Công cụ làm việc cá nhân

    Tìm kiếm

    


...

Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc


logochinhhiep

Sơ lược lịch sử

Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (gọi tắt là Chính hiệp Nhân dân) thành lập ngày 21-9-1949, là đại diện cho quyền hạn của Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc, đại diện cho ý chí của nhân dân Trung Quốc.

Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 1 của Chính hiệp Nhân dân được tổ chức tại Bắc Bình (nay là Bắc Kinh) từ ngày 21 – 30 tháng 9 năm 1949,  nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã được tuyên bố thành lập. Hội nghị đã thông qua “Cương lĩnh chung Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc” mang tính hiến pháp lâm thời, đồng thời thông qua “Luật tổ chức Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc”, “Luật tổ chức Chính phủ Nhân dân Trung ương nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”; quyết định thủ đô, quốc kỳ, quốc ca, lịch của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; bầu ra Ủy ban Chính phủ Nhân dân Trung ương nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Ủy ban Toàn quốc lần thứ nhất Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc.

Khi Trung Quốc mới được thành lập, Chính hiệp Nhân dân đã có đóng góp quan trọng trong sự nghiệp khôi phục và phát triển Trung Quốc. Tháng 9/1954, Chính hiệp Nhân dân đã thông qua “Hiến pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Tháng 12/1954, trong Hội nghị lần thứ 2, Chính hiệp Nhân dân đã xây dựng “Chương trình Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc”. Chương trình tuyên bố Cương lĩnh chung đã được thay thế bằng Hiến pháp, nhiệm vụ của toàn thể Chính hiệp Nhân dân đại diện cho quyền hạn Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn Trung Quốc đã hoàn thành. Tuy nhiên, Chính hiệp Nhân dân vẫn tiếp tục tồn tại và hoạt động, là mặt trận thống nhất dân chủ nhân dân của Trung Quốc.

Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc lần thứ 1 đến lần thứ 10 (từ năm 1949 đến năm 2004): Mao Trạch Đông (lần thứ 1, 2, Chủ tịch danh dự lần thứ 4), Chu Ân Lai (lần thứ 2, 3, 4), Đặng Tiểu Bình (lần thứ 5), Đặng Dĩnh Siêu (lần thứ 6), Lý Tiên Niệm (lần thứ 7), Lý Thụy Hoàn (lần thứ 8, 9) và Giả Khánh Lâm (lần thứ 10).

Cơ chế hoạt động của Chính hiệp Trung Quốc

Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc là tổ chức của Mặt trận thống nhất yêu nước nhân dân Trung Quốc. Cơ chế của Chính hiệp Trung Quốc là chế độ Đại hội Đại biểu Nhân dân, chế độ hiệp thương chính trị, hợp tác đa đảng và chế độ tự trị khu vực dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Nhân dân thông qua bầu cử, thực hiện quyền bỏ phiếu và Chính hiệp Nhân dân tiến hành hiệp thương trước khi bỏ phiếu bầu cử là hai hình thức quan trọng nhất của dân chủ chủ nghĩa xã hội Trung Quốc. Quan hệ giữa Chính hiệp Nhân dân, Đại hội Đại biểu Nhân dân và Chính phủ là: Chính hiệp Nhân dân hiệp thương trước khi ra quyết sách, Đại hội Đại biểu Nhân dân hiệp thương sau khi ra quyết sách và Chính phủ thực hiện sau khi ra quyết sách. Ba cơ cấu này thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thực hiện các chức năng của mình cũng như hợp tác, bổ sung lẫn nhau. Đây là thể chế chính trị mang màu sắc Trung Quốc, phù hợp với tình hình Trung Quốc và Chính hiệp Nhân dân đóng một vai trò quan trọng trong thể chế này.

Cơ cấu tổ chức của Chính hiệp Trung Quốc

Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc thành lập Ủy ban toàn quốc và các Ủy ban ở địa phương. Ủy ban toàn quốc Chính hiệp có sự tham gia của đại diện Đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, các đảng phái dân chủ, các đoàn thể, dân tộc thiểu số và các giới, cũng như đại diện của người dân Khu hành chính đặc biệt Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan và kiều dân ở nước ngoài.

