Công cụ làm việc cá nhân

    Tìm kiếm

    


...

Thông tin cơ bản về Cộng hòa Trung Phi


 

Quốc kỳ Cộng hòa Trung Phi

 

Vị trí của Cộng hòa Trung Phi ở Châu Phi

 

Bản đồ Cộng hòa Trung Phi

 

1. Địa lý:

Vị trí: Cộng hòa Trung Phi (tên tiếng Anh là Central African Republic) là một quốc gia nằm ở miền Trung châu Phi. Cộng hòa Trung Phi giáp Chad về phía Bắc, giáp Sudan về phía Đông, giáp Cộng hòa Dân chủ Congo và Cộng hòa Congo về phía Nam, giáp Cameroon về phía Tây. Cộng hòa Trung Phi nằm ở rìa Bắc của lưu vực sông Congo.

Diện tích: 622,984 km2.

Dân số: 4.511.488 người (2008).

Tôn giáo: Tín ngưỡng bản địa: 35%; Công giáo La Mã: 25%; Tin Lành: 25%; Hồi giáo: 15%.

Địa hình: Cộng hòa Trung Phi là một quốc gia không có bờ biển. Phần lớn địa hình là cao nguyên với độ cao từ 610 – 790 m. Hai dãy núi ở phía Bắc và Đông Bắc có độ cao tối đa khoảng 1.400 m. Phần lớn diện tích là thảm thực vật savanna, bãi cỏ xen lẫn với bụi cây. Rừng rậm tập trung ở phía Tây Nam.

 

Một thảm thực vật nhìn từ trên cao

Cộng hòa Trung Phi có nhiều sông lớn: sông Baminggui và Ouham ở phía Bắc; sông Ubangi, một chi lưu của sông Congo ở phía Nam.

 

Sông Ubangi ở gần thủ đô Bangui

Bangui là thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất quốc gia này. Cộng hòa Trung Phi được chia thành 14 tỉnh, cùng với 2 tỉnh kinh tế và 1 thành phố tự trị.

 

Thủ đô Bangui

2. Lịch sử:

Khoảng từ 1.000 năm trước công nguyên đến 1.000 năm sau công nguyên, vùng đất Trung Phi đã có người đến sinh sống. Trong suốt quá trình lịch sử, nhiều ngôn ngữ đã được du nhập vào đây theo chân những bộ tộc khác nhau.

Thế kỷ thứ 19, vùng đất này trở thành thuộc địa của Pháp. Ngày 13/8/1960, Pháp trao trả độc lập cho Trung Phi.

 

Một người dân bản địa

Do tình hình an ninh chính trị có nhiều phức tạp, năm 1998, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 1159 thiết lập lực lượng gìn giữ hòa bình Trung Phi (MINURCA) thay thế cho lực lượng Liên Phi; MINURCA đã kết thúc sứ mệnh của mình năm 2000. Hiện nay Văn phòng kiến tạo hoà bình của Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi (BONUCA), được thành lập năm 1999 để hỗ trợ các hoạt động của MINURCA, vẫn đang hoạt động.

Gần đây, do chịu ảnh hưởng của xung đột Darfur (Sudan) khu vực Đông - Bắc của Trung Phi còn có những bất ổn do làn sóng người tị nạn từ Darfur cũng như xung đột giữa một số lực lượng phiến quân tại khu vực biên giới chung với Sudan và Chad. Trong bối cảnh đó, ngày 25/9/2007, LHQ đã thông qua Nghị quyết 1778 cho phép triển khai tại Trung Phi và Chad lực lượng quốc tế trên cơ sở phối hợp với EU để thực thi các nhiệm vụ trấn áp bạo lực, bảo vệ dân thường, người tị nạn và giám sát nhân quyền. Tháng 10/2007, EU đã thông qua quyết định triển khai lực lượng của mình (EUFOR) tại khu vực này.

Ngày 26/6/2008, Cộng hòa Trung Phi và hai phe nổi dậy (Quân đội nhân dân phục hồi nền dân chủ và Liên minh các lực lượng dân chủ vì tập hợp) ở miền Bắc đã ký Hiệp định hoà bình chung tại Gabon theo đó tiến hành giải giáp các phe nhóm nổi dậy, ân xá cho các binh sĩ và tái hòa nhập họ vào cộng đồng. Trước đó, hai phe này đã từng ký hiệp định riêng rẽ với chính phủ Trung Phi.

Tháng 12/2008, Chính phủ Trung Phi tổ chức đối thoại chính trị mở rộng với sự tham gia của tất cả các phe phái chính trị, và đề ra Lộ trình chấm dứt xung đột vũ trang và bất ổn chính trị.

3. Chính trị:

Tổng thống: François Bozizé Yangouvonda (từ 2003).

Thủ tướng: Faustin-Archange Touadéra (từ 2008).

Trung Phi thực hiện đường lối chính trị đa đảng, mở cửa. Đảng cầm quyền hiện nay là Phong trào giải phóng nhân dân Trung Phi (Đảng của Tổng thống). Các Đảng phái đối lập gồm: Liên minh vì nền Dân chủ và Tiến bộ (ADF), Đảng Cộng hoà Trung Phi (PRC), Phong trào Dân chủ vì Đổi mới và Tiến bộ ở Trung Phi (MDREC).

Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, Trung Phi xây dựng “Chiến lược xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2008 – 2012” với 4 định hướng lớn gồm: tái thiết đất nước, ổn định an ninh, ngăn ngừa xung đột; tăng cường vai trò nhà nước pháp quyền; phát triển và đa dạng hóa nền kinh tế; phát triển nguồn nhân lực.

Về đối ngoại, Trung Phi thực hiện đa dạng hóa quan hệ với các nước. Hiện có 17 Đại sứ quán nước ngoài đóng tại thủ đô Bangui và Trung Phi cũng có Đại sứ quán tại 17 nước trên thế giới.

Cộng hòa Trung Phi hiện nay là thành viên của Liên hợp quốc, Liên minh Châu Phi (AU), Tổ chức Không liên kết, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ và nhiều tổ chức khác.

4. Kinh tế:

Trung Phi là một trong những quốc gia nghèo ở Châu Phi, (GDP bình quân đầu người gần 400 USD vào năm 2007).

Nền kinh tế Trung Phi chủ yếu dựa vào nông nghiệp (chiếm 56% GDP năm 2007), lâm nghiệp (xuất khẩu gỗ chiếm 16% thu nhập xuất khẩu).

 

Một ngôi làng ở Trung Phi

Bạn hàng xuất khẩu chính là Bỉ, Indonesia, Pháp, Tây Ban Nha, Cộng hòa Dân chủ Congo, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ. Bạn hàng nhập khẩu chính là Pháp, Hà Lan, Cameroon, Hoa Kỳ.

Trung Phi có nguồn tài nguyên dồi dào gồm kim cương, vàng, uranium, dầu mỏ. Ngành công nghiệp khai thác kim cương đóng góp 40% tổng thu nhập từ xuất khẩu.

 

(H.V., Sở Ngoại vụ TPHCM, ngày 20-5-2009)


 

Tạo bởi banbientap
Cập nhật 20-05-2009