Công cụ làm việc cá nhân

    Tìm kiếm

    


...

Thông tin cơ bản về Hợp chủng quốc Hoa Kỳ


 

Quốc kỳ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ

 

Bản đồ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ

Địa lý:

Vị trí: Nằm ở Tây bán cầu; bắc giáp Canada; nam giáp Mexico và vịnh Mexico; đông giáp Đại Tây Dương; tây giáp Thái Bình Dương. Ngoài ra còn có bang Alaska nằm phía tây bắc Canada, quần đảo Hawaii nằm ở Thái Bình Dương.

Diện tích: 9.631.420 km2; đứng thứ 4 thế giới sau Nga, Canada, Trung Quốc; chiếm 6,2% diện tích toàn cầu.

Thủ đô: Washington D.C.

Các thành phố lớn: New York, Chicago, Los Angeles, Philadelphia, San Francisco...

 

Khu Mahattan ở New York

Dân số: 298.444.215 người (số liệu tháng 7/2006). Tốc độ tăng dân số khoảng 0.92%.

Ngôn ngữ: Tiếng Anh. 

Tôn giáo: Tin lành: 56%; Cơ đốc giáo La Mã: 28%; Do thái: 2%; Các đạo khác: 4%; Không theo đạo nào: 10%.

Lịch sử:

Năm 1492, Christopher Columbus phát hiện ra Châu Mỹ.

Năm 1607, người Anh bắt đầu đặt chân lên Châu Mỹ và lập hệ thống thuộc địa ở hầu hết lãnh thổ Bắc Mỹ. Các nước Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan chiếm các vùng còn lại.

Ngày 4/7/1776, các nhà cách mạng Hoa Kỳ công bố "Tuyên ngôn Độc lập", tách Hoa Kỳ ra khỏi Đế quốc Anh, thành lập Hợp chủng quốc Hoa Kỳ gồm 13 bang. Ngày 7/9/1787, Hiến pháp Liên bang đầu tiên của Hoa Kỳ được thông qua. George Washington được bầu là tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ.

 

Chân dung 4 tổng thống Hoa Kỳ George Washington, Thomas Jefferson, Theodore Roosevelt và Abraham Lincoln trên đỉnh núi Rushmore, bang Nam Dakota

Sau cuộc nội chiến 1861-1865, Hoa Kỳ củng cố nền độc lập, phát triển kinh tế và mở rộng ảnh hưởng ở Tây bán cầu.

Cuối thế kỷ XIX, Hoa Kỳ đã trở thành nước tư bản chủ nghĩa hàng đầu thế giới.

Sau khi Liên Xô tan rã (1991), chiến tranh lạnh và trật tự thế giới hai cực kết thúc, Hoa Kỳ trở thành siêu cường duy nhất có sức mạnh toàn diện về kinh tế, quân sự. Nhưng sự kiện khủng bố tấn công Trung tâm Thương mại Quốc tế (WTC) vào ngày 11/9/2001 và các diễn biến trên thế giới kể từ đó đến nay đã có tác động đáng kể đến đời sống chính trị, an ninh, kinh tế - xã hội Hoa Kỳ cũng như cách nhìn nhận và quan điểm của Hoa Kỳ về các vấn đề này, do đó cũng tác động đến việc điều chỉnh chính sách đối nội và đối ngoại của Hoa Kỳ.

Quốc khánh là ngày công bố Tuyên ngôn Độc lập : 4/7/1776.

Thể chế chính trị:

Là nước Cộng hòa Liên bang, theo chế độ tam quyền phân lập: quyền lập pháp thuộc về Quốc hội, quyền hành pháp thuộc về Tổng thống và quyền tư pháp thuộc về Tòa án tối cao. Hiến pháp Hoa Kỳ quy định rõ các quyền thuộc về nhà nước liên bang và các chính quyền tiểu bang. Chính phủ Liên bang nắm quyền điều hành toàn bộ đất nước, quy định các chính sách thuế chung, chính sách đối ngoại, thương mại quốc tế và giữa các bang, chịu trách nhiệm về quốc phòng, an ninh, phát hành tiền, hệ thống đo lường, bản quyền... Các bang có hiến pháp và pháp luật riêng, nhưng không trái với Hiến pháp Liên bang.

