Công cụ làm việc cá nhân

    Tìm kiếm

    


Quy chế cấp Chứng minh thư cho thành viên các Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan lãnh sự và Cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam (ban hành kèm theo quyết định số 2771/2007/QĐ-BNG-LT ngày 07 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao)


BỘ NGOẠI GIAO CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

                                            Độc lập - Tự do - Hạnh phúc



 

 

 


QUY CHẾ

CẤP CHỨNG MINH THƯ CHO THÀNH VIÊN

CÁC CƠ QUAN ĐẠI DIỆN NGOẠI GIAO, CƠ QUAN LÃNH SỰ

VÀ CƠ QUAN ĐẠI DIỆN CỦA TỔ CHỨC QUỐC TẾ TẠI VIỆT NAM

(Ban hành kèm theo Quyết định số 2771/2007/QĐ-BNG-LT

 ngày 07 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao)

------

 

I.                  Quy định chung

 

Điều 1. Chứng minh thư cấp cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế trong hệ thống Liên hợp quốc và tổ chức quốc tế liên chính phủ ngoài hệ thống Liên hợp quốc (sau đây gọi là cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế) tại Việt Nam và thành viên gia đình họ cùng sống chung với họ thành một hộ. Chứng minh thư gồm năm loại có kích thước 6,5cm x 9,5cm và màu khác nhau:

 

-         “Chứng minh thư ngoại giao” có vân màu hồng;

-         “Chứng minh thư lãnh sự” có vân màu xanh da trời;

-         “Chứng minh thư công vụ” có vân màu vàng;

-         “Chứng minh thư lãnh sự danh dự” có vân màu ghi nhạt;

-         “Chứng minh thư” (phổ thông) có vân màu ghi nhạt.

 

Điều 2. Các loại chứng minh thư nói trên được in bằng máy vi tính, đóng dấu nổi “Bộ Ngoại giao - Vụ Lễ tân” hoặc “Bộ Ngoại giao - Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh” giáp lai ảnh của người được cấp và đóng dấu mực đỏ “Bộ Ngoại giao - Vụ Lễ tân” hoặc “Bộ Ngoại giao - Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh” vào chữ ký của người ký cấp chứng minh thư.

 

Điều 3. Chứng minh thư là giấy tờ tuỳ thân. Người mang chứng minh thư có thể xuất trình thay hộ chiếu với các nhà chức trách Việt Nam khi cần thiết.

 

II.               Quy định cấp các loại chứng minh thư

 

Điều 4. Chứng minh thư ngoại giao cấp cho các đối tượng:

 

1-    Các Viên chức ngoại giao của cơ quan đại diện ngoại giao mang hộ chiếu ngoại giao có ghi hàm ngoại giao, trong trường hợp hộ chiếu không ghi hàm ngoại giao phải có công hàm giới thiệu của cơ quan đại diện;

 

2-    Trưởng, Phó Đại diện của cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế mang giấy thông hành của Liên hợp quốc hoặc hộ chiếu quốc gia (không phân biệt loại hộ chiếu gì) có ghi rõ chức vụ Trưởng hoặc Phó Đại diện cơ quan, trong trường hợp giấy thông hành của Liên hợp quốc hoặc hộ chiếu quốc gia không ghi rõ chức vụ phải có công hàm giới thiệu của cơ quan đại diện;

 

3-    Những Viên chức ngoại giao có hàm ngoại giao thuộc biên chế của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Hà Nội được biệt phái vào làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh chuyên trách kinh tế, thương mại, văn hoá, khoa học kỹ thuật…;

 

4-    Vợ (hoặc chồng) và con (con đẻ, con nuôi) từ 14 đến 18 tuổi của các viên chức nói tại khoản 1,2,3 của Điều này, có hộ chiếu riêng (không phân biệt loại hộ chiếu gì) cùng sống chung với họ thành một hộ, trên cơ sở công hàm đề nghị của Bộ Ngoại giao nước cử hoặc cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam;

 

5-    Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của các nước tại Việt Nam nhưng không thường xuyên cư trú ở Việt Nam (Đại sứ kiêm nhiệm Việt Nam).

 

Điều 5.

 

1-    Chứng minh thư lãnh sự cấp cho các đối tượng:

 

a-                         Viên chức lãnh sự của cơ quan lãnh sự đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác mang hộ chiếu ngoại giao có ghi hàm cấp lãnh sự, trong trường hợp hộ chiếu không ghi hàm cấp lãnh sự phải có công hàm giới thiệu của cơ quan đại diện;

b-                         Những Viên chức ngoại giao có hàm ngoại giao chuyên trách về kinh tế, thương mại, văn hoá, khoa học kỹ thuật…thuộc biên chế của cơ quan lãnh sự tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác;

c-                          Vợ (hoặc chồng) và con (con đẻ, con nuôi) từ 14 đến 18 tuổi của các viên chức nói tại khoản a, b của Điều này cùng sống chung với họ thành một hộ, có hộ chiếu riêng (không phân biệt loại hộ chiếu gì).

 

2-    Chứng minh thư lãnh sự danh dự cấp cho lãnh sự danh dự.

 

3-    Chứng minh thư lãnh sựchứng minh thư lãnh sự danh dự có ghi khu vực lãnh sự để chỉ rõ phạm vi hoạt động của viên chức lãnh sự.

