Thông tin cơ bản về Cộng hòa Singapore

Quốc kỳ Singapore

 

Bản đồ Singapore

1. Lịch sử:

Năm 1819, Singapore vùng thuộc địa của Anh chuyên về mua bán, trao đổi hàng hóa. Năm 1963, Singapore gia nhập vào Liên bang Malaysia nhưng hai năm sau đã tách ra và trở thành một nước độc lập. Sau đó, Singapore đã phát triển thành một trong những quốc gia thịnh vượng nhất thế giới, trở thành đầu mối giao lưu thương mại quốc tế quan trọng (cảng biển Singapore là một trong những cảng biển trọng tải lớn tấp nập nhất thế giới). Thu nhập bình quân đầu người ở Singapore ngang tầm với các nước hàng đầu Châu Âu.

2. Vị trí địa lý:

Nằm trong khu vực Đông Nam Á, giữa Malaysia và Indonesia.

Thủ đô: Singapore

Diện tích: 692,7 km2

 

Singapore ngày nay là một thành phố hiện đại

3. Dân số: 4.240.000 người (tính đến tháng 6-2006).

Tốc độ tăng dân số: 1,42% (dự tính năm 2006).

4. Thể chế nhà nước: Cộng hòa nghị viện.

Thể chế chính trị: Đa đảng. Từ khi giành độc lập đến nay, Đảng Hành động Nhân dân (People's Action Party – PAP) liên tục cầm quyền. Từ tháng 12-2004 đến nay, Tổng Thư ký Đảng PAP là Thủ tướng Lý Hiển Long. Tổng thống hiện nay là ông Sellapan Rama Nathan, nhận chức từ ngày 1-9-1999 và tiếp tục nhiệm kỳ thứ 2 từ ngày 17-8-2005.

Quốc khánh: Ngày 9 tháng 8 (Singapore tách ra khỏi Liên bang Malaysia vào ngày 9-8-1965).

 

Tòa nhà Nghị viện Singapore

5. Kinh tế:

GDP: 124,3 tỷ USD (2005). Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đạt 5,7% (2005)

Cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp: 0%; công nghiệp: 33,6%; dịch vụ: 66,4% (năm 2005).

GDP bình quân đầu người: 25.000 USD (năm 2005)

Tỷ lệ thất nghiệp: 3,3% (năm 2005)

Singapore là một nước phát triển mạnh với nền kinh tế thị trường tự do, trong đó nhà nước đóng vai trò chính. Môi trường kinh doanh mở cửa và không có nham nhũng, giá cả ổn định và là một trong những nước thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới. Tuy là nước Công nghiệp mới (NIC) có nền kinh tế phát triển (thuộc nhóm phát triển nhất thế giới), là trung tâm thương mại và tài chính ở Đông Nam Á, nhưng kinh tế gần như phụ thuộc hoàn toàn vào bên ngoài, nhất là các nền kinh tế Hoa Kỳ, Nhật Bản và phương Tây.

 

Singapore về đêm

Với nguồn lợi thu được từ xuất khẩu hàng hóa điện tử, hóa chất và cung cấp dịch vụ, Singapore nhập khẩu tài nguyên thiên nhiên, sản phẩm thô. Do đó, Singapore được xem là trung tâm xuất nhập khẩu hoạt động theo phương thức: mua sản phẩm thô, tinh luyện và xuất khẩu trở lại, chẳng hạn như nhập khẩu dầu thô và tinh chế lại để xuất đi. Với vị trí cảng biển chiến lược, Singapore trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa cạnh tranh hơn so với các nước lân cận. Singapore là nước hàng đầu về sản xuất ổ đĩa máy tính điện tử và hàng bán dẫn. Singapore còn là trung tâm lọc dầu và vận chuyển quá cảnh hàng đầu ở Châu Á. Thị trường xuất khẩu và nhập khẩu chính của Singapore đều là các nước Malaysia, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan.

Du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn ở Singapore và đất nước này cũng được xem là một thiên đường mua sắm của khách du lịch.

 

Quang cảnh một siêu thị

Singapore cũng được coi là nước đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức. Singapore đang thực hiện kế hoạch đến năm 2018 sẽ trở thành một thành phố hàng đầu thế giới, một đầu mối của mạng lưới mới trong nền kinh tế toàn cầu và Châu Á,một nền kinh tế đa dạng, nhạy bén trong kinh doanh. Để thực hiện được mục tiêu này, Ủy ban Đánh giá Kinh tế Singapore đã xác định 6 lĩnh vực chủ chốt có tính quyết định gồm: (i) Mở rộng quan hệ đối ngoại; (ii) Năng lực cạnh tranh và sự linh hoạt; (iii) Tinh thần kinh doanh và các công ty Singapore; (iv) Hai động lực: Chế tạo và Dịch vụ; (v) Con người; (vi) Tái cơ cấu.

6. Xã hội và giáo dục:

Xã hội Singapore là xã hội đa sắc tộc gồm nhiều nền văn hoá khác nhau như Trung Quốc, Ấn Độ, Malay...

Chính phủ Singapore rất chú trọng phát triển giáo dục. Trẻ em bắt đầu đi học khi 6 tuổi, hệ thống giáo dục cơ bản của Singapore là 10 năm, gồm 6 năm cấp I và 4 năm cấp II. Sau đó, học sinh có thể chọn tiếp vào học dự bị đại học (pre-university) hoặc vào các trường kỹ thuật (polytechnic). Bên cạnh hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển, lực lượng lao động có trình độ cao là yếu tố nền tảng trong việc tạo điều kiện thuận lợi để Singapore tiếp cận thị trường xuất nhập khẩu và cung cấp chuyên môn cần thiết nhằm làm tăng chất lượng của các sản phẩm xuất khẩu.  

 

Singapore cũng là một trong những cảng biển hàng đầu thế giới

7. Chính sách đối ngoại:

Singapore ưu tiên cho việc tạo dựng môi trường hòa bình ổn định tại khu vực Đông Nam Á và Châu Á – Thái Bình Dương; duy trì hệ thống thương mại đa phương tự do và một nền kinh tế mở, sẵn sàng hợp tác với bất kỳ quốc gia nào vì lợi ích chung.

Singapore rất coi trọng việc thúc đẩy và cân bằng quan hệ với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước phương Tây. Mặt khác, nhằm đảm bảo môi trường hòa bình ổn định, phục vụ cho nhu cầu giao lưu thương mại và phát triển kinh tế, Singapore đặt ưu tiên hàng đầu cho việc tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực.

(N.H., Phòng Chính trị Kinh tế đối ngoại, ngày 25-9-2006)

 

 
Copyright by © 2005 Vietnam Ministry of Foreign Affairs - Office in HCM City Email: Banbientap@mofahcm.gov.vn