Hoa Kỳ theo chế độ đa đảng. Đảng Dân chủ (thành lập năm 1828) và Cộng hòa (thành lập năm 1854) thay nhau nắm chính quyền. Từ sau chiến tranh thế giới thứ II, đã có 7 nhiệm kỳ tổng thống thuộc đảng Dân chủ và 7 nhiệm kỳ tổng thống thuộc đảng Cộng hòa. Hiện tại Tổng thống George Walker Bush thuộc đảng Cộng hòa đang nắm quyền.

Chính phủ Liên bang: Tổng thống nắm quyền hành pháp, có quyền hạn của nguyên thủ quốc gia, là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang. Tổng thống có quyền phủ quyết các điều luật do quốc hội thông qua và để đảo ngược quyền phủ quyết của tổng thống, cần 2/3 số phiếu của cả 2 viện của quốc hội. Nhiệm kỳ tổng thống dài 4 năm. Kể từ 1951, mỗi tổng thống chỉ được cầm quyền tối đa 2 nhiệm kỳ.

 

Nhà Trắng là nơi ở và làm việc của tổng thống Hoa Kỳ

Quốc hội: Gồm hai viện:

  • Thượng viện gồm 100 thượng nghị sĩ. Mỗi bang có 2 thượng nghị sĩ với nhiệm kỳ 6 năm. Phó Tổng thống giữ chức danh Chủ tịch Thượng viện, có quyền bỏ phiếu quyết định trong tình huống bất phân thắng bại (50/50).
  • Hạ viện gồm 435 hạ nghị sĩ. Mỗi bang có ít nhất 1 hạ nghị sĩ, còn lại căn cứ theo số dân của bang đó. Các hạ nghị sĩ có nhiệm kỳ 2 năm.

Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ

Tòa án tối cao: Gồm 1 chánh án và 8 thẩm phán, đều do tổng thống chỉ định, với sự chấp thuận của thượng viện, có nhiệm kỳ suốt đời.

Kinh tế:

Hoa Kỳ là nước công nghiệp phát triển hàng đầu trên thế giới.

GDP: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2005 là 12.760 tỷ USD, chiếm khoảng 31% GDP toàn thế giới. GDP bình quân  theo đầu người là 43.555 USD. Năm 2001 GDP tăng 0,8%, năm 2002 tăng 1,9%, năm 2003 tăng 3%, năm 2004 là 4,4% và năm 2005 là 3,5%.

Cơ cấu kinh tế: Dịch vụ chiếm khoảng 80%, công nghiệp 18%, nông nghiệp 2%.

 

Nhà máy lọc dầu ở Illinois

Xuất nhập khẩu: Kim ngạch xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ chiếm khoảng 25% GDP, là nước xuất nhập khẩu lớn nhất thế giới. Năm 2005 Hoa Kỳ xuất khẩu trị giá 1.272 tỷ đôla và nhập khẩu trị giá 1.998 tỷ đôla. Các bạn hàng buôn bán lớn nhất của Hoa Kỳ là Canada, Mexico, Nhật, ASEAN, Trung Quốc, Anh, Đức Pháp, Hà Lan. Hoa Kỳ bị thâm hụt thương mại ở mức cao liên tiếp trong gần 2 thập kỷ, đặc biệt tăng liên tục ở mức kỷ lục là 728 tỷ đô la năm 2005, chiếm 5,8%, vượt mức báo động (5,5% GDP).

Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu: Sản phẩm công nghiệp (vật liệu bán dẫn, thiết bị viễn thông, máy vi tính, máy bay, động cơ xe máy) chiếm 49%; Sản phẩm phục vụ công nghiệp (hóa chất) chiếm 26,8%; Hàng tiêu dùng (thuốc tân dược, ô tô) chiếm 15%); Sản phẩm nông nghiệp (đậu nành, trái cây, bắp) chiếm 9,2%.

