Công cụ làm việc cá nhân

    Tìm kiếm

    


...

Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc)


Website chính thức: http://www.gxi.gov.cn

Địa lý tự nhiên:

 

Khu tự trị dân tộc Choang – Quảng Tây (Guangxi; Kwangsi), nằm phía nam Trung Quốc, về phía đông nam cao nguyên Vân Quý, phía bắc giáp các tỉnh Quý Châu, Hồ Nam, phía tây giáp tỉnh Vân Nam, phía đông kề tỉnh Quảng Đông, còn phía nam giáp Việt Nam và vịnh Bắc Bộ. Thủ phủ khu là thành phố Nam Ninh. Toàn khu phân thành 14 thành phố địa khu là Nam Ninh, Liễu Châu, Quế Lâm, Ngô Châu, Bắc Hải, Cảng Phòng Thành, Khâm Châu, Quý Cảng, Ngọc Lâm, Hạ Châu, Bách Sắc, Hà Trì, Lai Tân, Sùng Tả.

Địa thế Quảng Tây cao về phía tây bắc, thấp dần về phía đông nam, nhiều núi đá vôi và đất dung nham núi lửa với những dãy núi nổi tiếng như Đại Minh Sơn, Đại Dao Sơn, Việt Thành Lĩnh, Đô Bàng Lĩnh, Manh Chử Lĩnh; phần trung và nam nhiều đồng bằng, thung lũng. Quảng Tây có Vi Châu là đảo lớn nhất nằm vùng biển phía nam, diện tích 28km2.

Quảng Tây thuộc khí hậu cận nhiệt đới gió mùa, mùa hè dài, nhiệt độ cao, mưa nhiều, mùa đông ngắn, không lạnh lắm. Nhiệt độ bình quân hàng năm khoảng 21,10C, tháng có nhiệt độ cao nhất là tháng 7, trung bình 23 – 290C, tháng có nhiệt độ thấp nhất là tháng 1, trung bình 6 – 140C. Lượng mưa hàng năm trung bình khoảng 1.835 mm.

Đến cuối năm 2003, tổng dân số Quảng Tây là 48,57 triệu người, đứng thứ 10 các tỉnh, khu, thành phố trong cả nước; trong đó, dân số thành thị có 14,11 triệu người, chiếm 29,1%, dân số ở nông thôn chiếm 70,9%. Quảng Tây là một trong năm khu tự trị dân tộc của Trung Quốc, bao gồm các dân tộc Choang, Hán, Dao, Miêu, Động, Mao Nam, Hồi, Di, Kinh Người Choang Quảng Tây có số dân khoảng 15 triệu người, chiếm hơn 33% dân số cả khu, chiếm 91,3% dân số Choang cả nước.

Quảng Tây có ưu thế về vị trí địa lý ven biển, ven sông và ven biên giới, nằm ở chỗ giao nhau giữa vùng kinh tế Hoa Nam, vùng kinh tế Tây Nam và vùng kinh tế ASEAN, là con đường ra biển ngắn nhất cho vùng Tây Nam, thậm chí cả vùng Tây Bắc Trung Quốc, cũng là con đường trọng yếu liên kết Quảng Đông, Hồng Kông, Ma Cao với phía Tây. Đặc biệt là từ khi thành lập khu mậu dịch tự do Trung Quốc và ASEAN, Quảng Tây là đầu mối nối vùng Tây Nam, Hoa Nam, Trung Nam của Trung Quốc với thị trường ASEAN rộng lớn.

