Công cụ làm việc cá nhân

    Tìm kiếm

    


...

Tổng Lãnh sự Campuchia trả lời phỏng vấn nhân kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia, (24/6/1967 – 24/6/2007), Website Sở Ngoại vụ TPHCM đã có cuộc phỏng vấn ông Luon Kim Khuon, Tổng Lãnh sự Vương quốc Campuchia tại TPHCM.

Hỏi: Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia, với tư cách là Tổng Lãnh sự Vương quốc Campuchia tại TPHCM, ông có thể cho biết những thành quả nổi bật của mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa hai nước, đặc biệt là trong thời gian gần đây?

Trả lời: Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Vương quốc Campuchia và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (24/6/1967 – 24/6/2007), thay mặt cho viên chức của Tổng Lãnh sự quán Vương quốc Campuchia tại TPHCM, tôi xin nhiệt liệt chúc mừng và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất đối với Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam, nhất là cấp lãnh đạo của TPHCM, Ngài Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy và Ngài Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TPHCM, cùng với các sở, ban, ngành luôn luôn giúp đỡ Tổng Lãnh sự quán chúng tôi, kể cả tinh thần và vật chất.

Vương quốc Campuchia nằm phía Đông Nam Á, có diện tích 181.035 km2. Nước Campuchia có chiều dài từ Đông sang Tây là 580 km và từ Bắc xuống nam là 450 km. Có biên giới giáp với Thailand, Lào và Việt Nam, có sông Mekong chảy qua dài 500 km và có biển hồ Tonle Sap lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Dân số là 13,81 triệu, 90% là dân tộc Khmer. Hiện Vương quốc Campuchia và nước CHXHCN Việt Nam có 21 tỉnh thành có đường biên giới chung, trong đó có 10 tỉnh của Việt Nam và 11 tỉnh của Campuchia. Hai nước có đường biên giới dài 1.175,17 km. Theo lịch sử Campuchia – Việt Nam, hai nước đã từng xây dựng cơ sở vững chắc về quan hệ truyền thống của cha ông và xây đắp mối quan hệ đoàn kết vai kề vai, đấu tranh giúp đỡ lẫn nhau vì sự nghiệp giải phóng đất nước để giành độc lập, hòa bình, tự do và phát triển của từng nước cho đến nay.

Quan hệ hợp tác giữa hai nước đã tiến triển ngày càng vững chắc. Trong năm 2006 và đầu năm 2007 vừa qua, hai nước có những chuyến viếng thăm của nhiều đoàn cao cấp, điển hình là về phía Campuchia có chuyến viếng thăm chính thức của Ngài Thủ tướng Samdech Hun Sen hồi tháng 10/2005, chuyến viếng thăm của Ngài Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Hor Namhong hồi tháng 10/2006, chuyến viếng thăm của Quốc vương Norodom Sihamoni hồi tháng 3/2006. Về phía Việt Nam có chuyến viếng thăm của Ngài Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi tháng 12/2006, chuyến viếng thăm của Ngài Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vào tháng 2/2007 và chuyến viếng thăm của Ngài Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng vào tháng 4/2007 vừa qua.

Lễ khai trương cắm cột mốc chính thức dưới sự hiện diện của hai Thủ tướng ngày 27/9/2006 là sự kiện lịch sử xác định ranh giới trên mặt đất của hai nước chúng ta. Các chuyến viếng thăm qua lại và sự kiện trên đây cho thấy quyết tâm của lãnh đạo hai nước chúng ta trong việc củng cố mối quan hệ hợp tác tốt đẹp sẵn có.

Tại cuộc họp lần thứ 8 của Ủy ban hỗn hợp Campuchia – Việt Nam về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật tại thành phố Huế vào ngày 24-25/10/2006 vừa qua, cho thấy hai bên nhất trí với nhau về phương hướng và một số biện pháp để nâng cao hợp tác về lâu dài:

1. Về lĩnh vực thương mại:

Về thương mại song phương năm 2005, kim ngạch đạt 692 triệu USD và tính đến tháng 9/2006 đạt được 765 triệu USD. Hai bên thỏa thuận xúc tiến thương mại đạt mức 2 tỷ USD vào năm 2010. Vừa qua hai bên xúc tiến tăng trưởng thương mại, thu hút đầu tư thông qua hội chợ triển lãm và quảng bá sản phẩm, tổ chức hội thảo về tiềm năng thị trường của hai nước. Để tạo thuận lợi và khuyến khích thương mại giữa hai nước, Việt Nam đã miễn thuế đối với hàng nông sản của Campuchia gồm 40 mặt hàng, cũng như các nông sản sản xuất tại các tỉnh có đường biên giới. Hai bên cũng thực hiện chính sách hải quan một cửa tại cửa khẩu biên giới Bavet – Mộc Bài và tiến tới mở rộng mô hình này ở một số cửa khẩu khác.

