Công cụ làm việc cá nhân

    Tìm kiếm

    


...

Quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Pháp

Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ ngày 12/4/1973.

Những năm 1975-1978, Pháp bắt đầu hỗ trợ Việt Nam trong quá trình khôi phục đất nước


N
hững năm 80, quan hệ hai nước bị ngưng đọng do vấn đề Campuchia, năm 1989 trở đi, quan hệ Việt - Pháp được cải thiện trở lại. Pháp đã đi đầu so với các nước phương Tây trong việc khai thông quan hệ với Việt Nam, xoá nợ, giúp Việt Nam giải quyết nợ với các nước chủ nợ thành viên CLB Paris.

 

Từ đó đến nay, Việt Nam và Pháp đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao thăm viếng lẫn nhau.

 

 

Các Hiệp định khung đã ký

Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật (1989),
Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (1992), 
Hiệp định hợp tác y tế và y học(1992), 
Hiệp định về tránh đánh thuế hai lần (1993), 
Hiệp định về hợp tác pháp luật và tư pháp (1993)
Hiệp định hợp tác về du lịch (1996), 
Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự (1999)
Hiệp định hợp tác hàng hải (2000), 
Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi (2000),
Hiệp định về miễn thị thực lưu trú ngắn hạn đối với người mang hộ chiếu ngoại giao (2004),
Hiệp định hợp tác khoa học công nghệ (2007).

 

Viện trợ:


Việt Nam được hưởng cả ba kênh viện trợ tài chính của Pháp là viện trợ phát triển chính thức từ ngân khố và cho vay ưu đãi từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và từ Quỹ Đoàn kết ưu tiên (FSP). Pháp hiện là nhà tài trợ ODA thứ hai cho Việt Nam, sau Nhật Bản.

 

Theo tinh thần Tài liệu khung về quan hệ đối tác Việt Nam – Pháp giai đoạn 2006-2010 (ký ngày 15/9/2006), Pháp cam kết viện trợ cho Việt Nam 1,4 tỷ USD, tập trung thế mạnh của Pháp vào 4 lĩnh vực ưu tiên: cải cách pháp luật và chính trị; hiện đại hóa hệ thống giáo dục và nghiên cứu; hỗ trợ chuyển đổi nền kinh tế; góp phần giảm nghèo, cải thiện phúc lợi xã hội.

 

Trao đổi thương mại:

 

Pháp là bạn hàng châu Âu đứng thứ 3 của Việt Nam. Tuy nhiên, trao đổi với Pháp có khuynh hướng chững lại so với một số nước Tây Âu khác và đang có nguy cơ tụt xuống hàng thứ 4, sau Đức, Anh, Hà Lan.

 

Năm 2008, tổng trị giá hàng Việt Nam xuất khẩu sang Pháp đạt xấp xỉ 786 triệu USD, chủ yếu là giày dép, hàng dệt may, hàng hải sản, sản phẩm đá quý và kim loại quý. Tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu từ Pháp đạt  khoảng 662 triệu USD, chủ yếu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; tân dược; các sản phẩm hóa chất; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày; sữa và sản phẩm sữa.

 

Đầu tư:

 

Pháp đứng thứ hai các nước châu Âu (sau Hà Lan) và đứng thứ 10 trong tổng số 77 nước và lãnh thổ đầu tư ở Việt Nam. Các lĩnh vực có vốn đầu tư lớn là dịch vụ (50% tổng vốn), công nghiệp (37%).

 

Đầu tư trực tiếp của Pháp tập trung chủ yếu vào công nghiệp, xây dựng, giao thông, viễn thông, khách sạn, dịch vụ, chế biến thực phẩm; phân bổ trên khoảng 30 địa phương, tập trung phần lớn tại thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội.

 

Khoa học và công nghệ:


Hoạt động hợp tác hiện nay được thực hiện thông qua các dự án do Quỹ Đoàn kết Ưu tiên (FSP) của Pháp tài trợ. Đây thường là các chương trình dài hạn về nghiên cứu, phát triển công nghệ, đào tạo phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

 

Hợp tác trong lĩnh vực ứng dụng hạt nhân được tăng cường trong khuôn khổ Thỏa thuận giữa Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Pháp (CEA).  

 

Giáo dục và đào tạo:

 

Các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Pháp đã hình thành và phát triển từ đầu những năm 80. Các lĩnh vực hợp tác với Pháp tập trung chủ yếu vào việc giảng dạy và phát triển tiếng Pháp, đào tạo nguồn nhân lực ở bậc đại học, sau đại học trong nhiều lĩnh vực: quản lý kinh tế, ngân hàng, tài chính, luật, công nghệ mới…

 

Trong lĩnh vực nghiên cứu có: chương trình quốc gia như dự án ESPOIR với mục đích tổ chức các hội thảo khoa học giữa Pháp và các đối tác tại TPHCM; hoạt động hỗ trợ của Bộ phận Phân tích Trung tâm/CNRS đối với Trung tâm Dịch vụ Phân tích và Thí nghiệm TPHCM. Hợp tác trong lĩnh vực công nghệ Nano giữa Ủy ban Năng lượng Hạt nhân (CEA), phòng thí nghiệm Leti Grenoble và MINATEC (trung tâm nghiên cứu Châu Âu về công nghệ Micro và Nano) với Đại học Quốc gia TPHCM.

