Công cụ làm việc cá nhân

    Tìm kiếm

    


...

Thông tin cơ bản về Cộng hòa Hồi giáo Iran


 

Quốc kỳ Iran

 

Bản đồ Iran

Địa lý:

Tên nước: Nước Cộng hòa Hồi giáo Iran

Dân số: 68,5 triệu người (2006).

Diện tích: 1,65 triệu km2

Ngôn ngữ chính: tiếng Ba Tư

Tôn giáo chính: Đạo Hồi

Trước đây Iran có tên gọi là Ba Tư (Persia), tên Iran chỉ bắt đầu có từ năm 1935.

Iran có chung đường biên giới với Armenia, Azerbaijan, Turkmenistan, và biển Caspi; nằm ở phía Đông của Afghanistan và Pakistan; phía Nam Vịnh Persian và Vịnh Oman, và phía Tây Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq.

Cả nước được chia thành 30 tỉnh.

Tehran là thủ đô và là thành phố lớn nhất, là trung tâm chính trị, văn hóa, thương mại và công nghiệp của cả nước.

 

Thủ đô Tehran

Iran có khí hậu lục địa, mùa hè nóng, mùa đông có mưa nhiều và lạnh; vùng núi phía Bắc và phía Tây có khí hậu cận nhiệt đới. Nhiệt độ và lượng mưa thường không ổn định vì gió mang độ ẩm cao từ Vịnh Persian thổi tới. Mưa tuyết thường xuất hiện vào mùa đông và giảm dần theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Nước từ băng tuyết là nguồn cung cấp nước chính của Iran. Khu vực thảo nguyên và đồng bằng duyên hải phía nam (Markan) lượng mưa dưới mức 12,7cm hàng năm.

 

Núi Damavand là núi cao nhất tại Iran

Một nửa dân số Iran là người gốc Ba Tư. Người Azerbaijian chiếm ¼ dân số. Các nhóm di cư thiểu số ở vùng núi và cao nguyên bao gồm người Kurd, Lurs, Qashqai và Bakhtiari. Iran có một lượng dân số lớn tập trung ở vùng nông thôn. Người dân sống theo hình thức du canh du cư.

Lịch sử:

Iran là nơi sinh sống của con người từ thời tiền sử. Lịch sử thành văn của Iran bắt đầu từ năm 3.200 trước công nguyên với sự xuất hiện của những đế chế tiền Hồi giáo.

Sau cuộc chinh phục Ba Tư của Hồi giáo, nước này bước vào thời đại hoàng kim của Hồi giáo, cho dù vẫn phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh.

Từ năm 1905 - 1911 diễn ra cuộc Cách mạng Hiến pháp Ba Tư

Năm 1979 Iran thu hút sự chú ý của thế giới khi nền quân chủ bị lật đổ. Iran tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Hồi giáo duy nhất trên thế giới lúc bấy giờ, theo đó các giáo sĩ tôn giáo do Lãnh tụ tối cao Ayatollah Khomeini nắm toàn quyền chính trị. Sau đó là thời kỳ bất ổn với cuộc chiến tranh Iran - Iraq kéo dài 8 năm, đã kéo nền kinh tế thịnh vượng về dầu mỏ của Iran thụt lùi một bước dài.

 

Sau cuộc cách mạng, tháp Shahyad ở Tehran đổi tên thành tháp Azadi (Tự do)

Hai thập kỷ sau đó, Iran bước sang giai đoạn chuyển đổi chính trị và xã hội với thắng lợi của những đảng viên Tự do trước giới lãnh đạo bảo thủ trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2000. Nhưng ảnh hưởng của nhóm bảo thủ ở chính quyền và tòa án vẫn rất lớn.

Chính trị:

Lãnh tụ tối cao: Ayatollah Ali Khamenei, là người nắm quyền lực tối thượng, bổ nhiệm Chánh án, Tổng Tư lệnh và là người chọn ra 6 thành viên của Hội đồng Bảo vệ, một cơ quan có ảnh hưởng lớn đến các bộ luật. Ông Ayatollah Ali Khamenei là người kế nhiệm Ayatollah Khomeini, người sáng lập ra nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Tổng thống hiện nay: Mahmoud Ahmadinejad. Tổng thổng được bầu theo phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ bốn năm.

Hội đồng Cố vấn Hồi giáo gồm 290 thành viên với nhiệm kỳ 4 năm, có trách nhiệm soạn thảo luật, phê chuẩn các hiệp ước quốc tế và ngân sách quốc gia.

Từ khi Tổng thống Hoa Kỳ George Bush xếp Iran vào “trục ma quỷ” năm 2002, nước này bị đặt dưới áp lực nghiêm trọng. Áp lực càng tăng cao khi Hoa Kỳ tiến hành đánh Iraq và Washington buộc tội Tehran đang nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân và đứng đằng sau Iraq chống lại Hoa Kỳ. Trong khi đó Iran khẳng định nước này phát triển vũ khí hạt nhân để phục vụ mục đích hòa bình.

Kinh tế:

Sản phẩm xuất khẩu chính: dầu mỏ, thảm, sản phẩm nông nghiệp.

