Personal tools
...

    Search

    


Thông tin cơ bản về Vương quốc Hà Lan


 

Quốc kỳ Hà Lan

 

Bản đồ Hà Lan

Tên chính thức: Vương quốc Hà Lan (Kingdom of the Netherlands).

Thủ đô: Amsterdam (nhưng trụ sở của Chính phủ lại đặt tại The Hague)

 

Thủ đô Amsterdam nổi tiếng với hệ thống kênh đào

Diện tích: 41.526 km2 (được chia thành 12 tỉnh)

Quốc khánh: 30 - 4

Dân số: 16.491.000 người (tháng 7.2006)

Tôn giáo chính: Công giáo (36%) và Tin lành (20%)

Ngôn ngữ: Tiếng Hà Lan

Chế độ chính trị: Quân chủ lập hiến và Nghị viện

Lãnh thổ tự trị ở nước ngoài (Autonomous Overseas Areas): Aruba và the Netherlands Antilles (gồm các đảo Saint Eustatius, vùng phía Nam của Saint Martin, Saba, Bonaire và Curaçao ở Carribe).

Vài nét về lịch sử:

Trong thời trung cổ, nước Hà Lan được chia thành những vùng tự trị dưới quyền các lãnh chúa phong kiến. Dưới thời vua Karel đệ ngũ (1500-1558), những vùng tự trị này kết hợp với vùng đất thuộc Bỉ và Luxembourg ngày nay dưới tên gọi "Lage Lande" (có nghĩa là các nước thấp hơn mực nước biển) và bị sát nhập vào đế quốc Bourgon và Habsburg (Bourgondisch - Habsburgse Rijk).

Người sáng lập ra Vương triều Hà Lan là hoàng tử Willem Van Oranje (1533-1584). Hoàng tử đã lãnh đạo lãnh đạo những vùng tự trị miền bắc Hà Lan thực hiện cuộc chiến tranh giành độc lập từ Tây Ban Nha. Cuộc chiến tranh này kéo dài hơn 80 năm kết thúc năm 1648. Lịch sử Hà Lan gọi giai đoạn này là "Cuộc chiến tranh 80 năm", kết thúc bằng hiệp ước Munster năm 1648 đánh dấu sự ra đời của quốc gia độc lập "Cộng hòa thống nhất bảy xứ Hà Lan" (Pepubliek der Zeven Verenigde Nederlanden) gồm 7 vùng tự trị là Holland, Zeeland, Utrecht, Friesland, Groningen, Overijssel và Gelderland.

 

Tượng đài hoàng tử Willem Van Oranje

Cuối thế kỷ XVIII, Pháp chiếm đóng Hà Lan và thành lập nước Cộng hòa Batavia và lấy Amsterdam làm Thủ đô. Một vài năm sau, Hà Lan bị sát nhập vào Pháp. Đến 1813, Hà Lan giành lại được độc lập, nhưng lại xảy ra nội chiến giữa hai phe Cộng hòa và nhóm ủng hộ hoàng gia. Kết quả là nhóm Cộng hòa bị thua.

Năm 1813, Willem Frederik - vị Vua đầu tiên - chuyển chính phủ về La Hay (The Hague), mặc dù Amsterdam vẫn tiếp tục là thủ đô chính thức. Năm 1815, miền Bắc và miền Nam Hà Lan- ngày nay là lãnh thổ Hà Lan và Bỉ - sát nhập lại thành Vương quốc Hà Lan dưới sự trị vì của Vua Willem Frederik. Năm 1830, miền Nam Hà Lan tách ra để thành lập Vương quốc riêng, là Vương quốc Bỉ hiện nay. Vua Willem đệ tam qua đời năm 1890 mà không có con trai để nối ngôi. Dưới quyền nhiếp chính của thái hậu Emma, nữ hoàng Wilhelmina bắt đầu lãnh đạo đất nước.

 

Một trang viên cổ

Hiến pháp năm 1848 mở đầu cho thời kỳ quân chủ lập hiến (nhà vua không chịu trách nhiệm về các hoạt động của chính phủ mà các bộ trưởng phải có trách nhiệm giải trình với Nghị viện) và cho việc bầu trực tiếp Hạ viện.

Thể chế chính trị:

Nguyên thủ quốc gia: Nữ hoàng Beatrix kế vị ngày 30-4-1980.

