Personal tools

    Search

    


...

Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TPHCM họp báo về Tiến trình tái định cư nhân đạo (HR)

Ngày 19-1, Phó Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ và Trưởng Bộ phận Vấn đề Tái Định cư nhân đạo (RRS) của TLSQ Hoa Kỳ tại TPHCM đã họp báo giải đáp các câu hỏi liên quan đến Tiến trình Tái định cư nhân đạo (HR).

HopbaoHR

Ông Kenneth S. Chern (phải) và ông David T. Rockey trả lời báo chí ngày 19-1 (Ảnh: NLĐ)

Kể từ khi Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ thông báo việc mở lại tiến trình tái định cư nhân đạo (HR) vào ngày 15-11-2005, Tổng Lãnh sự quán (TLSQ) Hoa Kỳ tại TPHCM cho biết đã nhận được nhiều thắc mắc của đối tượng liên quan.

Ngày 19-01-2006, ông Kenneth S. Chern, Phó Tổng Lãnh sự và ông David T. Rockey, Trưởng Bộ phận Phụ trách Vấn đề Tái Định cư nhân đạo (RRS) của TLSQ Hoa Kỳ tại TPHCM đã giải đáp các câu hỏi xoay quanh tiến trình này tại buổi họp báo .

Báo Tuổi trẻ: Những người đủ tiêu chuẩn đăng ký tiến trình HR phải chuẩn bị hồ sơ ra sao?

Ước tính có khoảng 10.000 - 11.000 người đăng ký tiến trình HR. Những người có đủ tiêu chuẩn đăng ký tiến trình HR phải gửi một mẫu đơn đăng ký cho chúng tôi, gồm tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại liên lạc... Sau khi nhận mẫu đơn này, chúng tôi sẽ gửi lại cho họ một đơn chính thức để họ kê khai các nội dung cần thiết khác rồi nộp lại cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ đánh giá, xem xét đơn này có đúng tiêu chuẩn đã thông báo không, sau đó sẽ sắp xếp một buổi sơ vấn (bắt đầu từ 25-06-2006) đối với những người đủ tiêu chuẩn. Quá trình xem xét hồ sơ sẽ kéo dài trong hai năm (từ 25-06-2006 đến 25-06-2008).

Báo Tuổi trẻ: Một số trường hợp cho biết họ có đủ tiêu chuẩn đăng ký tiến trình, nhưng đã bị thất lạc giấy tờ thì có thể đăng ký được không?

Sau 30 năm, không ít người có thể làm mất những giấy tờ liên quan, nhưng chúng tôi khuyến khích họ cung cấp những xác nhận hoặc bằng chứng thời gian họ trong trại cải tạo. Chúng tôi sẽ xác minh với cơ quan chức năng ở Việt Nam cũng như đối với Chính phủ Hoa Kỳ, các công ty Hoa Kỳ về bản thân các đương đơn.

Báo Người Lao Động: Người nộp đơn có nhất thiết phải biết tiếng Anh không? Nội dung chủ yếu của buổi sơ vấn? Người nộp đơn cần phải làm gì để chuẩn bị tốt cho buổi sơ vấn?

Người nộp đơn không nhất thiết phải biết tiếng Anh khi tham gia sơ vấn vì chúng tôi có nhân viên phiên dịch. Mục đích của buổi sơ vấn là để người nộp đơn cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và cập nhật nhất về bản thân. Vì thế, họ phải đưa ra những giấy tờ về bản thân như giấy khai sinh, giấy tờ hôn nhân... và bằng chứng về những tiêu chuẩn mà họ có để có thể tham gia Tiến trình HR.

Báo Người Lao Động: Người tham gia tiến trình HR sau khi trải qua cuộc sơ vấn phải mất bao lâu mới biết liệu mình có được chấp nhận hay không?

Sau buổi sơ vấn, họ có thể biết mình có được gọi phỏng vấn hay không trong khoảng thời gian từ 1 đến 2 tháng. Chúng tôi cố gắng xử lý các đơn càng nhanh càng tốt, nhưng tất cả phụ thuộc vào số lượng hồ sơ.

Báo Tuổi Trẻ: Người có đơn có thể ủy quyền cho người khác, như luật sư hay công ty tư vấn, làm hồ sơ giùm hay không? Có trường hợp thông qua các công ty dịch vụ “môi giới” để làm hồ sơ đăng ký tiến trình HR, như vậy có được không?