Các đối tác thương mại chính của Iran là Nhật Bản, Đức và Italia. Cảng hàng hóa lớn nhất là Khorramshahr và cảng Bandar-e-Anzali là cảng trung tâm của khu vực Caspi.

Thu nhập bình quân đầu người: 8.900 USD/năm (2006).

Nông nghiệp:

Khoảng 10% đất của Iran có thể canh tác, nông nghiệp chiếm hơn 20% tổng thu nhập quốc dân và thu hút 1/3 lực lượng lao động. Các khu vực sản xuất lương thực chính nằm ở khu vực Caspi và thung lũng phía Tây Bắc. Vụ mùa lúa mì quan trọng nhất trong năm và được trồng chủ yếu ở phía Tây và Tây Bắc, trong khi đó gạo cũng là nguồn lương thực chính ở khu vực Caspi. Lúa mạch, bắp, bông vải, củ cải đường, trà, thuốc lá, trái cây, chà là… cũng được trồng nhiều. Việc trồng lậu cây thuốc phiện vẫn còn phổ biến.

 

Cánh đồng trà

Cản trở lớn nhất của sản xuất nông nghiệp là phương pháp lạc hậu, canh tác lâu năm trên đất bạc màu, hạt giống xấu và thiếu nước. Chỉ khoảng 1/3 đất canh tác có hệ thống tưới tiêu. Hiện nay, chính phủ Iran đã áp dụng các chương trình hiện đại hóa, cơ khí hóa, cải thiện đáng kể năng suất nông nghiệp.

Triền núi phía bắc cung cấp nhiều sản phẩm lâm nghiệp và gỗ, đã mang lại hiệu quả kinh tế quan trọng.

Công nghiệp:

Dệt may là sản phẩm công nghiệp quan trọng thứ hai sau dầu khí. Ngoài ra, còn có các ngành khác như chế biến thực phẩm, xi măng, vật liệu xây dựng và máy móc.

Ngành thủ công truyền thống như dệt thảm, sản xuất gốm, lụa và trang sức cũng rất quan trọng.

 

Trong Bảo tàng thủy tinh và gốm tại Tehran

Năng lượng:

Trong số nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Iran, dầu mỏ và khí tự nhiên đứng đầu. Các mỏ dầu chính nằm ở miền Trung và Tây Nam Iran.

Ngành công nghiệp dầu khí là thành phần then chốt của nền kinh tế Iran, dầu mỏ chiếm 80% tổng doanh thu mang lại do xuất khẩu, và Iran là thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC. Các nhà máy lọc dầu nằm ở Abadan, Kermansshah và Tehran. Những năm cuối thập kỷ 90, nền công nghiệp dầu khí do nhà nước sở hữu của Iran đã bước sang chương mới với các hợp đng kí kết với các Tập đoàn nước ngoài khổng lồ.

Iran được xếp thứ hai thế giới về trữ lượng khí thiên nhiên và thứ ba thế giới về trữ lượng dầu mỏ. Tuy nhiên, năm 2005 Iran phải chi 4 tỷ USD cho nhập khẩu năng lượng do tình trạng buôn lậu và tiêu dùng nội địa không hiệu quả. Sản lượng 4 triệu thùng một ngày năm 2005 so với sản lượng đỉnh cao 6 triệu thùng một ngày năm 1974. Từ năm 2000 trở đi, cơ sở hạ tầng công nghiệp ngày càng mất đi tính hiệu quả bởi khoa học kỹ thuật đã trở nên lỗi thời.

 

Bản đồ trữ lượng dầu mỏ và khí đốt của Iran

Năm 2004, Iran đã khánh thành nhà máy năng lượng bằng sức gió và nhiệt, nhà máy nhiệt điện mặt trời sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2009. Xu hướng tăng dân số và công nghiệp hóa cao khiến nhu cầu sử dụng năng lượng tăng khoảng 8% một năm.

Văn hóa:

Nền văn hóa Iran từ lâu đã là nền văn hóa thống lĩnh vùng Trung Đông và Trung Á với tiếng Ba Tư được coi là ngôn ngữ của những nhà trí thức trong suốt hai thiên niên kỷ trước Công nguyên, và là ngôn ngữ của tôn giáo và quần chúng trước đó. Hầu hết các công trình triết học, khoa học hay văn học của các đế chế Hồi giáo đều được viết bằng tiếng Pahlavi và sau đó được dịch sang tiếng Ả Rập.

Thời đại Sassanid (226 - 651 sau công nguyên) mà nổi bật là giai đoạn Hậu Cổ đại (Late Antiquity), được coi là một trong những giai đoạn lịch sử quan trọng và có nhiều ảnh hưởng nhất ở Iran và thế giới. Nền văn minh Ba Tư ảnh hưởng đáng kể đến nền văn minh La Mã trong thời đại Sassanid. Ảnh hưởng này mở rộng ra khỏi biên giới lãnh thổ của các vị vua, vươn đến vùng Đông Âu, châu Phi, Trung Quốc và Ấn Độ và đóng một vai trò định hình lên nền nghệ thuật châu Âu và châu Á. Điều này đã tác động trở lại thế giới Hồi giáo. Văn hóa mang đậm tính chất quý tộc và độc đáo của triều đại đã biến sự điêu tàn và các cuộc viễn chinh Hồi giáo thành thời kỳ Phục hưng Ba Tư. Nhiều thành tựu trong số đó đã bồi dưỡng nền học thuật Hồi giáo, trên nhiều lĩnh vực như triết học, thiên văn học, văn học, lịch sử, địa lý, luật, y học, kiến trúc, nghệ thuật và khoa học.

