Công cụ làm việc cá nhân

    Tìm kiếm

    


...

Giới thiệu về APEC và APEC Việt Nam 2006


1. Biểu trưng APEC

LogoAPECBiểu trưng APEC ra đời năm 1991, do Hàn Quốc khởi xướng việc thiết kế và đã nhận đưọc sự chấp thuận của các thành viên. Biểu trưng APEC có hình dáng quả địa cầu với màu trắng, xanh lá cây và xanh nước biển. Biểu trưng này không chỉ là biểu tượng của APEC, một khuôn khổ hợp tác kinh tế khu vực quan trọng nhất, mà còn thể hiện những hy vọng và ước nguyện của cả khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Biểu trưng thể hiện những ý tưởng sau:

  • Khu vực bán cầu Thái Bình Dương là vị trí địa lý của các thành viên APEC.
  • Màu xanh da trời và xanh nước biển thể hiện những ước vọng của người dân Châu Á – Thái Bình Dương về một cuộc sống thịnh vượng, mạnh khỏe, ấm no, còn màu trắng biểu tượng cho hòa bình và ổn định.
  • Mảnh màu đậm bên lề thể hiện triển vọng tiến bộ và tăng trưởng nổi trội của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

2. Biểu trưng APEC Việt Nam 2006

Logo APEC Viet NamBiểu trưng của APEC Việt Nam 2006 được cách điệu từ chiếc nón lá truyền thống Việt Nam. Hình ảnh chiếc nón lá được sử dụng vừa tạo dáng khối tam giác vững chắc, vừa thể hiện được hình ảnh con người, đất nước Việt Nam luôn thân thiện, mến khách. Bao quanh biểu trưng là hình quả địa cầu thể hiện sự chuyển động hiệu quả đồng bộ của APEC với thế giới.

Tất cả tổng thể đó được kết hợp với chữ APEC VIET NAM 2006 cho thấy định hướng tổ chức APEC luôn phát triển ổn định, đi lên bằng tất cả khả năng và điều kiện của mỗi thành viên, để xứng đáng là tổ chức vững mạnh hội nhập cùng sự phát triển của thế giới.

3. Hình ảnh bổ trợ của APEC Việt Nam 2006

Ngoài biểu trưng chính thức, APEC Việt Nam 2006 còn sử dụng hai hình ảnh bổ trợ là dải lụa màu và hoa văn cổ với ý nghĩa như sau:

Dải lụa màu:

  • Thể hiện sự năng động, linh hoạt.
  • Thể hiện sự liên kết, thống nhất.
  • Thể hiện tính bền vững.
  • Thể hiện sự đa dạng.Dailuamau
  •  

 

 

 

 

 

 

Hoa văn cổ:

  • Hoa văn cổ chạm khắc trên đá (được dập nổi trên giấy dó).
  • Hoa văn thể hiện hình sóng biển (điểm chung về địa lý của các nền kinh tế APEC)

HoavancoAPECVN

Hình ảnh bổ trợ được sử dụng trên những ấn phẩm, vật phẩm và trên hệ thống thông tin tuyên truyền của APEC Việt Nam 2006.

4. APEC là một diễn đàn không chính thức

APEC (Asia – Pacific Economic Cooperation: Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương) là một diễn đàn không chính thức thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư chức không phải một tổ chức về kinh tế, thương mại. Hợp tác giữa các thành viên là hợp tác giữa các nền kinh tế chứ không phải với tư cách các quốc gia có chủ quyền. Do đó khi đề cập đến các thành viên APEC ta gọi là “các nền kinh tế thành viên”, hoặc “các thành viên”, hoặc “các nền kinh tế”, chứ không gọi là “đất nước” hay “quốc gia”, hay “dân tộc”. Không sử dụng chức danh “Tổng thống”, “Thủ tướng”, “Nguyên thủ quốc gia” hoặc “Người đứng đầu chính phủ” đối với các Nhà Lãnh đạo, mà gọi là các Nhà Lãnh đạo Kinh tế. Do vậy, không gọi là “Hội nghị thượng đỉnh” hay “Hội nghị cấp cao”, mà gọi là “Hội nghị không chính thức các Nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC”.

Trong tất cả những hoạt động của APEC chỉ sử dụng biểu trưng của APEC và biểu trưng năm APEC của chủ nhà, mà không sử dụng quốc huy, quốc kỳ, quốc ca, quốc thiều.

