Bài viết của Tổng Lãnh sự CHDCND Lào tại TPHCM nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 30 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt - Lào

Nhân kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (5/9/1962 - 5/9/2007), 30 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt – Lào (18/7/1977-18/7/2007), ông Thetlakhone Douangsonthi, Tổng Lãnh sự CHDCND Lào tại TPHCM đã có bài viết dành riêng cho Website Sở Ngoại vụ TPHCM

18.7.07_Thelakhone

 

Trước hết tôi xin chân thành cám ơn Sở Ngoại vụ TPHCM đã tạo điều kiện để tôi trình bày quan điểm và suy nghĩ của tôi giữa lúc nhân dân hai nước chúng ta đang vui mừng phấn khởi tổ chức kỷ niệm hai ngày lễ quan trọng này.

 

Lào - Việt Nam là hai quốc gia láng giềng, có hàng ngàn cây số đường biên giới chung. Nhân dân hai nước có mối quan hệ gắn bó từ lâu đời trên nhiều mặt kinh tế, văn hóa. Trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung để bảo vệ nền độc lập của dân tộc, nhân dân hai nước Lào – Việt Nam đã kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ, chịu đựng mất mát hy sinh to lớn, cuối cùng giành được thắng lợi vẻ vang. Qua cuộc đấu tranh trường kỳ gian khổ ấy, nhân dân hai nước chúng ta đã xây đắp nên tình hữu nghị, đoàn kết chiến đấu đặc biệt Lào – Việt Nam, xưa nay hiếm có. Bởi nó được xây dựng, vun đắp bằng máu xương, là sự kết tinh của nghĩa tình.

 

Việc thiết lập quan hệ ngoại giao của hai nước và ký Hiệp ước Hữu nghị hợp tác giữa CHDCND Lào và CHXHCN Việt Nam là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự kế thừa phát huy mối quan hệ đặc biệt trong giai đoạn lịch sử mới. Nó là cơ sở để hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước tăng cường mối quan hệ hợp tác trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước, bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.

 

Hơn 30 năm qua mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam đạt được những thành quả to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đặc biệt những năm gần đây mối quan hệ Lào – Việt Nam được phát huy, phát triển toàn diện, đi vào chiều sâu có chất lượng ngày càng cao hơn.

 

Mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước, các ngành, các địa phương của mỗi bên cũng được tăng cường. Đó là chuyến thăm chính thức CHXHCN Việt Nam của Tổng Bí thư Chủ tịch nước CHDCND Lào Chumaly Saynhasone, đoàn của Thủ tướng Chính phủ CHDCND Lào Buasone Bouphavanh. Chuyến thăm chính thức CHDCND Lào của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết…

 

Các chuyến thăm chính thức nói trên của các nhà lãnh đạo hai Đảng, hai nước đã mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ đặc biệt giữa hai nước, được thể hiện cụ thể trên nhiều lĩnh vực quan trọng. Về Chính trị hai bên đồng ý thỏa thuận hợp tác biên soạn bộ lịch sử quan hệ đặc biệt Lào – Việt Nam trong hơn 70 thập kỷ qua. Về Kinh tế thương mại, tổng kim ngạch xuất khẩu hai chiều năm 2006 đạt 230 triệu USD, tăng 48% so với năm 2005. Hai nước đặt mục tiêu phấn đấu đạt 1 tỷ USD vào năm 2010 và 2 tỷ USD vào năm 2015.

 

Đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Lào có nhiều chuyển biến tích cực. Gần 100 dự án lớn nhỏ với trên 1 tỷ USD, trong đó có 71 dự án đã được cấp phép. Dự án Thủy điện sông Sê-Ka-Mãn 3 với tổng số vố đầu tư ban đầu 300 triệu USD đã khởi công từ năm 2005. Dự án trồng cây cao su đang được triển khai tốt ở các địa phương miền Hạ Lào. Lĩnh vực khai khoáng cũng đang được mở ra và có triển vọng tốt đẹp. Giáo dục đào tạo nguồn nhân lực là lĩnh vực cơ bản lâu dài chiếm gần 50% vốn viện trợ của Việt Nam cho Lào. Ngoài ra, sự hợp tác về xây dựng cơ sở hạ tầng, y tế, nông nghiệp, phát triển nông thôn, đặc biệt về an ninh quốc phòng cũng được tăng cường và ngày càng có hiệu quả thiết thực.

 

Chúng tôi, nhân dân Lào ở khắp các địa phương đều vui mừng, phấn khởi, tin tưởng trước những thành quả đã đạt được trong những năm qua, mặc dù mỗi bên còn có những khó khăn trở ngại, những hạn chế khách quan.

