Thông tin cơ bản về Cộng hòa Hungary

 

Quốc kỳ Hungary

 

Bản đồ Hungary

Địa lý:

Tên nước: Cộng hòa Hungary.

Thủ đô: Budapest

 

Thủ đô Budapest

Vị trí địa lý: Hungary có vị trí chiến lược, nằm trên tuyến chính giữa Đông Âu và bán đảo Balkan, cũng như giữa Ukraine và lòng chảo Địa Trung Hải.

Hai con sông sông Danube và Tisza chạy theo hướng Bắc Nam chia Hungary thành 3 vùng chính. Hungary có đường biên giới chung dài tổng cộng 2.216,8 km với các nước Ukraine (103km), Slovenia (102km), Áo (366 km), Croatia (329 km), Romania (443 km), Serbia (151 km), Slovakia (677 km).

 

Sông Danube chảy qua lãnh thổ Hungary

Khí hậu: Hungary có khí hậu ôn đới, chịu ảnh hưởng của khí hậu lục địa và Địa Trung Hải.

 

Cánh rừng mùa thu ở Budapest

Diện tích: 93.030 km2, chiếm 1% diện tích Châu Âu.

Dân số: 9.981.334 (tháng 7/2006), trong đó 90% là người Hungary, số còn lại là người Croatia, Đức, Zigan, Romania, Serbia, Slovakia, Slovenia.

Tôn giáo: Số người theo đạo Thiên chúa La mã chiếm 67,8%, 21% theo đạo Tin lành, còn lại: Phúc âm 6,2%, Do thái 5,9%, Cơ đốc Hy lạp 2,2%, Chính thống giáo 0,6%.

Ngôn ngữ chính thức: Tiếng Hungary. (93,6%).

Cơ cấu hành chính: Đất nước chia thành 19 hạt, 21 tỉnh thành phố và thủ đô Budapest.

Ngày lễ quốc gia: 20 tháng 8

Lịch sử:

Từ năm 14 trước Công nguyên, phía Tây Hungary đã là một tỉnh của Đế chế La Mã. Năm 896, Hungary bị người Magyars chiếm đóng và lập ra vương quốc Magyars. Dưới thời vua Stephen I (sau được phong thánh), Đạo Thiên chúa đã được du nhập.

 

Tượng thánh Stephen, người đã sáng lập ra nước Hungary vào năm 1000

Năm 1241, Hungary bị người Mông Cổ xâm lược, một nửa dân số Hungary đã chết trong cuộc chiến tranh này.

Thời kỳ huy hoàng của Hungary kéo dài 40 năm (1342-1382), dưới triều Đại đế Louis I, thống trị một vùng rộng lớn kéo dài đến biển Baltic, biển Đen và Địa Trung Hải. Sau đó cuộc chiến tranh với người Thổ nổ ra năm 1389 và Hungary đã bị Thổ Nhĩ Kỳ đô hộ hơn 100 năm. Khi Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Hungary, phần phía Tây và Bắc nước này đã chấp nhận quyền thống trị của Vương triều Hapsburg (Áo) để thoát khỏi sự chiếm đóng của người Thổ.

Sau cuộc cách mạng giải phóng chống lại vương triều Hapsburg năm 1848 thất bại, đế chế Áo - Hung ra đời năm 1867.

Tháng 11/1918 Đảng Cộng sản ra đời. Tháng 3/1919 thành lập Cộng hòa Xô viết Hungary. Chính quyền Xô viết tồn tại trong 113 ngày.

Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Hungary được Hồng quân Liên Xô giải phóng tháng 4/1945.

Từ tháng 8/1948 Hungary bắt tay vào công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Cuối năm 1989, Hungary thay đổi thể chế chính trị. Ngày 23/10/1989, Quốc hội Hungary thông qua Hiến pháp mới và tuyên bố thành lập Cộng hòa Hungary theo chế độ dân chủ đại nghị, nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường tự do. Trải qua 5 cuộc bầu cử Quốc hội đa đảng (tháng 3/1990, 5/1994, 5/1998, 4/2002, 4/2006), các chính phủ liên hiệp cánh hữu và cánh tả thay phiên nhau cầm quyền. Tại cuộc bầu cử 4/2006, lần đầu tiên kể từ năm 1990 đến nay, Liên minh trung tả tiếp tục nhận được sự ủng hộ của cử tri để lập Chính phủ điều hành đất nước nhiệm kỳ 2006 – 2010.

