Quá trình hình thành và phát triển của Sở Ngoại vụ TPHCM
Sau khi Miền Nam được hoàn toàn giải phóng vào ngày 30.04.1975, Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã tiếp quản Bộ Ngoại giao của chế độ Việt Nam Cộng hòa tại số 6 đường Alexandre de Rhodes, quận 1, và sự kiện này chính là cột mốc đầu tiên mở ra quá trình hình thành và phát triển Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh.
1. Giai đoạn từ 30.04.1975 đến 25.04.1976.
Ông Hoàng Bích Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam được cử làm trưởng đoàn tiếp quản Bộ ngoại giao của chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Ngày 02.05.1975, Ban Ngoại vụ Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định được thành lập tại trụ sở số 6 đường Alexandre de Rhodes, quận 1. Ông Hoàng Bích Sơn được giao nhiệm vụ làm trưởng ban và ông Dương Đình Thảo, Vụ trưởng Vụ Báo chí thuộc Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam làm phó ban.
Về chức năng của Ban Ngoại vụ, bên cạnh các công tác ngoại vụ của Thành phố, Ban Ngoại vụ còn phụ trách mảng đối ngoại và lãnh sự của Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Ban Ngoại vụ chịu sự chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Thành ủy và Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định.
Nhiệm vụ chính trị của Ban Ngoại vụ trong thời gian này là: bảo vệ chủ quyền lợi ích của quốc gia, thể hiện đường lối chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước là đền ơn đáp nghĩa với bạn bè, tăng cường hợp tác với các nước và làm nghĩa vụ quốc tế, góp phần vạch trần tội ác và hậu quả của chiến tranh xâm lược và chế độ thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ. Bên cạnh đó, Ban Ngoại vụ còn góp phần thực hiện nhiệm vụ đối nội của cách mạng trong giai đoạn mới là hoàn thành thống nhất, cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Ban Ngoại vụ đã tiến hành một số công tác cụ thể như:
-
Tiếp quản cơ quan của Bộ Ngoại giao chế độ cũ.
-
Đăng ký và quản lý phóng viên báo chí nước ngoài, viên chức của các cơ quan đại diện nước ngoài, các tổ chức quốc tế có mặt trước ngày 30.04.1975 và các phóng viên từ Hà Nội và các nước vào sau ngày 30.04.1975.
-
Phối hợp cùng cơ quan công an tổ chức xuất cảnh cho người nước ngoài, đảm bảo chính sách đối với họ.
-
Thực hiện công tác lãnh sự.
-
Tiếp nhận các đại sứ của một số nước.
-
Đón tiếp khách của Đảng, Nhà nước, Bộ ngoại giao, Ban Quốc tế Nhân dân Trung ương, Ủy ban Liên lạc văn hóa với nước ngoài.
2. Giai đoạn từ 1976 – 1986.
Sau khi Hiệp thương thống nhất đất nước vào ngày 25.04.1976, Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập thay thế Ban Ngoại vụ. Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan đại diện ở phía Nam, trực thuộc Bộ Ngoại giao, đồng thời chịu sự chỉ đạo của Thành ủy và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Dương Đình Thảo trở thành giám đốc đầu tiên của Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong giai đoạn này Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh có những chức năng và nhiệm vụ sau:
-
Phổ biến, hướng dẫn thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước ta có liên quan đến đối ngoại tới các cơ quan đại diện nước ngoài và người nước ngoài, đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ các cơ quan tại Thành phố, cán bộ và nhân dân Thành phố thực hiện các chủ trương, chính sách về công tác đối ngoại.
-
Quản lý hoạt động của các cơ quan đại diện nước ngoài đóng tại Thành phố. Giải quyết các yêu cầu về ăn, ở, làm việc, đi lại… cho các cơ quan đại diện nước ngoài thường trú hoặc tạm trú tại Thành phố.
-
Tổ chức đón tiếp và bố trí chương trình hoạt động cho các đoàn khách và phóng viên nước ngoài do địa phương hoặc Trung ương mời đến Thành phố và theo dõi, báo cáo kết quả việc thực hiện.
-
Phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết những vấn đề có nhân tố quốc tế và quản lý thống nhất công tác đối ngoại theo đúng chủ trương, chính sách đối ngoại, luật pháp của nước ta, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế.
-
Thực hiện một số công tác được Bộ Ngoại giao ủy nhiệm như:
* Hỗ trợ thành lập Tổng Lãnh sự quán Campuchia tại Thành phố Hồ Chí Minh.
* Tiếp nhận và quản lý Viện Trao đổi văn hóa với Pháp (IDECAF) từ tháng 9.1982.
* Phối hợp với Cục Quản lý Xuất nhập cảnh tổ chức thực hiện Chương trình xuất cảnh định cư ODP, Chương trình xuất cảnh con lai, Chương trình xuất cảnh HO (ba chương trình này đều kết thúc vào năm 2001).
Để thực hiện tốt những chức năng và nhiệm vụ trên, Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức bộ máy gồm những phòng ban chức năng như sau:
-
Phòng Lãnh sự.
-
Phòng Lễ tân – Báo chí.
