Công cụ làm việc cá nhân

    Tìm kiếm

    


...

Một số thành phố của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc)


THÀNH PHỐ QUẢNG CHÂU

 

Bản đồ thành phố Quảng Châu

 

Bản đồ khu vực trung tâm của thành phố

Quảng Châu là thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, có tên gọi tắt là Tuệ, còn có tên khác Dương Thành. Quảng Châu là trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa giáo dục của tỉnh Quảng Đông và khu vực Hoa Nam. Quảng Châu có vị trí địa lý rất thuận lợi, nằm về phía trung nam tỉnh Quảng Đông, phía bắc vùng đồng bằng Chu Giang, liền kề với hai khu hành chính đặc biệt Hồng Kông, Ma Cao, bên dòng sông Chu Giang dài thứ 3 Trung Quốc.

Quảng Châu khí hậu cận nhiệt đới gió mùa, lượng mưa dồi dào. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 20 – 220C, độ ẩm bình quân khoảng 77%. Do điều kiện thời tiết tốt, quanh năm cây cối xanh tươi, hoa nở, nên Quảng Châu còn có tên “Hoa Thành” – Thành phố của hoa.

Tổng diện tích thành phố là 7.434,4 km2. Quảng Châu bao gồm 10 khu là Nam Sa, La Cương, Việt Tú, Lệ Loan, Hải Chu, Thiên Hà, Bạch Vân, Hoàng Phố, Phiên Ngu, Hoa Đô và 2 thành phố cấp huyện là Tăng Thành, Tùng Hóa. Năm 2004, tổng dân số Quảng Châu là 7,38 triệu người, trong đó dân số nội thị gần 6 triệu người, dân số ở nông thôn khoảng 1,38 triệu người.

Quảng Châu là vùng đất có lịch sử lâu đời. Thời xa xưa, nơi đây là nơi cư trú của người Bách Việt và người nước Sở phía nam sông Trường Giang. Năm 214 trước Công nguyên, nhà Tần phái Nhâm Ngao làm Nam Hải Úy và xây dựng thành trì ở đây. Sau đó, Triệu Đà tạo dựng nước Nam Việt, tự xưng là Nam Việt Vũ Vương. Năm 112 trước Công nguyên, Hán Vũ Đế thôn tính Nam Việt, đặt lại quận Nam Hải, lấy trung tâm là Phiên Ngu (Quảng Châu ngày nay). Thời Tam Quốc năm 226, Tôn Quyền nhà Đông Ngô đặt đơn vị hành chính Quảng Châu. Tên Quảng Châu chính thức có từ đây.

Nhà lưu niệm Tôn Trung Sơn

Quảng Châu còn có nhiều biệt danh như “Cánh cửa lớn phía Nam Trung Quốc”, “Hoa Thành, Dương Thành, Tuệ Thành”, “Quê hương Hoa kiều”, “Thành phố biển lớn nhất phương Nam”, “Bất Dạ Thành”, “Thành phố di dân”… Những tên gọi trên đã bao quát những đặc điểm khác nhau của Quảng Châu.

Người Trung Quốc cho rằng Quảng Châu có 10 đặc điểm lớn, đó là “1 đô thị, 2 thành phố, 3 đặc trưng, 4 địa điểm”. “1 đô thị” để chỉ Quảng Châu là một đô thị thương mại nổi tiếng; “2 thành phố” thành phố cổ thành phố hoa, nhấn mạnh 2 đặc điểm của Quảng Châu là nền lịch sử văn hóa lâu đời và môi trường sinh thái tuyệt vời; “3 đặc trưng” ở Quảng Châu là tiếng Quảng, món ăn Quảng và kịch Quảng; “4 địa điểm” để chỉ Quảng Châu là nơi xuất phát của con đường tơ lụa trên biển, nơi khởi nguyên cách mạng thời cận hiện đại, vùng trung tâm của văn hóa Lĩnh Nam và là tuyến đầu của công cuộc cải cách mở cửa.

 

Công viên hoa lan ở Quảng Châu

Quảng Châu là trung tâm kinh tế nổi tiếng của cả Trung Quốc, có lịch sử buôn bán giao thương với các địa phương ở Trung Quốc và các nước trong khu vực từ hơn 2.000 năm. Sau khi cải cách mở cửa, kinh tế Quảng Châu phát triển vượt bậc. Bắt đầu từ năm 1992, Quảng Châu luôn đứng thứ 3 trong 10 thành phố lớn có nền kinh tế phát triển mạnh của Trung Quốc. Năm 2004, tổng giá trị sản phẩm Quảng Châu đã vượt ngưỡng 400 tỷ nhân dân tệ, đạt 415,8 tỷ nhân dân tệ, tăng 15% so với năm trước. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm đạt 6.800 USD, đứng hàng đầu trong các thành phố của Trung Quốc.

