Công cụ làm việc cá nhân
...

    Tìm kiếm

    


Thông tin về tỉnh Giang Tô (Trung Quốc)


Bản đồ tỉnh Giang Tô

Địa lý:

Tỉnh Giang Tô (Jiangsu), tên gọi tắt là Tô, nằm ở vùng đồng bằng Hoa Đông, phía hạ lưu sông Trường Giang, bên bờ biển Hoàng Hải, mạng lưới đường thủy dày đặc, ao hồ nhiều, dân cư đông đúc. Phía Bắc Giang Tô giáp tỉnh Sơn Đông; phía Tây giáp tỉnh An Huy; phía nam giáp tỉnh Triết Giang và thành phố Thượng Hải.

Giang Tô có đường bờ biển dài 954 km, sông Trường Giang chảy trong địa phận tỉnh có chiều dài 425 km, kênh đào Kinh Hàng từ Bắc xuống Nam dài 718 km. Tỉnh Giang Tô có hơn 2.900 con sông, những con sông lớn Hoài Hà, Nghi Hà, Thuật Hà, Tứ Hà, Tần Hoài Hà, Diêm Hà…

Giang Tô có 2 trong số 5 hồ nước ngọt lớn nhất của Trung Quốc: Thái Hồ có diện tích 2.250 km2 đứng thứ 3, Hồng Trạch Hồ có diện tích 2.069 km2 đứng thứ 4, ngoài ra còn có hơn 290 hồ lớn nhỏ như Cao Bảo, Lạc Mã, Vi Sơn, Thạch Cữu… Đồng bằng chiếm 69% diện tích. Lưu vực sông ngòi chiếm 17%. Đồi núi chiếm 14%, phân bố chủ yếu ở phía Tây Bắc. Đỉnh Ngọc Nữ trên núi Vân Đài ở thành phố Liên Vân Cảng cao 625m, là đỉnh núi cao nhất tỉnh.

 

Phong cảnh Thái Hồ

Đơn vị hành chính tỉnh Giang Tô gồm 13 thành phố là Nam Kinh (thủ phủ), Từ Châu, Liên Vân Cảng, Hoài An, Diêm Thành, Dương Châu, Nam Thông, Trấn Giang, Thường Châu, Vô Tích, Tô Châu, Túc Thiên, Thái Châu.

Tổng dân số Giang Tô là 74.330.000 người (năm 2004), đứng thứ năm ở Trung Quốc với mật độ 724 người/km2; chủ yếu là người Hán, chiếm 99,64% dân số.

Khí hậu Giang Tô thuộc vùng đệm cận nhiệt đới và ôn đới, khí hậu ôn hòa, lượng mưa đầy đủ, bốn mùa phân biệt rõ ràng. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 13 – 160C, lượng mưa hàng năm đạt khoảng 1.000 mm. Giữa mùa xuân và mùa hè có loại hình thời tiết đặc biệt là mùa mưa Mai Vũ (thời tiết có mưa nhỏ nhưng kéo dài).

 

Thành phố Tô Châu được mệnh danh là “Venice phương Đông”

Địa hình Giang Tô nằm ở nền đồng bằng Hoa Bắc và lưu vực sông Trường Giang, Hoài Hà. Giang Tô có những khoáng sản như kim loại màu, kim loại hiếm, đất dính, Hiện nay, ở Giang Tô đã phát hiện hơn 133 loại khoáng sản.

Thực vật phong phú với khoảng hơn 850 loài. Nguồn thủy hải sản dồi dào, ngư trường ven bờ biển phía đông rộng 100.000 km2. Diện tích lưu vực sông rộng 26 triệu hecta, trong đó diện tích nuôi trồng chiếm 12 triệu hecta. Cá thì, cá đao, cá heo sông được mang danh xưng là “3 vật quý Trường Giang”; cá trắng, cá kim ngân, tôm trắng là “3 vật mang sắc trắng Thái Hồ” đều là những chủng loại thủy sản quý hiếm sống ở nước ngọt.

Lịch sử:           

Tỉnh Giang Tô được thành lập từ đầu đời Thanh, lấy tên chung từ hai phủ Giang Ninh và Tô Châu. Giang Tô thời cổ đại là bộ phận thuộc Từ Châu và Dương Châu. Thời Xuân thu Chiến quốc lần lượt là đất của các nước Ngô, Tống, Sở, Việt, Tề… Thời Tần, tỉnh thuộc các quận Cửu Giang, Cối Khê, Chương, Tứ Thủy. Thời Tùy bắt đầu thiết lập Tô Châu, Dương Châu và Từ Châu. Nhà Đường phân thành ba đạo Giang Nam, Hoài Nam và Hà Nam. Thời Bắc Tống phân thành Giang Nam Đông Lộ, Lưỡng Triết Lộ, Hoài Nam Đông Lộ và Kinh Đông Tây Lộ. Nhà Nguyên phân thành Giang Triết và Hà Nam. Thời Minh, Giang Tô và An Huy cùng thuộc Ứng Thiên Phủ, trực thuộc Nam Kinh. Đời vua Khang Hy nhà Thanh tách tỉnh Giang Nam thành Giang Tô và An Huy.