  • Ưu thế ven biển: Quảng Tây có 21 cảng biển lớn nhỏ, trong đó có 5 cảng có năng lực cập bến từ một vạn tấn trở lên là Phòng Thành, Khâm Châu, Bắc Hải, Trân Châu và Thiết Sơn. Những cảng biển Quảng Tây có những đặc điểm tự nhiên nước sâu, tránh gió tốt, sóng nhỏ, gần các cảng biển khu vực Đông Nam Á, Hồng Kông và Ma Cao: cảng Bắc Hải cách cảng Hồng Kông 425 hải lý; cảng Khâm Châu cách cảng Singapore 1.338 hải lý; cảng Phòng Thành cách cảng Hải Phòng 151 hải lý, cách Bangkok 1.439 hải lý.
  • Ưu thế ven biên giới: 8 huyện của Quảng Tây giáp với Việt Nam, hiện nay có 12 cửa khẩu biên giới, trong đó có 5 cửa khẩu cấp 1 quốc gia là Đông Hưng, Bằng Tường, Hữu Nghị Quan, Thủy Khẩu, Long Bang, ngoài ra còn có 25 điểm giao dịch giữa nhân dân vùng biên giới. Đường sắt Tương Quế (Hồ Nam – Quảng Tây) nối liền với hệ thống đường sắt của Việt Nam, theo đường liên vận nối từ Bắc Kinh đến Hà Nội.

Ưu thế vị trí địa lý thuận lợi, làm nổi bật tác dụng giao thông của Quảng Tây. Hiện nay, hệ thống giao thông vận tải Quảng Tây hướng ra biển, hình thành việc lấy cảng biển làm đầu tàu, đường sắt Nam Ninh – Côn Minh làm nòng cốt, đường bộ, đường sông, đường hàng không và các công trình giao thông khác kết hợp với nhau một cách đồng bộ. Về đường sắt, Quảng Tây 4 tuyến chính: Tương Quế (Hồ Nam – Quảng Tây), Nam Côn (Nam Ninh – Côn Minh), Kiềm Quế (Quý Châu – Quảng Tây), Tiêu Liễu (Tiêu Tác – Liễu Châu). Về đường bộ, Quảng Tây có các tuyến quốc lộ cao tốc chính đi ngang như Trùng Khánh – Trạm Giang, Hoành Dương – Côn Minh, Nội Mông Cổ - Bắc Hải, Sán Vĩ – Thanh Thủy Hà…, cùng với các đường cao tốc khác ngang dọc trong phạm vi Quảng Tây như Nam Ninh – Quảng Châu, Nam Ninh – Hữu Nghị Quan, Quế Lâm – Ngô Châu …. Cảng đường sông các cảng Nam Ninh, Quý Cảng, Ngô Châu. Đường hàng không có 5 cửa khẩu là Nam Ninh, Quế Lâm, Bắc Hải, Liễu Châu, Ngô Châu với hơn 100 tuyến bay nối các thành phố trong và ngoài nước.

Theo bước phát triển của hệ thống giao thông vận tải, Quảng Tây trở thành cầu nối giao lưu hợp tác giữa Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN, cũng như trở thành nơi đầu tư đầy hấp dẫn cho các doanh nghiệp.

Tài nguyên thiên nhiên:

Quảng Tây sông ngòi dày đặc, lượng mưa nhiều, thuận lợi cho việc phát triển thủy điện. Hiện Quảng Tây đang xây dựng nhà máy thủy điện Long Than với sức sản xuất 5,4 triệu kW, là công trình thủy điện chỉ xếp sau công trình thủy điện Tam Hiệp Trường Giang lớn nhất Trung Quốc.

Quảng Tây là một trong 10 khu khai thác kim loại màu quan trọng của Trung Quốc. Trữ lượng khai thác nhôm 680 triệu tấn, phân bố tập trung, chất lượng cao, dễ khai thác; trữ lượng mangan khoảng 228 triệu tấn, chiếm 39% trữ lượng cả nước; trữ lượng thiếc, stibi, indi lần lượt chiếm 28%, 33% và 32% trữ lượng cả nước, Khoáng sản phi kim ở Quảng Tây cũng rất phong phú, trữ lượng đá vôi lớn, chất lượng cao, các trữ lượng phi kim khác như cao lanh, đất mềm đứng đầu Trung Quốc.

