Hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc là nguyện vọng chung và lợi ích lớn của nhân dân hai nước

Nhân dịp tỉnh Lào Cai hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên thực địa với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, ông Vũ Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia đã trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

 

 

Hỏi: Xin ông cho biết ý nghĩa của việc hoàn thành phân giới cắm mốc (PGCM) biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc tại địa bàn tỉnh Lào Cai?

  

Trả lời: Với việc cắm cột mốc số 144 tuần qua, công tác PGCM trên tuyến biên giới của tỉnh Lào Cai của Việt Nam với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc đã kết thúc thắng lợi. Lào Cai trở thành tỉnh đầu tiên trong bảy tỉnh biên giới phía bắc nước ta hoàn thành nhiệm vụ mang tính lịch sử quan trọng này. Sự kiện này không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với Lào Cai, mà còn có tác dụng lan tỏa tích cực đối với cả khu vực biên giới Việt - Trung và mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước.

 

Từ nay, đường biên giới của tỉnh Lào Cai đã được xác định rõ ràng và được đánh dấu bằng một hệ thống mốc giới hiện đại trên thực địa, tạo cơ sở để các ngành chức năng tiến hành quản lý biên giới một cách hiệu quả, góp phần gìn giữ sự ổn định ở khu vực biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng giao lưu hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam nói riêng và giữa Việt Nam với Trung Quốc nói chung.

 

Lào Cai hoàn thành PGCM cũng sẽ cổ vũ, khích lệ công tác PGCM trên toàn tuyến biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Các bài học và kinh nghiệm của Lào Cai chắc chắn sẽ được các tỉnh khác tham khảo, học tập để đẩy nhanh tiến độ PGCM nhằm hoàn thành nhiệm vụ có ý nghĩa lịch sử này trong sáu tháng đầu năm 2008, theo tinh thần chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước ta, cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

 

Ðúng như phát biểu ý kiến của đại diện lãnh đạo tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tại Lễ mừng công hoàn thành công tác PGCM của tỉnh Lào Cai ngày 30-12-2007 vừa qua: Có thể coi đây là "bông hoa đẹp" của quan hệ hợp tác, hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc nói chung và Lào Cai nói riêng, góp phần xây dựng đường biên giới Việt - Trung thật sự trở thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển.

 

Hỏi:  Xin ông cho biết thực trạng tình hình PGCM trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc và khả năng hoàn thành toàn bộ nhiệm vụ này trước tháng 6-2008?

 

Trả lời: Biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc dài khoảng 1.400 km. Hai bên thống nhất cắm khoảng 1.800 cột mốc, trong đó có 1.533 mốc chính và gần 300 mốc phụ.

 

Kể từ khi cắm mốc giới đầu tiên tại cặp cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) và Ðông Hưng (Quảng Tây) cuối năm 2001, trải qua hơn sáu năm bền bỉ phấn đấu, khắc phục muôn vàn khó khăn, gian khổ, đến nay các lực lượng PGCM của hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã hoàn thành hơn 85% khối lượng công việc PGCM trên thực địa, đồng thời đã khẩn trương tiến hành nghiệm thu thành quả PGCM, đăng ký mốc giới, mô tả hướng đi của đường biên giới, hoàn chỉnh bản đồ đính kèm Nghị định thư PGCM...

 

Ngoài Lào Cai, các tỉnh Lai Châu, Quảng Ninh cũng đã hoàn thành hơn 95% công việc, Nhóm PGCM số sáu thuộc tỉnh Hà Giang cũng vừa hoàn thành toàn bộ công việc trên thực địa.

 

Mặt khác, để đẩy nhanh tiến độ PGCM, vừa qua, tại Hà Nội, hai Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ đàm phán về biên giới lãnh thổ Việt Nam và Trung Quốc đã nhất trí một số biện pháp quan trọng để đẩy nhanh tiến độ PGCM như tăng cường lực lượng PGCM, ưu tiên ổn định cuộc sống bình thường của cư dân biên giới, dỡ bỏ tất cả các công trình nằm trên đường biên giới, kể cả các công trình quân sự... để tạo thuận lợi cho PGCM.

 

Như vậy, với tiến độ PGCM như hiện nay và với các biện pháp quan trọng chỉ đạo công tác PGCM mà hai bên đã thỏa thuận, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng công tác PGCM trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc sẽ hoàn thành thắng lợi trong sáu tháng đầu năm 2008 như thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

 

Hỏi: Một số mạng nước ngoài đưa tin thất thiệt rằng, Việt Nam bị mất đất. Ông có bình luận gì về ý kiến này?