-
Phòng K (được thành lập năm 1980, chuyên trách về Campuchia. Đến năm 1982, Phòng K kết thúc nhiệm vụ và được giải thể).
-
Cơ quan Phục vụ Đại diện nước ngoài (đến năm 1984 được tách ra khỏi Sở và trực thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay là Công ty Dịch vụ Cơ quan nước ngoài - FOSCO).
-
Văn phòng Sở.
-
Phòng Tổ chức Cán bộ.
-
Phòng Tài vụ (được thành lập năm 1984).
-
Viện Trao đổi văn hóa với Pháp.
-
Nhà khách quốc tế.
3. Giai đoạn từ 1986 đến nay.
Từ sau năm 1986, khi Việt Nam bắt đầu thực hiện chính sách mở cửa và đổi mới kinh tế, muốn làm bạn và đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới, số lượng các đoàn khách quốc tế tới thăm Thành phố tăng nhanh, trong đó có nhiều đoàn là nguyên thủ quốc gia các nước trên thế giới. Cùng với các đoàn khách quốc tế, số lượng các phóng viên nước ngoài tới tìm hiểu, đưa tin và số lượng các nhà đầu tư nước ngoài tới tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh cũng tăng mạnh. Đặc biêt là số lượng các cơ quan đại diện nước ngoài và các tổ chức quốc tế đã tăng lên nhanh chóng. Các hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế cũng diễn ra thường xuyên với quy mô lớn hơn tại Thành phố. Nhìn chung, hoạt động đối ngoại tại Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn này được mở rộng nhanh cả về chất và lượng.
Trong bối cảnh mới, Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh bên cạnh việc đảm bảo chức năng chung của ngành ngoại giao về lễ tân và lãnh sự, còn thực hiện một số nhiệm vụ chính như sau:
-
Tham mưu về mặt đối ngoại cho lãnh đạo, cho các sở ban ngành của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam.
-
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Ngoại giao và chính quyền Thành phố, Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh còn chú trọng đẩy mạnh công tác ngoại giao phục vụ kinh tế.
-
Là đầu mối hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương nước ngoài có quan hệ hữu nghị với Thành phố.
-
Quản lý về mặt nhân sự và hỗ trợ cho các hoạt động của các cơ quan đại diện lãnh sự nước ngoài đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
-
Tham gia công tác đào tạo:
* Trực tiếp đào tạo ngoại ngữ và nghiệp vụ ngoại giao cho các cán bộ làm công tác đối ngoại và các doanh nghiệp ở các tỉnh thành phía Nam nhằm đáp ứng nhu cầu mở cửa, hội nhập kinh tế.
* Tham gia vào các chương trình đào tạo lớn của Thành phố: đào tạo 300 tiến sĩ và thạc sĩ, đào tạo tiếng Anh cho 200 cán bộ của Thành phố.
Để đáp ứng với tình hình và nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện một số thay đổi về bộ máy tổ chức:
-
Phòng Lễ tân – Báo chí được tách ra thành phòng Lễ tân và phòng Thông tin – Báo chí. Đến cuối năm 2001, Phòng Thông tin – Báo chí được đổi tên thành Phòng Văn hóa – Thông tin đối ngoại.
-
Phòng Kết nghĩa được thành lập năm 1987 để chuyên trách về quan hệ kết nghĩa giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương nước ngoài, sau đó sáp nhập vào Phòng Lễ tân.
-
Phòng Tổng hợp mà tiền thân là Tổ Tổng hợp thuộc Văn phòng Sở ra đời tháng 11.1999, đảm nhận nhiệm vụ phiên dịch và tham mưu đối ngoại cho lãnh đạo Thành phố. Đến cuối năm 2001, đổi tên Phòng Tổng hợp thành phòng Chính trị - Kinh tế Đối ngoại cho phù hợp với tính chất công việc, không chỉ đảm đương nhiệm vụ phiên dịch và tham mưu đối ngoại mà còn phụ trách mảng quan hệ hữu nghị cấp địa phương.
-
Phòng Tài vụ vốn thành lập từ năm 1984, đến năm 1990 sáp nhập vào Văn phòng Sở.
-
Phòng Tổ chức Cán bộ sáp nhập vào Văn phòng Sở từ năm 1995, nhưng với số lượng nhân sự và phòng ban gia tăng, để đáp ứng yêu cầu công tác, vào tháng 3.2003, Phòng Tổ chức Cán bộ được khôi phục lại.
-
Viện Trao đổi văn hóa với Pháp (IDECAF) chính thức trở thành một cơ quan chức năng chuyên về đào tạo tiếng Pháp và các hoạt động giao lưu văn hóa với Pháp trực thuộc Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh.
-
Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng Kiến thức ngoại giao và Ngoại ngữ (CEFALT) ra đời năm 1998 nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo tiếng Anh và kiến thức ngoại giao trong thời kỳ hội nhập. Hiện nay Trung tâm không chỉ đào tạo tiếng Anh mà còn mở thêm các khóa học tiếng Trung và đảm nhận việc đào tạo tiếng Anh cho các cán bộ của Thành phố.
