Thông tin về Vương quốc Đan Mạch và quan hệ Việt Nam - Đan Mạch |
THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ ĐAN MẠCH Quốc kỳ Đan Mạch Bản đồ Đan Mạch Vị trí địa lý: Đan Mạch nằm ở khu vực Bắc Âu, phía Nam giáp Cộng hòa Liên bang Đức, ba mặt còn lại giáp biển Bắc và biển Baltic. Đan Mạch bao gồm một bán đảo (Jutland, nối Đan Mạch với Châu Âu) và khoảng chừng 500 đảo nhỏ khác. Các đảo này tạo thành một cầu nối giữa Châu Âu và vùng cực Bắc. Ngoài ra Đan Mạch còn có hai vùng đất tự trị trực thuộc là đảo Greenland (diện tích 2.166.086 km2) và quần đảo Faroe (diện tích 1.399 km2). Khí hậu Đan Mạch tương đối ôn hòa nhờ có dòng hải lưu nóng Gulf Stream chảy qua (tháng 2 lạnh nhất, trung bình -40C; tháng 7 nóng nhất, trung bình 16,60C). Bến cảng quần đảo Faroe
Bờ biển đảo Greenland mùa đông Diện tích: 43.094 km2 Dân số: 5.432.335 (số liệu năm 2005) Ngày quốc khánh: 5-6. Ngôn ngữ: Tiếng Đan Mạch và một số ngôn ngữ địa phương khác. Hiến pháp: Thông qua năm 1849. Tôn giáo: Đan Mạch là nơi đạo Tin Lành phát triển mạnh với cuộc cải cách Luther năm 1536. Hiện nay khoảng 95% dân số theo đạo Tin Lành dòng Luther. Ngoài ra còn có nhiều tôn giáo khác: Công giáo, Phật giáo, Do thái giáo, Hin du giáo, Hồi giáo… Thủ đô: Copenhagen, có khoảng 1,4 triệu dân. Là thủ đô của Đan Mạch từ năm 1443, Copenhagen là nơi đặt trụ sở Quốc hội, các Bộ và có lâu đài Amalienborg nơi Hoàng gia cư ngụ. Copenhagen cũng là nơi có nhiều tòa lâu đài cổ và nhiều công trình kiến trúc có giá trị. Lâu đài Christiansborg Thể chế chính trị: Quân chủ lập hiến; người đứng đầu đất nước hiện nay là Nữ hoàng Margrethe II, sinh năm 1940. Đan Mạch là một trong 3 quốc gia vùng bán đảo Scandinavia (Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch). Lịch sử của 3 quốc gia này có nhiều điểm tương đồng và gắn bó với nhau. Đan Mạch là xứ sở cổ kính và tồn tại như một quốc gia độc lập từ hơn 1.400 năm nay và là một trong những vương quốc lâu đời nhất thế giới. Mùa đông Đan Mạch Nữ hoàng Margrethe II lên ngôi từ năm 1972. Nữ hoàng không có quyền lập pháp, là người giữ vai trò tượng trưng và là đại diện của quốc gia. Những năm qua, Hoàng gia Đan Mạch đã thực hiện các chuyến thăm nhiều nước trên thế giới để góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Đan Mạch và các nước. Chính phủ là cơ quan hành pháp. Thủ tướng hiện nay là ông Anders Fogh Rasmussen thuộc Đảng Tự do. Quốc hội có 179 ghế được bầu trực tiếp. Các hoạt động của Nhà nước do Hiến pháp điều chỉnh. Đan Mạch là thành viên năng động của Liên hợp quốc, Hội đồng Các nước phía Bắc, thành viên sáng lập của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Các đảng phái: Đảng Xã hội Dân chủ, Đảng Tự do, Đảng Nhân dân xã hội chủ nghĩa, Đảng Bảo thủ, Đảng Nhân dân Đan Mạch, Đảng Tiến bộ… Kinh tế - xã hội:
