Tỉnh Champasak (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào)

 

Vị trí của Champasak trên đất nước Lào

 

Bản đồ tỉnh Champasak

Thông tin cơ bản:

Vị trí địa lý:

Tỉnh Champasak (hay còn gọi là Champassak) là một tỉnh lớn nằm ở phía tây nam Lào, giáp biên giới với Thái Lan và Campuchia. Sông Mekong và Se Don chảy qua tỉnh này. Các tỉnh lân cận với Champasak về phía bắc là Salavan, Xekong và Attopu, các tỉnh của Campuchia về phía nam là Stung Treng và Preah Vihear, tỉnh của Thái Lan về phía tây là Ubon Ratchathani.

 

Sông Mekong chảy qua Champasak

Dân số: 598.339 người (năm 2005).

Diện tích: 15.410 km2

Khí hậu:

Có khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm, chia thành 2 mùa rõ rệt: mùa khô từ tháng 5 đến tháng 9 và mùa mưa từ tháng 10 đến tháng 4.

Lịch sử:

Cách đây 1.400 năm về trước, Champasak đã là một lãnh địa hùng mạnh trong lưu vực Hạ sông Mekong. Từ thế kỷ I đến thế kỷ IX, Champasak là đất của vương quốc Funan và Chenla. Sau đó Champasak trở thành vùng đất tiền đồn của vương triều Khmer dưới thời Angkor rồi trở thành 1 trong 3 lãnh địa thuộc vương quốc Lane Xang. Năm 1946, vương quốc Lào ra đời và Champasak trở thành 1 tỉnh của vương quốc. Năm 1975 nhà nước CHDCND Lào ra đời và Champasak vẫn là 1 tỉnh dưới thể chế nhà nước mới.

Ngày nay Champasak là một trong 18 tỉnh và là tỉnh có diện tích lớn nhất của nước CHDCND Lào.

 

Trên đường phố Champasak ngày nay

Chính trị:

Cơ cấu tổ chức chính quyền địa phương:

Tỉnh Champasak có thủ phủ là Pakse và 10 huyện (Bachiangchaleunsook, Champasak, Khong, Moonlapamok, Pakse, Paksong, Pathoomphone, Phonthong, Sanasomboon, Sukhuma) được chia thành 924 làng xã dưới sự lãnh đạo của Chính quyền nhân dân và Tỉnh ủy.

Lãnh đạo tỉnh Champasak:

  • Bí thư Tỉnh ủy: ông Soukanh Mahalath
  • Tỉnh trưởng: ông Sonsay Siphandone

Kinh tế:

Vai trò của tỉnh Champasak đối với sự tăng trưởng của Lào:

Champasak là một tỉnh lớn nhất của Lào (xét về diện tích), là trung tâm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và du lịch của Nam Lào. Champasak có vị trí chiến lược về kinh tế, là đầu mối giao thông từ Thái Lan, Campuchia, từ Trung Lào xuống và đi sang phía Đông (đường 18A, 18B). Thủ phủ của Champasak là thị xã Pakse, là trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa của cả 4 tỉnh Nam Lào, cách Viêng Chăn trên 650 km.

Sân bay Pakse đã được nâng cấp thành sân bay quốc tế cấp khu vực vào tháng 3/2002. Do vị trí địa lý giáp với các tỉnh của Thái Lan, Campuchia, nên Champasak có thêm lợi thế phát triển kinh tế mậu biên.

 

Sân bay Champasak với lối kiến trúc truyền thống Lào

Các ngành nghề là thế mạnh:

Champasak có tài nguyên phong phú và đa dạng về rừng, đồng bằng, cao nguyên. Đất đai màu mỡ thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Một phần cao nguyên Bolaven nằm giữa hai tỉnh Salavan và Champasak được sử dụng để trồng trà, cà phê, bạch đậu khấu, chuối và các hoa màu khác. Champasak là một trong những vựa lúa lớn nhất của Lào.

 

Thu hoạch trà

Champasak còn có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, thủy điện, và đặc biệt là du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng.