-
Trung tâm Dịch vụ Đối ngoại (FSC) được thành lập vào tháng 8.2003. Qua hoạt động của Trung tâm, Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh đã trực tiếp tham gia hỗ trợ doanh nghiệp. Mặc dù mới được thành lập, song FSC đã hoạt động rất tích cực, hiệu quả và tạo được uy tín trong việc giúp các doanh nghiệp tìm đối tác, thâm nhập thị trường, xác minh thông tin, tư vấn về luật pháp kinh tế, tổ chức cho các đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam và các cơ quan, doanh nghiệp của Việt Nam ra nước ngoài.
Trong giai đoạn hiện tại, cơ cấu tổ chức của Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh đã tương đối hoàn chỉnh, phát huy được tốt các chức năng của mình, đảm bảo được khối lượng công tác do Bộ Ngoại giao phân công, đáp ứng yêu cầu công tác đối ngoại của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh thành phía Nam nói chung. Hiện nay cơ cấu bộ máy của Sở Ngoại vụ gồm:
-
Phòng Lễ tân
-
Phòng Lãnh sự
-
Phòng Văn hóa - Thông tin Đối ngoại
-
Phòng Chính trị - Kinh tế Đối ngoại
-
Văn phòng Sở
-
Phòng Tổ chức Cán bộ
-
Nhà khách Chính phủ
-
Viện Trao đổi văn hóa với Pháp (IDECAF)
-
Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng Kiến thức ngoại giao và Ngoại ngữ (CEFALT)
-
Trung tâm Dịch vụ Đối ngoại (FSC)
Chặng đường hơn 30 năm qua cũng là một chặng đường đầy khó khăn, phức tạp đối với những người làm công tác ngoại giao, trong điều kiện phải đáp ứng tốt những nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước, Bộ Ngoại giao và Chính quyền Thành phố giao phó theo từng giai đoạn lịch sử của đất nước. Tuy nhiên, với chức năng, nhiệm vụ được phân công, tập thể Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, trở ngại, hoàn thành xuất sắc những trọng trách được giao phó.
Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển trong suốt hơn 30 năm qua, Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh tự hào về những thành tích đã đạt được. Ghi nhận những đóng góp này, Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh đã vinh dự được hai lần đón nhận Huân chương lao động hạng ba (năm 1979) và hạng nhất (năm 2001), Huân chương độc lập hạng ba (2005), cùng với nhiều bằng khen của Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Công đoàn Việt Nam, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Những thành tích mà Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được trong hơn 30 năm qua là nhờ vào:
-
Được sự lãnh đạo kịp thời, sâu sát của Bộ Ngoại giao.
-
Được sự tín nhiệm của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh thành phía Nam, cũng như các cơ quan chức năng có liên quan.
-
Từ cấp lãnh đạo đến cấp thừa hành đều thể hiện tinh thần đoàn kết nhất trí trong nội bộ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
-
Lãnh đạo đơn vị vững mạnh, biết phát huy sức mạnh của tập thể, phát huy vai trò gương mẫu của những cán bộ, đảng viên, chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, tận tâm với nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn cao.
Trong thời gian tới đây, trên cơ sở đường lối đối ngoại của Đảng và chủ trương, chính sách đối ngoại của nhà nước, Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tập trung vào công tác ngoại giao phục vụ kinh tế, xây dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động đối ngoại tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam, tìm cách phát huy mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh thành phía Nam với các địa phương nước ngoài để đem lại hiệu quả thiết thực hơn. Truyền thống của đơn vị sẽ là tiền đề vững chắc để tập thể cán bộ công chức của Sở Ngoại vụ tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ sắp tới.
Các tin liên quan:
- Tân trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gặp gỡ các địa phương phía Nam (04-05-2013)
- Sở Ngoại vụ TPHCM : Hội nghị tổng kết công tác ngoại giao 2012 và đề ra phương hướng hoạt động 2013 (25-02-2013)
- Tổ chức thành công cuộc thi tìm hiểu Ngoại giao Việt Nam VII - 2012 với chủ đề : “Ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh” (25-12-2012)
- Giải Quần vợt Hữu nghị Sở Ngoại vụ TPHCM 2012 (04-06-2012)
- Hội nghị Đoàn Sở Ngoại vụ TPHCM giữa nhiệm kì VII (2010 – 2013) (10-04-2012)
- Sở Ngoại vụ TPHCM tổ chức hội nghị Cán bộ công chức năm 2012 (29-02-2012)
- Hội trại Thanh niên Ngoại vụ các tỉnh, thành phía Nam lần I - năm 2011 (30-08-2011)
- Giải Quần vợt Hữu nghị Sở Ngoại vụ TPHCM 2011 – 12 năm hình thành và phát triển phong trào thể thao của những người làm công tác đối ngoại (04-07-2011)
- Thông cáo từ Sở Ngoại vụ TPHCM về việc phát động quyên góp giúp đỡ nhân dân Nhật Bản (21-03-2011)
- Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào sự thành công của công tác đối ngoại (13-01-2011)
Cập nhật 07-12-2018