Văn hóa:

Thủ đô Budapest của Hungary được xem là một trong những thủ đô đẹp nhất thế giới với lối kiến trúc cổ kính. Nằm dọc theo sông Danube, Budapest là do hai thành phố Buda và Pest hợp thành. Bắc qua sông Danube, có 3 chiếc cầu nổi tiếng: Cầu Tự do, cầu Chain và cầu Elizabeth. Hai ngọn đồi được xem là điểm nhìn của Budapestđồi Castle và đồi Géllert.

 

Cầu Tự do bắc qua sông Danube

 

Cầu Chain

Hungary cũng là đất nước có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Hồ Balaton là một trong những hồ lớn nhất Châu Âu và còn được gọi là biển Hungary.

Hồ Balaton

Thành phố Pécs nằm ở phía Nam Hungary là thành phố tập trung nhiều trường đại học, có nhiều lễ hội có từ thời trung cổ và đặc biệt là có nhiều di tích văn hóa mang phong cách Thổ Nhĩ Kỳ.

Thành phố Pécs

Trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, Hungary cũng là đất nước đã sản sinh ra nhiều tài năng. Sándor Petõfi (1923-1849) là nhà thơ của cuộc cách mạng 1848. Franz Lizst (1811-1886) là nghệ sĩ piano và là nhà soạn nhạc cổ điển thiên tài. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Hungarian Rhapsodies.

Chân dung Franz Lizst

Nhà văn Hungary nổi tiếng nhất trong thời hiện đại là Imre Kertész. Ông sinh năm1929 và đã từng là một trong những người sống sót trong trại tập trung Holocaust. Ông được giải Nobel văn học năm 2002.

Chính trị:

Thể chế chính trị: dân chủ đại nghị

Tổng thống: Laszlo Solyom (được bầu từ 5/8/2005)

Thủ tướng: Ferenc Gyurcsany (được bầu từ 29/9/2004)

Chủ tịch Quốc hội: Szili Katalin.

Nội các: Quốc hội bầu ra Hội đồng Bộ trưởng theo đệ trình của Tổng thống.

Trong những năm đầu thập kỷ 90, ở Hungary có hàng trăm đảng phái chính trị ra đời. Hiện nay, trên chính trường Hungary chủ yếu còn 2 đảng lớn: Đảng Xã hội Hungary (MSZP) - thực chất là Đảng Xã hội dân chủ - trụ cột của các lực lượng cánh tả - và Đảng Liên minh Dân chủ trẻ (FIDESZ) - nay đổi tên thành Liên minh Công dân (5/2003) - trụ cột của cánh hữu. Từ năm 1998-2002, FIDESZ và các đảng hữu cầm quyền, song trong bầu cử Quốc hội tháng 4/2002 đã thất bại; Đảng Xã hội Hungary và Đảng Liên minh Dân chủ Tự do (SZDSZ) giành thắng lợi sít sao, liên minh với nhau lập Chính phủ liên hiệp trung tả; các đảng hữu như Đảng Công lý và Đời sống, Đảng Tiểu chủ đã bị loại khỏi Quốc hội mới. Như vậy, sau 4 năm ở vị thế đối lập, từ tháng 5/2002 liên minh trung tả đã trở lại cầm quyền ở Hungary. Trong cuộc bầu cử chính quyền tự quản địa phương 20/10/2002, các đảng trung tả, nhất là MSZP giành thắng lợi lớn, giành được các vị trí chủ đạo tại hầu hết các Hội đồng tỉnh, các thành phố cấp tỉnh và ở thủ đô Budapest.

Chính phủ trung tả đặt mục tiêu khôi phục hòa hợp dân tộc, củng cố các thiết chế dân chủ, nhất là Quốc hội, phát triển kinh tế cùng với chú trọng yếu tố xã hội, cải thiện đời sống cho các tầng lớp dân nghèo, nâng cấp các ngành y tế, giáo dục, hỗ trợ nông nghiệp và từng bước thực hiện chiến lược hiện đại hóa.

