM đã sang thăm Thẩm Dương: Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Minh Triết đã sang thăm Thẩm Dương vào tháng 07-2000.
  • Các đoàn Thẩm Dương sang thăm TPHCM: Bí thư Thành ủy Thẩm Dương Từ Văn Tài đã sang thăm TPHCM vào tháng 04-1999.

(Nguồn: Phòng Chính trị Kinh tế Đối ngoại, ngày 31-1-2007)

 

 
Copyright by © 2005 Vietnam Ministry of Foreign Affairs - Office in HCM City Email: Banbientap@mofahcm.gov.vn