Hong Kông và Đài Loan cũng tham gia APEC với tư cách là nền kinh tế, nhưng theo một quy chế đặc biệt. Theo đó, Đài Loan tham gia với tên gọi là “Đài Bắc thuộc Trung Quốc” (văn bản tiếng Anh của APEC là “Chinese Taipei” và Hong Kong tham gia với tên gọi “Hong Kong của Trung Quốc” (văn bản tiếng Anh của APEC là “Hong Kong, China”). Các tên gọi trên được sử dụng trong tất cả các hội nghị, hoạt động, văn kiện, tài liệu, ấn phẩm khác cũng như trong tất cả các thu xếp về hành chính và hội nghị của APEC.

5. Trật tự của APEC

APEC có 21 nền kinh tế thành viên được sắp xếp theo “trật tự của APEC”. “Trật tự của APEC” đã được chính thức thông qua tại Hội nghị các Quan chức cao cấp APEC lần thứ II (SOM II) tại Pucon, Chile, tháng 6 năm 2004. Theo đó, trong các hoạt động của APEC, các nền kinh tế thành viên được sắp xếp theo trật tự sau: Australia, Brunei Darussalam, Canada, Chile, Trung Quốc, Hong Kong của Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Liên bang Nga, Singapore, Đài Bắc thuộc Trung Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ, Việt Nam.

6. Quan sát viên của APEC

APEC có 3 quan sát viên chính thức: Ban Thư ký ASEAN, Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Diễn đàn các Đảo Thái Bình Dương (PIF) mà tên cũ là Diễn đàn Nam Thái Bình Dương (SPF). Các quan sát viên được mời tham dự vào các Hội nghị Quan chức cấp cao APEC (SOM) và các Hội nghị Bộ trưởng. Tuy nhiên đại diện của ba tổ chức quan sát viên không được tham dự phiên họp hẹp của Hội nghị Bộ trưởng diễn ra trước phiên họp toàn thể. Các quan sát viên cũng không được mời tham dự “Hội nghị không chính thức các Nhà Lãnh đạo Kinh tế”. Các nhóm quan sát cùng hợp tác, chia sẻ kỹ năng và kiến thức nhằm giúp cho APEC thực hiện các sáng kiến và đạt được mục tiêu của mình.

7. Hiệp hội Trung tâm Nghiên cứu APEC (ASC)

Có 19 Hiệp hội Trung tâm Nghiên cứu APEC (ASC) được thành lập tại các nền kinh tế thành viên APEC. ASC bao gồm khoảng 100 trường đại học, trung tâm nghiên cứu và trung tâm học giả. Các học giả và các cơ quan nghiên cứu cũng tham gia vào hoạt động của cấp chuyên viên thông qua các hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác. ASC tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi tri thức và văn hóa trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và tiến hành các nghiên cứu liên ngành về chính sách với quan điểm độc lập và dài hạn.

8. Thông tin về diễn đàn APEC

Có thể tiếp cận, cập nhật những thông tin về APEC bằng cách truy cập vào website http://www.apec.org, hoặc bằng cách gửi thư qua đường bưu điện. Ban Thư ký APEC quốc tế cũng gửi miễn phí những bản tin điện tử, cung cấp thông tin liên quan đến kết quả của tiến trình APEC, các ấn phẩm mới, các cuộc họp sắp diễn ra và những thông tin khác. Chỉ cần điền thông tin cá nhân trên trang chủ của APEC để nhận được những bản tin điện tử mới nhất của APEC.

Địa chỉ cụ thể:

Ban Thư ký APEC

35 Heng Mui Keng Terrace

Singapore 119616

Điện thoại: (65)6775 6012

Fax: (65)6775 6013

Website: http://www.apec.org

Email:     Hỏi đáp chung: info@apec.org

              Hỏi đáp về báo chí: media@apec.org

              Hỏi đáp về xuất bản: jt@apec.org

9. Ngôn ngữ chính thức được sử dụng trong các hoạt động của APEC: tiếng Anh.

10. Các thành phần được tham gia vào các hoạt động của APEC

Chỉ có bốn thành phần đại biểu được tham gia vào các hoạt động của APEC

  • Thành viên của APEC;
  • Ban Thư ký APEC;
  • Ba quan sát viên chính thức của APEC: Ban Thư ký ASEAN, Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương (PIF);
  • Khách mời của APEC: Trong thành phần khách mời lại chia ra bốn nhóm khác nhau là:
    1. Các nền kinh tế không phải là thành viên APEC;
    2. Các tổ chức quốc tế và khu vực liên quan khác;
    3. Đại diện khu vực tư nhân/kinh doanh không nằm trong thành phần của các đoàn đại biểu là các nền kinh tế thành viên;
    4. Các tổ chức, cơ quan nghiên cứu và các chuyên gia khác không nằm trong thành phần của các đoàn đại biểu là các nền kinh tế thành viên.

11. Các dự án APEC

Các  dự án APEC là một bộ phận quan trọng trong hoạt động hợp tác của APEC. Có 3 loại dự án: dự án do APEC tài trợ toàn bộ; dự án cho APEC tài trợ một phần và dự án do các nền kinh tế thành viên tự tài trợ.

