Hội nghị quan chức cao cấp APEC lần hai (SOM II) đã kết thúc tốt đẹp
Ngày 30-5, Hội nghị quan chức cao cấp lần hai (SOM II) và các cuộc họp liên quan đã kết thúc thành công tốt đẹp. Trên 30 hội nghị, hội thảo đã diễn ra từ 22 đến 30-5 tại TPHCM. Khoảng 1.000 đại biểu của 21 nền kinh tế thành viên APEC trong đó có 130 đại biểu Việt Nam đã tham gia các hội nghị, hội thảo. Gần 100 phóng viên, kỹ thuật viên thuộc các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước đã đến đưa tin về Hội nghị. Nét mới của Hội nghị lần này là có sự tham gia của khu vực tư nhân.
Về lý do để Hội nghị SOM II thành công tốt đẹp, Chủ tịch SOM Năm APEC Việt Nam 2006, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Công Phụng đánh giá cao sự chuẩn bị cơ sở vật chất cũng như sự đón tiếp rất chu đáo của nền kinh tế chủ nhà, sự đóng góp quan trọng của lãnh đạo ban, ngành, nhân dân TPHCM. Bên cạnh đó là hoạt động tuyên truyền rầm rộ cho sự kiện này của giới báo chí đã tạo sự khích lệ đối với các Đoàn đến dự Hội nghị. Vấn đề an ninh, an toàn trong Hội nghị đã được đảm bảo tuyệt đối và một yếu tố không thể thiếu là sự đóng góp của các Đoàn, các nền kinh tế thành viên APEC, đã mang đến một không khí thân thiện và tinh thần hợp tác góp phần vào thành công chung của Hội nghị. Các đại biểu quốc tế cũng đánh giá rất cao nỗ lực của nền kinh tế chủ nhà trong công tác tổ chức và lòng mến khách của nhân dân TPHCM.
SOM II đã thống nhất và thông qua một số chương trình của các Nhóm công tác, các Nhóm Đặc trách, các Tiểu ban, Ủy ban APEC, tập trung vào nhiều nội dung: Chương trình hành động thực hiện lộ trình Busan hướng tới mục tiêu Bogor, đầu tư, giảm chi phí kinh doanh trong giai đoạn 2007-2010, các vấn đề về thương mại, khoa học kỹ thuật, các vấn đề liên quan đến cải cách cơ cấu APEC… Trong đó, nổi lên vấn đề an ninh con người: chống khủng bố, thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo cho an ninh thương mại khu vực. Tuy những vấn đề được thảo luận tại Hội nghị khá phức tạp nhưng các đại biểu các nền kinh tế thành viên tích cực bàn thảo và đạt được những ý kiến thống nhất về nhiều điểm, sẽ tiếp tục trao đổi để có thể đạt được những tiến triển tại Hội nghị SOM III.
Hội nghị đã thông qua chương trình công tác năm 2006 của Ủy ban chỉ đạo SOM về hợp tác kinh tế kỹ thuật (SCE), trọng tâm là nâng cao năng lực để thực hiện lộ trình Busan và phát triển bền vững để giảm chênh lệch trình độ phát triển giữa các nền kinh tế thành viên; thông qua chương trình công tác năm 2006 của nhóm đặc trách về tình trạng khẩn cấp; hoan nghênh tiến độ chuẩn bị cho diễn tập kiểm tra khả năng liên lạc khi xảy ra đại dịch cúm ở người; thông qua sáng kiến của Philippines về Cẩm nang APEC về chống khủng bố, sáng kiến của Australia về tổ chức hội thảo chống tài trợ cho khủng bố, và đề xuất của Hoa Kỳ về đảm bảo an ninh thực phẩm... “Hầu hết những sáng kiến về thương mại, đầu tư... đưa ra trong hội nghị này đều được các thành viên nhất trí thông qua. Tuy nhiên, lĩnh vực an ninh hiện vẫn còn khá nhiều ý khác nhau trong các vấn đề như vũ khí hủy diệt, giải trừ quân bị... nên chúng tôi quyết định để bàn tiếp trong các hội nghị lần sau” - Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch SOM năm APEC 2006 Lê Công Phụng cho biết. Các đại biểu cũng đã thống nhất kiến nghị các Bộ trưởng Thương mại APEC đưa ra tuyên bố riêng với thông điệp mạnh mẽ về việc sớm kết thúc vòng đàm phán phát triển Doha của WTO (dự kiến vào cuối năm 2006).
(Y.T., Sở Ngoại vụ TPHCM, ngày 30-5-2006)
Các tin liên quan:
- Hội thảo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 3 về An ninh hàng không (25-04-2012)
- Hội nghị Lãnh đạo Kinh tế APEC 14 kết thúc thành công, thông qua Tuyên bố Hà Nội (20-11-2006)
- Nền kinh tế Hoa Kỳ (13-10-2006)
- Nền kinh tế Đài Bắc thuộc Trung Quốc (13-10-2006)
- Nền kinh tế Thái Lan (12-10-2006)
- Nền kinh tế Singapore (12-10-2006)
- Nền kinh tế Liên bang Nga (12-10-2006)
- Nền kinh tế Philippines (12-10-2006)
- Nền kinh tế Peru (12-10-2006)
- Nền kinh tế Papua New Guinea (12-10-2006)
Cập nhật 08-06-2006