Thủ tướng: Jan Peter Balkenende

Khác với nhiều nước châu Âu khác, ở Hà Lan, Nữ hoàng - nguyên thủ quốc gia - tham gia thành một bộ phận của chính phủ bên cạnh Thủ tướng và các bộ trưởng. Nữ hoàng có trách nhiệm đọc các bài phát biểu hàng năm, khai mạc Quốc hội và thông qua kế hoạch hang năm của chính phủ vào ngày thứ ba tuần thứ ba của Tháng Chín. Nữ hoàng có vai trò quan trọng trong việc lập chính phủ mới sau khi bầu Nghị viện, đặc biệt trong bối cảnh lịch sử Hà Lan chưa khi nào có một chính đảng một mình chiếm được đa số trong Quốc hội và các chính phủ Hà Lan đều là chính phủ liên hiệp.

Nghị viện Hà Lan bao gồm 2 viện, nhiệm kỳ 4 năm. Thượng viên gồm 75 thành viên được bầu gián tiếp bởi đại diện 12 tỉnh trong cả nước, và Hạ viện gồm 150 thành viên do cử tri bầu trực tiếp. Thượng viện chỉ có quyền phủ quyết trong khi Hạ viện kiểm soát chính phủ và kiến nghị các quy chế và luật lệ. Hội đồng Nhà nước do nguyên thủ quốc gia đứng đầu về danh nghĩa, gồm 28 thành viên là những nhân vật lỗi lạc được chỉ định suốt đời, đồng thời cũng là tòa án hành chính cao nhất ở Hà Lan.

Chính quyền Hà Lan chia thành 3 cấp: Trung ương, Tỉnh và Thành phố.  Cấp tỉnh và thành phố có thẩm quyền ban hành các luật lệ về những vấn đề trực tiếp liên quan dến địa phương mình. Xu hướng hiện nay ở Hà Lan là ngày càng trao nhiều quyền và trách nhiệm hơn cho các địa phương. Các tỉnh và thành phố Hà Lan có 3 nguồn thu nhập chính: thu thuế và phí tại địa phương; và ngân sách cấp từ trung ương.

Hà Lan chia thành 12 tỉnh. Mỗi tỉnh ngoài Hội đồng tỉnh và bộ máy hành pháp còn có chức danh Cao ủy của Nữ hoàng. Các ủy viên Hội đồng tỉnh được bầu trực tiếp nhiệm kỳ 4 năm, số lượng ủy viên tùy thuộc dân số của tỉnh. Hội đồng tỉnh sẽ bầu ra các chức vụ quản lý hành pháp. Cao ủy của Nữ hoàng có nhiệm kỳ 6 năm và chủ tọa cả Hội đồng lẫn bộ máy hành pháp của tỉnh.

Tòa án Tối cao gồm các thẩm phán do Nữ hoàng bổ nhiệm suốt đời từ danh sách do Hạ viện đề cử. Hệ thống tư pháp được thực hiện bởi các thẩm phán được bổ nhiệm và không có chế độ bồi thẩm đoàn. Dưới Tòa án Tối cao có 3 loại tòa án khác:  61 tòa án khu chuyên xét xử các vụ hình sự và dân sự nhỏ; 19 Tòa án quận xử các vụ quan trọng hơn và 5 Tòa Phúc thẩm xử khiếu nại từ các tòa án cấp quận.

Ngoài ra hệ thống pháp lý Hà Lan còn có các tòa án hành chính và tòa án quân sự. Các tòa án hành chính được chuyên môn hóa trong nhiều lĩnh vực như thương mại và công nghiệp, thuế, tài chính ... Hiến pháp Hà Lan bác bỏ việc áp dụng xét xử bằng bồi thẩm đoàn và án tử hình.