2. Về lĩnh vực giáo dục và đào tạo:

Đây là lĩnh vực hợp tác đạt hiệu quả nhất giữa hai nước vì sinh viên, công chức được dưa đi đào tạo ở Việt Nam ngày càng tăng nhiều lên. Niên khóa 2006-2007, Việt Nam cấo học bổng ngắn và dài hạn cho 550 sinh viên Campuchia. Thực hiện thỏa thuận về hợp tác giáo dục và đào tạo cho giai đoạn 2006-2010, các cơ quan giáo dục đào tạo của Việt Nam đã tích cực cố gắng tăng chất lượng giáo dục và đáp ứng nơi ăn ở và học tập cho sinh viên Campuchia.

3. Về lĩnh vực nông lâm và ngư nghiệp:

Hai bên vẫn duy trì trao đổi kinh nghiệm nông nghiệp và chế biến nông sản. Việt Nam tiếp tục giúp đỡ Campuchia về giống cây trồng, giống chăn nuôi có sản lượng cao và giúp đào tạo công chức nông lâm và ngư nghiệp.

4. Về lĩnh vực công nghiệp mỏ và năng lượng:

Việt Nam tiếp tục bán điện cho Campuchia theo hợp đồng đã ký. Hai bên cũng nhất trí xúc tiến về lợi ích của năng lượng thủy điện của hai nước, và có tham khảo chung về hiệu quả xây dựng thủy điện Sesan 1 và Sesan 3 tại khu vục đồng bằng sông Sesan trên lãnh thổ Campuchia. Ngoài ra hai bên đang tiến hành khảo sát và kinh doanh mỏ tại các tỉnh Đông Bắc Campuchia cũng như hợp tác khai thác dầu khí tại khu vực biển Campuchia.

5. Về lĩnh vực xây dựng hạ tầng cơ sở và giao thông vận tải:

Hai bên đã nhất trí bắt đầu làm đường số 78 ở Campuchia vào tháng 12/2006 và thành lập một tổ công tác để tham khảo việc xây cầu Chrây Thơm – Long Bình, trình cho Chính phủ của mỗi nước xem xét phê duyệt. Hai bên cũng đồng ý thành lập tổ công tác hỗn hợp để tham khảo điểm mốc nối liền đường sắt Campuchia – Việt Nam.

5. Về lĩnh vực du lịch:

Hai bên tăng cường phát huy về tiềm năng du lịch của từng nước thông qua hệ thống du lịch giữa hai nước, qua lại bằng những phương tiện khác nhau như đường sông, đường bộ, nhằm thu hút khách du lịch hơn nữa. Hiện Campuchia là thị trường du lịch trong tốp 10 nước mà khách du lịch Việt Nam thường đi nhất. Song mới đây hai bên cũng thúc đẩy hoạt động hợp tác du lịch trong khuôn khổ đa phương như chương trình du lịch ba nước một mục tiêu giữa Campuchia – Việt Nam – Lào, chương trình đại tiểu vùng Mekong (GMS) và chương trình ASEAN…

7. Về lĩnh vực y tế:

Hai bên đang thúc đẩu dự án xây dựng chi nhánh bệnh viện Chợ Rẫy tại Phnôm Pênh. Phía Việt Nam vẫn tạo điều kiện cho nhân dân Campuchia và khám điều trị tại các bệnh viện của Việt Nam và ở mức giá như nhân dân Việt Nam. Việt Nam sẽ chuẩn bị cương trình khám bệnh cho nhân dân Campuchia tại thủ đô Phnôm Pênh và các tỉnh của Campuchia.

