Thành phố Saint Petersburg (Liên bang Nga)
Bản đồ
Vị trí của
a. THÔNG TIN CƠ BẢN
Dân số: 5.550.000 người(2005)
Diện tích: 1.439 km2
Vị trí địa lý:
Saint Petersburg là thành phố lớn thứ hai và là cố đô của nước Nga.
Thành phố nằm trên châu thổ sông Neva và thông với Vịnh Phần Lan, ở 59,93 độ vĩ bắc và 30,32 độ kinh đông.
Bên bờ sông
Do thành phố nằm ở vị trí rất xa về phương Bắc nên Saint Petersburg có một hiện tượng đặc biệt vào khoảng tháng 6 đến giữa tháng 7, đó là ánh sáng ban ngày hầu như vẫn chiếu sáng suốt đêm. Người ta gọi đó là những đêm trắng do sự khúc xạ ánh sáng mặt trời từ phía bên kia địa cầu đang là ban ngày, vượt qua miền Cực Bắc để tỏa sáng xuống thành phố. Đôi khi cũng có thể trông thấy hiện tượng cực quang.
Những đêm trắng ở Saint Petersburg
Khí hậu:
Saint Petersburg có khí hậu lục địa ẩm ướt. Mùa hè thường ngắn, có khí hậu lạnh, ẩm ướt, trong khi mùa đông kép dài, khí hậu lạnh, khô. Nhiệt độ trung bình vào mùa hè là 22 độ C, nhiệt độ mùa hè cao nhất là 34 độ C, mùa đông thấp nhất là – 27 độ C, kỷ lục là – 35,9 độ C vào năm 1883. Nhiệt độ trung bình trong năm là 4 độ C.
Lịch sử:
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, thành phố đã được đổi tên nhiều lần. Từ tên gọi Saint Peterburg, trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, vào năm 1914, thành phố đổi tên thành Petrograd để tránh tên gốc Đức (vì giữa Nga và Đức đang có chiến tranh). Năm 1924, thành phố đổi tên thành Leningrad để tưởng niệm Vladimia Ilych Lenin, lãnh tụ vĩ đại của nước Nga Xô Viết. Sau khi Liên Xô tan rã, thành phố lấy lại tên ban đầu.
Trong quá khứ, nước Nga phong kiến luôn quan tâm đến việc tạo đường thủy liên kết với biển, nhưng không thành công. Đến thời Pie Đại đế (1672 – 1725), nhờ có cuộc chiến tranh phương Bắc chống lại Thụy Điển những năm 1701 – 1721 và nhờ chiến thắng trong trận Poltava vào năm 1710, nên Sa hoàng Pie đã có thể khai thác các miền ven biển. Ý định của Pie Đại đế là xây dựng một thành phố thật qui mộ và đẹp đẽ để chứng tỏ sự hùng cường của nước Nga. Và ngày 16-5-1703, theo lệnh của Pie Đại đế, công trình đầu tiên được xây dựng là pháo đài Petro Pavlov. Ngày này được công nhận là "ngày khai sinh" của thành phố.
Bức tượng đồng Pie Đại đế
Pháo đài Petro Pavlov
Trong chiến tranh thế giới thứ 2, phát xít Đức đã bao vây thành phố suốt 900 ngày, nhưng vẫn không thể chiếm đóng được. Trong chiến dịch vây hãm thành phố này, đã có hơn 620 ngàn dân chết vì đói, lạnh, bệnh tật và chiến tranh.
Những người sống sót sau một trận ném bom của phát xít Đức
Chính trị:
i. Cơ cấu tổ chức của chính quyền thành phố:
Theo cơ cấu tổ chức của chính quyền trung ương Liên bang Nga. Từ năm 1996, chức danh Thị trưởng được đổi thành Thống đốc.
ii. Lãnh đạo thành phố:
Thống đốc thành phố: Bà Valentina Ivanovna Matvienko
Các Phó Thống đốc thành phố:
Lobko Victor Nicolayevich
Oseyevsky Mikhail Eduardovich
Koskina Ludmila Andreyevna
Vakhmistrov Alexander Ivanovich
Tarasov Sergey Borisovich
Molchanov Yury Vyacheslavovich
Tihonov Valery Vladimirovich
Polukeev Alexander Ivanovich
Kinh tế:
i. Vai trò của Saint Petersburg đối với sự tăng trưởng của nước Nga:
Saint Petersburg là trung tâm kinh tế lớn của nước Nga, sau thủ đô Moscow.
ii. Các ngành nghề là thế mạnh:
Thành phố có các ngành công nghiệp phát triển như: đóng tàu (với nhà máy đóng tàu nổi tiếng mang tên Baltic); cơ khí (với các nhà máy Electrosila, Kirov); điện kĩ thuật và điện tử; luyện kim và kim loại màu; hóa chất, và nhất là cao su; dệt vải, may mặc; giày da; in ấn; gỗ, giấy; vật liệu xây dựng và thực phẩm.
iii. Giao thông vận tải:
Saint Petersburg là một đầu mối giao thông lớn về đường sắt và đường bộ và là một trong những cảng biển lớn nhất của Nga. Đây cũng là căn cứ chính của hải quân Nga (Hạm đội Baltic). Cảng sông được các tuyến đường thủy nối liền với các biển Bạch Hải, Azov, Caspi và Biển Đen. Thành phố có một sân bay quốc tế là sân bay Pulkovo.
