Việt Nam chủ động triển khai Thỏa thuận về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu cho biết: Trong những năm qua, người lao động Việt Nam nói chung, người lao động tại TPHCM nói riêng đã đóng góp cho sự phát triển của nhiều nước, nhiều khu vực trên thế giới, thông qua các hình thức di cư khác nhau. Thỏa thuận GCM này nhằm phối hợp quản lý di cư hiệu quả, hạn chế rủi ro ở cấp độ toàn cầu, để di cư có thể trở thành động lực cho hợp tác và phát triển giữa các quốc gia trong một thế giới toàn cầu hóa và sự liên kết của chuỗi sản xuất đang diễn ra mạnh mẽ.
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu mong muốn qua hội nghị này, các cơ quan chức năng và TPHCM cùng thảo luận, cập nhật các hướng dẫn mới nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa của người nhập cư và của địa phương. Bên cạnh đó, khởi động một tiến trình di cư hợp pháp, an toàn và trật tự sẽ giúp năng lực của người Việt Nam được phát huy một cách tối đa ở nhiều nơi trên thế giới cũng như của những người nước ngoài nhập cư hợp pháp sẽ tìm thấy ở Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng một ngôi nhà thứ hai.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết: Việt Nam đã thông qua Thỏa thuận GCM vào tháng 12/2018. Ngày 20/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 402/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM là một bước tiến mạnh mẽ của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về di cư, thể hiện cam kết và trách nhiệm trong việc duy trì, củng cố môi trường di cư minh bạch, an toàn, vì sự phát triển bền vững.
Thứ
trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng nhấn mạnh: Hội nghị nhằm đánh giá tình
hình di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài, nhất là tại khu vực
miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam; rà soát kết quả thực hiện Kế hoạch
triển khai Thỏa thuận GCM nhằm tháo gỡ vướng mắc, đề xuất giải pháp đối
với các vấn đề nảy sinh, góp phần khắc phục tác động lâu dài của đại
dịch COVID-19 đối với di cư.
Trưởng Đại diện Phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Việt Nam Park Mi-Hyung cho rằng Việt Nam đã có những thành tựu đáng kể trong công tác triển khai Thỏa thuận GCM. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã chủ động đóng góp vào quá trình triển khai Thỏa thuận, tạo sự thống nhất, hiệu quả với các quốc gia liên đới trong lĩnh vực quản lý hoạt động di cư…
Theo bà Park Mi-Hyung, dịch Covid-19 đã tác động đến quá trình di cư toàn cầu và những người di cư chính là những người chịu ảnh hượng nặng nề nhất. Trong bối cảnh đó, công tác quản lý di cư thời kỳ hậu Covid-19 là một thách thức chung của các quốc gia, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn trong quan hệ song phương, khu vực và thế giới. Trong đó, Thỏa thuận GCM là một trong những biện pháp hữu hiện khi đưa ra khuôn khổ hợp tác cho di cư hợp pháp, an toàn, trật tự, giúp các quốc gia thực hiện quản lý tốt hoạt động di cư hậu dịch, giúp giảm thiểu tác động của dịch.
Hội nghị gồm 4 phiên thảo luận với các nội dung: Tổng quan về di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài; tình hình thực hiện Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM; kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM của các bộ, cơ quan, địa phương; phương hướng triển khai Thỏa thuận GCM và những vấn đề ưu tiên.
Minh Khuê
Cập nhật 07-12-2020