Thông tin cơ bản về các cơ quan của Liên minh châu Âu
1. Hội đồng châu Âu (The European Council) (hoặc Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu (European Summit)
Hội đồng châu Âu là cơ quan chính trị cao nhất của Liên minh châu Âu (The European Union) mà thành viên là những người đứng đầu Nhà nước hoặc Chính phủ của 27 nước thành viên, cùng với một Chủ tịch của Ủy ban châu Âu. Các cuộc họp Thượng đỉnh do nước giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu chủ trì.
Mặc dù Hội đồng châu Âu không giữ chức năng lập pháp và hành pháp một cách chính thức, nhưng đây là cơ quan giải quyết những vấn đề chính và đưa ra các quyết định then chốt, hoạch định đường hướng chính trị chung của Liên minh châu Âu. Hội đồng châu Âu nhóm họp ít nhất 2 lần một năm, tại tòa nhà Justus Lipsius, Brussels.
Chức năng:
Hội đồng châu Âu không phải là một cơ chế chính thức của Liên minh châu Âu, mặc dù trong các Hiệp ước đã quy định đây là một cơ quan sẽ “mang lại cho Liên minh những động lực cần thiết cho sự phát triển”, cũng như có vai trò trong việc giải quyết các vấn đề nổi bật được thảo luận ở cấp thấp hơn. Về mặt đối ngoại, cơ quan này hoạt động như là một tập thể những người đứng đầu Nhà nước, chính thức phê chuẩn các văn kiện quan trọng và tham gia đàm phán về những thay đổi của các Hiệp ước.
Là tập hợp toàn bộ những người lãnh đạo đất nước, Hội đồng có quyền hành pháp, ảnh hưởng lớn đến chính sách đối ngoại, an ninh và luật pháp của châu Âu.
2. Hội đồng Liên minh Châu Âu (The Council of the European Union) hay Hội đồng Bộ trưởng (the Council of Ministers)
Đây là thể chế ra quyết định chính của Liên minh châu Âu. Trong hai cơ quan lập pháp chính của Liên minh châu Âu: Hội đồng Liên minh châu Âu và Nghị viện châu Âu, Hội đồng châu Âu giữ quyền lực quan trọng hơn. Hội đồng Liên minh châu Âu thường được gọi tắt là Hội đồng (trong các Hiệp ước) hay được biết dưới tên gọi theo tiếng Latinh là Consilium.
Cần phân biệt Hội đồng Liên minh châu Âu với Hội đồng châu Âu – The European Council - (tập hợp các nguyên thủ, người đứng đầu đất nước) và Hội đồng của châu Âu - Council of Europe - là một tổ chức không liên quan gì đến Liên minh châu Âu gồm 47 nước thành viên và hoạt động trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nhân quyền.
Hội đồng gồm có 27 Bộ trưởng của các nước thành viên. Tuy nhiên, tư cách hội viên lại được quy định theo từng vấn đề bàn thảo, chẳng hạn khi thảo luận về chính sách nông nghiệp, 27 Bộ trưởng Nông nghiệp sẽ hình thành nên Hội đồng. Các luật của Liên minh châu Âu thường bị giới hạn trên một số lĩnh vực chính sách cụ thể, tuy nhiên luật của Liên minh sẽ đứng trên luật của quốc gia. Vì Liên minh điều hành ở cấp trên quốc gia và liên chính phủ, trên một số lĩnh vực, Hội đồng sẽ cao hơn Nghị viện, chỉ lấy sự đồng thuận thông qua tham vấn từ cơ quan này. Tuy nhiên, trong nhiều lĩnh vực khác, Liên minh áp dụng tiến trình lập pháp theo hình thức “cùng ra quyết định”. Khi đó hai cơ quan giữ quyền lực quan trọng như nhau.
Hội đồng không có một Chủ tịch theo truyền thống, mà nhiệm vụ này sẽ được thuyên chuyển luân phiên giữa các nước thành viên mỗi 6 tháng, và khi đó Bộ trưởng của nước giữ chức Chủ tịch luân phiên sẽ lập ra chương trình nghị sự. Một vị trí quan trọng khác nữa là Tổng Thư ký, cũng là đại diện về chính sách đối ngoại của Liên minh.
Hội đồng nhóm họp dựa trên 9 chủ đề cần bàn thảo, gồm:
-
Các vấn đề chung và đối ngoại.
-
Kinh tế và tài chính.
-
Các vấn đề nội bộ và luật pháp.
-
Các vấn đề việc làm, chính sách xã hội, y tế và người tiêu dùng.
-
Cạnh tranh.
-
Giao thông, truyền thông và năng lượng.
-
Nông nghiệp và ngư nghiệp.
-
Môi trường.
-
Giáo dục, thanh niên và văn hóa.
