Quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Hà Lan
1. Quan hệ chính trị:
Hà Lan công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 22-3-1973 và hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 9-4-1973.
Từ năm 1973 đến năm 1979, quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp. Hà Lan là một trong những nước Tây Âu viện trợ cho Việt Nam khá lớn, tổng số khoảng 130 triệu USD (trong đó 100 triệu USD là viện trợ không hoàn lại), chủ yếu trong 3 lĩnh vực y tế, giáo dục đại học và thuỷ lợi.
Từ năm 1990, hai bên trao đổi nhiều đoàn cấp cao
Về phía Việt Nam:
-
Phó Thủ tướng Phan Văn Khải (tháng 1-1995)
-
Thủ tướng Phan Văn Khải (tháng 10-2001)
-
Phó Chủ tịch Quốc Hội Mai Thúc Lân tháng 10-2000.
Về phía Hà Lan:
-
Hoàng thân Claus, phu quân của Nữ hoàng Béatrix đi thăm không chính thức (1993)
-
Thủ tướng Wim Kok thăm Việt Nam (tháng 6-1995).
-
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Hà Lan (tháng 1-2001)
-
Bộ trưởng Ngoại giao Bernard Rudolf Bot dự Hội nghị ASEM 5 tại Việt Nam (tháng 10-2004)
-
Thái tử Hà Lan thăm Việt Nam (tháng 10-2005)
-
Trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU, Hà Lan đã có đóng góp to lớn và tích cực hợp tác với Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh ASEM 5 tại Hà Nội.
2. Ký kết hiệp định:
Hai bên đã ký nhiều hiệp định quan trọng như:
-
Hiệp định hợp tác hàng không (10-1993)
-
Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (3-1994)
-
Thỏa thuận hồi hương người tị nạn Việt Nam từ Tiệp Khắc chạy sang Hà Lan (tháng 6-1994)
-
Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và Bản Thỏa thuận về hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật (1-1995)
-
Hiệp định khung về Hợp tác Phát triển (ký tháng 10-2000, có hiệu lực từ tháng 7-2001)
3. Viện trợ không hoàn lại:
Tháng 6-1999, Hà Lan đã xếp Việt Nam vào danh sách 17 nước ưu tiên nhận viện trợ phát triển (hiện nay là 21 nước). Mỗi năm, ngân sách Hà Lan dành khoảng 20 triệu USD (trong đó ước tính thực hiện mỗi năm khoảng từ 10 đến 15 triệu USD) trợ giúp Việt Nam dưới ba hình thức: viện trợ song phương theo dự án, hỗ trợ cán cân thanh toán, cung cấp tín dụng hỗn hợp.
Hà Lan không có cam kết viện trợ theo tài khóa, mà quyết định theo từng dự án cụ thể. Tính cả giai đoạn 1994 - 2000, tổng viện trợ ODA của Hà Lan đã, đang thực hiện là 114,3 triệu USD. Ngoài ra, Hà Lan còn xóa nợ trong 2 năm 1994 – 1995 là 23,2 triệu USD và năm 1996 hỗ trợ cán cân thanh toán là 11,2 triệu USD cho Việt Nam.
Hà Lan còn viện trợ khoảng 13 triệu USD cho Chương trình xoá đói giảm nghèo trong hai năm 2001-2002. Năm 2003, trong khi Hà Lan cắt giảm ODA cho các nước thì Hà Lan vẫn dành cho Việt Nam 37 triệu USD, so với 27 triệu USD năm 2002.
Năm 2005, Hà Lan viện trợ 29,5 triệu euro. Đầu năm 2006, Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Hà Lan họp, cam kết chương trình viện trợ cho Việt Nam từ năm 2006-2010 mỗi năm 36 triệu euro.
Viện trợ của Hà Lan tập trung vào 3 ngành: lâm nghiệp và bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý nguồn nước và giao thông đường thủy, y tế. Hà Lan hiện tiến hành viện trợ cho Việt Nam theo phương pháp tiếp cận ngành với xu hướng là chuyển trọng tâm từ hỗ trợ các dự án sang hỗ trợ xây dựng hỗ trợ chính sách hoặc nâng cao năng lực toàn ngành.
