Thông tin về thành phố Kolkata (Cộng hòa Ấn Độ)
Bản đồ thành phố Kolkata
Địa lý:
Thành phố Kolkata còn được biết đến với một tên gọi khác là Calcutta, là thủ phủ của Bang Tây Bengal, phía Đông Ấn Độ, nằm dọc theo bờ sông Hooghly theo hướng Bắc - Nam với diện tích 185km2.
Cầu Vidyasagar Setu bắc ngang qua sông
Thành phố có trên 14 triệu dân, xếp hàng thứ ba về mật độ đông dân cư (24.760 người/km2) và là thành phố lớn thứ tư của Ấn Độ.
Ngôn ngữ chính được sử dụng là tiếng Bengal, tiếng Hindi, tiếng Urdu và tiếng Anh.
Phần lớn người dân của thành phố theo đạo Hindu (74%) và đạo Hồi (23%), còn lại là theo đạo Sikh, Công giáo, đạo Phật, đạo Jain và Parsis.
Đền Pareshnath Jain
Thành phố có khí hậu nhiệt đới, nhiệt độ trung bình khoảng 28 độ C. Mùa hè thường nóng và ẩm, có khi nhiệt độ lên tới 40 độ C, đặc biệt trong khoảng tháng 5 và tháng 6.
Lịch sử:
Lịch sử thành phố bắt đầu được ghi nhận từ sau khi công ty Đông Ấn đến làm ăn tại Bengal vào năm 1690. Năm 1699, người Anh đã hoàn thành việc xây dựng pháo đài William. Đây đã từng là nơi đóng quân của lính Anh và được coi như căn cứ quân sự quan trọng của cả vùng. Bị buộc phải đối mặt với những cuộc đụng độ liên tục với lực lượng quân Pháp, năm 1756 người Anh bắt đầu củng cố thêm quân đội. Tổng trấn Bengal Siraj-Ud-Daulah vô cùng bất bình với chính sách quân sự hóa này, đã nổi dậy và chiếm đóng pháo đài William, được biết đến trong lịch sử qua sự kiện “Lỗ đen”. Một năm sau đó, lực lượng lính Ấn và Anh dẫn đầu bởi tướng Robert Clive đã chiếm lại thành phố.
Năm 1772, Kolkata được mệnh danh là thủ đô của nước Ấn Độ thuộc địa Anh. Thời kỳ này, các cuộc biểu tình chống chính quyền dần đi vào quá khứ và khu vực do chính quyền cai trị được mở rộng dọc hai bên bờ sông Hooghly.
Từ năm 1797-1805, Richard Wellesley giữ chức Thị trưởng và chính ông là người có công lớn nhất cho sự phát triển và kiến trúc của thành phố, để sau này mọi người vẫn nhắc đến Kolkata như là ”thành phố của những cung điện”.
Cung tưởng niệm Nữ hoàng Anh
Tượng Nữ hoàng Anh
Vào đầu thế kỷ XIX, Kolkata tách làm hai khu vực: khu vực của người Anh và khu vực của người Ấn, gọi là “Phố đen”. Cho đến nay, đói nghèo ở khu “Phố đen” vẫn gây kinh hoàng cho nhiều người. Thành phố đã trải qua thời kỳ tăng trưởng công nghiệp nhanh chóng từ những năm 1850, đặc biệt là trong lĩnh vực dệt may và sợi đay. Điều này đã tạo nguồn vốn to lớn cho chính phủ Anh xây dựng nhiều dự án cơ sở hạ tầng như đường sắt và đường điện tín. Sự gắn kết văn hóa Anh - Ấn đã làm xuất hiện tầng lớp được mệnh danh là “tầng lớp Babu” ở thành thị Ấn Độ.
Cũng vào thế kỷ XIX, thời kỳ Phục hưng văn hóa
Năm 1905 Bengal bị chia cắt dẫn đến sự chống đối và tẩy chay hàng hóa Anh. Những hoạt động nổi dậy này cùng với vị trí hành chính bất lợi nằm ở rìa phía Đông của Ấn Độ khiến thực dân Anh phải dời thủ đô đến New Dehli năm 1911.