 

Bên dòng Chu Giang

Quảng Châu là thành phố có số lượng Hoa kiều nhiều nhất Trung Quốc, khoảng 1,35 triệu người, chủ yếu sống ở Hồng Kông, Ma Cao, các nước khu vực Đông Nam Á, Australia, Hoa Kỳ. Hoa kiều có nhiều đóng góp trong sự nghiệp cách mạng của Trung Quốc cũng như trong xây dựng kinh tế Quảng Châu ngày nay.

 

THÀNH PHỐ THANH VIỄN

 

Bản đồ thành phố Thanh Viễn

Thanh Viễn là thành phố trẻ nằm bên bờ Bắc Giang, phía bắc vùng châu thổ Chu Giang, phía nam kề Quảng Châu, Phật Sơn, phía tây liền Triệu Khánh, phía đông giáp Thiều Quan, phía Bắc tiếp tỉnh Hồ Nam, khu Quảng Tây. Trong lịch sử Thanh Viễn được gọi là “Tam tỉnh thông cù” – đường thông 3 vùng Việt, Tương, Quế, là hành lang kinh tế quan trọng tỉnh Quảng Đông với thị trường nội địa rộng lớn. Khu nội thị thành phố chỉ cách Hồng Kông, Ma Cao khoảng 200 km, cách trung tâm Quảng Châu 50 km.

Thanh Viễn chính thức trở thành thành phố khu vực thuộc tỉnh từ ngày 7-1-1988, bao gồm 5 huyện Thanh Tân, Phật Cương, Dương Sơn, huyện tự trị dân tộc Dao Liên Nam, huyện tự trị dân tộc Choang Liên Sơn và 1 khu Thanh Thành. Thanh Viễn còn quản lý hai thành phố cấp huyện là Anh Đức và Liên Châu.

 

Phong cảnh Thanh Viễn

Tổng diện tích Thanh Viễn là 19.000 km2, dân số là 3,913 triệu người. Dân tộc thiểu số thuộc hang đông nhất tỉnh Quảng Đông với hơn 167.700 người, đa số là dân tộc Dao, Choang. Thanh Viễn là một trong những tuyến du lịch nhộn nhịp nhất của tỉnh Quảng Đông. Thành phố có nhiều cảnh quan đẹp như quần thể phong cảnh Phi Hà, sông ngầm Liên Châu, suối nước nóng Tam Khanh, vực thiên nhiên Thạch Khanh, các làng dân tộc Dao, Choang,…

 

Một khu nghỉ mát trên núi

Được mệnh danh là “Vườn hoa bên châu thổ Chu Giang” – thành phố Thanh Viễn hiện nay có tốc độ thu hút vốn đầu tư mạnh mẽ. Năm 2002, tổng vốn đầu tư đạt 12,9 tỷ nhân dân tệ.

Thanh Viễn có các loại đặc sản như gà Ma Vương, Tam Hoàng, ngỗng Ô Tông, vịt Liên Sơn, trà đen Anh Đức, lê Liên Châu, lạc Dương Sơn,… Thanh Viễn là nơi tập trung nhiều loại khoáng sản của vùng Lĩnh Nam, với hơn 60 loại khoáng sản như sắt, đồng, volfram, vàng, than,…. Đặc biệt tài nguyên đất sét trắng phong phú với tổng trữ lượng đạt 65 triệu tấn, là một trong 3 cơ sở sản xuất nguyên liệu gốm sứ lớn nhất Trung Quốc. Tiềm lực thủy điện lớn, hiện khai thác trên 880.000 kw hàng năm.

 

THÀNH PHỐ THIỀU QUAN

 

Bản đồ thành phố Thiều Quan

Thành phố Thiều Quan nằm ở phía bắc tỉnh Quảng Đông, phía bắc giáp tỉnh Hồ Nam, phía đông giáp tỉnh Giang Tây, phía nam giáp thành phố Hà Nguyên, Quảng Châu, Huệ Châu, phía tây kề thành phố Thanh Viễn, được gọi là “cánh cửa lớn phía bắc của Quảng Đông”, từ xưa đến nay là con đường giao thông quan trọng, nối liền vùng duyên hải Hoa Nam, lưu vực Nam Trường Giang và miền Bắc Trung Quốc. Các tuyến đường sắt Kinh Quảng, đường cao tốc Kinh Chu, quốc lộ Nam Bắc, Đông Tây đi ngang thành phố.

