Personal tools

    Search

    


...

Thỏa thuận song phương Việt Nam - Hoa Kỳ về WTO đã ký, mở rộng cửa vào WTO cho Việt Nam

Chiều 31-5-2006 tại Hội trường Thống Nhất, TPHCM, Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự và Phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Karan Bhatia, thay mặt Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký thỏa thuận song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO, mở rộng cửa vào WTO cho Việt Nam.

Thời điểm 17g15 ngày 31-5-2006 sẽ không chỉ có ý nghĩa đối với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam mà còn đặt một cột mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ: hai nước chính thức ký thỏa thuận song phương về đàm phán WTO, tạo tiền đề cho Quốc hội Hoa Kỳ trao cho Việt Nam quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn  (PNTR), mở đường cho Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Lễ ký Thỏa thuận diễn ra dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Hải, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Lê Công Phụng. Về phía Hoa Kỳ có sự hiện diện của Phó Đại diện Thương mại đồng thời đang được đề cử Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Susan Schwab, Trưởng đoàn đàm phán WTO của Hoa Kỳ Dorothy Dwoskin, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM Seth Winnick. Tham dự lễ ký kết còn có thành viên của đoàn đàm phán hai nước, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Hoa Kỳ - Việt Nam Virginia Foote, đại diện các cơ quan Việt Nam, giới doanh nhân Mỹ, đại diện các hội ngành nghề, doanh nghiệp tại TPHCM.

Đây là sự kiện được nhiều người mong đợi – kết quả của 12 vòng đàm phán giữa hai đoàn đàm phán Việt Nam và Hoa Kỳ, nước cuối cùng kết thúc đàm phán trong số 28 quốc gia có yêu cầu đàm phán song phương với Việt Nam. Phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Karan Bhatia đã không quá lời khi đánh giá thỏa thuận này là “đỉnh cao của nhiều năm nỗ lực làm việc và chuẩn bị của cả hai phía”. Phát biểu tại lễ ký kết, ông Karan Bhatia cũng nhấn mạnh: sự kiện này không chỉ là “một thỏa thuận lớn lao đối với Hoa Kỳ”, “mở cửa cho Việt Nam gia nhập hệ thống thương mại theo luật lệ quốc tế”, mà còn “thực sự là một bước tiến lịch sử trong quan hệ giữa hai nước”.

Từ “lịch sử” (historic), được lặp lại nhiều lần trong lễ ký kết này, không phải là một mỹ từ ngoại giao mà có ý nghĩa thực sự khi sự kiện trên diễn ra chỉ một ngày trước khi khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Thương mại của khối APEC tại Thành phố Hồ Chí Minh, không chỉ khẳng định cam kết hội nhập quốc tế của chủ nhà Việt Nam, mà còn cùng với việc trở thành thành viên thứ 151 của WTO, Việt Nam xác định vị thế bình đẳng về chính trị, kinh tế của mình trong tất cả các tổ chức, diễn đàn lớn trên thế giới: Liên Hiệp Quốc, WTO, APEC, ASEM, cộng đồng Pháp ngữ, ASEAN v.v… Trên góc độ quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ, thỏa thuận được ký chỉ vài ngày trước chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld ngay tại Dinh Thống Nhất, đã chuyển tải một thông điệp: quan hệ hai nước giờ đây đã thực sự hướng tới tương lai với nội dung hợp tác về nhiều mặt, kể cả an ninh quốc phòng, trong đó chủ đạo là hợp tác kinh tế thương mại.

Để chính thức trở thành thành viên của WTO, Việt Nam còn phải vượt qua vòng đàm phán đa phương vào tháng 7 này mà theo ông Karan Bhatia là sẽ rất nhẹ nhàng, và được Quốc hội Mỹ thông qua PNTR vào mùa thu này. Kể cả trong trường hợp Quốc hội Mỹ chưa kịp phê chuẩn PNTR cho Việt Nam, theo nhiều chuyên gia, WTO vẫn có thể ra quyết định kết nạp Việt Nam nếu được Tổng thống Mỹ “bật đèn xanh”. Và hẳn là Tổng thống Mỹ cũng muốn mang theo món quà WTO khi đến Hà Nội dự họp thượng đỉnh Diễn đàn APEC vào tháng 11 tới.

Tại thời điểm này, theo đánh giá của một số quan chức,  khả năng lớn là Việt Nam sẽ được chính thức WTO kết nạp tại phiên họp của Đại hội đồng WTO vào tháng 10 tới, sau chặng đường đàm phán kéo dài 11 năm.

(T.D., Sở Ngoại vụ TPHCM, ngày 1-6-2006)

 

Created by thanhdm
Last modified 02-06-2006