Thông tin về Thành phố Nam Kinh (Tỉnh Giang Tô, Trung Quốc)
Bản đồ thành phố Nam Kinh
Địa lý:
Thành phố Nam Kinh là thủ phủ của Tỉnh Giang Tô, nằm ở vùng đồng bằng màu mỡ thuộc lưu vực sông Trường Giang, phía Tây kề vùng gò đồi Nam An Huy, phía Nam là hệ thống sông ngòi vùng Thái Hồ, phía Bắc là bình nguyên Giang Hoài; cách cửa biển 380 km.
Tổng diện tích thành phố là 6.597 km2. Đơn vị hành chính phân thành 11 khu: Huyền Vũ, Bạch Hạ, Tần Hoài, Kiến Nghiệp, Cổ Lâu, Hạ Quan, Giang Ninh, Phố Khẩu, Lục Hợp, Tây Hà, Vũ Hoa Đài. Ngoài ra còn 2 huyện là Lật Thủy và Cao Thuần.
Tổng dân số thành phố Nam Kinh là 6,4 triệu người (năm 2004), chủ yếu là người Hán (chiếm 98,56%), ngoài ra còn có người dân tộc Hồi, Mãn, Choang.
Nam Kinh có khí hậu gió mùa cận nhiệt đới, bốn mùa phân biệt rõ ràng, mùa đông và mùa hạ dài, mùa xuân và mùa thu ngắn, mưa nhiều, nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 160C. Nhiệt độ nóng nhất vào mùa hè có thể lên đến 380C; nhiệt độ thấp nhất vào mùa đông xuống dưới 80C. Hạ tuần tháng 6 đến trung tuần tháng 7 mỗi năm là mùa mưa Mai Vũ (mưa nhỏ nhưng kéo dài).
Quang cảnh Nam Kinh
Lịch sử:
Cách đây hơn 6000 năm trước, ở vùng đất xung quanh hồ Huyền Vũ, ven bờ sông Trường Giang bắt đầu xuất hiện những làng nguyên thủy thời đại đồ đá mới, là nơi cư ngụ những cư dân Nam Kinh đầu tiên. Năm 472 trước Công nguyên, sau khi diệt nước Ngô, Việt Vương Câu Tiễn xây dựng thành trì ở đây, mở đầu lịch sử xây dựng kinh đô Nam Kinh. Năm 333 trước Công nguyên, Sở Uy Vương đánh bại nước Việt, xây dựng ấp Kim Lăng (tên Kim Lăng bắt đầu có từ đây). Thời Tần Hán, quận huyện ở vùng Nam Kinh ngày càng nhiều lên theo sự phát triển của kinh tế. Thời Tam Quốc, năm 229, Tôn Quyền xưng đế ở Vũ Xương, 9 năm sau dời đô về đây, đặt tên là Kiến Nghiệp. Năm 317, Tấn Lang Nha Vương Tư Mã Nhuệ thành lập vương triều Đông Tấn, lấy Kiến Khang (Nam Kinh ngày nay) làm kinh đô. Về sau, nhà Tống, Tề, Lương, Trần đều đóng đô ở Kiến Khang. Nam Kinh từ đó có tên gọi là “Lục triều cố đô”. Năm 937, Nam Kinh trở thành kinh đô của nhà Nam Đường, có tên gọi là Giang Ninh Phủ. Năm 1368, Chu Nguyên Chương xưng đế ở Ứng Thiên Phủ - Nam Kinh, thành lập nên nhà Minh.
Nam Kinh ngày nay là sự kết hợp giữa nét cổ xưa và hiện đại
Năm 1863, Phong trào Thái Bình Thiên Quốc định đô tại Nam Kinh, đổi tên thành Thiên Kinh. Năm 1912, Trung Hoa Dân Quốc được thành lập, Tôn Trung Sơn nhận chức Đại Tổng thống lâm thời tại đây. Năm 1927, Chính quyền Quốc Dân Đảng đặt Nam Kinh làm trung tâm hành chính. Ngày 23 tháng 4 năm 1949, Nam Kinh được giải phóng, trở thành thành phố trực thuộc trung ương của Chính quyền Nhân dân Trung ương. Ngày 1 tháng 1 năm 1953, Chính quyền Nhân dân Tỉnh Giang Tô được thành lập, Nam Kinh trở thành thủ phủ của tỉnh.
Nam Kinh là kinh đô của nhiều triều đại trong lịch sử Trung Quốc, nên di sản văn hóa để lại vô cùng phong phú. Danh lam thắng cảnh ở Nam Kinh có lăng Tôn Trung Sơn, lăng Minh Hiếu, miếu Phu Tử, cầu lớn Trường Giang, phong cảnh Tây Hà…
Lăng Tôn Trung Sơn ở Nam Kinh
Kinh tế:
Tài nguyên khoáng sản của Nam Kinh có hơn 40 loại, gồm sắt, mangan, đồng, chì, kẽm, đá bạch vân, thạch cao, đất sét… Do vị thế thành phố nằm ở mạng lưới sông ngòi Trường Giang, ao hồ nhiều nên Nam Kinh là một cơ sở đánh bắt nuôi trồng thủy sản quan trọng của Trung Quốc. Ở Nam Kinh có những suối nước nóng nổi tiếng như: Giang Ninh, Thương Sơn, Phố Khẩu, Hổ Bách, Hưởng Thủy, Trân Châu. Thực vật có nhiều loại cây quý như thanh cương, đông thanh, toàn bì, phong hương… Nam Kinh là một trong những nơi sản xuất lương thực quan trọng của Trung Quốc, các cây trồng có cải, bông, tằm, trà, trúc, hoa quả, cây thuốc… Những năm gần đây, sản lượng rau quả, ngô liên tục tăng. Động vật có nhiều loại được xếp vào mức bảo vệ cấp quốc gia như cá tầm Trung Hoa, cá sấu Dương Tử, hươu, cá heo sông, uyên ương…
Nam Kinh cũng là cơ sở sản xuất công nghiệp quan trọng của Trung Quốc. Năng lực sản xuất điện tử, hóa chất đứng hàng thứ hai so với những thành phố khác trong cả nước; quy mô chế tạo ô tô đứng thứ ba; công nghiệp điện gia dụng, vật liệu xây dựng đều có quy mô lớn.
Thành phố Nam Kinh là một đầu mối giao thông trọng yếu của khu vực Hoa Đông, hệ thống giao thông gồm đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường hàng không. Nam Kinh cũng được thừa nhận là nơi có môi trường đầu tư tốt, thành phố môi trường xanh, sạch của Trung Quốc.
Năm 2005, GDP toàn thành phố đạt 241,3 tỷ Nhân dân tệ, tăng 15,2% so với năm trước, cao nhất trong 9 năm gần đây.
Lãnh đạo thành phố:
Bí thư Thành ủy Nam Kinh: La Chí Quân
Thị trưởng Nam Kinh: Tưởng Hồng Khôn
(V.H., Phòng Chính trị Kinh tế Đối ngoại, ngày 21-9-2006)
Các tin liên quan:
- Đoàn đại biểu TPHCM thăm Nam Kinh, Trung Quốc (21-09-2006)
- Thông tin về tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) (21-09-2006)
Cập nhật 21-09-2006