Thành phố Minks là thủ đô của nước Cộng hòa Belarus, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học và tôn giáo lớn nhất nước. Thành phố tọa lạc ngay giữa trung tâm của Belarus, nằm dọc sông Svislach.
Tổng quan
Vị trí của Minsk
Diện tích: 307,9 km2
Dân số: 1.830.700(năm 2007)
Mật độ dân cư: 6000/km2
Khí hậu: Minsk có khí hậu lục địa ẩm, nhận luồng khí ẩm ở Đại Tây Dương và luồng khí khô của khối đất liền Á - Âu. Khí hậu thay đổi thường xuyên, nhiệt độ của tháng 1 trung bình là -6,1 độ C và nhiệt độ trung bình của tháng 7 là 17,8 độ C. Độ ẩm cao lên đến 80-90%, đặc biệt trong mùa lạnh, thường có sương mù, chủ yếu vào mùa thu và mùa xuân.
Tôn giáo
Khoảng 70% cư dân theo Chính thống giáo, 15-20% theo Công giáo, 5% theo đạo Tin lành, còn lại theo đạo Hồi và đạo Do Thái... Tổng số các nhóm tôn giáo có đăng kí ở Minsk là 116 nhóm. Hiện tại thành phố có 24 nhà thờ của các tôn giáo.
Nhà thờ Mary Magdalene
Ngôn ngữ
Minsk là thành phố sử dụng nhiều ngôn ngữ. Ban đầu, các cư dân tại đây sử dụng tiếng Ruthenian (sau phát triển thành tiếng Belarus hiện đại). Sau năm 1569, ngôn ngữ chính thức của Minsk là tiếng Ba Lan và ngôn ngữ này được sử dụng cho đến đầu thế kỉ XX. Tiếng Nga trở thành ngôn ngữ chính thức trong suốt thế kỉ XIX, nhưng đến cuối thế kỉ này, ngôn ngữ này chỉ dành để phục vụ hành chính, trường học và báo chí.
Lòng yêu nước của người Belarus thể hiện qua việc sử dụng tiếng Belarus trong giới trí thức bắt đầu từ những năm 1890. Tuy nhiên, sau đó tiếng Nga lại thống lĩnh trở lại từ cuối những năm 1930 và phát triển mạnh sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Đến năm 1994, Tổng thống Alexander Lukashenko đã làm chậm lại tiến trình này.
Ngày nay nhiều cư dân của Minsk chỉ sử dụng tiếng Nga trong cuộc sống gia đình và công việc, trong khi vẫn hiểu tiếng Belarus.
Các nhóm dân tộc
Từ những thế kỉ đầu tiên, chủ yếu người Đông Slav sinh sống tại thành phố Minsk. Sau năm 1569, dưới liên minh Ba Lan và Litva, thành phố là điểm đến lý tưởng của những người Ba Lan (đối tượng là công nhân viên chức, giáo viên và binh lính) và người Do Thái (được thuê để làm thợ thủ công hay phục vụ giao thương hàng hóa). Trong suốt thời gian này, nhiều vùng bị ảnh hưởng đậm của văn hóa Ba Lan và dần từ bỏ cội nguồn văn hóa Belarus.
Sau khi Ba Lan bị chia cắt, Minsk trở thành một phần của Đế chế Nga, người Nga dần thay thế người Ba Lan nắm giữ quyền lực. Cuối thế kỷ XIX, Minsk ngày càng bị Nga hóa, nhiều địa phương trở nên thuần Nga và ngày nay tự coi mình thuộc dân tộc Nga. Người Nga có công trong việc phục hồi văn hóa Belarus, một nền văn hóa có nhiều điểm tương đồng với văn hóa Ukraine và văn hóa Nga.
Chiến tranh thế giới I và II ảnh hưởng đến kết cấu dân số của Thành phố. Cộng đồng Do Thái bị tổn thất nặng về người do thảm họa phát xít. Những năm sau đó, dân số của Minsk tăng chủ yếu là do làn sóng nhập cư từ các tỉnh lân cận. Sau khi Liên bang Xô viết tan rã, nhiều người đã quay trở về đất nước của mình.