Nghệ thuật:

Vùng văn hóa Iran – bao gồm các quốc gia ngày nay như Afghanistan, Tajikistan, Azerbaijan, Uzbekistan và khu vực xung quanh – là quê hương của những di sản nghệ thuật phong phú nhất của lịch sử thế giới, từ hội họa, thư pháp, chế tác kim loại, đồ gốm...

 

Bức họa trong cung điện Hasht-Bahesht vào thế kỷ 17

Nghệ thuật dệt thảm ở Iran xuất phát từ văn hóa và phong tục của người dân cũng như tình cảm của họ. Những người thợ dệt hòa trộn các họa tiết trang nhã với vô số màu sắc, tràn ngập hoa cỏ và chim thú.

 

Một tấm thảm Iran

Kiến trúc:

Loại hình chính của kiến trúc cổ điển Ba Tư là các đền thờ Hồi giáo và cung điện. Kiến trúc Ba Tư thể hiện nét độc đáo trên các mái vòm hoành tráng. Kiến trúc mái vòm dễ dàng được tìm thấy từ khu chợ đến các đền thờ. Người ta phân biệt các mái vòm thông qua độ cao, nội dung trang trí, hình dáng và độ tròn của khung vòm. Mặt bên ngoài của mái vòm thường được trang trí bằng đá ghép mosaic, tạo góc nhìn huyền bí. Kiến trúc này tận dụng rất nhiều biểu tượng hình học.

 

Đền thờ Goharshad, Thành phố Mashad

Người Ba Tư là những người đầu tiên sử dụng toán học, thiên văn học và hình học vào xây dựng. Kiến trúc Ba Tư ảnh hưởng sâu sắc đến kiến trúc của nhiều nền văn minh cổ đại, từ Syria đến phía Bắc Ấn Độ và biên giới Trung Quốc.

 

Thành Arg - e Bam được xây dựng vào năm 500 trước công nguyên

Iran được UNESCO xếp hạng thứ 7 các quốc gia trên thế giới có nhiều kỳ quan về kiến trúc và khảo cổ. Lăng Maussollos được công nhận là một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại.

Lễ hội:

Ngày đầu năm mới của Iran (Norouz)  là ngày 21 tháng 3 được tổ chức long trọng từ phía Tây, xuất phát từ những người Hồi giáo Iran sống tại đất nước Tây Ban Nha và kéo dài đến phía Đông, kết thúc ở Kazakhstan. Norouz được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2004.

 

Lễ vật đón năm mới

Ẩm thực:

Ẩm thực của Iran khác biệt qua từng vùng, mỗi vùng có một món ăn, cũng như cách thức nấu nướng và truyền thống ẩm thực riêng. Thức ăn của Iran không cay và các bữa ăn thường có gạo theo mùa và các món ăn kèm như thịt, gia cầm hoặc cá. Rau củ rất được ưa chuộng. Hành và tỏi thường xuyên được sử dụng để sơ chế các món ăn kèm và dùng thêm trong mỗi bữa ăn.

Thể thao:

Sân vận động Azadi nổi tiếng trong làng bóng đá với đội tuyển Iran. Sân Azadi có thể chứa được 90.000 khán giả, được xây dựng năm 1974.

 

Sân vận động Azadi

Hơn một nửa dân số Iran có độ tuổi dưới 25 và thể thao chiếm vị trí quan trọng trong đời sống người dân Iran. Iran được coi như cái nôi sản sinh ra các môn polo,  môn cờ thỏ cáo, và môn võ thuật bản địa hiện đại như Shinzen Karate và Kanzenyu. Tehran là thành phố đầu tiên ở Trung Đông tổ chức Thế vận hội Châu Á năm 1974.

 

Phụ nữ ở Iran cũng chơi polo

Hiện nay, môn thể thao phổ biến nhất ở Iran là môn bóng đá và đội tuyển quốc gia đã vào đến vòng chung kết Cúp Bóng đá thế giới và ba lần đoạt ngôi quán quân Châu Á. Iran còn có những khu resort dành cho trượt tuyết và leo núi. Phụ nữ tham gia tích cực vào môn bóng chuyền và cầu lông.

 

Trượt tuyết ở Iran

 

(T.Tiên, Phòng Chính trị Kinh tế Đối ngoại, ngày 26-4-2007)

Nguồn:

http://topics.nytimes.com/top/news/international/countriesandterritories/iran/index.html

http://oznet.net/iran

http://persia.org/

 

Tạo bởi thanhdm
Cập nhật 27-04-2007