Công cụ làm việc cá nhân

    Tìm kiếm

    


...

Khai mạc Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 4

(baoquocte) Sáng 15/9, tại Hội trường Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh, Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 4 (HEF 2023) với chủ đề “Tăng trưởng xanh – Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không” đã chính thức khai mạc. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tham dự và phát biểu chỉ đạo.
Thông qua Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 4 (HEF) 2023, TP. Hồ Chí Minh hướng tới tìm kiếm các giải pháp khả thi để thúc đẩy phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Đồng thời, đây cũng là dịp để Thành phố gặp gỡ, trao đổi với các Bộ ngành, địa phương quốc tế nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ giữa TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam với bạn bè quốc tế, đề ra các hợp tác cụ thể ngắn, trung và dài hạn.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu khai mạc Diễn đàn. (Ảnh: Chu An)

Cùng với Diễn đàn, Thành phố mong muốn là nơi hội tụ của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước và quốc tế quan tâm đến đầu tư, phát triển TP. Hồ Chí Minh và Việt Nam, qua đó đưa ra thông điệp “TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam luôn chào đón các bạn”.

HEF 2023 có sự tham gia của hơn 1.200 đại biểu đến từ các định chế tài chính quốc tế, các tổ chức quốc tế như Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF); các nhà quản lý và lãnh đạo các địa phương nước ngoài đến từ 21 quốc gia, đại diện các cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước; các chuyên gia trong nước và chuyên gia ở các quốc gia thành công trong lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững của thế giới.

Diễn đàn xoay quanh các chủ đề như: Xu hướng phát triển tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn đối với các siêu đô thị như TP. Hồ Chí Minh; Xây dựng hệ sinh thái của mô hình kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh hướng tới mục tiêu giảm phát thải bằng không; Chính sách trong xây dựng tăng trưởng xanh hướng tới mục tiêu giảm phát thải bằng không và sứ mệnh của doanh nghiệp; Nguồn lực trong phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu giảm phát thải bằng không và sứ mệnh của doanh nghiệp; Bài học, kinh nghiệm quốc tế thúc đẩy tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn; Thực trạng của TP. Hồ Chí Minh và giải pháp trong quá trình áp dụng mô hình tăng trưởng xanh.Khai mạc Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 4

Phát biểu khai mạc HEF 2023, Ủy viên Bộ Chính trị , Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, Thành phố cùng nhiều đô thị khác trên thế giới đã chứng kiến những tác động của biến đổi khí hậu, cùng với những bất cập cần phải giải quyết, thúc giục chúng ta gắn kết chặt chẽ, hành động mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Đó là phát triển nguồn lực xanh, xây dựng hạ tầng xanh, phát triển hành vi xanh, xác định ngành và lĩnh vực tiên phong. Sau Diễn đàn này, Thành phố sẽ tiếp thu ý kiến, sớm bàn chuyện khung chiến lược và triển khai khung hành động với nhiệm vụ, thời gian cụ thể.

Diễn đàn kinh tế hôm nay là một trong những hành động nhằm hiện thực hóa các nội dung hợp tác của Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã ký kết ngày 26/6/2023. Đồng thời, thảo luận về nội dung thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư tại TP Hồ Chí Minh, nhằm tăng cường hợp tác với các trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên thế giới; hỗ trợ những giải pháp có tính đột phá của Thành phố phù hợp với hướng quốc gia và xu hướng quốc tế. Huy động các nguồn lực đầu tư vào năng lượng tái tạo, giảm phát thải nhà kính, xây dựng hệ thống giao thông công cộng, giảm ô nhiễm không khí kết hợp đô thị hóa thông minh…

"TP Hồ Chí Minh đang triển khai các giải pháp khuyến khích sáng tạo, thúc đẩy đổi mới và phát triển, tạo môi trường hoạt động thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp chung tay xây dựng hành trình tăng trưởng xanh, hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không. Chúng tôi luôn hoan nghênh các ý kiến đóng góp và mong được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm gắn kết của mọi tổ chức, cá nhân vào hành trình đầy ý nghĩa này. Vì đó không chỉ tạo ra một giá trị cho riêng ai hay cho chúng ta, mà cùng nhau tạo ra một nền tảng tốt đẹp cho tương lai các thế hệ mai sau", Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Phiên khai mạc Diễn đàn diễn ra vào buổi sáng ngày 15/9 gồm 6 báo cáo chính của các đại biểu xoay quanh các chủ đề như: Xu hướng phát triển tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn đối với các siêu đô thị; Xây dựng hệ sinh thái của mô hình kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng không; Chính sách trong xây dựng tăng trưởng xanh hướng tới mục tiêu giảm phát thải rồng bằng không và sứ mệnh của doanh nghiệp; Nguồn lực trong phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng không và sứ mệnh của doanh nghiệp; Bài học, kinh nghiệm quốc tế thúc đẩy tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn; Thực trạng của Thành phố Hồ Chí Minh và giải pháp trong quá trình áp dụng mô hình tăng trưởng xanh.

Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chào các đại biểu tham dự Diễn đàn. (Nguồn: SGGP)

Tiếp theo đó là các bài phát biểu của Lãnh đạo bộ, ngành Trung ương nhằm định hướng xây dựng chính sách theo chức năng từng ngành trong vấn đề tăng trưởng xanh, giảm phát thải carbon đồng thời định hướng của các Bộ ngành trong việc đồng hành, hỗ trợ chính quyền địa phương (bao gồm cả TP. Hồ Chí Minh) trong việc triển khai chính sách tăng trưởng xanh, hướng tới giảm phát thải ròng bằng không.

Đặc biệt còn có nghi thức công bố và trao Tuyên bố chung về hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

Phiên thảo luận song song diễn ra vào buổi chiều được chia thành 3 phiên với các chủ đề khác nhau như Hệ sinh thái của mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh - Kinh nghiệm trong nước và quốc tế nhằm hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng không; Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp tăng trưởng xanh, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững cho một siêu đô thị (như TP. Hồ Chí Minh); Hợp tác Kinh tế tuần hoàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Mỗi phiên sẽ có 1 Lãnh đạo UBND Thành phố chủ trì theo hình thức Hội thảo gồm 2-3 bài phát biểu dẫn đề và chương trình tọa đàm nhỏ được chia 2-3 nhóm nội dung, mỗi nhóm sẽ có 7-9 chuyên gia quốc tế và trong nước (tham gia thảo luận).


Tạo bởi banbientap
Cập nhật 18-09-2023
 

Số lượt truy cập.