Theo điều tra dân số năm 1999, người Belarus chiếm 79,3% cư dân thành phố, người Nga (15,7%), người Ukraine (2,4%), người Ba Lan (1,1%), người Do Thái (0,6%). Gần đây, các nhóm thiểu số tại Minsk tăng do người dân ở các nước như Gruzia, Armenia, và Azerbaijian nhập cư. Ngoài ra, cộng đồng người Ả Rập, người gyp-sy sống ở ngoại ô phía Tây Bắc và phía Nam của Minsk.
Hành chính
Huy hiệu của thành phố Minsk được trao cho Thành phố vào năm 1591.
Cờ của Thành phố
Minsk là thành phố cổ yên bình. Năm 1974 thành phố được tặng danh hiệu Thành phố Anh hùng để tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong cuộc chiến chống Phát xít Đức trong Chiến tranh thế giới II. Thành phố Minsk cũng là nơi đặt trụ sở chính của Cộng đồng các Quốc gia độc lập (CIS), Tòa nhà Quốc hội và Chính phủ của nước Cộng hòa Belarus.
Thành phố gồm 9 quận.
Người đứng đầu: Chủ tịch Hội đồng cấp cao Thành phố, hiện nay là ông Pavlov Mikhail Yakovlevich.
Đài tưởng niệm thành phố anh hùng
Lịch sử
Lịch sử của Minsk gắn liền với chiến tranh và hơn mười lần bị tàn phá khốc liệt.
Thành phố lần đầu tiên được nhắc đến trong biên niên sử là vào năm 1067 trước Công nguyên trong các cuộc chiến tranh phong kiến do các vị vua Nga phát động. Năm đó, Minsk bị bão quét và bị quân đội của Hoàng tử Isiaslav (Kiev) cùng đồng minh đốt cháy.
Tên cổ gốc Nga của Thành phố là Menesk hay Mensk, tương truyền lấy tên của người đã sáng lập ra Thành phố. Các sử gia suy đoán rằng tên của Thành phố lấy từ tên con sông chảy vào thành phố hoặc có nghĩa là “giao lưu” (theo từ “mena” hoặc “menyat” của tiếng Slav), vì Thành phố là ngã ba giao thương hàng hóa quan trọng. Sau đó, khoảng giữa thế kỷ XVII, từ Mensk được đổi sang thành Minsk.
Sông Svislach chảy qua Thành phố
Từ đầu thế kỷ XIV, Minsk là một thành phố thuộc Đại Công quốc Lithuania và dần phát triển thành trung tâm thương mại và nghệ thuật lớn. Năm 1499, Thành phố được trao quyền tự trị. Khoảng giữa thế kỷ XVI, các nghiệp đoàn thủ công và thương gia bắt đầu phát triển mạnh ở đây. Các thương gia từ Minsk xuất khẩu gỗ, sáp, sắt, thủy tinh, da thuộc và lông thú. Họ nhập khẩu muối, rượu vang, gia vị, vải, kim loại và các hàng hóa bằng kim loại. Minsk có quan hệ trao đổi mua bán với các thành phố (như Rus (Nga), các nước vùng Baltic, Đông và Tây Âu.
Thành phố bị tàn phá nặng sau cuộc chiến Nga – Ba Lan năm 1664-1667. Năm 1793, Minsk trở thành một tỉnh thuộc Nga và thành phố một lần nữa bị quân đội của Napoleon tàn phá vào năm 1812.
Nhà thờ ở Minsk
Khoảng giữa thế kỉ XIX, Thành phố bắt đầu được xây dựng lại và tiến nhanh thành một trung tâm công nghiệp và giao thông quan trọng. Năm 1900, Minsk được kết nối với Ba Lan và miền Trung nước Nga, các nước vùng Baltic và Ukraine thông qua đường tàu lửa tuyến Moscow – Brest và Libava - Romny.
Thành phố có hệ thống cung cấp nước từ năm 1874, nhà máy điện năm 1894, liên lạc bằng điện thoại năm 1890 và 58 nhà máy.
Trong Chiến tranh thế giới I (1914-1918) ở Minsk diễn nhiều sự thay đổi quyền lực qua các cuộc nổi dậy và nội chiến liên miên của người Xô viết, người Đức và người Ba Lan.
