Công cụ làm việc cá nhân

    Tìm kiếm

    


...

Hiệp định khung về quan hệ Việt Nam - Ủy ban Châu Âu (EC)


Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 10-1990.

Năm năm sau, vào ngày 17-07-1995, Hiệp định khung về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ủy ban Châu Âu (EC) được ký kết và bắt đầu có hiệu lực vào ngày 01-06-1996, cung cấp cơ sở pháp lý cho quan hệ song phương.

Hiệp định khung đề ra bốn mục tiêu:

  1. Tăng cường đầu tư và thương mại song phương;
  2. Hỗ trợ phát triển kinh tế lâu dài của Việt Nam và cải thiện các điều kiện sống cho người nghèo;
  3. Hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam trong việc cơ cấu lại nền kinh tế và tiến tới một nền kinh tế thị trường;
  4. Bảo vệ môi trường.

Hiệp định cũng bao gồm một điều khoản quy định các quyền con người và các nguyên tắc dân chủ là nền tảng cho hợp tác giữa EC và Việt Nam.

Hiệp định khung về hợp tác EC - Việt Nam được tự động áp dụng cho các nước thành viên mới của EU đã gia nhập Liên minh vào ngày 1 tháng 5 năm 2004, cũng như cho các nước thành viên của EU trong tương lai

Hiệp định khung là tiền đề thiết lập Ủy ban Hỗn hợp EC - Việt Nam, một diễn đàn cho các hội đàm cao cấp về sự phát triển kinh tế và chính trị, bao gồm cả những tiến bộ của các cải cách kinh tế, hành chính, luật pháp và pháp lý của Việt Nam và việc thực hiện các chương trình hợp tác của Liên minh Châu Âu. Ủy ban Hỗn hợp nhóm họp 2 năm một lần. Các cuộc họp của Ủy ban Hỗn hợp được chuẩn bị bởi ba tổ/ban công tác trực thuộc giải quyết những lĩnh vực cụ thể:

  1. Tổ Công tác Hợp tác : Kiểm điểm tiến độ các chương trình hợp tác phát triển và hợp tác kinh tế giữa EC và Việt Nam và thảo luận các định hướng tương lai trong khuôn khổ Tài liệu Chiến lược Quốc gia và các Chương trình Định hướng Quốc gia cho nhiều năm.
  2. Tổ Công tác Thương mại và Đầu tư: Chuẩn bị cho các trao đổi song phương về các quy định liên quan đến thương mại và đầu tư và kiểm điểm việc thực hiện hiệp định song phương hiện có; xử lý tất cả các vấn đề về chính sách thương mại liên quan đến EU và các nước thành viên EU.
  3. Tiểu ban về hợp tác xây dựng thể chế, cải cách hành chính, quản trị công và nhân quyền: Tiểu ban được thiết lập tại cuộc họp lần thứ 4 của Ủy ban Hỗn hợp vào ngày 21-11-2003. Các hoạt động của tiểu ban bao gồm các cuộc họp chính thức và các sự kiện không chính thức trong những lĩnh vực thuộc thẩm quyền.

(N.H., Phòng Chính trị Kinh tế đối ngoại, ngày 19-5-2006)

 

Tạo bởi thanhdm
Cập nhật 19-05-2006