Địa hình chủ yếu của Thiều Quan là đồi núi, có những dãy núi nổi tiếng như Úy Lĩnh, Đại Dư Lĩnh, Dao Lĩnh, Thanh Vân Sơn, Kỷ Vy Sơn, xen lẫn với những thung lũng sông như Nam Hùng, Nhân Hóa, Nhạc Xương. Núi đất màu đỏ là đặc trưng của địa chất ở đây. Núi đỏ Nhân Hóa nổi tiếng, có diện tích 290 km2, kết cấu thành quần thể những ngọn núi có nhiều hình dạng kì lạ.

 

Núi đỏ Nhân Hóa

Thiều Quan là một thành phố du lịch trọng điểm của Quảng Đông. Lượng khách du lịch đến Thiều Quan mỗi năm đều tăng dần, năm 2005 tiếp đón 5,03 triệu lượt du khách, đạt tổng thu nhập du lịch 2,14 tỷ nhân dân tệ. Ngoài khu phong cảnh du lịch cấp quốc gia núi đỏ Nhân Hóa, thành phố còn có danh thắng chùa Nam Hoa - nơi Lục tổ Huệ Năng (vị tổ thứ sáu của Phật giáo Thiền Tông Trung Quốc) tu hành ngày xưa, đền Vân Môn, thung lũng Kim Kê, Nhũ Nguyên, làng dân tộc Dao, Xá…

 

Chùa Nam Hoa

Tổng diện tích Thiều Quan là 18.385 km2, trong đó diện tích nội thị là 2.856 km2 với số dân là 1,26 triệu người. Thiều Quan bao gồm các khu Trinh Giang, Vũ Giang, Khúc Giang, 4 huyện là Nhân Hóa, Thủy Hưng, Ông Nguyên, Tân Phong, huyện tự trị dân tộc Dao Nhũ Nguyên và 2 thành phố cấp huyện Nam Hùng, Lạc Xương. Tổng dân số khoảng 3,17 triệu người, trong đó đa số là người Hán, ngoài ra còn có các dân tộc thiểu số khác như Dao, Xá… Đây là khu vực có mật độ dân số thấp nhất toàn tỉnh (170 người/km2).

 

Công viên trong thành phố

Thiều Quan là thành phố công nghiệp nặng của Quảng Đông, hiện nay có hơn 21 nghìn nhà máy công nghiệp với các ngành sản xuất trọng điểm là khai khoáng, luyện kim, cán thép, vật liệu xây dựng… Các ngành gia công chính là cơ khí chế tạo máy, công nghiệp nhẹ, dệt may, hóa dầu, điện lực… Các ngành khoa học kỹ thuật mũi nhọn là công nghệ thông tin, viễn thông, cơ điện, vật liệu mới, y dược… Thành phố có những tập đoàn sản xuất lớn như tập đoàn Thiều Cương sản xuất hơn 5 triệu tấn thép/năm, tập đoàn Thiều Chú là một trong những tập đoàn chuyên đúc phôi thép lớn nhất cả nước.

Những năm gần đây, kinh tế Thiều Quan phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng đều cao hơn mức bình quân cả nước. Năm 2005, tổng giá trị sản phẩm toàn thành phố đạt 35,1 tỷ nhân dân tệ, tăng 12,3% so với năm ngoái; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 980 triệu USD, trong đó nhập khẩu là 620 triệu USD, xuất khẩu đạt 360 triệu USD. Thế mạnh nông nghiệp của Thiều Quan là rau quả, tre trúc, thuốc lá, gia súc. Tiềm năng thủy điện của Thiều Quan rất lớn, là trung tâm thủy điện của toàn tỉnh Quảng Đông.

 

THÀNH PHỐ TRIỆU KHÁNH

 

Bản đồ thành phố Triệu Khánh

Triệu Khánh nằm ở phần trung tây tỉnh Quảng Đông, phía bắc giáp thành phố Thanh Viễn, tây bắc giáp thành phố Ngô Châu, Hạ Châu thuộc khu Quảng Tây, phía nam giáp thành phố Vân Phù, đông nam giáp thành phố Phật Sơn, Giang Môn. Đơn vị hành chính gồm hai khu Đoan Châu, Đĩnh Hồ, hai thành phố cấp huyện Cao Yêu, Tứ Hội, bốn huyện Quảng Ninh, Đức Khánh, Khai Phong, Hoài Tập và một khu kỹ thuật công nghệ cao cấp tỉnh, với diện tích 15.000 km2, chiếm 8,31% tổng diện tích toàn tỉnh Quảng Đông. Tổng dân số 3,96 triệu người.