Chúng tôi chắc chắn không thể ngăn người có đơn nhờ người khác giúp đỡ trong quá trình làm hồ sơ, nhưng chúng tôi khuyến khích đương đơn làm việc trực tiếp với chúng tôi, không phải tốn tiền cho những công ty làm dịch vụ “môi giới” trung gian. Việc cung cấp thông tin, tư vấn, hướng dẫn của chúng tôi là hoàn toàn miễn phí nên những ai đủ tiêu chuẩn hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi.

Báo Thanh Niên: Đối với những người tham gia tiến trình HR mới được sang Mỹ định cư, những quyền lợi mà họ được hưởng có khác gì so với những người trước đây hay không? Cuộc sống của họ ở Mỹ như thế nào, được hưởng quyền lợi gì? Họ có được quyền giữ quốc tịch Việt Nam?

Những người đi sang Mỹ trong tiến trình HR lần này sẽ được nhận một sự hỗ trợ như nhau về mặt xã hội như đào tạo công việc hay tiếng Anh, trong vòng từ 3 đến 6 tháng. Những hỗ trợ trong tiến trình HR mới cũng tương tự như tiến trình HR trước năm 1994, nhưng mức độ hỗ trợ có thể cao hay thấp hơn một chút do vấn đề thời gian. Về vấn đề quốc tịch, những người này có thể nộp đơn xin thẻ xanh trong vòng 1 năm sau khi đến Mỹ. Sau khi có thẻ xanh, họ có thể quyết định giữ quốc tịch Việt Nam hay không. Sau khi có thẻ xanh được 5 năm, họ có thể nộp đơn xin vào quốc tịch Mỹ hoặc giữ lại thẻ xanh và quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn được sống lâu dài ở Mỹ.

Báo Tuổi trẻ: Có trường hợp thuộc diện V11 cho biết năm 1994 họ đã được nhận giấy báo đi làm hộ chiếu và dự phỏng vấn nhưng chương trình tạm ngưng. Nay họ có phải rút hồ sơ về làm lại hay vẫn tiếp tục được xem xét giải quyết?

Chúng tôi sẽ xem xét lại hồ sơ để tiếp tục giải quyết, nhưng đương đơn cũng cần liên hệ với chúng tôi để trao đổi kỹ hơn về đăng ký lại tiến trình HR.

Báo Thanh Niên: Một số người có đủ tiêu chuẩn tham gia tiến trình HR trước đây nhưng chưa quyết định tham gia vì một số lý do nào đó, giờ đây khi họ muốn tham gia tiến trình, nhưng con cái của họ đã kết hôn thì những người con này có đủ tiêu chuẩn tham gia Tiến trình HR hay không?

Rất tiếc là không. Theo Luật Di dân Mỹ, tiến trình này chỉ được áp dụng cho những người con dưới 21 tuổi và chưa có gia đình vào thời điểm người có đơn nộp đơn.

Tiến trình HR lần này chỉ áp dụng đối với những người thuộc diện HO, U11 và V11 đủ tiêu chuẩn để tái định cư ở Mỹ nhưng chưa thể nộp đơn hay chưa thể hoàn tất hồ sơ trước ngày 30-9-1994.

Những người quan tâm đến tiến trình muốn tham gia phải xin mẫu đơn yêu cầu xin được tham gia, trong đó cung cấp tên tuổi, địa chỉ và số điện thoại liên lạc và gửi cho Tổng Lãnh sự quán Mỹ ở TPHCM. Mẫu đơn này có thể được lấy tại Tổng Lãnh sự quán Mỹ ở TPHCM hay tại cơ quan công an quản lý xuất nhập cảnh của 33 tỉnh, thành ở miền Nam.

Dựa trên yêu cầu nhận được, RRS sẽ gửi đơn đăng ký chính thức và tờ thông tin đến những người yêu cầu. Sau khi nhận lại đơn này từ người đăng ký, RRS sẽ đánh giá lại để xem hồ sơ có đáp ứng tiêu chuẩn đã đề ra. Những người đáp ứng đủ tiêu chuẩn sẽ được sắp xếp để tham gia một buổi sơ vấn. Quá trình xử lý hồ sơ sẽ kéo dài trong vòng 2 năm từ 25-6-2006 đến 25-6-2008.

(Theo Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TPHCM)

 
(Nguồn: Người Lao động, Tuổi trẻ, Thanh niên 20-01-2006)
Created by thanhdm
Last modified 07-02-2006