Công cụ làm việc cá nhân

    Tìm kiếm

    


...

Quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Thụy Sĩ


I. QUAN HỆ CHÍNH TRỊ

Thụy Sĩ là một trong những nước phương Tây có mối quan hệ sớm với Việt Nam. Năm 1926, Thụy Sĩ đã mở Lãnh sự quán tại Sài Gòn và từ năm 1951 nâng lên thành Tổng Lãnh sự quán.

Ngày 11/10/1971, Việt Nam và Thụy Sĩ thiết lập quan hệ Ngoại giao cấp Đại sứ. Tháng 2/1973, Thụy Sĩ mở Đại sứ quán thường trú tại Hà Nội và tháng 3/1994 mở thêm Lãnh sự quán tại TPHCM.

Ngày 03/7/1984, Việt Nam lập Lãnh sự quán tại Geneve và nâng  lên thành Tổng Lãnh sự quán ngày 15/12/1994. Ngày 28/01/2000, Chính phủ Việt Nam quyết định lập Đại sứ quán nước CHXHCN Việt Nam tại thủ đô Berne của Thụy Sĩ.

Sang thập kỷ 90, quan hệ Việt Nam và Thụy Sĩ có những bước phát triển tích cực.

Hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao.

Các đoàn cấp cao Thụy Sĩ thăm Việt Nam:

  • Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Flavio Cotti (12/1996).
  • Tổng thống Thụy Sĩ Arnold Koller sang Việt Nam dự Hội nghị cấp cao Cộng đồng Pháp ngữ lần thứ 7, kết hợp thăm chính thức (11/1997).
  • Chủ tịch Thượng viện (Quốc hội) René Rhinow (3/1999). 
  • Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế David Syz cùng đoàn 21 doanh nghiệp (6/2001).
  • Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Pascal Couchepin cùng đại diện của trên 20 doanh nghiệp(10/2002).
  • Bà Bộ trưởng Bộ Kinh tế Doris Leuthard thăm chính thức Việt Nam (/7/2007).
  • Tổng thống Thụy Sĩ Pascal Couchepin thăm chính thức Việt Nam (8/2008).

Các đoàn cấp cao Việt Nam thăm Thụy Sĩ:

  • Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm dự Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Davos và kết hợp thăm (3/1998).
  • Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm dự  WEF tại Davos và kết hợp thăm (2/1999).
  • Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan (10/2000).
  • Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm dự WEF tại Davos kết hợp thăm (2/2001).  
  • Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm (4/2002).
  • Phó Thủ tướng Vũ Khoan dự WEF tại Davos kết hợp thăm (1/2003);
  • Phó Thủ t¬ướng Vũ Khoan dự Hội nghị hợp tác phát triển với chủ đề "Việt Nam - một con rồng mới ở Châu Á” và thăm (8/2003).
  • Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (3/2005).
  • Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự WEF tại Davos kết hợp thăm (1/2007).
  • Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được (6/2007).
  • Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (/6/2007).

II. QUAN HỆ KINH TẾ

1. Hợp tác phát triển:

Thụy Sĩ thực hiện hợp tác phát triển giúp Việt Nam chủ yếu thông qua hai cơ quan là Cơ quan phát triển và hợp tác quốc tế (SDC) thuộc Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ, là cơ quan duy nhất cấp và quản lý viện trợ không hoàn lại và Bộ Kinh tế (SECO) chủ yếu quản lý vốn viện trợ không hoàn lại và vốn tín dụng.

Chính sách hợp tác phát triển của Thụy Sĩ với Việt Nam tập trung ưu tiên:

  • Hỗ trợ Việt Nam về phát triển đồng đều với sự tham gia của toàn xã hội.
  • Xây dựng một nền kinh tế mở theo cơ chế thị trường.
  • Bảo vệ môi trường, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên bền vững.

Thụy Sĩ viện trợ phát triển giúp Việt Nam qua hai hình thức:

  • Viện trợ không hoàn lại (không có cam kết cho từng năm)
  • Hỗ trợ qua các Hiệp định tín dụng hỗn hợp (lãi suất thương mại 50% và cho không 50%).

Cho đến nay, Việt Nam đã nhận ODA của Thụy Sĩ với tổng số tiền là 750 triệu USD và từ năm 1993, Thụy Sĩ xếp Việt Nam vào danh sách 17 nước thuộc diện ưu tiên được nhận việc trợ phát triển hàng năm của Thụy Sĩ.

Hợp tác về lĩnh vực tài chính - ngân hàng dưới các hình thức tài trợ không hoàn lại qua hợp tác kỹ thuật và một phần dùng để hỗ trợ cho cán cân thanh toán của Việt Nam; qua cho vay tín dụng hỗn hợp giúp Việt Nam đầu tư vào một số dự án phục vụ phát triển sản xuất, năng lượng, giao thông vận tải v.v...