Bên cạnh đó, chính phủ Hà Lan còn tích cực viện trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai cho nhân dân Việt Nam. Năm 1999, viện trợ 300.000 USD, đồng thời đưa ra sáng kiến hỗ trợ miền Trung phòng chống lụt bão. Năm 2000, chính phủ Hà Lan viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam 770.000 USD và Hội Chữ Thập đỏ Hà Lan viện trợ 283.000 USD.
Ngoài phần viện trợ không hoàn lại, Hà Lan còn có các Chương trình tín dụng hỗn hợp Miliev và Oret, theo đó Chính phủ Hà Lan viện trợ không hoàn lại 35% tổng trị giá hợp đồng với nhà thầu Hà Lan (từ 1998 về trước, dự án Miliev được viện trợ 60% và dự án Oret được viện trợ 45%), còn lại 65% là đóng góp từ phía Việt Nam. Chương trình này chủ yếu sử dụng cho các dự án cấp nước, lâm nghiệp, dệt may, sản xuất thức ăn gia súc... Tiêu chuẩn lựa chọn là các dự án không mang tính chất thương mại theo qui định của OCDE, có tác động tích cực đối với môi trường (Miliev) hoặc không làm hại đến môi trường (Oret), ít nhất 60% giá trị giao dịch có xuất xứ từ Hà Lan, gắn liền với chính sách phát triển và đóng góp vào quan hệ kinh tế Hà Lan - Việt Nam.
4. Hợp tác kinh tế:
Năm 2003, lần đầu tiên Hà Lan đưa Việt Nam vào danh sách 16 nước được hưởng Chương trình hợp tác với các thị trường mới nổi của chính phủ Hà Lan (PSOM). Chương trình này nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp hai nước tiến hành các nghiên cứu khả thi tiến tới thiết lập quan hệ đối tác.
Thương mại:
Hà Lan là bạn hàng lớn thứ 4 của Việt Nam ở Tây Âu (sau Đức, Anh, Pháp). Năm 2003, thương mại hai nước lên đến 500 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khoảng 400 triệu USD. Kim ngạch thương mại năm 2006 đạt khoảng 900 triệu USD. Hà Lan nhập từ Việt Nam chủ yếu là hàng thủy sản, giầy dép, hàng dệt may, cà phê, gạo, hạt tiêu. Hà Lan xuất sang Việt Nam chủ yếu máy móc, dược phẩm, thiết bị y tế, vật liệu ngành may. Kim ngạch trao đổi thương mại với Hà Lan chiếm khoảng 9,34% tổng kim ngạch trao đổi thương mại của Việt Nam với EU.
Đầu tư:
Hiện nay, Hà Lan có 52 dự án với tổng số vốn đăng ký là 1,726 tỷ USD, đứng thứ 8 trên 74 nước và vùng lãnh thổ và thứ 2 trong các nước EU đầu tư vào Việt Nam. Tính đến tháng 6-2006, Hà Lan có 66 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký là 2 tỷ USD, với số vốn thực hiện là 1,9 tỷ USD. Hà Lan đầu tư vào Việt Nam chủ yếu theo hình thức liên doanh chiếm 69% vốn đầu tư. Hình thức 100% vốn đầu tư nước ngoài chiếm 18% vốn đầu tư.
Trừ một số dự án dầu khí và bia, thực phẩm, các dự án đầu tư của Hà Lan nhìn chung có quy mô vừa và nhỏ. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là công nghiệp thực phẩm (chiếm 26%), thăm dò và khai thác dầu khí, hoá dầu, hoá chất, mỹ phẩm, kinh doanh khách sạn, văn phòng, xây dựng, nạo vét...
