Công cụ làm việc cá nhân

    Tìm kiếm

    


...

Quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ


Quan hệ cấp quốc gia:

Quan hệ chính trị:

Việt Nam và Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 17/11/1954. Mông Cổ là một trong những nước ủng hộ và viện trợ nhiều nhất cho Việt Nam trong cuộc chiến tranh giải phóng đất nước.

Hai bên đã ba lần ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác vào năm 1961, 1979 và năm 2000.

Quan hệ hữu nghị hợp tác hai bên trong hơn 10 năm trở lại đây tiếp tục được củng cố và có những bước phát triển mới được đánh dấu bằng các chuyến thăm song phương cấp cao giữa hai nước:

Về phía Việt Nam:

  • Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (tháng 5/1995).
  • Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải (tháng 10/1999)
  • Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm hữu nghị Mông Cổ và ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác mới (tháng 4/2000).
  • Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (tháng 1/2003).
  • Thủ tướng Phan Văn Khải (tháng 5/2004). Trong chuyến thăm này, hai bên đã ký Hiệp định hai Chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực đường sắt.

Về phía Mông Cổ:

  • Tổng thống P. Ochirbat thăm Việt Nam và ký tuyên bố chung Việt Nam – Mông Cổ (tháng 3/1994).
  • Chủ tịch Quốc hội R.Gonchigdorj (tháng 11/1998).
  • Thủ tướng N. Enkhbayar (tháng 10/2002).
  • Chủ tịch Quốc hội S. Tumur Ochir (tháng 1/2004).
  • Tổng thống Mông Cổ N. Bagabandi (tháng 1/2005).

Quan hệ kinh tế, thương mại, giáo dục:

Trong những năm gần đây, do khó khăn của cả hai bên, kim ngạch mậu dịch giữa Việt Nam và Mông Cổ chỉ đạt khoảng 1,5 - 2 triệu USD. Tuy vậy, giữa hai nước có nhiều tiềm năng phát triển quan hệ kinh tế, thương mại. Hai bên đang bàn biện pháp để đưa kim ngạch thương mại lên 5 - 10 triệu USD trong những năm tới.

Quan hệ về giáo dục – đào tạo tiếp tục được duy trì. Tính đến nay, Mông Cổ đã đào tạo cho Việt Nam trên 100 cán bộ chủ yếu về chăn nuôi, thú y. Việt Nam cũng đã đào tạo cho Mông Cổ nhiều cán bộ trong các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, tiếng Việt… Hai bên vẫn đang tiếp tục trao đổi sinh viên và thực tập sinh.

Các công ty Việt Nam qua Mông Cổ tìm kiếm nguồn nguyên liêu về da, thịt, sữa và lông thú ngày càng tăng, ngược lại, người dân Mông Cổ trong những năm gần đây đã chú trọng đến thị trường du lịch Việt Nam nhiều hơn. Việt Nam có thế mạnh về du lịch biển, Mông Cổ có tiềm năng du lịch thảo nguyên.

Hiện nay số người Việt Nam sống và làm việc tại Mông Cổ khoảng trên 130 người, hoạt động của người Việt Nam tại Mông Cổ chủ yếu tại Thủ đô Ulaanbaatar.

Quan hệ giữa TPHCM với các địa phương của Mông Cổ:

Là đầu tàu kinh tế của cả nước, TPHCM có chủ trương góp phần mình vào việc tăng cường quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Mông Cổ. Hai bên đã tiến hành các chuyến thăm lẫn nhau tìm hiểu tiềm năng và khai thác cơ hội hợp tác, trong đó có chuyến thăm tỉnh Hovsgol do Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TPHCM Võ Văn Cương vào tháng 6/2003. Chủ tịch tỉnh Hovsgol cũng đã thăm TPHCM vào tháng 11/2003 và chuyến thăm của đoàn các bộ các tỉnh Mông Cổ đi khảo sát thị trường do Chủ tịch Hội Hữu nghị Mông Cổ - Việt Nam tổ chức…

Trong năm 2006, phía Mông Cổ đã có 6 đoàn tham quan, du lịch kết hợp với nghiên cứu thị trường tại TPHCM.

(V.H., Phòng Chính trị Kinh tế Đối ngoại, ngày 13-1-2007)

 


Các tin liên quan:
Tạo bởi thanhdm
Cập nhật 15-01-2007