Cảng của thành phố đã bị quân Nhật dội bom hai lần trong chiến tranh thế giới thứ hai. Sau đó, các kho lương thực lại quân Đồng minh chiếm hữu đã dẫn đến nạn đói Bengal vào năm 1943 làm hàng triệu người chết. Năm 1946, từ nhu cầu xây dựng một nhà nước Hồi giáo đã dẫn đến bạo lực trên diện rộng làm 2.000 người chết. Sự chia cắt Ấn Độ đã gây ra tình trạng bạo lực khốc liệt và làm thay đổi lớn trong dân số. Rất nhiều người Hồi giáo di cư sang Đông Pakistan, còn những người Hindi thì bỏ thành phố ra đi.
Những năm 60, 70, tình hình bạo lực và các cuộc nổi loạn chống đối chính quyền tăng mạnh, không những làm tàn phá cơ sở hạ tầng của thành phố mà còn dẫn đến kinh tế đình đốn. Đến giữa những năm 80, Mumbai vượt Kolkata trở thành thành phố đông dân nhất Ân Độ.
Cơ cấu hành chính:
Hội đồng thành phố Calcutta được xây dựng từ năm 1876, có trách nhiệm bảo vệ công dân và xây dựng cơ sở hạ tầng cho thành phố. Thành phố được chia ra thành 141 quận hành chính, với 15 khu vực. Mỗi quận có một đại diện trong Hội đồng thành phố. Mỗi khu vực có một Ủy ban và thành viên của Ủy ban này được bầu ra từ các quận tương ứng của khu vực. Hôi đồng thành phố, thông qua các Ủy ban khu vực, chịu trách nhiệm quản lý các trường công lập, bệnh viện, chợ và cùng giải quyết các vấn đề như quy hoạch đô thị và nâng cấp đường sá.
Trung tâm thành phố
Quang cảnh ngoại ô
Thị trưởng: ông Bikash Bhattacharya
Phó Thị trưởng: ông Kalyan Mukherjee
Kinh tế:
Kolkata là trung tâm thương mại và tài chính của phía Đông Ấn Độ và các bang phía Đông Bắc. Nơi đây có trụ sở của Sàn giao dịch chứng khoán Calcutta – sàn giao dịch lớn thứ hai của Ấn Độ. Đây cũng là cửa ngõ thương mại và quân sự quan trọng. Kolkata cũng là thành phố duy nhất trong vùng có sân bay quốc tế.
Từng là thủ đô và thành phố hàng đầu của Ấn Độ, Kolkata trải qua thời kỳ kinh tế đình đốn từ sau khi Ấn Độ giành được độc lập năm 1947 do tình hình chính trị bất ổn với dòng người di cư hỗn loạn, cuộc chiến Bangladesh, phong trào giải phóng Naxal, các cuộc nổi dậy liên miên và sự gia tăng của hệ thống công đoàn thương mại do lực lượng cánh tả ủng hộ. Thời kỳ những năm 60 đến năm 90 là thời kỳ đình trệ của nền kinh tế Ấn Độ, hàng loạt các nhà máy lớn phải đóng cửa hoặc giảm biên chế và các doanh nghiệp buộc phải tái cơ cấu. Việc thiếu hụt vốn và các nguồn lực lại càng trầm trọng, khi nhu cầu về sản phẩm của một số ngành công nghiệp truyền thống của Ấn Độ suy giảm và trong thời kỳ này Kolkata đã từng có biệt danh là “thành phố chết”.
Tuy nhiên, vào những năm 90 của thế kỷ XX, cùng với sự xuất hiện của các nhà cải cách như Buddhadeb Bhattacharya, nền kinh tế Ấn Độ đã dần hồi sinh. Cho đến nay, Kolkata có hoạt động xuất khẩu đa dạng, các lĩnh vực kinh tế phi chính thức thu hút hơn 40% lao động. Viên chức nhà nước cũng chiếm một tỷ lệ khá lớn trong lực lượng lao động. Thành phố có một nhóm lao động phổ thông và bán phổ thông tương đối cao, cùng với những nhân viên văn phòng và tầng lớp trí thức. Nguyên nhân chính mang lại sự hồi sinh cho nền kinh tế Kolkata là ngành dịch vụ công nghệ thông tin, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 70%, gấp đôi mức bình quân của cả nước. Trong những năm gần đây, đầu tư vào nhà đất và cơ sở hạ tầng cũng tăng cao. Tuy nhiên, giống như các thành phố lớn khác, Kolkata tiếp tục đương đầu với các vấn đề về đô thị như đói nghèo, ô nhiễm và ùn tắc giao thông.