Đan Mạch là một trong những nước phát triển nhất thế giới với xã hội được tổ chức tốt. Mọi công dân Đan Mạch đều có quyền nhận được trợ giúp y tế và giáo dục miễn phí từ tiểu học cho đến đại học và chế độ hưu trí được đảm bảo. Một trang trại ở Đan Mạch Đan Mạch có mối quan hệ thương mại với nhiều nước trên thế giới, chủ yếu là với 3 nước láng giềng Anh, Đức và Thụy Điển (3 nước này chiếm tới 41% trao đổi thương mại của Đan Mạch). Trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 28-9-2000 về việc gia nhập Liên minh tiền tệ Châu Âu (dùng đồng tiền chung euro), 53.1% số người tham gia bỏ phiếu đã bày tỏ mong muốn giữ lại đồng krone, và do vậy cũng giống như hai nước Anh và Thụy Điển, Đan Mạch đã không tham gia Liên minh tiền tệ Châu Âu. Danh lam thắng cảnh: Kênh đào Fredericksholms, các lâu đài Christiansborg, Rosenborg,... Kênh đào Fredericksholms QUAN HỆ VIỆT NAM – ĐAN MẠCH Hai nước lập quan hệ ngoại giao ngày 25-11-1971. Cùng với các nước Bắc Âu khác, Đan Mạch đã ủng hộ nhiệt tình cho cuộc đấu tranh giành độc lập thống nhất đất nước trước kia và xây dựng đất nước của Việt Nam hiện nay. Trong những năm gần đây, quan hệ hai nưóc phát triển tốt đẹp. Những chuyến trao đổi đoàn cấp cao được thực hiện thường xuyên. Các đoàn Việt Nam thăm Đan Mạch có: chuyến thăm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1995), Thủ tướng Phan Văn Khải (1999, 2002), Phó thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm (2001), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu (2002) và nhiều đoàn cấp bộ trưởng khác… Phía Đan Mạch có: Chủ tịch Quốc hội (1995), Bộ trưởng Hợp tác và Phát triển thăm Việt Nam 6 lần từ năm 1977 đến nay, Bộ trưởng Ngoại giao (1999)… Ngoài ra, Nữ hoàng Đan Mạch đã 3 lần cử con trai và con dâu thăm Việt Nam với tư cách cá nhân. Đặc biệt Hoàng thân Henrik, phu quân của Nữ hoàng Margrethe II, người đã từng có thời thơ ấu sống tại Việt Nam, đã sang thăm Việt Nam vào năm 2003. Đoàn của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Thương mại Đan Mạch Bendt Bendtsen thăm Việt Nam vào tháng 9-2006 là đoàn cao cấp nhất của Chính phủ Đan Mạch từ trước đến nay. Nhiều hiệp định song phương đã được ký giữa Việt Nam và Đan Mạch: Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, khoa học, công nghiệp; Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Hiệp định hợp tác và vận chuyển hàng không v.v… Cho đến nay, Đan Mạch đã viện trợ cho Việt Nam khoảng gần 500 triệu USD. Bình quân mỗi năm viện trợ khoảng 50 triệu USD, riêng trong năm 2006 là 67 triệu USD. Hiện nay Đan Mạch đã có khoảng 60 doanh nghiệp với 38 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt gần 194 triệu USD, đứng thứ 25 trong 74 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Dự kiến, đầu tư thương mại của Đan Mạch dành cho Việt Nam sẽ tăng từ 200 triệu USD/năm hiện nay lên trên 1 tỷ USD/năm trong thời gian tới. (T.G., Phòng Chính trị Kinh tế đối ngoại, Sở Ngoại vụ TPHCM, ngày 17-3-2006) |
Copyright by © 2005 Vietnam Ministry of Foreign Affairs - Office in HCM City Email: Banbientap@mofahcm.gov.vn |