 

Tòa nhà Quốc hội Hungary

Các đảng cánh hữu tuy thất bại trong các cuộc bầu cử, nhưng trong Quốc hội mới lại là lực lượng đối lập mạnh nhất từ trước đến nay, chỉ thua các lực lượng cầm quyền 10 ghế, vì vậy đấu tranh quyền lực giữa lực lượng cầm quyền và đối lập diễn ra rất gay gắt. Các đảng cánh hữu, đứng đầu là FIDESZ, tìm cách tập hợp lực lượng, tại Đại hội đảng lần thứ 17 (5/2003) đã sửa đổi điều lệ, mở rộng cửa để kết nạp thêm thành viên, thay đổi cơ cấu tổ chức và điều hành và đổi tên thành Liên minh Công dân.

Sau hơn 2 năm cầm quyền, ngày 25/8/2004 Thủ tướng Medgyessy tuyên bố từ chức sau khi Đảng Liên minh dân chủ tuyên bố không còn ủng hộ sau quyết định cải tổ chính phủ của ông. Nguyên nhân sâu xa là mâu thuẫn và đấu tranh nội bộ trong Đảng Xã hội, Chính phủ điều hành kém hiệu quả, dân chúng mất niềm tin và chỉ số uy tín của đảng Xã hội thấp chưa từng có.

Ngày 29/9/2004 Quốc hội bầu ông Ferenc Gyurcsany - đại diện cho phái cải cách Đảng Xã hội làm Thủ tướng và thông qua chương trình Chính phủ mới, với ưu tiên giải quyết các vấn đề xã hội, giảm hố ngăn cách giàu nghèo. Việc thay đổi chính phủ với sự ra đi của 1/3 số Bộ trưởng không làm xáo trộn đời sống chính trị tại Hungary. Sau khi lên nắm quyền, Thủ tướng mới đã thực hiện cắt giảm thuế, đưa ra chương trình hỗ trợ nhà ở cho thanh niên, chương trình dân tộc đối với Hung kiều ở các nước láng giềng. Các chương trình này bước đầu có kết quả, nhận được sự ủng hộ nhiều hơn của dân chúng. Việc Đảng Xã hội tổ chức Đại hội (10/2004), bầu ông Hiller Istvan làm Chủ tịch đảng mới, giúp cho uy tín Đảng Xã hội được cải thiện đáng kể.

Tại cuộc bầu cử tháng 4/2006 với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 67,7% (vòng 1), và 64,4% (vòng 2) 4 đảng có ghế trong Quốc hội trước vượt ngưỡng 5% tổng số phiếu ủng hộ để có mặt trong Quốc hội khóa 2006-2010. Trong Quốc hội mới gồm 386 ghế, Đảng Xã hội (MSZP)- đảng lớn nhất trong liên minh trung tả cầm quyền được 186 ghế, chiếm 48,19%; Đảng Công dân Hungary (FIDESZ)- đảng trung hữu đối lập lớn nhất được 164 ghế, chiếm 42,49%; Đảng Liên minh Dân chủ (SZDSZ) - đảng còn lại trong liên minh cầm quyền được 18 ghế, chiếm 4,66%; Đảng Diễn đàn công dân (MDF)- một đảng cánh hữu khác được 11 ghế, chiếm 2,85% và Liên danh của MSZP-SZDSZ được 6 ghế, chiếm 1,55%. Có 1 đại diện cho tổ chức xã hội địa phương lọt vào Quốc hội khóa mới.

Như vậy liên minh trung tả cầm quyền có 210 ghế so với 176 ghế của phe đối lập và sẽ tiếp tục nắm quyền điều hành đất nước nhiệm kỳ 2006 - 2010.