Tất cả các công việc của Hội đồng được Ủy ban Đại diện thường trực (COREPER) chuẩn bị và điều phối. Thành viên của Ủy ban này là các đại diện thường trực của các nước thành viên ở Brussels. Công việc của Ủy ban do 250 tiểu ban và nhóm công tác sắp xếp.
Trong số các tiểu ban này, có một số tiểu ban giữ vai trò chuyên trách trong việc đề xuất hợp tác và đề cử chuyên viên trên một số lĩnh vực nhất định, chẳng hạn như Ủy ban Kinh tế và Tài chính, Ủy ban Chính trị và An ninh,…
Chức năng:
Hội đồng là cơ quan hành pháp của Liên minh, với 6 chức năng chính:
- Thông qua dự luật của Liên minh (cùng phối hợp với Nghị viện).
- Phối hợp các chính sách kinh tế và xã hội của các quốc gia thành viên.
- Ký kết các văn kiện hợp tác quốc tế giữa Liên minh và các nước, các tổ chức.
- Thông qua ngân sách (cùng phối hợp với Nghị viện).
- Thực thi chính sách đối ngoại và an ninh chung của Liên minh, dựa trên đường lối của Hội đồng châu Âu (The European Council).
- Phối hợp hoạt động giữa các tòa án quốc gia và lực lượng cảnh sát trên lĩnh vực tội phạm.
Tiến trình lập pháp:
Chức năng lập pháp của Liên minh được phân bổ cho 2 cơ quan là Hội đồng và Nghị viện. Dựa trên từng mối quan hệ và quyền hành của các cơ quan này, nhiều tiến trình lập pháp khác nhau được đưa ra để thông qua một điều luật. Hình thức phổ biến nhất là tiến trình “cùng ra quyết định”, được áp dụng trên nhiều lĩnh vực và dựa trên nguyên tắc đồng thuận từ cả hai Hội đồng và Nghị viện.
Theo tiến trình này, Ủy ban Châu Âu sẽ đệ trình dự thảo luật lên Nghị viện và Hội đồng. Sau lần xem xét đầu tiên, Nghị viện có thể yêu cầu sửa đổi. Nếu Hội đồng chấp nhận sự sửa đổi này, thì điều luật sẽ được thông qua. Nếu không chấp thuận, Hội đồng sẽ thông qua một “nguyên tắc chung” và đệ trình phiên bản mới cho Nghị viện. Ở lần xem xét thứ hai, nếu Nghị viện chấp thuận văn bản hoặc không có ý kiến, văn bản sẽ được thông qua, hoặc Nghị viện sẽ đề xuất những sửa đổi tiếp theo dựa trên đề xuất của Hội đồng. Văn bản có thể bị bác bởi đa số tuyệt đối các Nghị sĩ. Nếu Hội đồng vẫn không đồng thuận với quan điểm của Nghị viện, văn bản luật này sẽ được đưa ra “Hội đồng hòa giải”. Nếu Hội đồng có thể chấp thuận, văn bản sẽ được cả Hội đồng và Nghị viện thông qua.
Ngoài ra còn có tiến trình “tham vấn” và “tán thành”. Theo tiến trình tham vấn, Hội đồng sẽ tham vấn Nghị viện và có thể yêu cầu sửa đổi dự thảo luật nhưng không thể ngăn việc thông qua đạo luật. Đối với tiến trình “tán thành”, Hội đồng sẽ nhận được sự đồng thuận từ phía Nghị viện về dự thảo luật trước khi trở thành luật chính thức, nhưng Nghị viện không thể yêu cầu sửa đổi.
Hội đồng bỏ phiếu theo 3 cách: thống nhất hoàn toàn, đa số tuyệt đối và đa số tương đối. Trong hầu hết các trường hợp, Hội đồng bỏ phiếu theo hình thức đa số tuyệt đối (Qualified Majority Voting), nghĩa là cần ít nhất 255 phiếu trên tổng số 345 phiếu (chiếm 73,9%) và đa số các nước thành viên (chiếm 2/3). Ngoài ra, đa số này cũng phải đại diện 62% dân số của Liên minh. Hình thức bỏ phiếu thống nhất hoàn toàn thường được áp dụng đối với chính sách đối ngoại và một số trường hợp liên quan đến Hợp tác An ninh và luật pháp.
3. Ủy ban châu Âu (The European Commission)
Ủy ban châu Âu độc lập với chính phủ quốc gia. Nhiệm vụ của Ủy ban này là đại diện và ủng hộ cho lợi ích của toàn Liên minh châu Âu. Đây là cơ quan đệ trình dự thảo luật lên Hội đồng và Nghị viện châu Âu.
Đây là cơ quan hành pháp, chịu trách nhiệm thi hành các quyết định của Hội đồng và Nghị viện, tổ chức và chi ngân sách.