 

Cánh đồng bắp ở Wiscosin

Sản phẩm nhập khẩu chủ yếu: Sản phẩm phục vụ công nghiệp chiếm 32,9%, trong đó dầu thô chiếm 8,2%; Hàng tiêu dùng (ô tô, thuốc tân dược, quần áo, đồ dùng gia đình, đồ chơi) chiếm 31,8%; Sản phẩm công nghiệp (máy vi tính, thiết bị viễn thông, động cơ ô tô xe máy, máy văn phòng, thiết bị ngành điện) chiếm 30,4%; Sản phẩm nông nghiệp chiếm 4,9%.

Sau một thời gian rơi vào suy thoái (3/2001-1/2002), kinh tế Hoa Kỳ nhanh chóng tăng trưởng trở lại. Chính quyền đã sử dụng các biện pháp chính để đối phó kinh tế suy thoái như: tăng chi chính phủ, cắt giảm lãi suất cho vay và giảm thuế. Ngoài ra, do kinh tế Hoa Kỳ đang ở trong giai đoạn chuyển đổi, năng suất lao động tăng mạnh do ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ thông tin, chu kỳ khủng hoảng kinh tế rút ngắn lại, giúp kinh tế Hoa Kỳ sớm thoát ra khỏi khủng hoảng so với các chu kỳ kinh tế trước đây.

Chính sách đối ngoại:

Chính sách xuyên suốt của Hoa Kỳ là trở thành quốc gia số một thế giới về mọi mặt và Hoa Kỳ sử dụng các chiến lược khác nhau trong từng thời kỳ để hướng tới mục tiêu này.

Sau khi Liên Xô tan rã, Hoa Kỳ điều chỉnh chiến lược đối ngoại, đưa ra chiến lược "dính líu và mở rộng", với nội dung chính là: Phục hồi và phát triển nền kinh tế Hoa Kỳ, giữ vững địa vị là nền kinh tế mạnh nhất thế giới; Duy trì ưu thế quân sự của Hoa Kỳ, tổ chức, cơ cấu lại và hiện đại hoá quân đội Hoa Kỳ nhằm đáp ứng tình hình mới; Phát huy ưu thế về chính trị và quân sự, thúc đẩy "kinh tế thị trường" và "dân chủ kiểu phương Tây" nhằm tiến tới thiết lập một trật tự thế giới có lợi cho Hoa Kỳ.

Sau sự kiện 11/9/2001, Hoa Kỳ đẩy mạnh quá trình điều chỉnh chiến lược cho thế kỷ XXI, coi chống khủng bố là ưu tiên cao nhất. Chống khủng bố được sử dụng để tập hợp lực lượng nhằm thiết lập một trật tự thế giới mới do Hoa Kỳ lãnh đạo. Trong đó, Chiến lược An ninh quốc gia ban hành ngày 20/9/2002 đóng vai trò quan trọng trong đường lối đối ngoại. Ngày 16/3/2006, Tổng thống George W. Bush công bố Chiến lược An ninh quốc gia trong nhiệm kỳ hai, bổ sung một số điểm mới so với bản Chiến lược năm 2002. Từ nhiệm kỳ hai của Tổng thống Bush, Hoa Kỳ tiến hành điều chỉnh chiến lược theo hướng tranh thủ đồng minh, bạn bè, bớt đơn phương hơn, nhấn mạnh các thể chế đa phương trong quan hệ quốc tế.

Nguồn và ảnh: http://www.mofa.gov.vn

http://www.cia.gov

http://www.trekearth.com

http://www.en.wikipedia.org

(N.Hà, Phòng Chính trị Kinh tế đối ngoại, ngày 18-11-2006)

 


Các tin liên quan:
Tạo bởi thanhdm
Cập nhật 19-11-2006