Kinh tế:

Tiền tệ: Euro (đồng tiền trước đây của Hà Lan là đồng Gilder)

GDP:  612 tỷ USD (2006)

Tăng trưởng GDP:  2,9% (2006)

Thu nhập bình quân đầu người : 32.100 USD (2006)

Lạm phát: 1,4 % (2006)

Tỷ lệ thất nghiệp: 5,5 % (2006)

Xuất khẩu: 413 tỷ USD (2006)

Nhập khẩu: 373 tỷ USD (2006)

Hà Lan là một nước có diện tích nhỏ và không có nhiều tài nguyên thiên nhiên. Hà Lan chỉ có hơi đốt (trữ lượng khoảng 2.680 tỷ m3), một khối lượng không lớn dầu lửa ở biển Bắc (sản lượng đáp ứng khoảng 20% nhu cầu hiện nay). Nhưng Hà Lan đã biết sử dụng thế mạnh của mình là một quốc gia ven biển, cửa khẩu của 3 con sông lớn ở Tây Âu và nằm giữa các cường quốc kinh tế Anh, Pháp, Đức để phát triển các ngành dịch vụ hàng hải, cảng, vận tải sông, công nghiệp chế biến, hóa dầu...

Hà Lan cũng đã tận dụng đất đai mầu mỡ để phát triển nông nghiệp và ngành công nghiệp thực phẩm. Các sản phẩm nổi tiếng của Hà Lan gồm hoa, quả, sữa và thịt.

 

Cánh đồng hoa tuylip

 

Bò sữa Hà Lan

Hơn 30% hàng hóa ra vào EU được bốc dỡ tại các cảng biển Hà Lan, trong đó cảng Rotterdam là cảng lớn nhất thế giới với công suất 300 triệu tấn/năm.

 

Cảng Rotterdam

Văn hóa, du lịch:

Hà Lan thu hút khách du lịch nhờ vào những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như những lâu đài cổ, nhà thờ, cánh đồng hoa tuylip, cối xay gió, hệ thống đê biển, kênh đào v.v…

 

Cô gái Hà Lan trong trang phục truyền thống

 

Nhà thờ ở Ultrecht

 

Cối xay gió

Đối ngoại:

Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, Hà Lan từ bỏ chính sách trung lập, Hà Lan tham gia kế hoạch Marshall của Mỹ.

Năm 1948 cùng Bỉ, Luxembourg lập Liên minh thuế quan Benelux.

Năm 1949 tham gia NATO

Năm 1957 là thành viên sáng lập EEC (EU hiện nay)

Hà Lan là thành viên của OECD và OSCE.

Là một nước nhỏ, phụ thuộc nhiều vào thị trường bên ngoài, Hà Lan quan tâm đến hòa bình, ổn định trên thế giới và tự do lưu thông quốc tế. Hà Lan ủng hộ mạnh mẽ quá trình thống nhất Châu Âu cả về chiều sâu lẫn chiều rộng. Hà Lan cũng ủng hộ quan hệ chặt chẽ với Mỹ trong vấn đề an ninh Châu Âu. Mặt khác, Hà Lan cũng thi hành chính sách đa dạng hóa quan hệ, mở rộng hợp tác với các nước thuộc các khu vực khác trong đó có các nước nhiều nguyên liệu ở Châu Á, Trung Đông và Bắc Phi.

Về viện trợ phát triển, từ tháng 2-1999, chính phủ Hà Lan quyết định giảm số nước được nhận viện trợ song phương từ 70 xuống còn 17 nước là Bangladesh, Bolivia, Ethiopia, Burkina Faso, Eritrea, Ghana, Ấn Độ, Macedonia, Mali, Mozambique, Nicaragua, Sri Lanka, Tanzania, Uganda, Việt Nam, Yemen, Zambia.

Hiện nay danh sách tăng lên gồm 21 nước. Trong quá trình chọn lựa danh sách các nước được nhận viện trợ song phương, chính phủ Hà Lan đã đặt ra nhiều tiêu chuẩn, trong đó có:

- Chính sách kinh tế - xã hội có chất lượng tốt;

- Trình độ quản lý đạt yêu cầu, nhất là trình độ quản lý các quỹ công.

Về nhân quyền, Bộ Ngoại giao Hà Lan đã quyết định thành lập Vụ Nhân quyền và gìn giữ hòa bình, chỉ định Đại sứ nhân quyền (Ambasador for Human Rights).

Nguồn: http://www.minbuza.nl

http://www.mofa.gov.vn

Các nước trên thế giới, Bộ Ngoại giao, 2000

(T.T., H.V., Sở Ngoại vụ TPHCM ngày 23-10-2007)

 


Related news:
Created by banbientap
Last modified 26-10-2007