8. Về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và thể thao:

Hai bên đã trao đổi rất nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, cũng như trao đổi các đoàn văn công, vận động viên, nhà báo, Tuần văn hóa Việt nam tại Campuchia, chương trình giao lưu văn nghệ giữa thanh niên hai nước… Mọi hoạt động này góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, nhất là góp phần tuyên truyền giáo dục đến tầng lớp thanh niên về mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

9. Về lĩnh vực an ninh quốc phòng:

Hai bên quan tâm hợp tác tích cực trong công cuộc chiến đấu chống những hành vi vi phạm pháp luật cũng như âm mưu hoạt động của các thế lực thù địch có ý định phá hoại nền an ninh quốc gia của hai nước. Hai bên thắt chặt quan hệ trong công tác phòng và chống khủng bố, chống các hoạt động xâm phạm biên giới, đảm bảo ổn định an ninh trong nước, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

10. Về biên giới:

Hai bên đã ký hiệp định bổ sung trên hiệp định xác định biên giới quốc gia năm 1985 trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Ngài Thủ tướng Samdech Hun Sen tháng 10/2005 và Thủ tướng hai nước đã dự lễ khai trương cắm cột mốc biên giới tại cửa khẩu quốc tế Bavet – Mộc Bài hồi tháng 9/206 và việc này tạo điều kiện thuận lợi cho kế hoạch cắm cột mốc biên giới tại 6 cửa khẩu quốc tế, cũng như các điểm ưu tiên khác theo dọc đường biên giới hai nước.

11. Chương trình phát triển vùng tam giác Campuchia – Việt Nam – Lào:

10 tỉnh có biên giới của ba nước đang tích cực triển khai công tác này. Cuộc họp giữa Thủ tướng ba nước ngày 5/12/2006 vừa qua đã nhất trí thành lập Ủy ban hỗn hợp duy trì công tác để thực hiện kế hoạch về phát triển vùng tam giác, trong đó có chính sách xây dựng chính sách ưu đãi chung cho vùng này để thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

12. Hoạt động tìm kiếm hài cốt quân tình nguyện Việt Nam:

Hoạt động tìm kiếm hài cốt của quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh trong những thời kỳ chiến tranh ở Campuchia đã được cấp lãnh đạo của hai nước và gia đình có con em hy sinh đánh giá cao. Hai bên nhất trí trong việc làm đẹp chung quanh đài tưởng niệm hữu nghị Campuchia – Việt Nam tại Phnôm Pênh.

Những gì đạt được trên đây là thành quả có được từ việc lãnh đạo đúng đắn của cấp lãnh đạo hai nước, vun đắp cho tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác láng giềng giữa hai nước.

Hỏi: Được biết TPHCM có mối quan hệ kết nghĩa với Kinh đô Phnôm Pênh theo Bản Thỏa thuận Hợp tác Hữu nghị được ký kết giữa hai địa phương vào tháng 6 năm 2002. Ông có thể cho biết những hiệu quả của mối quan hệ kết nghĩa này?

Trả lời: Chúng tôi rất phấn khởi và nhận thấy rằng hợp tác trên mọi lĩnh vực và quan hệ kết nghĩa giữa Kinh đô Phnôm Pênh và TPHCM phải được củng cố và phát triển không ngừng, trên quyền lợi của nhân dân hai thành phố cũng như nhân dân hai nước Campuchia – Việt Nam. Hai bên đã cử nhiều đoàn cấp cao thăm viếng và đã thực hiện rất tốt những thỏa thuận đã ký kết.

Cho phép tôi kể tóm tắt kết quả về quan hệ hợp tác giữa hai thành phố như sau:

1. Thương mại:

Hai thành phố thúc đẩy việc hợp tác về thương mại thông qua các cuộc triển lãm thương mại và hội chợ hàng năm để quảng bá sản phẩm của mỗi nước tại Kinh đô Phnôm Pênh và TPHCM, và ở các thành phố khác của hai nước.

2. Du lịch:

Kinh đô Phnôm Pênh và TPHCM hợp tác quảng bá du lịch, thành lập đoàn Caravan quá cảnh ba nước Việt Nam – Campuchia – Thái Lan để thu hút khách du lịch trong nước cũng như quốc tế.

TPHCM có dự án xây dựng khách sạn tại Campuchia của Công ty Du lịch Sài Gòn.

3. Giao thông:

Tạo điều kiện vận chuyển khách du lịch bằng lộ trình “Phnôm Pênh – TPHCM – Phnôm Pênh”.

4. Y tế:

Hai bên nhất trí việc xây dựng chi nhánh bệnh viện Chợ Rẫy tại Phnôm Pênh do phía VN phụ trách xây dựng.