 

Pháp cũng có các chương trình FFI (thực tập bác sĩ nội trú) tạo điều kiện cho các bác sĩ Việt Nam sang Pháp tu nghiệp trong 1 năm, chương trình FMC (Bồi dưỡng nghiệp vụ y tế ), chương trình tập huấn tại bệnh viện Việt Nam dành cho các sinh viên y/dược/nha khoa của Pháp trên cơ sở hợp tác với Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ Y tế của TPHCM (CUF) đối với những hoạt động tại khu vực miền Nam.

 

Văn hoá:

 

Dự án FSP "Hỗ trợ phát triển văn hoá Việt Nam", bắt đầu từ năm 2003 trong thời gian 3 năm, cho phép mở rộng những hoạt động: các khóa đào tạo Nhạc thính phòng (3 khoá mỗi năm) đã được tổ chức dành cho Nhạc viện và Dàn nhạc giao hưởng của TPHCM bên cạnh các buổi hòa nhạc cho rộng rãi công chúng. Dự án đào tạo múa đang trong giai đoạn hình thành với sự giúp đỡ của Régine Chopinot nhằm bồi dưỡng các giáo viên múa về văn hóa vũ đạo.


Thời trang cũng là một lĩnh vực hợp tác quan trọng gần đây. Mối quan hệ đối tác giữa SCAC, Viện thời trang FADIN, VINATEX, Viện thời trang Pháp (IFM) và Hội hoạt động nghệ thuật Pháp (AFAA) được cụ thể hoá qua chương trình đào tạo các nhà tạo mẫu trẻ Việt.

 

Tại TPHCM, trong lĩnh vực nghe - nhìn và nghệ thuật thị giác, Trung tâm Hình ảnh được thành lập tháng 11- 2003, trong khuôn viên Viện trao đổi văn hóa với Pháp (IDECAF), thực hiện cùng một lúc các chức năng của một trung tâm tư liệu và chiếu phim, một địa điểm đón tiếp và giao lưu văn hoá. Bên cạnh đó, về nhiếp ảnh sự hợp tác giữa Trường Quốc gia về Nhiếp ảnh Arles và Trường Văn hóa Nghệ thuật TPHCM; về điện ảnhsự hợp tác giữa Trường Đại học Paris VIII và Trường Sân khấu Điện ảnh TPHCM; về truyền hình có sự hợp tác giữa Đài truyền hình TPHCM với CFI.

 

Các hoạt động hợp tác địa phương:

 

Là một hình thức hợp tác đặc thù trong quan hệ hai nước và hiện đang đi vào chiều sâu. Hiện có 52 địa phương của Pháp là đối tác với 54 tỉnh/thành phố vủa Việt Nam. Trong đó, khoảng 20 địa phương của Pháp tham gia hợp tác tại khu vực phía Nam.

 

Vùng Rhône - Alpes triển khai nhiều chương trình hợp tác qui mô với TPHCM, Đồng Nai, Cần Thơ và Bình Dương trong những lĩnh vực phát triển then chốt như: kinh tế, giáo dục phổ thông và đại học, qui hoạch đô thị, du lịch và môi trường, xóa đói giảm nghèo và hội nhập xã hội...

 

Thành phố Lyon cũng giúp TPHCM phát huy di sản kiến trúc (dự án chiếu sáng Nhà hát Thành phố, Ủy ban Nhân dân Thành phố và Bảo tàng Hồ Chí Minh).

 

Tỉnh Indre et Loire hỗ trợ dự án Thạc sĩ "Chăn nuôi" của đại học Tours triển khai tại Đại học Nông Lâm TPHCM.

 

Vùng Poitou - Charentes hoạt động tại Cần Thơ và TPHCM, hỗ trợ các dự án hợp tác đại học giữa các trường của hai nước, trong đó có hợp tác giữa Đại học Bách khoa TPHCM với ENSMA (Hàng không) trong khuôn khổ của chương trình PFIEV.

 

Hoạt động nhân đạo của Pháp tại Việt Nam:

 

Khoảng 150 tổ chức phi chính phủ Pháp hoạt động tại Việt Nam, chủ yếu trong những lĩnh vực: phát triển nông thôn, qui hoạch đô thị, môi trường, y tế cộng đồng, phụ nữ và trẻ em, đào tạo nghề và hội nhập xã hội.

 

Hai nước còn có nhiều hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Tổ chức Pháp ngữ, đặc biệt trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Pháp, giảng dạy đại học, các hoạt động nghị viện...

 

(Ban Biên tập Website Sở Ngoại vụ, ngày 20-5-2009)

 


Các tin liên quan:

Cập nhật 26-05-2009