 

Trả lời: Chủ quyền lãnh thổ là vấn đề hết sức thiêng liêng đối với bất kỳ quốc gia, dân tộc nào. Ðối với dân tộc Việt Nam thì chủ quyền lãnh thổ lại càng thiêng liêng cao cả. Dân tộc ta từ nghìn xưa đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Gần tám thập kỷ qua, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Bác Hồ kính yêu, đã đi qua những cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ, chịu đựng những hy sinh, mất mát to lớn để giữ vững chủ quyền lãnh thổ của mảnh đất thân yêu này.

 

Trong đàm phán với Trung Quốc và các nước láng giềng khác cũng như trong quá trình PGCM trên thực địa, chúng ta đều đã thể hiện hết sức rõ ràng lập trường bất di bất dịch, đó là: chủ quyền lãnh thổ là vấn đề mang tính nguyên tắc, không thể nhân nhượng. Vì vậy, không thể có chuyện "Việt Nam mất đất", "cắt đất" cho nước này, nước kia như một số mạng nước ngoài đưa tin.

 

Chỉ có thể giải thích rằng những mạng này hoặc do thiếu thông tin hoặc cố tình làm sai lệch thông tin vì những ý đồ khác nhau.

 

Việt Nam và Trung Quốc khởi động đàm phán về vấn đề biên giới trên bộ và Vịnh Bắc Bộ từ năm 1974. Năm 1991, hai bên ký Hiệp định tạm thời về việc giải quyết các công việc trên vùng biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, năm 1993, ký tiếp Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai nước; theo đó, về biên giới trên bộ, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, cam kết tôn trọng đường biên giới lịch sử theo các Công ước Pháp - Thanh 1887 và 1895 để lại. Ngày 30-12-1999, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp ước biên giới trên đất liền.

 

Vì vậy, có thể nói Hiệp ước 30-12-1999 là kết quả của quá trình đàm phán kiên trì trong rất nhiều năm giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hiệp ước đã phản ánh đầy đủ, hoàn chỉnh nhất đường biên giới lịch sử để lại theo những nguyên tắc đã nói ở trên.

 

Hỏi: Gần đây có nhiều dư luận khác nhau về việc phân định khu vực thác Bản Giốc và khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, xin Thứ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?

 

Trả lời:  Như trên tôi đã nói, căn cứ quan trọng nhất để xây dựng Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc là các Công ước Pháp - Thanh năm 1887 và 1895. Do hạn chế của điều kiện lịch sử, các văn bản pháp lý về hoạch định và PGCM giữa Pháp và Nhà Thanh có những điểm quy định không rõ ràng. Đường biên giới được vẽ trên bản đồ tỷ lệ lớn từ 1/20.000 đến 1/500.000, có nghĩa một mi-li-mét trên bản đồ tương đương với từ 20 m đến 500 m trên thực địa. Hơn nữa, địa hình trên bản đồ không hoàn toàn phù hợp với địa hình trên thực địa, nên rất khó xác định hướng đi của đường biên giới tại các khu vực này. Chính vì vậy tại các khu vực này đã xảy ra tranh chấp rất phức tạp và kéo dài.

 

Tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, theo các văn bản pháp lý lịch sử, đường biên giới luôn nằm phía nam Ải Nam Quan. Trấn Nam Quan do Trung Quốc xây dựng vẫn thuộc Trung Quốc, chứ không phải đường biên giới đi qua Ải Nam Quan như một số người vẫn hiểu.

 

Thác Bản Giốc gồm hai phần: phần thác cao hoàn toàn thuộc Việt Nam, không có tranh chấp; phần thác thấp gắn liền với sông Quây Sơn. Theo Công ước Pháp - Thanh, đường biên giới đi giữa sông Quây Sơn đến thác và mốc 53 nằm phía trên thác đánh dấu sự chuyển hướng đường biên giới từ sông lên bờ. Hiện nay ta và Trung Quốc chưa PGCM đoạn biên giới khu vực này nhưng có thể khẳng định phần thác cao hoàn toàn thuộc Việt Nam, phần thác thấp sẽ được phân giới theo luật pháp và tập quán quốc tế về trung tuyến dòng chảy hoặc trung tuyến tàu thuyền đi lại được, hoàn toàn không có chuyện Việt Nam mất thác Bản Giốc như một số người nói. Hàng triệu lượt khách du lịch đến thác Bản Giốc đều biết rất rõ điều này.

 

Như vậy, có thể khẳng định rằng, về tổng thể, các giải pháp đạt được trong việc giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền nói chung và đối với hai khu vực cụ thể nói trên là thỏa đáng, đáp ứng được lợi ích và nguyện vọng của cả hai bên.

 

Hỏi: Vừa qua dư luận đã thể hiện thái độ bức xúc trước việc Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, xin Thứ trưởng bình luận về vấn đề này?

 

Trả lời: Chính phủ ta đã tỏ thái độ rất rõ ràng về việc thành lập thành phố "Tam Sa". Ðây là việc làm không phù hợp với thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Ðông (DOC).