Đoàn thầy thuốc TPHCM khám và mổ mắt cho nhân dân Campuchia tại Phnôm Pênh và các tỉnh của Vương quốc Campuchia, cung cấp thuốc men và một số dụng cụ y khoa như máy kiểm tra mắt và xe lăn.

Đã ký Bản ghi nhớ giữa hai chi nhánh Chữ thập đỏ Kinh đô Phnôm Pênh và Chữ thập đỏ TPHCM.

5. Giáo dục:

TPHCM đã bàn giao 1 dãy nhà mới gồm 3 tầng, 42 phòng ở trường trung học Chba Ampau.

Kinh đô Phnôm Pênh đã cấp học bổng cho 2 sinh viên Việt Nam sang học tại Phnôm Pênh.

Ngoài ra còn có sự trao đổi đoàn đại biểu thanh niên giữa hai thành phố và đang thực hiện việc giao lưu giữa các quận đoàn TPHCM và các quận đoàn của Kinh đô Phnôm Pênh.

Chúng tôi tin tưởng rằng mối quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực giữa Kinh đô Phnôm Pênh và TPHCM ngày càng phát triển bền vững và mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai thành phố cũng như hai nước.

Hỏi: Với tư cách là người đại diện của chính phủ Vương quốc Campuchia tại TPHCM, trong nhiệm kỳ công tác của mình, ông đã và sẽ thực hiện những công việc cụ thể nào để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước?

Trả lời: Tôi xin chân thành cám ơn sâu sắc đến Chính phủ Vương quốc Campuchia đã bổ nhiệm tôi nhận cương vị là Tổng Lãnh sự Vương quốc Campuchia tại TPHCM và tôi cũng xin chân thành cám ơn Đảng và Chính phủ Việt Nam đã tạo mọi điều kiện dễ dàng nhất cho Tổng Lãnh sự quán Vương quốc Campuchia tại TPHCM hoạt động hiệu quả, đặc biệt là chính quyền và các ban ngành, sở của TP.

Trên cương vị là Tổng Lãnh sự Vương quốc Campuchia tại TPHCM và trong nhiệm kỳ công tác của mình, tôi đã và đang thực hiện các nhiệm vụ để thúc đẩy cho mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Tôi xin tóm tắt một số công việc đã thực hiện như sau:

1. Về phương diện chính trị:

Duy trì và thúc đẩy mạnh mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác đã có từ lâu đời giữa nhân dân hai nước và quan trọng là trên cơ sở bền vững, hướng đến sự ổn định, hòa bình, và phát triển của mỗi nước.

2. Về phương diện kinh tế:

Trên tinh thần Bản Tuyên bố chung của các buổi họp cấp cao của ba nước Việt Nam- Campuchia - Lào, từ lần thứ I đến lần thứ IV của Thủ tướng ba nước Việt Nam- Campuchia - Lào, cũng như thực hiện quyết định của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Campuchia về việc hợp tác văn hóa, khoa học kỹ thuật từ lần thứ I đến lần thứ VIII, chúng tôi đã cố gắng làm những việc sau:

- Thúc đẩy Chính phủ Campuchia tạo mọi điều kiện dễ dàng nhất để khuyến khích các nhà đầu tư Việt Nam vào làm ăn tại Campuchia.

- Thúc đẩy Chính phủ Campuchia nghiên cứu mở thêm nhiều cửa khẩu để tạo điều kiện trao đổi hàng hóa.

- Thúc đẩy việc xây dựng vùng kinh tế biên giới các cửa khẩu.

- Mở thị trường dọc theo biên giới cửa khẩu.

- Thúc đẩy tổ chức các cuộc Triển lãm Thương mại ở cửa khẩu biên giới.

- Thúc đẩy việc trao đổi hàng hóa giữa hai nước đạt được 2 tỷ USD đến năm 2010 (theo kế hoạch của Chính phủ Vương quốc Campuchia).

- Thúc đẩy việc trao đổi hàng hóa và hợp tác trên các phương diện: nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục.

- Thúc đẩy Chính phủ Việt Nam giúp đỡ Campuchia đào tạo nguồn nhân lực, giúp đỡ về viễn thông và y tế.

- Thúc đẩy nâng cao việc quảng bá du lịch và liên kết quan hệ hợp tác du lịch giữa hai nước.