Ga xe điện ngầm ở Saint Petersburg
Văn hóa – Du lịch:
Saint Peterburg là trung tâm lớn thứ nhì của nước Nga sau Moskva về kinh tế, văn hóa, khoa học và cũng là một nơi thu hút rất nhiều khách du lịch. Thành phố còn được mệnh danh là thủ đô phương Bắc của nước Nga. Do thành phố có một hệ thống kênh đào chằng chịt với vô số những chiếc cầu cổ kính (khoảng 800 cầu) nên nó cũng được mệnh danh là Venice của phương Bắc và sông Neva còn được gọi là “phố chính” ở Saint Petersburg.
Cầu quay ở Saint Petersburg
Tháp truyền hình Saint Petersburg
Saint Petersburg có 41 trường đại học, trong đó có trường tổng hợp, trên 170 viện nghiên cứu khoa học, trên 2.000 thư viện (trong đó có Thư viện mang tên Mikhain Jevgraphovic Saltikov - Shchedrin), đài quan sát thiên văn Pulkovo, Nhà hát Maria, trong những năm 1920 – 1992 là Nhà hát Nhạc kịch Opera và Ballet mang tên Sergey Kirov. Ở đây cũng có phòng hòa nhạc nổi tiếng trên thế giới, được thành lập từ năm 1862. Thành phố còn có Cung điện Mùa hè với những đài phun nước tuyệt đẹp và Cung điện Mùa đông.
Cung điện Mùa đông
Bảo tàng Ermitage
Kề liền với thành phố có những địa danh du lịch – tĩnh dưỡng như khu Pushkin, Petrostation, Pavlovsk, Zielonogorsk, Siestrorieck hoặc là Gatchina.
Nhà thờ mang tên thánh Isaac Dalmatskiy, thần hộ mệnh của người đã sáng lập ra thành phố Saint Petersburg – Pie Đại đế, là một bảo tàng kiến trúc - nghệ thuật nổi tiếng của Saint. Petersburg. Là một trong bốn nhà thờ mái tròn lớn nhất trên thế giới cùng với nhà thờ thánh Peter (Italia), nhà thờ thánh Paulo (Luân Đôn, Anh) và nhà thờ Santa Maria del Fiore (Florensia, Italia), nhà thờ thánh Isaac được xem là một trong những biểu tượng đặc sắc nhất của thành phố Saint Petersburg. Nhà thờ Thánh Isaac có độ cao từ chân đến đỉnh tháp là 101m. Nhà thờ có khoảng 3.000 bức họa được làm bằng cách ghép từng mảnh đá nhỏ vào với nhau, với mái vòm được dát bằng vàng thật (khoảng gần 100kg) ở độ cao gần 100m, với 112 cây cột lớn, cao vút rất điển hình của kiến trúc châu Âu thế kỷ 18-19. Với tổng diện tích 11000m² (diện tích bên trong - 4000m²) nhà thờ có sức chứa 12.000 người.
Nhà thờ thánh Isaac
Saint Petersburg cũng là nơi xuất thân hoặc là nơi sống và sáng tác của nhiều tác giả lớn trong văn học Nga như Pushkin, Gogol , Dostoyevsky… Thế kỷ XX có những tên tuổi như Alexander Blok, Anna Akhmatova, Vladimir Nabokov, Joseph Brodsky (Giải Nobel văn học năm 1987).
Thanh phố cũng có câu lạc bộ bóng đá FC Zenit là một trong những đội bóng hàng đầu của nước Nga.
Sân vận động Petrovsky của FC Zenit
Website chính thức:
b. HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC:
Văn kiện ký kết:
Ngày 9 tháng 12 năm 2005, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Hải và Thống đốc Thành phố Saint Petersburg Valentina Ivanovna Matvienko đã ký “Bản thỏa thuận thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh nước CHXHCN Việt Nam và Thành phố Saint Petersburg Liên bang Nga” tại TPHCM.
Hoạt động giao lưu:
Các đoàn đã trao đổi:
Tháng 12-2005, đoàn do Thống đốc Thành phố Saint Petersburg Valentina Ivanovna Matvienko dẫn đầu sang thăm TPHCM.
Related news:
- Vùng Rhône – Alpes (Cộng hòa Pháp) (05-04-2007)
- Thành phố Lyon (Cộng hòa Pháp) (28-03-2007)
- Thành phố Thẩm Dương (CHND Trung Hoa) (01-02-2007)
- Thành phố Quảng Châu (Cộng hòa nhân dân Trung Hoa) (19-12-2006)
- Thành phố San Francisco (Hợp chủng quốc Hoa Kỳ) (19-12-2006)
- Thành phố Manila (Cộng hòa Philippines) (19-12-2006)
- Thành phố Osaka (Nhật Bản) (19-12-2006)
- Thành phố Matxcơva (Liên bang Nga) (25-08-2006)
- Thành phố Toronto (Canada) (03-07-2006)
- Tỉnh Sverdlovsk (Liên bang Nga) (23-02-2006)
- Kinh đô Phnôm Pênh (Vương quốc Campuchia) (09-12-2005)
Last modified 23-06-2008