Trụ sở của Công ty Tata Indicom, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông chính ở thành phố
Ngoài ra, Kolkata cũng là nơi đặt trụ sở nhiều nhà máy công nghiệp của các tập đoàn nổi tiếng Ấn Độ, với nhiều sản phẩm đa dạng như: cơ khí, điện tử, thép, thuộc da, dệt may, trang sức, ôtô, sản phẩm đường sắt, dược, hóa chất, thuốc lá, thực phẩm, sợi đay... Một số công ty danh tiếng có đặt trụ sở ở Kolkata như ITC, Bata India, Birla Corporation, Công ty hóa dầu Haldia, Công ty Bảo hiểm quốc gia…
Gần đây, chính phủ Ấn Độ đã thông qua chính sách “Hướng về phương Đông”, cho mở cửa đèo Nathu La ở Sikkim, phục vụ tuyến biên giới thương mại với Trung Quốc. Các nước Đông Nam Á cũng gia nhập thị trường Ấn Độ và đánh giá cao thành phố Kolkata.
Giao thông:
Giao thông trên đường phố Kolkata
Các phương tiện giao thông ở Kolkata phong phú, mật độ dày đặc và kéo dài đến tận khu vực ngoại ô. Tuyến Metro Kolkata là tuyến xe điện ngầm cổ nhất ở Ấn Độ. Kolkata là thành phố duy nhất ở Ấn Độ còn lại hệ thống xe điện, tốc độ chậm và bị hạn chế ra vào một số khu vực.
Ngày nay, hai phương tiện giao thông đặc trưng là xe điện và xe kéo, đang mất dần sự hiện diện trên đường phố Kolkata.
Xe điện và xe kéo
Văn hóa:
Thành phố Kolkata nổi tiếng trên thế giới bởi di sản văn hóa và nghệ thuật phong phú. Là cố đô của Ấn Độ, Kolkata là nơi sản sinh ra nhiều tư tưởng văn hóa nghệ thuật. Thành phố có loại kịch truyền thống biểu diễn ở nhà hát dân gian, cũng như ngành công nghiệp điện ảnh nổi tiếng, được mệnh danh là Bolywood
Ẩm thực: Người Kolkata thường dùng cơm, macher jhol (tức là cà ri cá), rasgulla, và mishti doi (yoghurt ngọt) dùng để tráng miệng.
Kiến trúc: Thành phố Kolkata nổi bật với nhiều công trình kiến trúc theo motif Baroc, Gothic, La Mã, Hồi giáo, được xây từ thời thực dân, ví dụ như Bảo tàng Ấn Độ (là bảo tàng cổ nhất châu Á), Nhà trưng bày Lịch sử và Nghệ thuật Ấn Độ, Cung tưởng niệm Nữ hoàng Victoria, VIện hàn lâm nghệ thuật
Bảo tàng Ấn Độ
Ngôi chùa Miến Điện được xây dựng từ năm 1856
Đền Radha Madhava
Lễ hội: Durga Puja là lễ hội chính của thành phố Kolkata. Lễ hội kéo dài năm ngày vào tháng 10. Theo thần thoại Hindu, các thần đã ban cho thần Durga một sức mạnh đặc biệt có thể tiêu diệt lực lượng tà ác. Gần 2.000 bức tượng của thần Durga hiện diện ở khắp nơi trên đường phố Kolkata.
Tượng thần Durga
(T.Tiên, Phòng Chính trị Kinh tế Đối ngoại, ngày 13-4-2007)
Nguồn: http://www.nongnu.org/gug-nixal/kolkata.html
http://en.wikipedia.org/wiki/Calcutta
Các tin liên quan:
- Liên hoan hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ năm 2013 (28-11-2013)
- Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân tiếp tân Tổng Lãnh sự Ấn Độ (05-09-2013)
- Kỷ niệm 66 năm Ngày Độc lập nước Cộng hòa Ấn Độ (15-08-2013)
- Tặng Huy hiệu TPHCM cho Đại sứ Ấn Độ (08-08-2013)
- Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ấn Độ thăm TPHCM (06-06-2013)
- Lãnh đạo TPHCM tiếp đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Ấn Độ Mác-xít (12-04-2013)
- Lãnh đạo TPHCM dự kỉ niệm 63 năm Ngày Thành lập Cộng hòa Ấn Độ (01-03-2013)
- Họp mặt kỉ niệm 63 năm Ngày Cộng hòa Ấn Độ (06-02-2013)
- Phó Tổng thống Ấn Độ thăm TPHCM (23-01-2013)
- Họp mặt kỉ niệm Quốc khánh Ấn Độ lần thứ 65 (28-08-2012)
Cập nhật 13-04-2007