3. Về phương diện hợp tác an ninh biên giới:

- Thúc đẩy việc trao đổi chính xác thông tin trực tiếp để ngăn ngừa người phạm pháp dọc theo tuyến biên giới và hai bên phối hợp để giải quyết các vấn đề xảy ra ở tuyến biên giới. Giáo dục nhân dân vùng biên giới giữ gìn mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước để nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau.

- Hợp tác giải quyết trên tinh thần hữu nghị có hiệu quả với phía Việt Nam các vấn đề lãnh sự, tạo mọi điều kiện dễ dàng cho sự đi lại, làm ăn, qua lại của nhân dân hai nước.

- Không cho phép thế lực thù địch dùng vùng biên giới của một nước để hoạt động chống phá an ninh của nước khác.

4. Về phương diện quần chúng nhân dân:

- Thúc đẩy việc trao đổi tham quan qua lại giữa các đoàn quần chúng nhân dân (Tổ chức Hội Phụ nữ, Hội Thanh niên Campuchia…).

- Cố gắng thúc đẩy Hội hữu nghị Campuchia - Việt Nam hoạt động mạnh mẽ và đặc biệt là thành lập Hội hữu nghị Thủ đô Phnôm Pênh và TPHCM (Hội hữu nghị Campuchia - Việt Nam đã thành lập từ giữa năm 2006).

Nhìn chung, là Tổng Lãnh sự Vương quốc Campuchia tại TPHCM, tôi cố gắng để đạt được:

- Làm cho mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị Campuchia - Việt Nam đời đời bền vững.

- Trao đổi kinh nghiệm về kinh tế, văn hóa, giáo dục giữa hai nước, thúc đẩy tăng trưởng hàng năm.

- Trao đổi thường niên các cuộc tham quan của các đoàn lãnh đạo hai nước.

- Sắp xếp và thúc đẩy việc trao đổi học tập kinh nghiệm của các đoàn đại biểu quần chúng nhân dân của hai nước.

Hỏi: Nhân sự kiện quan trọng là kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, ông có điều gì muốn chia sẻ với độc giả của Website Sở Ngoại vụ?

Trả lời: Là Tổng Lãnh sự Vương quốc Campuchia tại TPHCM, tôi xin chân thành cảm ơn Sở Ngoại vụ TPHCM cho phép tôi chia sẻ với độc giả website của Sở Ngoại vụ nhân chào mừng 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Campuchia – Việt Nam.

Nhân danh Chính phủ Hoàng gia Campuchia và nhân dân Campuchia tôi xin gởi lời hỏi thăm sức khỏe và gửi những điều tốt lành nhất của Lãnh đạo và nhân dân Campuchia đến Lãnh đạo và nhân dân Việt Nam, nhất là các cấp lãnh đạo Đảng, Chính quyền và nhân dân TPHCM.

Tôi đánh giá cao những thắng lợi mà nhân dân Việt Nam đã giành được từ đấu tranh giành độc lập, thống nhất dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ cho đến hôm nay, vạch ra đường lối vững mạnh để phát triển đất nước trên mọi lĩnh vực, góp phần quan trọng cho việc ổn định hòa bình, phát triển trong khu vực.

Nhân dân Campuchia chúng tôi luôn ghi nhớ sự hy sinh của các chiến sĩ Việt Nam anh em vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng tổ quốc thoát khỏi ách diệt chủng và tiếp tục ủng hộ chúng tôi cho đến ngày hôm nay.

Chúng tôi tin tưởng rằng việc tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Campuchia – Việt Nam sẽ làm tăng thêm nguồn sinh lực mới cho mối quan hệ hữu nghị - hợp tác song phương và đa phương ngày càng mở rộng.

Nhân dịp này, một lần nữa, tôi xin bày tỏ sự chúc mừng nhiệt liệt đến Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi to lớn trong phát triển kinh tế, xã hội để Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại, và chúc cho Lãnh đạo Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, đạt nhiều thắng lợi mới lớn hơn nữa.

 

Xin trân trọng cảm ơn và xin chúc ông cùng gia đình niềm vui, sức khỏe và thành đạt.

(Thực hiện: Ban biên tập Website Sở Ngoại vụ TPHCM, ngày 24-6-2007)

 


Các tin liên quan:
Tạo bởi banbientap
Cập nhật 25-06-2007