Quảng Tây là một nơi có sản vật phong phú, chủ yếu trồng trọt hoa quả cận nhiệt đới, rau xanh, mía, dâu tằm, cây thuốc, hương liệu… Hiện nay, diện tích trồng cây ăn quả của Quảng Tây là hơn 17 triệu héc ta, đứng đầu cả nước, chủ yếu trồng cam, bưởi, chuối, vải, nhãn, xoài… Quảng Tây còn là một trong 10 vùng sản xuất đường lớn nhất thế giới với diện tích trồng mía khoảng 9 triệu héc ta. Hiện nay, Quảng Tây có hơn 4 triệu trâu bò, chiếm 1/5 lượng trâu bò trong cả nước; diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 13 triệu héc ta. Quảng Tây là khu vực sản xuất tùng hương, dầu thông lớn nhất Trung Quốc, chiếm một nửa sản lượng tùng hương của cả nước. Hải sản cũng là nguồn thu quan trọng của Quảng Tây, trong đó nổi tiếng có ngọc trai Hợp Phố.

Văn hóa và lịch sử:

Phong cảnh non nước ở khu tự trị dân tộc Choang - Quảng Tây

Quảng Tây có 3 khu phong cảnh, 1 khu du lịch, 7 di tích lịch sử và 11 công viên cấp quốc gia. Nổi tiếng nhất có khu phong cảnh Ly Giang, đoạn từ Quế Lâm đến Dương Sóc, tập trung nhiều hang động đá vôi tuyệt đẹp, là một trong 4 danh thắng du lịch lớn nhất Trung Quốc. Ngoài ra, còn có các điểm du lịch nổi tiếng khác như: hố trời ở Bách Sắc, bãi biển Bắc Hải, thác nước biên giới Đức Thiên, rừng núi Đại Dao ….

Thời Xuân Thu Chiến Quốc, Quảng Tây thuộc Lĩnh Nam, là vùng đất của cư dân Bách Việt. Năm 214 trước công nguyên, nhà Tần thống nhất Trung Quốc, đặt Lĩnh Nam thành 3 quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng, trong đó quận Quế Lâm bao gồm phần lớn Quảng Tây ngày nay, tên tắt “Quế” cũng bắt đầu có từ đấy. Thời Nguyên (1279 – 1368), thành lập Quảng Tây hành trung thư tỉnh. Thời Minh (1368 – 1644), Quảng Tây là một trong 13 Bố chính sứ ty trên cả nước lúc đó, có tên đầy đủ là Quảng Tây Thừa tuyên Bố chính sứ ty, tên “Quảng Tây” bắt đầu được gọi cố định từ đây. Thời Thanh (1644 – 1911), tỉnh Quảng Tây được thành lập và tồn tại đến thời Dân quốc. Thủ phủ tỉnh trong phần lớn thời gian được đặt tại Quế Lâm, chỉ trong thời gian từ năm 1912 – 1936 thủ phủ được dời đến Nam Ninh.

Ngày 11 tháng 12 năm 1949, toàn Quảng Tây được giải phóng. Trong thời gian đầu sau giải phóng, Quảng Tây được gọi là tỉnh với thủ phủ là Nam Ninh. Ngày 5 tháng 3 năm 1958, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây được thành lập. Về sau, sự phân chia hành chính trong Quảng Tây thường xuyên thay đổi, tuy nhiên đơn vị hành chính cấp 1 khu thì vẫn được giữ nguyên.