Hiệp định tín dụng hỗn hợp thứ I ký năm 1993, Thụy Sĩ cấp cho Việt Nam 23,4 triệu USD. Hiệp định tín dụng hỗn hợp thứ II trị giá 16,7 triệu USD nhằm tiếp tục giúp Việt Nam phát triển hạ tầng xã hội (vận tải công cộng, y tế, bảo vệ môi trường) trong đó 50% là cho không và còn lại 50% tín dụng thương mại.

 Tháng 10/2002, Thụy Sĩ đã phối hợp với UNDP tài trợ cho Việt Nam dự án xây dựng một kế hoạch  hoạt động được đề ra trong chương trình tổng thể cải cách hành chính đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua với tổng số vốn là 5,5 triệu USD.

2. Đầu tư - thương mại:

a. Đầu tư:

Hiện  nay Thụy Sĩ là nước xếp thứ 5 trong các nước Châu Âu (sau Pháp, Hà Lan, Anh và Luxembourg) và thứ 17 trong số các nước và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với 41 dự án trị giá 744,37 triệu USD. Các tập đoàn lớn của Thụy Sĩ đã đầu tư vào Việt Nam như: Nestlé: Thực phẩm; Novatis/Ciba-Sandoz: Hóa dược; Roche: Dược phẩm; Holderbank (Holcim): Xi măng; ABB: Thiết bị điện; Sulzer: Cơ khí, thiết bị điện; SGS: Giám định; Escatec: Thiết bị điện tử; Ringier: In ấn; André/ CIE: Thương mại v.v... và hiện có khoảng gần 100 công ty Thụy Sĩ đang hoạt động ở Việt Nam dưới các hình thức 100% vốn, liên doanh, hợp doanh.

b. Thương mại:

Sau khi Thụy Sĩ lập Đại sứ quán thường trú tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự tại TPHCM, quan hệ trao đổi thương mại giữa hai nước phát triển rất nhanh, đặc biệt sau khi hai nước ký kết Hiệp định hợp tác kinh tế - thương mại ngày 7/7/1993. Năm 1994, Thụy Sĩ đưa Việt Nam vào nhóm các nước được hưởng ưu tiên trong  trao đổi thương mại với Thụy Sĩ thông qua chương trình Hỗ trợ Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế thế giới thông qua hợp tác, trao đổi thương mại.

Tháng 10/2002, Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế Thụy Sĩ Pascal Couchepin đã ký với Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển dự án hỗ trợ xúc tiến thương mại và phát triển xuất khẩu (Thụy Sĩ đồng tài trợ với UNDP) với số vốn 2 triệu USD.

Kim ngạch buôn bán hai chiều năm 2005 đạt 997,8 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất 104,4 triệu USD - nhập 893,4 triệu USD. Đến tháng 11/2006 đạt 1,4 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất 113,4 triệu USD và nhập 1,3 tỷ USD. Việt Nam xuất sang Thụy Sĩ chủ yếu là đồ dùng vệ sinh gốm sứ, các sản phẩm bằng da, giả da, giày, dép, hàng may mặc, cà phê, cao su, quế, hạt tiêu, hải sản và nhập từ Thụy Sĩ chủ yếu là vàng, dược phẩm, hóa chất, máy công cụ, trang thiết bị cơ khí, nồi hơi, sợi Filament tổng hợp hoặc nhân tạo, gốm tự nhiên, hóa chất hữu cơ, tân dược.

Từ 2001 đến nay, năm nào Thụy Sĩ cũng dành cho Việt Nam quy chế khách danh dự tại các Hội chợ quốc tế ở các thành phố lớn như Geneve, Lausanne, Basel để Việt Nam tiếp cận thị trường và giới thiệu hàng hóa, sản phẩm của mình.

III. CÁC HIỆP ĐỊNH HAI NƯỚC ĐÃ KÝ KẾT

  • 1975: Hiệp định Hợp tác bưu điện
  • 1979: Hiệp định Hợp tác vận tải hàng không 
  • 7/1992: Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư
  • 7/1993: Hiệp định Hợp tác kinh tế - thương mại
  • 1993: Hiệp định viện trợ tài chính hỗn hợp thứ I
  • 5/1996: Hiệp định tránh đánh thuế song trùng và ngăn ngừa trốn lậu thuế
  •  5/1999: Hiệp định bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ
  • 6/2002: Hiệp định khung về Hợp tác phát triển
  • 10/2002: Hiệp định viện trợ tài chính hỗn hợp thứ II
  • 11/2000: Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi
  •  9/2006: Hiệp định nhận trở lại người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp.

(Nguồn: Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngày 5-8-2008)

 


Các tin liên quan:
Tạo bởi banbientap
Cập nhật 06-08-2008