Công cụ làm việc cá nhân
...

    Tìm kiếm

    


Quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Sri Lanka


Quan hệ cấp quốc gia:

Chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1970, hiện nay quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Sri Lanka đang trên đà phát triển tốt đẹp. Việt Nam và Sri Lanka đã ký kết 8 Hiệp định Hợp tác về: Văn hóa; Thương mại; Bưu chính; Vận tải Hàng không; Kinh tế, Khoa học và Kỹ thuật; Miễn trừ thị thực cho công dân hai nước mang Hộ chiếu Công vụ và Ngoại giao; Du lịch; Tránh đánh thuế hai lần. 

Tháng 1/2003, Sri Lanka đã quyết định mở Đại sứ quán tại Hà Nội và cử Đại sứ Sri Lanka thường trú  tại Việt Nam.

Lãnh đạo cấp cao hai bên đã có những chuyến viếng thăm nhằm nâng cao quan hệ hữu nghị thân thiết Việt Nam – Sri Lanka.

Quan hệ ngoại giao, trao đổi đoàn:

Về phía Sri Lanka:

  • Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lakshman Kadirgamar (tháng 5/1999).
  • Bí thư Bộ Quốc phòng A. Chandrananda (tháng 6/2000).
  • Bộ trưởng Bộ Thương mại - Tiêu dùng (tháng 6/2002).
  • Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thăm Việt Nam và dự phiên họp đầu tiên của Ủy ban Hỗn hợp hai nước do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao hai nước làm đồng Chủ tịch (tháng 10/2003).
  • Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – Chăn nuôi – Đất đai và Thủy lợi Sri Lanka thăm Việt Nam nhằm đẩy mạnh tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp (tháng 12/2004).
  • Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka W.G.M. Lokubandara thăm chính thức Việt Nam với mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế, học hỏi kinh nghiệm trong quá trình đổi mới của Việt Nam (tháng 2/2006).
  • Thủ tướng Chính phủ Ratnasiri  Wickremanayake thăm chính thức Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị toàn diện giữa hai nước (tháng 11/2006).

Về phía Việt Nam:

  • Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Công Phụng (tháng 2/2003).
  • Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (tháng 7/2003).
  • Thứ trưởng Bộ Thương mại Đỗ Như Đính thăm Sri Lanka nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước (tháng 10/2003).
  • Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc thăm và ký kết Bản Ghi nhớ về hợp tác song phương trong lĩnh vực nghề cá và nuôi trồng thủy sản với Sri Lanka (tháng 3/2005).
  • Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thăm chính thức Sri Lanka nhằm tăng cường quan hệ giao lưu và học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất cao su bán thành phẩm, trà đen và xơ dừa, những mặt hàng thế mạnh hàng đầu của Sri Lanka (tháng 2/2006).

Ngày 16/3/2006 tại Hà Nội đã diễn ra trọng thể Lễ kỷ niệm 35 năm hai nước chính thức đặt quan hệ ngoại giao.

Tháng 6/2006 Chính phủ Việt Nam tặng kỷ niệm chương Vì hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc cho Đại sứ Sri Lanka tại Việt Nam.

Ngày 31/7/2006 Việt Nam ủng hộ và chào đón Sri Lanka tham gia vào Diễn đàn khu vực ASEAN.

Tại TPHCM, Việt Nam và Sri Lanka đã ký kết Hiệp định trao đổi Thương mại và Đầu tư.

Bên cạnh đó, hai nước còn thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các tổ chức quần chúng nhân dân:

  • Năm 2005, thông qua Bộ Ngoại giao Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã gửi tiền ủng hộ đến các nước bị động đất và sóng thần, trong đó có Sri Lanka.
  • Đội tuyển bóng chuyền Sri Lanka và Việt Nam cùng tham dự giải bóng chuyền quốc tế VTV Cup 2006.
  • Ngày 17/3/2006 Đoàn ca múa Channa - Upuli Sri Lanka đã biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội, chào mừng kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Sri Lanka.

Quan hệ thương mại:

Quan hệ thương mại hai chiều giữa hai nước còn ở mức thấp:

  • Năm 2000: 30,1 triệu USD (Việt Nam xuất khẩu 14,5 triệu và nhập khẩu 15,6 triệu USD).
  • Năm 2001: 31,2 triệu USD (Việt Nam xuất khẩu 15 triệu và nhập khẩu 16,2 triệu USD).
  • Năm 2002: 33 triệu USD (Việt Nam xuất khẩu 16 triệu và nhập khẩu 17 triệu USD)
  • Năm 2003: chỉ đạt 15 triệu USD.
  • Năm 2004: 25 triệu USD (Việt Nam xuất khẩu hơn 18 triệu và nhập khẩu hơn 6 triệu USD).
  • Năm 2005: 30,38 triệu USD (Việt Nam xuất khẩu 20 triệu và nhập khẩu 10 triệu USD).

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang Sri Lanka gồm cao su, hải sản, kim loại quý, hàng dệt may, trà, đồ thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ. Các mặt hàng nhập khẩu bao gồm máy móc thiết bị, phụ tùng, nguyên phụ liệu dệt may, kim cương, da giầy, chất dẻo và hóa chất…

Mặc dù quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Sri Lanka còn ở mức thấp, nhưng có thể liệt kê một số quan hệ đầu tư nổi bật như sau:

  • Trà Dilmah là thương hiệu trà nổi tiếng của Sri Lanka có thị phần lớn và rất được mến mộ tại Việt Nam.
  • Năm 2004, Tập đoàn Silvermill liên doanh với Công ty Sản xuất kinh doanh Xuất nhập khẩu Trúc Giang (Bến Tre) xây dựng nhà máy Chế biến cơm dừa nạo sấy tại Bến Tre với tổng vốn đầu tư là 3 triệu USD.

Quan hệ thương mại giữa TPHCM với Sri Lanka:

Quan hệ thương mại giữa TPHCM và Sri Lanka đang dần dần từng bước phát triển.

Từ ngày 4 - 8/9/2006, Đại sứ quán Sri Lanka kết hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức một đoàn doanh nghiệp Sri Lanka đến thăm TPHCM. Thành viên đoàn bao gồm các lãnh đạo cao cấp của 9 tổ chức kinh tế hàng đầu ở Sri Lanka trong các lĩnh vực như điện, thực phẩm, may mặc, các sản phẩm về dừa, y tế, trà, cao su, xây dựng, thép, giầy da, đồ gia dụng, nội thất, công nghệ thông tin, viễn thông, nông nghiệp, các sản phẩm rừng và biển, mỹ phẩm, bất động sản, khách sạn và du lịch. Đây là cơ hội tốt để tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh tế và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hai bên có cơ hội học hỏi, thiết lập và mở rộng kênh kinh doanh giữa Sri Lanka và TPHCM.

(P.D.L., Phòng Chính trị Kinh tế đối ngoại, ngày 28-11-2006)

 

Tạo bởi thanhdm
Cập nhật 29-11-2006