 

Về mối quan hệ hợp tác, kết nghĩa giữa TPHCM với Thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Champasak và một số địa phương khác ở Lào mới được hơn 5 năm. Thời gian tuy ngắn ngủi nhưng đã đạt được một số kết quả ban đầu có tính chất cơ bản, phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương ở Lào. Đó là việc TPHCM đã tập trung đầu tư cán bộ khoa học, công nhân kỹ thuật cho các địa phương. Đã có hàng trăm thanh niên học sinh Lào ở Thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Champasak, Xiêng Khoảng sang học tại các trường Đại học, Cao đẳng và thực tập tại các nhà máy, bệnh viện, trang trại tại TPHCM. Nhiều em đã tốt nghiệp Đại học và trở về địa phương công tác.

 

Mối quan hệ hợp tác kết nghĩa giữa TPHCM với các địa phương ở Lào không chỉ giới hạn trong phạm vi kinh tế, kỹ thuật mà còn mở rộng sang lĩnh vực xã hội, từ thiện. Quả vậy, TP đã cử nhiều đoàn thầy thuốc giỏi vượt ngàn cây số đường bộ đến khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho nhân dân Lào ở các bản làng. Trong đó, đoàn thầy thuốc giải phẫu mắt đã gây được tiếng vang lớn, niềm vui, nỗi nghẹn ngào, cảm động khi hàng trăm cụ già đã thoát khỏi cảnh mù lòa tăm tối suốt bao năm. Mỗi khi mùa hè đến, tại các bản làng lại xuất hiện từng lớp thanh niên tình nguyện đến từ TPHCM. Họ âm thầm làm vệ sinh thôn bản, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi.

 

Việc làm tuy bình thường, nhỏ bé, nhưng có ý nghĩa to lớn, thể hiện nghĩa tình của mối quan hệ đặc biệt Lào – Việt Nam. Phải chăng trước đây, thế hệ cha anh, những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh xương máu vì nền độc lập của nhân dân Lào. Ngày nay, thế hệ con em Việt Nam đã và đang tiếp tục đổ mồ hôi vì sự phát triển phồn vinh của nhân dân Lào.

 

Tuy rất bận rộn công tác quản lý một thành phố lớn nhưng lãnh đạo TPHCM luôn sẵn sàng đón tiếp các đoàn kinh tế, kỹ thuật các địa phương ở Lào sang thăm và trao đổi kinh nghiệm. Các sở, ban, ngành TP đã quan tâm đón tiếp tận tình, chu đáo, thể hiện rõ tình hữu nghị anh em, mối quan hệ đặc biệt Lào – Việt Nam. Khi trở về địa phương, các đoàn đều có ấn tượng tốt đẹp về TPHCM, xứng đáng là một thành phố mang tên Bác Hồ vĩ đại.

 

Chuyến thăm CHDCND Lào của phái đoàn cấp cao TPHCM do đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy dẫn đầu hồi tháng tư vừa qua đã đưa tinh thần hữu nghị, mối quan hệ hợp tác kết nghĩa bước vào thời kỳ mới, đi vào chiều sâu và toàn diện hơn. Hai bên sẽ phấn đấu nâng tầm quan hệ hợp tác kinh tế ngang với mối quan hệ khác.

 

Thay mặt nhân dân Lào, nhất là nhân dân các địa phương hợp tác kết nghĩa, tôi cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của Thành ủy, Ủy ban Nhân dân, Hội đồng nhân dân và nhân dân TPHCM.

 

Kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 30 năm ngày ký kết Hiệp ước Hữu nghị Hợp tác Lào – Việt Nam là hai sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng, đánh dấu bước kế thừa phát triển vững chắc và toàn diện mối quan hệ đặc biệt Lào – Việt do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Caysone Phomvihan kính mến, cùng các thế hệ lãnh đạo của hai nước dày công vun đắp. Mối quan hệ ấy được thử thách qua thời gian, qua khói lửa chiến tranh ác liệt, được hai Đảng, hai nước coi đó là mẫu mực, thủy chung, son sắt xưa nay hiếm có, là quy luật phát triển, là một trong những nhân tố cơ bản thắng lợi của Cách mạng mỗi nước. Mối quan hệ đoàn kết đặc biệt ấy là tài sản vô giá của hai dân tộc Lào – Việt, cần ra sức bảo vệ và phát huy vì lợi ích thiết thân lâu dài của mỗi dân tộc. Tôi mong rằng, mọi công dân của mỗi nước, trên cương vị nghề nghiệp của mình, hãy góp một phần vun đắp cho tình hữu nghị, mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Lào – Việt Nam mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững như lời căn dặn thắm thiết của Chủ tịch Caysone Phomvihan:

 

“Chúng ta hãy giữ vững và vun đắp tình đoàn kết hữu nghị Lào – Việt Nam mãi mãi bền, mãi mãi trong sáng như viên ngọc quý vì nó là sự kết tinh của nghĩa, của tình, của bao công sức tâm trí và cả máu xương của hai dân tộc anh em”.   

 

 
Copyright by © 2005 Vietnam Ministry of Foreign Affairs - Office in HCM City Email: Banbientap@mofahcm.gov.vn