Nền kinh tế Canada

Bản đồ Canada 

A. Vài nét về Canada

  • Vị trí địa lý: Nằm ở phía Bắc châu Mỹ.
  • Diện tích: 9.970.610 km2 (lớn thứ 2 trên thế giới)
  • Dân số:  32.532.232 người (tính đến 5-2006)
  • Ngôn ngữ: Tiếng Anh và tiếng Pháp
  • Đơn vị tiền tệ: Đồng Canadian dollar (CAD)
  • Nhà lãnh đạo Kinh tế hiện nay: Thủ tướng Stephen Harper

 

Thác Niagara, một thắng cảnh ở Canada

B. Nền kinh tế Canada

Canada là một trong những nền kinh tế thịnh vượng nhất trên thế giới và là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và nhóm G8. Canada có một nền kinh tế thị trường tự do tương đối giống Hoa Kỳ. Sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, trong thập kỷ qua, nền kinh tế Canada phục hồi nhanh với tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng là nhờ cơ sở của nền kinh tế này khá vững chắc, cắt giảm thuế mạnh và khu vực kinh doanh có sức cạnh tranh ngày càng cao. Mặc dù trong cơ cấu kinh tế, khu vực dịch vụ rất phát triển với ba phần tư dân số làm việc trong lĩnh vực này, song khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và khai khoáng vẫn đóng vai trò quan trọng. Canada có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên lớn và phong phú gồm khí đốt, dầu lửa, vàng, uranium, kẽm, nhôm, chì, nicken và gỗ.  

Một khu chợ ở Ottawa

Tăng trưởng GDP: Mức tăng GDP thực tế của Canada trong những năm gần đây dao động trong khoảng từ 2 đến 3,5%. Năm 2002, tăng trưởng GDP thực tế của Canada đạt 3,4%, cao hơn mức 2,2% của Hoa Kỳ. Năm 2003, mức này giảm xuống 2% do một loạt các cú sốc bất ngờ như dịch bệnh SARS, dịch bệnh bò điên và đồng dollar Canada tăng giá ảnh hưởng tới xuất khẩu. Tuy nhiên nhờ cơ sở kinh tế vững, tỷ lệ lãi suất thấp, môi trường kinh tế toàn cầu thuận lợi, và đặc biệt nền kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng tốt, nên năm 2004 nền kinh tế Canada lại tăng ở mức 2,7% và năm 2005 tăng 2,9%. Năm 2005, GDP của Canada đạt 1.035 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người là 34.000 USD.

Lạm phát: Trong vòng 5 năm qua, lạm phát giá tiêu dùng luôn được duy trì trong khoảng 1% - 3%; chỉ riêng vài tháng cuối năm 2003, chỉ số lạm phát vượt ra ngoài giới hạn 3% là do một số yếu tố tăng đột ngột như phí bảo hiểm ô tô, giá năng lượng và một số yếu tố đầu vào của sản phẩm tăng giá. Tuy nhiên, sau đó lạm phát đã trở lại mức giới hạn do các yếu tố trên bớt căng thẳng và đồng dollar Canada tăng giá so với dollar Hoa Kỳ. Năm 2005, tỷ lệ lạm phát là 2,2%.

 

Quang cảnh Toronto

Thương mại: Canada là một trong số ít các nền kinh tế trên thế giới xuất khẩu ròng năng lượng nhờ vào trữ lượng khí đốt và dầu lớn thứ hai trên thế giới. Canada cũng là một trong số các nhà xuất khẩu nông sản quan trọng nhất trên thế giới, xuất khẩu chủ yếu là lúa mì và các loại hạt khác. Khu vực nông nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản của Canada phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế, đặc biệt là thương mại với Hoa Kỳ. Việc ký Hiệp định Tự do Thương mại với Hoa Kỳ năm 1989 và tham gia Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) năm 1994 đã làm cho hoạt động thương mại và hội nhập kinh tế của Canada tăng nhanh.

 

Một cánh đồng lúa mì ở Canada

Tổng kim ngạch mậu dịch: Năm 2005 xuất khẩu đạt 364,8 tỷ USD, nhập khẩu là 317,7 tỷ USD.

Xuất khẩu chủ yếu sang: Hoa Kỳ (chiếm tỷ lệ 84,1%), Nhật Bản (2,1%), Anh (1,8%) (năm 2005).

Nhập khẩu chủ yếu từ: Hoa Kỳ (chiếm tỷ lệ 57,5%), Trung Quốc (7,4%), Mexico (3,8%) (năm 2005).

Cán cân thanh toán: Sau những thâm hụt trong thập niên 90, tài khoản vãng lai của Canada đã được cải thiện rất nhiều và bắt đầu thặng dư 0,3% GDP vào cuối năm 1999; mức thặng dư này liên tục tăng trong những năm tiếp theo lên 2% GDP năm 2003 và đến quý I năm 2004 là 3% GDP. Năm 2005 đạt 24,96 tỷ USD.