 

Điều 6. Chứng minh thư công vụ cấp cho các đối tượng:

 

1- Nhân viên hành chính và kỹ thuật của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ hoặc hộ chiếu phổ thông (nếu nước cử không có hộ chiếu công vụ hoặc chỉ có một loại hộ chiếu chung cho công dân);

 

2- Vợ (hoặc chồng) và con (con đẻ, con nuôi) từ 14 đến 18 tuổi của các đối tượng nói tại khoản 1 của Điều này, có hộ chiếu riêng (không phân biệt mang loại hộ chiếu gì), cùng sống chung với họ thành một hộ, trên cơ sở công hàm đề nghị của Bộ Ngoại giao nước cử hoặc cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.

 

Điều 7. Chứng minh thư (phổ thông) cấp cho các đối tượng:

 

1- Nhân viên phục vụ của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế mang hộ chiếu phổ thông;

 

2- Vợ (hoặc chồng) và con (con đẻ, con nuôi) của các đối tượng nói tại khoản 1 của Điều này, có hộ chiếu riêng, cùng sống chung với họ thành một hộ;

 

3- Những người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn giữ Quốc tịch Việt Nam, nhưng mang hộ chiếu nước ngoài (không phân biệt loại hộ chiếu gì), được cử làm Viên chức ngoại giao, Viên chức lãnh sự, hoặc nhân viên hành chính và kỹ thuật, nhân viên lãnh sự của nước ngoài;

 

4- Vợ (hoặc chồng) và con (con đẻ, con nuôi) của những người Việt Nam nói tại khoản 3 của Điều này, mang hộ chiếu nước ngoài (không phân biệt loại hộ chiếu gì), cùng sống chung thành một hộ với những người Việt Nam nói trên;

 

5- Con của các Viên chức ngoại giao, con của Viên chức lãnh sự, con của Trưởng, Phó Đại diện của tổ chức quốc tế, con của nhân viên hành chính và kỹ thuật từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt mang loại hộ chiếu gì;

 

6- Người phục vụ riêng cho thành viên cơ quan đại diện là người nước ngoài, không phân biệt mang loại hộ chiếu gì.

 

III. Tổ chức thực hiện

         

      Điều 8.

 

1- Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao có trách nhiệm cấp chứng minh thư cho tất cả thành viên của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam (trừ Thành phố Hồ Chí Minh) và thành viên gia đình họ cùng sống chung với họ thành một hộ;

 

2- Từ ngày 01/01/2008, Bộ Ngoại giao ủy quyền cho Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh cấp chứng minh thư cho thành viên các cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh;

 

3- Sở Ngoại vụ Đà Nẵng và các địa phương khác không cấp chứng minh thư cho thành viên các cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế đóng tại địa phương mình. Các sở Ngoại vụ có trách nhiệm tiếp nhận và lập hồ sơ xin cấp chứng minh thư, đăng ký cư trú của các thành viên cơ quan nói tại Điều này và thành viên gia đình họ, sau đó chuyển cho Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao cấp chứng minh thư. Trên cơ sở các loại chứng minh thư mới, các Sở Ngoại vụ cấp sổ mua hàng miễn thuế cho các đối tượng nói tại khoản 3 của Điều này;

 

4-    Việc cấp chứng minh thư cho các đối tượng nói tại khoản 1, 2 và 3 của Điều này được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại phù hợp với thông lệ quốc tế.

 

Điều 9.

 

1-    Hồ sơ xin cấp chứng minh thư và đăng ký cư trú gửi đến Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao gồm: Công hàm của cơ quan đại diện kèm theo hộ chiếu và 03 ảnh màu (cỡ 3 x 4) của đương sự (01 ảnh để làm chứng minh thư, 02 ảnh dán vào 02 bản khai đăng ký cư trú của Vụ Lễ tân);

 

2-    Các cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế ở địa phương gửi và nhận hồ sơ xin cấp chứng minh thư và đăng ký cư trú qua Sở Ngoại vụ địa phương.

 

Điều 10.

 

1-    Đối với những viên chức, nhân viên của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Hà Nội là 10 ngày kể từ ngày Vụ Lễ tân nhận đủ hồ sơ đúng quy định;

 

2-  Đối với những viên chức, nhân viên của cơ quan lãnh sự và cơ quan  đại diện của tổ chức quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh là 10 ngày kể từ ngày Sở Ngoại vụ nhận đủ hồ sơ đúng quy định;

 

3-  Đối với những viên chức, nhân viên của cơ quan lãnh sự và cơ quan  đại diện của tổ chức quốc tế tại Đà Nẵng và các địa phương khác là 15 ngày kể từ ngày Vụ Lễ tân nhận đủ hồ sơ đúng quy định do Sở Ngoại vụ chuyển đến;

 

4-    Nếu chứng minh thư bị mất có lý do chính đáng (có xác nhận của Công an, chính quyền địa phương) sẽ được cấp lại sau 30 ngày kể từ ngày Vụ Lễ tân nhận được yêu cầu của người xin cấp lại kèm theo công hàm của cơ quan đại diện.

 

Điều 11.

 

1-    Vụ trưởng Vụ Lễ tân, Chánh Văn phòng Bộ, Giám đốc các Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các địa phương liên quan, Thủ trưởng các đơn vị liên quan trong Bộ chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

2-    Những người có trách nhiệm cấp chứng minh thư có hành vi vi phạm Quy chế này sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành tuỳ theo mức độ vi phạm.

 

  Hà Nội, ngày 07 tháng 11  năm 2007

                                                                         KT. BỘ TRƯỞNG

                                                                           THỨ TRƯỞNG

 

                                                                      Lê Văn Bàng (đã ký)

Tạo bởi banbientap
Cập nhật 15-02-2019
 

Số lượt truy cập.