Hiện nay tỉnh Champasak được chia thành 3 khu vực kinh tế: Khu vực chuyên canh cây công nghiệp chuyên canh lúa, ngô, khoai sắn; khu vực công nghiệp rộng 2.500 hecta; khu vực xây dựng kinh tế  - chính trị - văn hóa - du lịch.

 

Một khu chợ buôn bán nông sản

Văn hóa - xã hội:

Một số danh lam thắng cảnh nổi tiếng:

Khu Di sản văn hóa thế giới Wat Phu cách Pakse khoảng 45 km, nằm phía bắc sườn núi Kao. Wat Phu là một quần thể đền đài bằng đá và là một kỳ công kiến trúc, được xây dựng qua nhiều thế kỷ, sớm nhất vào khoảng thế kỷ VI – VIII và muộn nhất vào thế kỷ IX – XIII, dưới thời đế chế của người Khmer. UNESCO công nhận Wat Phu là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2001. Khu đền đài mang phong cách kiến trúc Hindu giáo, thờ thần Shiva và lối kiến trúc này được xem là rất gần gũi với Di sản văn hóa thế giới Angkor Wat của nước láng giềng Campuchia.

 

Di sản văn hóa thế giới Wat Phu

Thác nước Khone Pha Pheng nằm cách Pakse 130 km. Đây là thác nước lớn nhất vùng Đông Nam Á. Khách du lịch bị thu hút vì đây là nơi duy nhất ở Đông Nam Á, người ta có thể chiêm ngưỡng những con cá heo mỏ.

 

Thác nước Khone Pha Pheng

Ngoài ra Champasak còn có những danh lam thắng cảnh như đền Wat Oum Muong, núi Phou Asa ở làng Khiatmong, làng dệt Saphai Veunexay, khu bảo tồn rừng Dong Hua Sao…

Các lễ hội đặc sắc của Champasak:

Lễ hội buôn Wat Phou tháng 2, Lễ hội buôn Pha Veat tháng 3, Lễ hội buôn Pi Mai Lao tháng 4, Lễ hội buôn Bang Phai tháng 5, Lễ hội buôn Khao Phan Sa tháng 6, Lễ đua thuyền tháng 10…

Website chính thức:

http://www.laoembassy.com/discover/sites/champassack.htm

 

Hoạt động hợp tác:

Văn kiện ký kết:

* Thỏa thuận về Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa TPHCM và tỉnh Champasak.

Ngày ký: 28-08-2001

Nơi ký: Pakse, tỉnh Champasak.

Người ký: Phó Chủ tịch UBND TPHCM Mai Quốc Bình và Phó Tỉnh trưởng tỉnh Champasak Sengkham Phomkhe.

Nội dung: Hàng năm hai bên trao đổi đoàn cấp cao và các đoàn cấp quận huyện ban ngành; TPHCM xây dựng tặng tỉnh Champasak một Trung tâm Văn hóa các bộ tộc Lào; hai bên hợp tác một số dự án trong lĩnh vực nông nghiệp.

* Bản ghi nhớ giữa TPHCM và tỉnh Champasak.

Ngày ký: tháng 06-2002.

Nơi ký: Champasak

Người ký: Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM Nguyễn Hữu Tín và Giám đốc Sở Kế hoạch Hợp tác tỉnh Champasak.

Nội dung: Hàng năm TPHCM sẽ cấp 10 suất học bổng về các ngành nghề cho tỉnh Champasak để đào tạo cử nhân và thạc sĩ; tỉnh Champasak sẽ cử chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp sang  học tập kinh nghiệm của TPHCM.

Hoạt động giao lưu:

Các đoàn đã trao đổi:

Các đoàn TPHCM đã sang thăm tỉnh Champasak:

  • Tháng 09-2001: Đoàn do Bí thư Thành ủy Nguyễn Minh Triết dẫn đầu.
  • Tháng 06-2002: Đoàn do Chủ tịch UBND Lê Thanh Hải dẫn đầu.
  • Tháng 08-2004: Đoàn do Bí thư Thành ủy Nguyễn Minh Triết dẫn đầu.
  • Tháng 04-2007: Đoàn do Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải dẫn đầu.