Nhiều dự án đầu tư của Hà Lan tại Việt Nam hoạt động rất có hiệu quả, với các công ty lớn nổi tiếng như Heineken (bia Heineken, Tiger, Bivina), Unilever (chất tẩy rửa, hóa mỹ phẩm), Royal Dutch Shell (dầu khí, gas), Foremost (sữa), Akzo Nobel Coating (hoá chất), Philips (điện tử), ED&F Man Việt Nam (nông sản), Peja Viet Nam (máy móc thiết bị dệt), P&O Nedlloyd (vận chuyển container), các ngân hàng lớn như ABN-AMBRO.
Chương trình PSOM:
Chương trình có đối tượng hỗ trợ là các công ty của Hà Lan muốn đầu tư vào thị trường mới nổi. Chương trình PSOM nhằm tăng cường hoạt động thương mại của các công ty Hà Lan trong những lĩnh vực được các nước sở tại quan tâm, sau khi đã tham khảo ý kiến chính phủ nước đó. Yêu cầu tham gia là: i). Hỗ trợ tài chính từ Chương trình PSOM chiếm 2/3 giá trị dự án, (trong một số trường hợp, trợ cấp có thể lên đến 80% giá trị dự án). Công ty Hà Lan phải trả phần chi phí còn lại. ii). Dự án phải có kết quả là một sản phẩm định lượng được. iii). Dự án phải đem lại kết quả là mối quan hệ lâu dài về đầu tư hoặc thương mại. iv). Dự án không được làm tổn hại đến người nghèo và phụ nữ và phải đem lại hiệu quả môi trường tích cực (trong một số trường hợp cụ thể).
5. Hợp tác giáo dục, đào tạo:
Hà Lan đã giúp Việt Nam nhiều dự án, như Chương trình hợp tác liên đại học Việt Nam - Hà Lan, chương trình học bổng Hà Lan (khoảng 25 học bổng ngắn hạn hàng năm), Chương trình tăng cường khả năng giảng dạy và nghiên cứu dành cho Đại học Cần Thơ. Trừ chương trình học bổng, các chương trình và dự án khác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo sẽ kết thúc trong những năm tới, trên cơ sở ưu tiên cho 3 ngành ưu tiên trong hợp tác phát triển đã xác định ở trên.
Tháng 5/2001, tổ chức NUFFIC của Hà Lan phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo và triển lãm giáo dục sau đại học tại Hà Nội.
Tháng 8-2002, Hà Lan quyết định đưa Việt Nam vào danh sách một trong sáu nước được hưởng quy chế đặc biệt trong hợp tác về đào tạo đại học (Việt Nam là nước Châu Á duy nhất). Chương trình hợp tác tại Việt Nam có tên gọi là "Tăng cường năng lực thể chế cho giáo dục và đào tạo sau phổ thông (NPT)". Trong năm tới dự kiến có 5 dự án thuộc Chương trình này, với ngân sách khoảng 9 triệu euro.
Nguồn: trang web Bộ Ngoại giao
Các nước trên thế giới (Bộ Ngoại giao, 2000)
Related news:
- Kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hà Lan (22-05-2013)
- Lãnh đạo TPHCM chúc mừng Quốc khánh Hà Lan (04-05-2013)
- Tân Tổng lãnh sự Hà Lan chào ra mắt Bí thư Thành ủy TPHCM (16-04-2013)
- Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tiếp Tổng Lãnh sự Hà Lan chào từ biệt (19-12-2012)
- Sài Gòn sôi động trong lòng một người Hà Lan (29-10-2010)
- Khai mạc "Ngôi làng Hà Lan" tại TPHCM (25-10-2010)
- "Ngôi làng Hà Lan" tại TPHCM (13-09-2010)
- Kỷ niệm Quốc khánh Hà Lan tại TPHCM (29-04-2010)
- Triển lãm "Những hình ảnh về đất nước Hà Lan" (18-11-2009)
- Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài tiếp Thứ trưởng Bộ Giao thông, công chính và Quản lý nước Hà Lan (13-10-2009)
Last modified 22-10-2007