Dự trữ ngoại tệ và vàng: 33,03 tỷ USD (năm 2005).

Tỷ lệ thất nghiệp: Năm 2005 là 6,8% trên tổng số lực lượng lao động là 16,3 triệu người.

Nợ nước ngoài: Nhờ thặng dư tài khoản vãng lai và cán cân chi tiêu ngân sách được cải thiện, nên nợ nước ngoài ròng của Canada tính theo GDP hiện ở mức thấp nhất kể từ thập niên 50, từ mức 44% GDP năm 1993 xuống còn dưới 17% GDP năm 2003 (thấp hơn Hoa Kỳ). Trong thời gian tới, nợ nước ngoài của Canada được dự tính sẽ tiếp tục giảm. Đến 30-11-2005 nợ nước ngoài của Canada là 439,8 tỷ USD.

 

Thành phố Montreal

 

Cảng Montreal

Chi tiêu ngân sách: Nhờ công tác quản lý chi tiêu ngân sách chặt chẽ trong vòng 10 năm qua, nên giờ đây Canada đã ghi được kỷ lục 6 năm liền thặng dư ngân sách – thành tựu duy nhất trong nhóm G8. Thặng dư ngân sách liên bang trong năm tài chính 2002-2003 là 7 tỷ dollar Canada.

Chính sách tiền tệ: Kể từ năm 1991, Chính phủ Liên bang và Ngân hàng Canada duy trì được giới hạn mục tiêu lạm phát đã đề ra. Giới hạn mục tiêu này đang giảm dần xuống mức hiện nay là 1% - 3%. Chính phủ cam kết duy trì một môi trường lạm phát thấp và ổn định, giúp cho chính sách tiền tệ đóng góp ở mức tích cực nhất vào việc mở rộng kinh tế một cách bền vững; điều này dẫn tới khả năng giảm tỷ lệ thất nghiệp và tăng năng suất.

Triển vọng trung hạn: Tăng trưởng GDP trung bình thực tế dự đoán khoảng 3,1% trong giai đoạn 2006-2009. Lạm phát trung hạn được dự đoán sẽ tiếp tục được neo ở mức giữa giới hạn mục tiêu lạm phát của Ngân hàng Canada là khoảng 2%.

Cải cách cơ cấu: Từ đầu thập niên 90 tới nay, Canada đã tiến hành một loạt các cải cách cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực chi tiêu ngân sách, thuế, lao động, phúc lợi xã hội, thương mại, tài chính… nhờ đó đã tạo ra sự tăng trưởng ổn định và bền vững như hiện nay. Một số ví dụ điển hình về cải cách kinh tế như:

  • Chi tiêu ngân sách: Năm 1994, Chính phủ Liên bang quyết tâm giảm và xóa bỏ dần thâm hụt ngân sách vốn đã tồn tại hơn hai thập niên. Các mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách được thiết lập và biện pháp cắt giảm được thực hiện kiên trì để đạt được mục tiêu. Kết quả là sau 4 năm, Chính phủ Liên bang đã giảm được 38,5 tỷ dollar Canada thâm hụt ngân sách và việc giảm thâm hụt đi vào tiến trình ổn định.
  • Cải cách thuế: Canada tiến hành những cải cách quan trọng về hệ thống thuế trong suốt thập niên 90 tới nay. Ví dụ, năm 1991, thuế dịch vụ và hàng hóa (GST) được áp dụng thay cho thuế doanh thu dành cho nhà sản xuất vốn đã được áp dụng từ năm 1924. Năm 2000, Chính phủ Liên bang thực hiện cắt giảm thuế lớn nhất trong lịch sử. Kế hoạch giảm 100 tỷ dollar Canada trong vòng 5 năm là kế hoạch cải cách thuế quan trọng nhất trong lịch sử.
  • Tư nhân hóa: Tư nhân hóa trong lĩnh vực giao thông vận tải (hãng Hàng không Canada, hãng Tàu hỏa CN Rail…) từ năm 1988 đến 1996 và một số tập đoàn lớn trong các lĩnh vực khác không chỉ làm tăng khả năng cạnh tranh của các tập đoàn này mà còn đem lại hơn 10 tỷ dollar Canada cho ngân sách của Chính phủ nhằm giải quyết các ưu tiên về ngân sách và trả nợ.

Nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/Canada

http://www.apec.org/content/apec/member_economies/economy_reports.html

(T.Trinh, Phòng Chính trị Kinh tế đối ngoại, ngày 23-7-2006)

 
Copyright by © 2005 Vietnam Ministry of Foreign Affairs - Office in HCM City Email: Banbientap@mofahcm.gov.vn