Quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Campuchia

1. Về chính trị:

Việt Nam và Campuchia thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 24/6/1967.

Năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, sau một thời gian lãnh đạo đã tách ra thành 3 đảng độc lập (Đảng Lao động Việt Nam năm 1951, Đảng Nhân dân Cách mạng Khmer năm 1951, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào năm 1955). Việt Nam giúp cách mạng Campuchia tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp.

Từ 1954 - 1970, chính quyền của Quốc vương Norodom Sihanouk thực hiện chính sách hoà bình trung lập tích cực, có quan hệ tốt với các lực lượng cách mạng Việt Nam, ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam nhằm thống nhất đất nước.

Từ tháng 3-1970 đến tháng 4-1975, các lực lượng cách mạng 3 nước Đông Dương thành lập Mặt trận Đoàn kết Đông Dương để hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh chung chống xâm lược.

Từ 1979 - 1989, Việt Nam giúp lực lượng cách mạng Campuchia lật đổ và ngăn chặn chế độ diệt chủng Pol Pot. Tháng 10-1991, Hiệp định Paris về Campuchia được ký kết. Campuchia tiến hành Tổng tuyển cử vào tháng 5-1993 dưới sự bảo trợ của Liên hiệp quốc và Chính phủ Hoàng gia Campuchia được thành lập.

Từ 1993 đến nay, quan hệ Việt Nam - Campuchia không ngừng được củng cố và phát triển về mọi mặt. Hai bên đã trao đổi nhiều chuyến thăm cấp cao, đặc biệt là trong chuyến thăm chính thức Campuchia của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vào tháng 3-2005, hai bên đã nhất trí phương châm phát triển quan hệ hai nước trong thời kỳ mới theo hướng "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài".

Gần đây Lãnh đạo hai nước đã trao đổi một số chuyến thăm chính thức:

- Về phía Campuchia có các đoàn của:

  • Thủ tướng Hun Sen (tháng 10-2005)
  • Quốc vương Norodom Sihamoni (tháng 3-2006)
  • Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin (tháng 7-2006)

- Về phía Việt Nam có các đoàn của:

  • Thủ tướng Phan Văn Khải (tháng 3-2006)
  • Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng (tháng 9-2006)

Các Bộ, ngành, địa phương hai bên cũng xúc tiến việc trao đổi đoàn ở các cấp.

2. Về hợp tác an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật, văn hóa:

Hợp tác trong  lĩnh vực an ninh, quốc phòng:

Các ngành quốc phòng, an ninh của hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác theo các thỏa thuận đã ký, phối hợp giải quyết tốt những vấn đề phát sinh trên tuyến biên giới trên bộ và trên biển. Hội nghị hợp tác phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam – Campuchia lần thứ nhất (tháng 9-2004) và Hội nghị lần thứ hai (tháng 9-2005) đã đánh dấu một cơ chế hợp tác mới giữa các tỉnh giáp biên giới, nhằm bảo đảm an ninh trên biên giới hai nước.

Hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa:

Hai nước đã thành lập Ủy ban hỗn hợp về kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật vào tháng 4-1994, đến nay đã tiến hành được 7 kỳ họp. Tại mỗi kỳ họp của Ủy ban hỗn hợp, hai nước kiểm điểm việc thực hiện các kế hoạch hợp tác, đồng thời đưa ra các kế hoạch mới cho những năm tiếp theo.

Trong những năm qua, quan hệ hai nước đã có những bước phát triển tích cực và có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt kim ngạch buôn bán hai chiều giữa hai nước không ngừng tăng, năm sau cao hơn năm trước trung bình khoảng 40% (năm 2000: 180 triệu USD, năm 2001: 185 triệu USD, 2002: 240 triệu USD, năm 2003: 350 triệu USD, năm 2004: 515 triệu USD; năm 2005: 692 triệu). Hai nước cũng thống nhất nhiều biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đặt mục tiêu phấn đấu kim ngạch thương mại hai chiều năm 2006 đạt 1 tỷ USD.

Hai nước cũng quan tâm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng, thế mạnh như giáo dục, đào tạo, năng lượng - điện, y tế, giao thông vận tải…

Hợp tác giữa các địa phương hai nước, nhất là các tỉnh giáp biên và thành phố có quan hệ kết nghĩa cũng được đẩy mạnh, góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị láng giềng truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Bên cạnh quan hệ hợp tác song phương, hai bên đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ ASEAN, trong các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế như hợp tác trong Ủy hội sông Mekong (MRC), Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS), Chương trình phát triển các vùng nghèo liên quốc gia dọc Hành lang Đông - Tây (WEC), Chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawady - Chao Praya - Mekong (ACMECS), Tứ giác phát triển Việt Nam-Lào - Campuchia - Myanmar (CLMV), Tam giác phát triển ba nước Việt Nam Lào - Campuchia.

(Nguồn: Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngày 25-10-2006)

 

 
Copyright by © 2005 Vietnam Ministry of Foreign Affairs - Office in HCM City Email: Banbientap@mofahcm.gov.vn