Giang Tô là tỉnh có nhiều di tích lịch sử văn hóa trọng điểm, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp như phong cảnh vùng sông nước phía nam, núi Hoa Quả, động Thủy Liêm, Thái Hồ, Vân Đài Sơn, vườn nhà Tô Châu…

 

Sông nước Giang Tô

Trong lịch sử thời phong kiến, Giang Tô xuất hiện nhiều nhân vật nổi tiếng có nhiều đóng góp cho Trung Quốc. Về chính trị, quân sự có Tôn Vũ, Ngũ Tử Tư, Lưu Bang, Hạng Vũ, Hàn Tín…; khoa học có Tổ Xung Chi, Thẩm Quát, Từ Quang Khải, Từ Hà Khách…; văn học có Lưu Hiệp, Lý Dục, Phạm Trọng Yểm, Thi Nại Am, Ngô Thừa Ân, Tào Tuyết Cần, Ngô Kính Tử, Phùng Mộng Long…; nghệ thuật, thư họa có Cố Khải Chi, Trương Húc, Mễ Phủ, Trịnh Bản Kiều, Cố Viêm Vũ… Các tác phẩm văn học cổ điển như Thủy h, Tây du ký, Hồng lâu mộng, Nho lâm ngoại s… đều liên quan đến vùng Giang Tô và đều được sáng tác dưới ngòi bút của những tác giả nổi tiếng quê Giang Tô.

Thời cận hiện đại, Giang Tô cũng xuất hiện nhiều các nhân vật tên tuổi như nhà khoa học Hoa La Canh, Châu Bồi Nguyên…; nhà văn hóa Liễu Á Tử, Chu Tự Thanh, Diệp Thánh Đào…; họa sĩ nổi tiếng Từ Bi Hồng, Lưu Hải Túc…; nhà hoạt động nghệ thuật Mai Lan Phương, Châu Tín Phương, Triệu Đan…; nhà cách mạng vô sản Chu Ân Lai, Trương Thái Lôi, Cù Thu Bạch…

Kinh tế:

Giang Tô nổi tiếng quê hương của lúa gạo, cá tôm. Sản xuất nông nghiệp được thiên nhiên ưu đãi, cây nông nghiệp, cây lương thực, trà, bông, tơ tằm, hoa, cây gỗ, gia súc, gia cầm đều có nhiều chủng loại và sản lượng lớn. Tổng giá trị sản lượng nông lâm ngư nghiệp chiếm 8,3% toàn Trung Quốc, đứng thứ hai sau tỉnh Sơn Đông.

Giá trị sản xuất công nghiệp Giang Tô chiếm 12,9% của cả nước, với 6 ngành chính là cơ khí điện tử, hóa chất hóa dầu, dệt, thực phẩm, công nghiệp nhẹ và vật liệu xây dựng, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp nhẹ chiếm 51,5% so với tổng giá trị sản xuất công nghiệp; dệt may, thực phẩm là những ngành sản xuất ưu thế truyền thống.

 

Trong nhà máy sản xuất lụa tơ tằm

Giao thông ở Giang Tô có nhiều điều kiện thuận lợi. Tuyến đường xe lửa dài hơn 750 km, lấy Nam Kinh, Từ Châu làm đầu mối, có những tuyến như Tân Hộ, Long Hải, Ninh Đồng… Cầu lớn Trường Giang Nam Kinh được xây dựng vào năm 1968 là cầu đường sắt đường bộ lớn nhất Trung Quốc. Chiều dài đường bộ ở Giang Tô là 27.102 km, với những tuyến đường cao tốc như Hộ Ninh, Hợp Ninh, Kinh Hộ. Chiều dài đường sông trong tỉnh 23.800 km, đứng đầu Trung Quốc, với những cảng sông lớn như Nam Kinh, Trấn Giang, Nam Thông, Trương Gia Cảng, Tô Châu, Vô Tích, Thường Châu, Đan Dương, Hoài An, Phi Châu… Đông Bắc Giang Tô có cảng biển quan trọng Liên Vân Cảng. Đường hàng không từ thủ phủ Nam Kinh có các chuyến bay đến các thành phố trong tỉnh và trong cả nước.                     

 

Cầu lớn Trường Giang ở Nam Kinh

Giang Tô một trong những tỉnh, thành thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài nhiều nhất của Trung Quốc. Năm 2005, tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh đạt 1,827 ngàn tỷ Nhân dân tệ, tăng 14,5% so với năm trước. Tổng thu ngân sách năm 2005 của tỉnh đạt 312,48 tỷ Nhân dân tệ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh năm 2005 đạt 227,941 tỷ USD, tăng 33,4% so với năm trước; trong đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 104,959 tỷ USD, tăng 26,1%, kim ngạch xuất khẩu đạt 122,982 tỷ USD, tăng 40,5%. Số vốn hợp đồng đầu tư trực tiếp của nước ngoài đạt 45,722 tỷ USD, tăng 18,5%. Số vốn thực tế đầu tư trực tiếp của nước ngoài đạt 13,18 tỷ USD, tăng 29,2%.

Lãnh đạo:

Bí thư tỉnh ủy: Lý Nguyên Triều.

Tỉnh trưởng: Lương Bảo Hoa.

(V.H., Phòng Chính trị Kinh tế Đối ngoại, ngày 21-9-2006)

 

Tạo bởi thanhdm
Cập nhật 21-09-2006