Ủy ban toàn quốc Chính hiệp nhiệm kỳ là 5 năm, hiện nay là nhiệm kỳ lần thứ 10. Ủy ban toàn quốc gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Tổng Thư ký.

Ủy ban toàn quốc thành lập Ban Thường vụ điều hành công việc. Ban Thường vụ gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, Ủy viên Ủy ban toàn quốc. Chủ tịch chủ trì công việc của Ban Thường vụ; Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký hỗ trợ công tác với Chủ tịch. Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký tổ chức Hội nghị Chủ tịch để giải quyết những việc quan trọng của Ban Thường vụ.

Ủy ban toàn quốc căn cứ vào nhu cầu của công việc thiết lập nhiều Ủy ban chuyên môn. Mỗi Ủy ban chuyên môn có một Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và ủy viên tiến hành các hoạt động thường xuyên dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ và Hội nghị Chủ tịch.

Ủy ban toàn quốc lần thứ 10 của Chính hiệp Nhân dân Trung Quốc thiết lập 9 Ủy ban chuyên môn như sau:

1.          Ủy ban đề xuất đề án.

2.          Ủy ban kinh tế

3.          Ủy ban dân số, tài nguyên và môi trường

4.          Ủy ban giáo dục, khoa học, văn hóa, y tế và thể dục

5.          Ủy ban xã hội và pháp luật

6.          Ủy ban dân tộc và tôn giáo

7.          Ủy ban Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan và kiều bào

8.          Ủy ban đối ngoại

9.          Ủy ban tư liệu

Ủy ban toàn quốc thiết lập Văn phòng dưới sự điều hành của Tổng Thư ký; dưới Tổng Thư ký có các Phó Tổng Thư ký hỗ trợ công việc.

Ủy ban toàn quốc lần thứ 10 của Chính hiệp Nhân dân Trung Quốc có 2238 ủy viên, trong đó có 895 Đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, chiếm 40%; 1343 người ngoài Đảng Cộng sản, chiếm 60%; 666 ủy viên thuộc các đảng phái dân chủ; 262 ủy viên là người dân tộc thiểu số, đại diện cho 55 dân tộc thiểu số ở Trung Quốc; và 373 nữ ủy viên.

Chủ tịch: Giả Khánh Lâm

Phó Chủ tịch: Vương Trung Vũ,  Liêu Huy, Lưu Diên Đông (nữ), Apei Awangpumei (dân tộc Tạng), Ba Kim, Pabala Gelielangjie (dân tộc Tạng), Lý Quý Tiên, Trương Tư Khanh, Đinh Quang Huấn, Hoắc Anh Đông, Mã Vạn Kỳ, Bạch Lập Thầm (dân tộc Hồi), La Hào Tài, Trương Khắc Huy, Châu Thiết Nông, Cáo Kiến Tú (nữ), Trần Khuê Nguyên, Abulaiti Abudurexiti (dân tộc Uigur), Từ Khuông Địch, Lý Triệu Chước (dân tộc Choang), Hoàng Mạnh Phúc, Vương Tiễn, Trương Hoài Tây, Lý Mông.

Tổng Thư ký: Trịnh Vạn Thông

Chức năng, phương thức hoạt động của Chính hiệp Nhân dân Trung Quốc

Chính hiệp Nhân dân Trung Quốc có ba chức năng chủ yếu là hiệp thương chính trị, giám sát dân chủ và tham chính nghị chính (tức thông qua nghiên cứu thảo luận, đề xuất các ý kiến, kiến nghị với Đảng và cơ quan nhà nước xem xét).

Chính hiệp Nhân dân Trung Quốc triển khai công tác thông qua những phương thức chủ yếu là các hội nghị (Hội nghị toàn thể, Hội nghị Thường vụ, Hội nghị Chủ tịch…), đề xuất đề án, giám sát thực hiện, nghiên cứu chuyên đề, lắng nghe và thu thập ý kiến phản ánh của nhân dân, kiên trì xúc tiến sự nghiệp thống nhất đất nước và triển khai công tác giao lưu đối ngoại.

(Nguồn: Phòng Chính trị Kinh tế Đối ngoại, Sở Ngoại vụ TPHCM ngày 21-3-2006)

 


Các tin liên quan:
Tạo bởi thanhdm
Cập nhật 26-03-2006