Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 23/10, tại TPHCM, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo với chủ đề “Đưa doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam vào thế giới cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến; Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành; Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius; Phó Chủ tịch Cấp cao và Giám đốc điều hành Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN Michael W Michalak.


Nhiều thách thức xen lẫn cơ hội

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Cấp cao và Giám đốc điều hành Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN Michael W Michalak cho hay: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra những thách thức cho DNNVV trong quá trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, tiếp cận tài chính…; nhưng nó cũng mang lại những lợi ích vô cùng lớn nếu doanh nghiệp thích nghi được các công nghệ số hóa nhằm nâng cao tính hiệu lực, năng suất kinh doanh, sức cạnh tranh.

Theo Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, một cuộc cách mạng sản xuất gắn liền với những đột phá chưa từng có về công nghệ liên quan đến kết nối internet, điện toán đám mây, in 3D, công nghệ cảm biến,… Cuộc cách mạng sản xuất mới này dự báo sẽ tác động mạnh đến các quốc gia, Chính phủ, doanh nghiệp và người dân trên khắp toàn cầu, cũng như làm thay đổi cách sống, làm việc và sản xuất. Bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là dựa vào nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả công nghệ thông tin để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất. Ông Võ Tân Thành cũng cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc hoàn tất nhiều Hiệp định Thương mại tự do quan trọng như FTA, Việt Nam - EU, Liên minh kinh tế Á - Âu và các Hiệp định Thương mại tự do khác là những điều kiện thuận lợi để tạo ra công cụ đắc lực giúp Việt Nam tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho biết: Đối với Việt Nam, khu vực DNNVV chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số các doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có gần 700.000 doanh nghiệp thì có đến 98% là DNNVV. Tuy nhiên, khu vực DNNVV đang đứng trước nhiều thách thức, đó là quy mô của doanh nghiệp nhỏ, công nghệ còn lạc hậu, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, kỹ năng quản trị còn nhiều vấn đề cần cải tiến… Vì vậy, để việc hỗ trợ cho khu vực DNNVV hội nhập thành công và đặc biệt là tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là công việc rất cần thiết, cấp bách hiện nay. Đây là trách nhiệm của các cơ quan của Chính phủ, các tổ chức hiệp hội.

Các diễn giả thảo luận tại hội thảo bàn giải pháp đưa DNNVV Việt Nam vào thế giới cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Các diễn giả thảo luận tại hội thảo bàn giải pháp đưa DNNVV Việt Nam vào thế giới cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius cho rằng, để DNNVV Việt Nam phát triển cần tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Đó là Chính phủ cần có hệ thống chính sách hành chính hỗ trợ cho doanh nghiệp và phải tăng cường sự minh bạch. Cụ thể, Chính phủ phải giảm các loại phí chính thức và không chính thức, cũng như giảm sự phiền hà trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp để doanh nghiệp dành thời gian tạo ra sản phẩm mới và công việc mới nhằm thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng. Mặt khác, cải cách lại hệ thống giáo dục theo hướng hiện đại và tiến bộ để đào tạo những sinh viên có tư duy đổi mới sáng tạo để khi ra trường đáp ứng tốt những nhu cầu công việc của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, DNNVV Việt Nam phải biết nghĩ cách kinh doanh quy mô lớn, trong đó phải luôn suy nghĩ rằng sản phẩm của mình sản xuất ra là để phục vụ cho cả thị trường trên toàn thế giới chứ không chỉ phục vụ cho mỗi thị trường trong nước và để làm được việc này, trước hết các DNNVV Việt Nam phải tham gia và trở thành các nhà cung cấp cho các công ty quốc tế.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh: Với làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng, doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ có nhiều cơ hội và tiềm năng ứng dụng nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin nhanh chóng với nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ mang tính đột phá. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, tuy chiếm khoảng 97% số doanh nghiệp đang hoạt động nhưng các DNNVV hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế về năng lực quản lý, công nghệ, nguồn nhân lực khi phải đổi mới công nghệ để tự động hóa, số hóa quá trình sản xuất, kinh doanh nên sẽ gặp nhiều thách thức hơn trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, một trong những yêu cầu quan trọng là làm sao tạo ra được thị trường cho các DNNVV tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó thị trường công là quan trọng và có tính thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia. Đồng thời, phải ban hành các chính sách phù hợp và theo kịp với thực tiễn phát triển của nền khoa học công nghệ, ít nhất là không hạn chế hoặc hạn chế tối đa các điều kiện kinh doanh. TPHCM sẽ luôn và tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đình Lý

 
Copyright by © 2005 Vietnam Ministry of Foreign Affairs - Office in HCM City Email: Banbientap@mofahcm.gov.vn