Kênh đào Linh Cừ nối hai hệ thống sông Trường Giang và Chu Giang

Quảng Tây có lịch sử lâu đời, từ cuối thời kỳ đồ đá cũ cách đây 4, 5 vạn năm, nơi đây đã có “người Liễu Giang”, “người Kỳ Lân Sơn” sinh sống. Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất đất nước, nhà Tần khai đào kênh Linh Cừ, nối hai hệ thống sông Trường Giang và Chu Giang thông nhau, thúc đẩy giao lưu kinh tế văn hóa giữa Quảng Tây và Trung Nguyên. Thời Hán (năm 206 trước công nguyên – 220), tại Thương Ngô, Bố Sơn, Hợp Phố thuộc Quảng Tây đã có những chợ mua bán đầu mối, trong đó Hợp Phố trở thành cảng biển giao dịch đối ngoại phát đạt. Thời Đường (618 – 907), tại Quế Châu, Liễu Châu, Ung Châu, Dung Châu xuất hiện các chợ mua bán định kỳ với quy mô lớn và dài ngày. Thời Tống (960 – 1279), thành lập các chợ giao dịch, trao đổi hàng hóa với thương nhân Đại Việt. Thời Minh Thanh, ngành khai thác khoáng sản của Quảng Tây rất phát triển, chủ yếu là khai thác vàng, bạc, đồng, nhôm, thiếc, sắt… Theo thống kê, thời vua Thanh Thuận Trị năm thứ 6 đến năm thứ 18 (1652 – 1644) các mỏ khoáng sản được đăng ký đạt con số 127, đứng thứ 3 trên cả nước.

Quảng Tây là nơi khởi nguồn của các sự kiện lịch sử trọng đại thời cận hiện đại Trung Quốc như khởi nghĩa nông dân Thái Bình Thiên Quốc,  khởi nghĩa của quân cờ Đen chống Pháp, chiến dịch Trấn Nam Quan…, xuất hiện hàng loạt những nhân vật lịch sử như Hồng Tú Toàn, Lưu Vĩnh Phúc, Phùng Tử Tài…Nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã lãnh đạo khởi nghĩa Bách Sắc ở phía tây Quảng Tây, sáng lập Hồng quân thứ 7 và căn cứ địa cách mạng Hữu Giang.

Quảng Tây có một nền văn hóa dân tộc phong phú và nhiều màu sắc. Quảng Tây nhiều lễ hội ca hát quanh năm của các dân tộc như: lễ ca hát “3 tháng 3” của dân tộc Choang, lễ “Đạt Nỗ” của dân tộc Dao, lễ khèn của dân tộc Miêu, lễ pháo hoa của dân tộc Đồng cùng với món “trà dầu” độc đáo. Tháng 11 hàng năm, tại thủ phủ Nam Ninh, chính quyền Quảng Tây tổ chức lễ hội dân ca quốc tế, thu hút đông đảo người yêu thích nghệ thuật trong và ngoài nước. Các hình thức nghệ thuật ở địa phương có Quế kịch, Choang kịch, Thái điệu, Việt kịch, trống da cá Quảng Tây, âm nhạc trống đồng…

Kinh tế:

Năm 2005, giá trị tổng sản phẩm của Quảng Tây là 406,33 tỷ nhân dân tệ, tăng 12,7% so với năm 2004; thu ngân sách đạt 47,54 tỷ nhân dân tệ, tăng 17,7% so với năm 2004; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 5,183 tỷ đôla Mỹ.

Trung Quốc thực hiện chiến lược “đại khai phát miền Tây”, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và thành lập khu mậu dịch tự do Trung Quốc – ASEAN, đã đem lại cho Quảng Tây những cơ hội tốt để phát triển hơn nữa. Quảng Tây hiện đang đẩy mạnh tăng cường hợp tác kinh tế với vùng Quảng Đông, Hồng Kông, Ma Cao, chủ động hội nhập vào vùng kinh tế ven biển, vùng kinh tế tam giác Chu Giang, đồng thời, tăng cường hợp tác giao lưu toàn diện với các nước Đông Nam Á, phát huy đầy đủ tác dụng vai trò cầu nối giữa Trung Quốc với khối ASEAN, đưa sự phát triển phồn vinh và mở cửa hội nhập quốc tế của Quảng Tây lên tầm cao mới.

(Nguồn: Phòng Kinh tế Chính trị Đối ngoại, Sở Ngoại vụ TPHCM ngày 17-4-2006)

 

Tạo bởi thanhdm
Cập nhật 19-04-2006