 

Quang cảnh Triệu Khánh

Triệu Khánh là thành phố lịch sử văn hóa nổi tiếng cấp quốc gia có hơn 2.000 năm lịch sử, là nơi giao nhau giữa văn hóa Trung Nguyên và văn hóa Lĩnh Nam thời xưa, cũng là một trong những thành phố tiếp nhận văn hóa phương Tây và giao lưu văn hóa Đông Tây sớm nhất của Trung Hoa thời cận đại. Ngay từ thời nhà Minh, nhà truyền giáo Italia Rimatteo – “người đầu tiên làm cầu nối văn hóa Đông Tây” đã đến sống và làm việc tại Triệu Khánh trong thời gian 6 năm. Tại đây, ông đã vẽ “Sơn hải dữ địa toàn thư” – tấm bản đồ thế giới bằng tiếng Trung đầu tiên trên thế giới, biên soạn “Tự điển Bồ Hoa” – tự điển chữ Latin và Trung văn đầu tiên của thế giới.

 

Hồ Tiên nữ ở khu phong cảnh Thât Tinh Nham

 

Động Xuất Mễ ở khu phong cảnh Thất Tinh Nham

Triệu Khánh có môi trường trong lành, và có nhiều cảnh quan du lịch độc đáo, nổi tiếng với tên gọi “Geneva ở Phương Đông”. Thành phố có khu phong cảnh Thất Tinh Nam được gọi “Lĩnh Nam đệ nhất kỳ quan”, mang nét “núi non của Quế Lâm, sông hồ của Hàng Châu”. Ngoài ra còn có những cảnh quan thiên nhiên khác như phong cảnh Đĩnh Hồ Sơn – “đá quý màu xanh của đường Bắc chí tuyến”, Tổ miếu Long Mẫu, phong cảnh khe Bàn Long

Triệu Khánh còn có danh xưng “Trung Quốc nghiên đô” với sản phẩm nghiên mực Đoan đứng hàng đầu trong bốn loại nghiên mực nổi tiếng của Trung Quốc.

Hiện nay thành phố đã có hơn 1.300 công ty, xí nghiệp của các doanh nghiệp đầu tư đến từ hơn 30 quốc gia và khu vực.

 

THÀNH PHỐ PHẬT SƠN

 

Bản đồ thành phố Phật Sơn

Phật Sơn – thành phố lịch sử văn hóa nổi tiếng cấp quốc gia của Trung Quốc, được mệnh danh là vẫn mang tên gọi “Quê hương của cá, gạo”, nằm ở phần trung nam tỉnh Quảng Đông, trong lòng vùng châu thổ Chu Giang, phía đông giáp Quảng Châu, tây giáp Triệu Khánh, phía nam giáp Chu Hải, bắc nối với Thanh Viễn, gần với Ma Cao, Hồng Kông. Thành phố có vị trí địa lý thuận lợi, khí hậu ôn hòa, bốn mùa xanh tươi. Tổng diện tích thành phố 3.848,5 km2. Đơn vị hành chính gồm 5 khu là Thiền Thành, Nam Hải, Thuận Đức, Tam Thủy và Cao Minh.

 

Đường cao tốc ở Phật Sơn

Phật Sơn có thế mạnh về du lịch. Di chỉ thời đại đồ đá mới có hơn 20 điểm; tập trung nhiều mộ cổ thời Hán, Đường có quy mô lớn, nhiều kiến trúc cổ dân gian thời Thanh. Tổ miếu, Nam phong cổ táo, Đông hoa lý, nhà Khang Hữu Vi (một trong những nhà nho khởi xướng trào lưu Tân học ở Trung Quốc, truyền bá tư tưởng dân quyền theo khuynh hướng cách mạng tư sản, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX) là những điểm tham quan di tích cổ trọng điểm quốc gia, trong đó Tổ miếu được gọi là “Cung nghệ thuật dân gian phương Đông”. Vườn Lương, Thanh Huy là hai trong 4 khu vườn phong cảnh nổi tiếng nhất của Quảng Đông. Ngoài ra, Phật Sơn còn có nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác như nhà kỷ niệm Hoàng Phi Hồng (một tên tuổi lớn trong giới võ thuật Trung Quốc thế kỷ XIX), phim trường Nam Hải, tháp Linh Quy, Văn Xương

Các sản phẩm dân gian như gốm sứ, điêu khắc gạch, giấy cắt và các hoạt động như biểu diễn võ thuật, đua thuyền, múa sư tử thu hút khách du lịch đến từ khắp nơi để cảm nhận nét độc đáo của văn hóa châu thổ Chu Giang và phong tục tập quán vùng sông nước nơi đây.

 

Tổ miếu ở Phật Sơn

Năm 2004, tổng sản phẩm quốc nội toàn thành phố Phật Sơn đạt 165,37 tỷ nhân dân tệ, chiếm 1/10 tỉnh Quảng Đông, đứng trong tốp 80 thành phố hàng đầu của toàn Trung Quốc.

(V.H., Phòng Chính trị Kinh tế Đối ngoại, ngày 31-7-2006)

 


Các tin liên quan:
Tạo bởi thanhdm
Cập nhật 03-08-2006