 

Lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có những biện pháp kịp thời đối với việc làm sai trái này. Chúng ta sẽ tiếp tục giao thiệp trực tiếp, chính thức với phía Trung Quốc về vấn đề này, cố gắng giải quyết vấn đề thông qua đàm phán hữu nghị trên tinh thần hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, có lý, có tình.

 

Chúng ta có đầy đủ bằng chứng pháp lý và lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Hỏi: Nhân đây, xin Thứ trưởng cho biết đôi nét về tình hình quan hệ Việt - Trung hiện nay?

 

Trả lời: Quan hệ Việt - Trung từ sau bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Trung Quốc đã trở thành đối tác toàn diện rất quan trọng của Việt Nam. Lãnh đạo hai nước đã thường xuyên gặp gỡ, trao đổi và đạt được nhiều nhận thức chung rất quan trọng có liên quan đến tất cả các lĩnh vực quan hệ hai nước trên tinh thần tin cậy, hợp tác hữu nghị, cùng phát triển.

 

Liên quan đến biên giới lãnh thổ, lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận sớm hoàn thành PGCM biên giới trên bộ như đã nói ở trên; về trên biển, hai bên cam kết thông qua đàm phán hòa bình giải quyết các vấn đề tồn tại, tìm kiếm một giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, phù hợp luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Ðông (DOC), không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình.

 

Quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc có bước phát triển lớn. Trong nhiều năm liền, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam (riêng năm 2007, kim ngạch buôn bán hai chiều dự kiến đạt hơn 14 tỷ USD). Ðầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tuy chưa tương xứng với tiềm năng nhưng đang tăng với tốc độ khá cao. Ðặc biệt, với việc triển khai thực hiện dự án "hai hành lang, một vành đai kinh tế" đã được Lãnh đạo cấp cao hai nước thỏa thuận và nhiều dự án lớn khác về hạ tầng cơ sở như cải tạo, nâng cấp một số đoạn đường bộ và đường sắt, xây dựng một số cầu cảng, nhà máy điện..., Trung Quốc có thể sẽ trở thành một trong những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam trong tương lai không xa.

 

Về du lịch, Trung Quốc là thị trường nguồn lớn nhất của Việt Nam với lượng khách từ Trung Quốc mỗi năm đạt từ 600.000 đến 800.000 lượt người và có thể tăng nhanh trong vài năm tới. Trung Quốc cũng đang là một trong những nước cung cấp tín dụng ưu đãi dài hạn cho Việt Nam để xây dựng các dự án hạ tầng cơ sở và công nghiệp. Quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực khác, kể cả quốc phòng, an ninh, cũng đang phát triển ngày thêm chặt chẽ. Hai nước đã và đang phối hợp với nhau rất tốt trên nhiều vấn đề khu vực và quốc tế.

 

Ðối với vấn đề biên giới lãnh thổ, ngoài công tác PGCM như đã nói ở trên, trong Vịnh Bắc Bộ, hai nước đã phối hợp triển khai có hiệu quả hai hiệp định là Hiệp định phân định và Hiệp định hợp tác nghề cá; hải quân hai nước đã tiến hành nhiều cuộc tuần tra chung trong Vịnh; Tập đoàn dầu khí hai nước đã hoàn thành công tác khảo sát địa chấn chung trong Vịnh, số vụ vi phạm giảm một cách đáng kể. Hai nước cũng đã tiến hành ba vòng đàm phán về phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và 11 vòng đàm phán về các vấn đề trên biển.

 

Mới đây nhất, trong cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa hai Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về biên giới lãnh thổ, hai bên đã thỏa thuận tăng cường hợp tác trên biển, trước mắt trong các lĩnh vực ít nhạy cảm như nghiên cứu khoa học biển, phòng, chống thiên tai, phòng, chống tội phạm trên biển, đối xử nhân đạo với ngư dân hai nước.

 

Những kết quả đạt được nói trên cho thấy, cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc đều đã có những cố gắng giữ gìn và vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt - Trung, vì lợi ích chung hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

 

Phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Trung là trách nhiệm và lợi ích của cả Việt Nam và Trung Quốc. Hai nước cần đứng trên tầm cao của lợi ích lớn của hai nước, của hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và quốc tế để xử lý các vấn đề do lịch sử để lại, các vấn đề nảy sinh thông qua đối thoại, thương lượng hòa bình.

 

Thực tiễn cũng chứng minh rằng, xây dựng mối quan hệ Việt - Trung "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" thật sự là nguyện vọng chung, là lợi ích lớn của nhân dân hai nước. Quan hệ giữa hai Ðảng, hai nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc đang phát triển tốt đẹp và chắc chắn sẽ ngày càng phát triển tốt đẹp hơn.

 

(Theo Báo Nhân dân, số ra ngày 02-01-2008)

 

 
Copyright by © 2005 Vietnam Ministry of Foreign Affairs - Office in HCM City Email: Banbientap@mofahcm.gov.vn