Kinh tế:

Đơn vị tiền tệ: Forint (HUF), tỷ giá USD/Forint: 1 USD = 214 Ft (7/2006)

Từ năm 1997, kinh tế đi vào quỹ đạo phát triển ổn định với tốc độ khá cao, có những năm GDP tăng khoảng 4-5%, năm 2003 là 2,9%, năm 2004 là 4%, năm 2006 là 3,8%. Năm 1995, Hungary trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác Kinh tế (OECD),

Nền kinh tế Hungary đã chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, với thu nhập đầu người gần bằng 2/3 mức thu nhập bình quân của 25 nước EU. Hungary tiếp tục chứng tỏ tiềm lực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và đã gia nhập EU vào tháng 5/2004. Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp đến 80% GDP. Hiện nay các nhà quan sát quốc tế đang lo ngại về tình trạng thâm hụt tài khoản và tài khóa của Hungary. Lạm phát đã giảm từ 14% (1998) xuống còn 3,7% (2006). Tỷ lệ thất nghiệp vẫn giữ ở mức 6%. Lực lượng tham gia lao động của Hungary là 57% dân số, một trong những tỷ lệ thấp nhất của các nước trong tổ chức OECD.

Đức luôn là bạn hàng lớn nhất của Hungary. Chính phủ đương nhiệm đã bắt đầu áp dụng các chương trình thắt lưng buộc bụng nghiêm ngặt để giải quyết một loạt các vấn đề, mà nguyên nhân sâu xa là việc sử dụng đồng euro.

Chính sách đối ngoại:

Hungary bắt đầu chuyển đổi thể chế từ năm 1989. Tình hình chính trị cơ bản ổn định. Năm 1999 Hungary được kết nạp vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) và trở thành thành viên chính thức của Liên minh Châu Âu (EU) từ 1/5/2004.

Sau khi trở lại cầm quyền, Chính phủ trung tả chủ trương "phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước trên thế giới nhằm tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho công cuôc xây dựng đất nước", trong đó nhấn mạnh thực hiện các mục tiêu ưu tiên, tháng 5/2004 đã hoàn thành việc gia nhập Liên minh Châu Âu, đồng thời cải thiện và phát triển quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, góp phần vào việc ổn định tình hình ở Trung Đông Âu. Về mục tiêu bảo vệ lợi ích Hung kiều, Chính phủ trung tả khẳng định tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ để Hung kiều sống ổn định, hạnh phúc ở nước họ đang cư trú và được hưởng các quyền lợi theo tiêu chí chung của EU, đồng thời giữ được bản sắc văn hóa, ngôn ngữ của dân tộc Hungary.

Sau 4 năm cầm quyền của lực lượng trung tả, nhìn chung quan hệ giữa Hungary với các nước láng giềng, khu vực và với các nước lớn, kể cả với Nga, đều được cải thiện rõ rệt.

Với các nước thuộc khu vực khác, Hungary quan tâm phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học - kỹ thuật với các nước có tiềm năng ở Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ.

Ưu tiên hàng đầu của Hungary sau khi hội nhập các cơ cấu Châu Âu - Đại Tây Dương là tham gia đầy đủ, tích cực vào các cơ chế Châu Âu, NATO, duy trì quan hệ tốt với Mỹ, các nước láng giềng, bảo vệ quyền lợi Hung kiều và mở rộng quan hệ ra ngoài Châu Âu. Hungary coi vai trò thúc đẩy tiến trình dân chủ hóavùng Balkan là một trong những nhiệm vụ quan trọng của mình trong EU.

Hungary cũng triển khai chính sách đối ngoại mới với châu Á. Hungary đánh giá đây là châu lục có tốc độ phát triển năng động nhất thế giới và là một trong những trọng điểm trong chính sách đối ngoại không chỉ của Hungary mà của cả EU. Chính phủ Hungary đã lập Ủy ban thúc đẩy quan hệ với châu Á do Thủ tướng làm Chủ tịch, các Bộ trưởng Kinh tế và Ngoại giao là hai Phó Chủ tịch.

Triển khai chính sách châu Á mới, Thủ tướng Hungary từ tháng 9/2004 đến nay đã thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Indonesia và Việt Nam.

(T.Tiên, Phòng Chính trị Kinh tế Đối ngoại, ngày 9-4-2007)

Nguồn: http://www.earth-photography.com/Countries/Hungary.

/www.cia.gov/cia/publications/factbook/geos/hu.html

www.mofa.gov.vn

www.fsz.bme.hu

 

 
Copyright by © 2005 Vietnam Ministry of Foreign Affairs - Office in HCM City Email: Banbientap@mofahcm.gov.vn