Các đoàn tỉnh Champasak đã sang thăm TPHCM:

  • Tháng 01-2003: Đoàn do Bí thư kiêm Tỉnh trưởng tỉnh Champasak Onnua Phommachan chăn dẫn đầu.
  • Tháng 07-2003: Đoàn do Bí thư kiêm Tỉnh trưởng tỉnh Champasak Thongvang Sihachac dẫn đầu.
  • Tháng 07-2005: Đoàn tỉnh Champasak do Bí thư kiêm Tỉnh trưởng tỉnh Champasak Soukanh Mahalath dẫn đầu.
  • Tháng 09-2006: Đoàn do Tỉnh trưởng kiêm Phó Bí thư Tỉnh ủy Sonsay Siphandon dẫn đầu.

Dự án hợp tác:

Nông nghiệp:

            Do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM phối hợp cùng Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn thực hiện. Kết quả là:

  • Đã tổ chức tập huấn cho 10 cán bộ kỹ thuật của Sở Nông nghiệp Champasak trong thời gian 1 tháng ở các ngành: sản xuất thức ăn gia súc, giống cây trồng, chăn nuôi bò sữa và nuôi cá bè.
  • Đã tặng cho tỉnh Champasak 10 con bò giống. Đến nay tỉnh đã nhân được ra thành 16 con.
  • Tặng cho tỉnh Champasak 1 máy trộn thức ăn gia súc với công suất 200 kg/mẻ.

Thực hiện dự án đầu tư vùng trồng bắp giống F1 và sản xuất nông nghiệp tại Lào: Tỉnh Champasak đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo dự án của tỉnh phối hợp với Công ty Bảo vệ thực vật Sài Gòn (SPC) khảo sát và xây dựng dự án tiền khả thi. Tiến độ như sau:

  • Công ty Bảo vệ thực vật Sài Gòn đã hợp đồng với Sở Nông Lâm nghiệp tỉnh Champasak để khảo sát, đo đạc, cắm mốc ranh giới, lập bản đồ dự kiến thuê 1.000 ha đất.
  • Hiện nay, Công ty Bảo vệ thực vật Sài Gòn đã thuê 5 ha đất tại địa điểm dự án để tiến hành trồng thử nghiệm các loại cây trồng.

Công nghiệp:

            Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (HEPZA) đang nghiên cứu đề án giúp tỉnh Champasak xây dựng khu công nghiệp.

Y tế:

Trung tâm MEDIC TPHCM đã huấn luyện cho 1 đoàn bác sĩ của tỉnh Champasak về siêu âm, cấp cứu, mổ nội soi tại Bệnh viện Nhân dân 115.

Hàng năm, Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TPHCM tổ chức cho đoàn bác sĩ sang mổ mắt miễn phí cho những bệnh nhân bị đục thủy tinh thể ở tỉnh Champasak

 Giáo dục:

            Mỗi năm TPHCM hỗ trợ đào tạo giúp tỉnh Champasak 10 cán bộ (hệ sau đại học). Chương trình này do Sở Giáo dục Đào tạo phối hợp với Sở Ngoại vụ thực hiện từ năm 2003.

Hỗ trợ lập đề án tổng thể phát triển kinh tế:

TS. Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM làm trưởng nhóm, phối hợp với các sở ban ngành đang nghiên cứu đề án giúp tỉnh Champasak lên kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế. 

Viện trợ:

            TPHCM hỗ trợ tỉnh Champasak xây dựng Trung tâm Văn hóa các dân tộc. Trung tâm đã được hoàn thành và hiện đang được đưa vào sử dụng.

(Ban Biên tập Website, Phòng Chính trị Kinh tế Đối ngoại TPHCM ngày 18-4-2007)

 

 
Copyright by © 2005 Vietnam Ministry of Foreign Affairs - Office in HCM City Email: Banbientap@mofahcm.gov.vn