Mỗi thành viên được bổ nhiệm được gọi là Ủy viên. Đa số họ là đã từng giữ chức bộ trưởng hoặc một vị trí chính trị nào đó tại nước mình. Tuy nhiên, khi đã trở thành thành viên của Ủy ban, họ cam kết làm việc vì lợi ích của toàn Liên minh và không nhận một sự điều hành nào từ chính phủ nước mình. Các Ủy viên được bổ nhiệm trong mỗi 5 năm, trong vòng 6 tháng sau bầu cử Nghị viện châu Âu, và theo tiến trình như sau:
-
Chính phủ các nước thành viên đồng ý chỉ định ai sẽ là Chủ tịch của Ủy ban.
-
Nghị viện sẽ thông qua Chủ tịch Ủy ban đã được chỉ định này.
-
Chủ tịch Ủy ban sẽ thảo luận với chính phủ các nước thành viên và chọn ra các ủy viên.
-
Nghị viện mới sẽ tiến hành phỏng vấn các ủy viên được chỉ định này và đưa ra ý kiến về toàn bộ nhóm làm việc của Ủy ban. Một khi được Nghị viện thông qua danh sách thành viên, Ủy ban có thể chính thức bắt đầu công việc.
-
Ủy ban châu Âu đặt ở Brussels, ngoài ra còn có các văn phòng tại Luxembourg, cử đại diện ở tất cả các nước thuộc Liên minh và phái đoàn ở nhiều thủ đô trên thế giới.
Chức năng:
-
Đệ trình dự thảo luật lên Nghị viện và Hội đồng.
-
Điều phối và thi hành các chính sách và ngân sách của Liên minh.
-
Điều hành việc tuân thủ các luật của Liên minh (cùng với Pháp viện).
-
Đại diện Liên minh châu Âu trên trường quốc tế, chẳng hạn như đàm phán các hiệp định giữa châu Âu và các nước khác.
Cơ cấu:
Chủ tịch Ủy ban sẽ giao nhiệm vụ cho các ủy viên từng lĩnh vực chuyên trách và có thể hoán đổi các vị trí này trong nhiệm kỳ.
Ủy ban họp một lần một tuần và đưa ra chương trình nghị sự, dựa trên đề xuất của mỗi ủy viên phụ trách lĩnh vực đó, và tất cả các thành viên sẽ ra quyết định tập thể về chương trình nghị sự này.
Mỗi Vụ trưởng (Directorates-general) chịu trách nhiệm trên một lĩnh vực chính sách nhất định.
4. Ngoài ra, còn có một số cơ quan khác:
-
Pháp viện: là trọng tài đưa ra hòa giải cuối cùng cho các vụ tranh cãi về luật Châu Âu.
-
Tòa kiểm toán: kiểm tra vấn đề tài chính chi cho các hoạt động của Liên minh.
-
Ủy ban kinh tế và xã hội châu Âu: đại diện cho các lực lượng kinh tế và xã hội trong xã hội dân sự có tổ chức, ví dụ như giới chủ, giới làm công, công đoàn và tổ chức của người tiêu dùng.
-
Ủy ban vùng: đại diện chính quyền vùng và địa phương.
-
Ngân hàng đầu tư châu Âu: đầu tư tài chính cho các dự án phát triển kinh tế trong và ngoài Liên minh, và hỗ trợ các công ty nhỏ thông qua Quỹ đầu tư châu Âu.
-
Ngân hàng Trung ương châu Âu: phụ trách chính sách tiền tệ của Liên minh.
-
Ombudsman: thanh tra các khiếu nại về hành chính trong các cơ quan của Liên minh.
-
Kiểm soát bảo vệ dữ liệu châu Âu: bảo mật các thông tin cá nhân.
(T.Tiên., Phòng Chính trị Kinh tế Đối ngoại, ngày 13-10-2008)
Các tin liên quan:
- Lãnh đạo TPHCM tiếp phái đoàn Nghị viện châu Âu (24-01-2014)
- Trao tặng huân chương cho trưởng phái đoàn EU (24-05-2012)
- Việt Nam và EU họp ủy ban hỗn hợp lần thứ tám (20-05-2012)
- Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân tiếp Tổng Giám đốc điều hành Cơ quan đối ngoại châu Âu (22-03-2012)
- Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân tiếp Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam (20-02-2012)
- Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải tiếp Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (16-02-2012)
- Cuộc thi tranh thiếu nhi “Em vẽ về sự bình đẳng nam nữ” (13-04-2011)
- Hội thảo "Triển vọng kinh tế hợp tác Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU) giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến 2020” (22-11-2010)
- Liên hoan âm nhạc châu Âu tại Việt Nam (19-11-2010)
- Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo tiếp đoàn Nghị sĩ Nghị viện châu Âu (24-03-2010)
Cập nhật 13-10-2008