Với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng trong khu vực và nâng cao tinh thần cộng đồng Châu Á – Thái Bình Dương, các dự án APEC tập trung vào 3 lĩnh vực trụ cột của APEC:

  •     Tự do hóa thương mại và đầu tư
  •     Thuận lợi hóa kinh doanh
  •      Hợp tác kinh tế và kỹ thuật

Bất kỳ nền kinh tế thành viên nào cũng có thể xin tài trợ cho dự án. Các thành viên cần tham khảo ý kiến của các Nhóm công tác hoặc các Ủy ban liên quan để thảo luận về dự án định đăng ký xin tài trợ. Dự án này cần được sự đồng thuận của Nhóm công tác hoặc Ủy ban liên quan. Sau đó hồ sơ đăng ký dự án cần được gửi tới Ban Thư ký APEC 2006 để trình phê duyệt tại Hội nghị Ủy ban Quản trị và Ngân sách (BMC). BMC họp 2 lần mỗi năm (khoảng tháng 3 sau SOM I và tháng 10 sau SOM III) để xét các hồ sơ xin tài trợ dự án. Nếu có các dự án khẩn cấp thì sẽ được BMC đặc cách xem xét giữa các kỳ họp.

Khu vực tư nhân và các tổ chức khác cũng có thể tham gia vào các dự án của APEC dưới nhiều hình thức khác nhau:

  •             Các tổ chức muốn đồng tài trợ cho dự án, đóng góp cho Quỹ Hỗ trợ APEC, hoặc muốn đề xuất dự án có thể liên hệ với các Giám đốc chương trình liên quan đến lĩnh vực hoạt động đó hoặc đại diện của nền kinh tế thành viên liên quan.
  •             Các tổ chức muốn tham gia thực hiện dự án có thể truy cập vào website của APEC để tìm cơ hội đấu thầu những dự án được quảng cáo trên mạng.

Nguồn tài trợ của dự án xuất phát từ 3 kênh chính:

  •          Quỹ hoạt động của APEC (Operational Account);
  •          Quỹ hỗ trợ tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư (TILF Fund);
  •          Quỹ hỗ trợ APEC (APEC Support Fund).

12. Tuyên bố Bogor

“Tuyên bố Bogor” ra đời năm 1994 tại Bogor, Indonesia. Trong tuyên bố này, các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC đã thống nhất một mục tiêu chung là phấn đấu đạt được thương mại, đầu tư tự do và mở cửa ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2010 đối với ácc nền kinh tế phát triển và năm 2020 đối với các nền kinh tế đang phát triển. Những mục tiêu này được gọi là “Mục tiêu Bogor”. Tuyên bố nêu bật tầm nhìn về sự hợp tác kinh tế khu vực, vốn là động lực thúc đẩy sự thành lập APEC năm năm trước đó và đặt ra mục tiêu cho chương trình hành động thương mại và đầu tư mới của các nền kinh tế APEC. Tuyên bố đã phản ánh những nguyên tắc cơ bản của hợp tác APEC: Tham gia tự nguyện, toàn diện, tôn trọng lẫn nhau và ra quyết định trên cơ sở đồng thuận.

13. Các hoạt động bên lề của APEC

APEC cũng có những hoạt động bên lề thú vị đã trở thành thông lệ. Đó là việc các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC sẽ có thời điểm xuất hiện và chụp ảnh trong quốc phục của chủ nhà. Ngoài ra còn có những hoạt động khác như tổ chức các chuyến đi dã ngoại cho các Nhóm công tác hay thậm chí cho các Hội nghị cấp Bộ trưởng sau khi kết thúc hội nghị, nhiều khi tại đây các kết luận tổng kết hội nghị được đưa ra; Tổ chức hội thi rượu vang trong Hội nghị SOM II giữa các nền kinh tế thành viên APEC để xác định các loại rượu vang được ưa chuộng nhất; Tổ chức Hội thi văn nghệ tự biên tự diễn có tính vui nhộn trong Hội nghị SOM III vào buổi tối ngày cuối của hội nghị và chủ nhà có tặng phẩm cho 3 đoàn đạt giải cao nhất.

14. Kết nạp thêm thành viên

Từ năm 1998 cho đến nay, APEC đã tạm ngưng kết nạp các thành viên mới để ổn định và củng cố tổ chức.

Năm 2006, APEC tổ chức tại Việt Nam. Theo kế hoạch, Australia sẽ tổ chức năm APEC 2007, Peru năm 2008, Singapore năm 2009 và Nhật Bản năm 2010.

 

Tạo bởi thanhdm
Cập nhật 30-07-2006