Từ ngày 1-1-1919, Minsk trở thành thủ phủ của Nước Cộng hòa Xô viết Byelorusian và là một phần của Liên bang Xô viết.
Mùa đông ở Minsk
Chiến tranh và sự can thiệp từ bên ngoài đã gây tổn thất đáng kể cho các cơ sở hạ tầng của Thành phố, nhưng lại mang đến một động lực mới mạnh mẽ cho quá trình phát triển xã hội và chính trị khi Minsk trở thành thủ đô của một nước Cộng hòa Xô viết. Trong giai đoạn giữa hai cuộc chiến, dân số Minsk tăng gấp hai lần, sản lượng công nghiệp tăng bốn mươi lần, nhiều cơ hội cho phát triển kỹ thuật và văn hóa. Năm 1921, Trường Đại học Quốc gia Byelorussian thành lập thư viện khoa học đầu tiên và năm 1928 Viện Hàn lâm Khoa học được thành lập.
Tháng 6 năm 1941 khi quân phát xít xâm chiếm, Minsk bị dội bom nặng. Sau đó, Thành phố được quân đội Xô viết giải phóng vào ngày 3-7-1944 và ngày này được coi là ngày độc lập của Belarus.
Thời kì sau chiến tranh, Minsk được xây dựng lại thành một trong những trung tâm chính của Liên bang Xô viết: kỹ thuật, xây dựng, văn hóa, y tế, giáo dục, giao thông vận tải và khoa học phát triển. Việc sản xuất ra ô tô và máy kéo là tấm căn cước cho Belarus đi vào thị trường quốc tế.
Năm 1991, Minsk trở thành Thủ đô của nước Cộng hòa Belarus.
Kinh tế
Minsk là trung tâm công nghiệp của Belarus, đóng góp 1/5 tổng giá trị sản phẩm công nghiệp cho cả nước, gần 60% của sản lượng này phục vụ xuất khẩu, trong đó có các sản phẩm: máy kéo, xe tải, kim loại… Các mặt hàng được xuất khẩu chính sang các nước Nga, Ukraine, các nước vùng Baltic, Đức, Anh và Hà Lan.
Thành phố phát triển mạnh về công nghiệp, khoa học, vận tải và tài chính. Các ngành công nghiệp tiêu biểu là xây dựng, điện tử, dệt may, thực phẩm. Tại thủ đô có hơn 300 doanh nghiệp đang hoạt động và sản lượng công nghiệp chiếm 22% của cả nước.
Giao thông
Xe tram ở Minsk
Minsk nằm ở giao điểm quan trọng của các tuyến giao thông chiến lược đi từ Tây sang Đông và từ Bắc xuống Nam, từ Moscow đến Warsaw và từ Kiev đến Vilnius, đóng vai trò là trung tâm giao thông quan trọng với nhiều trạm trung chuyển. Hiện Thành phố có hơn 170 tuyến xe bus, 67 tuyến xe điện và 7 tuyến tàu điện ngầm. Chiều dài của hệ thống tàu điện này là 2.737 km. Việc xây dựng tàu điện ngầm được tiến hành từ năm 1977.
Văn hóa – Giáo dục
Minsk được biết đến là thành phố của của văn hóa, lịch sử và di sản. Thành phố có nhiều bảo tàng quan trọng và các nhà hát lớn. Bảo tàng nghệ thuật quốc gia, Bảo tàng lịch sử và văn hóa, Bảo tàng lịch sử về cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại là ba bảo tàng nổi tiếng trong số mười bảy bảo tàng đặt tại Minsk. Các bảo tàng khác có: Bảo tàng Nghệ thuật, Bảo tàng Văn hóa Belarus cổ đại, Bảo tàng Tự nhiên và Sinh thái,...
Bồn phun nước gần chơ Komarovka
Các nhà hát nổi tiếng ở Minsk: Nhà hát opera và balê, Nhà hát Yanka Kupala, Nhà hát Maxim Gorky, Nhà hát múa rối, Nhà hát cho khán giả trẻ...
Hiện Thành phố có hơn 30 trường đại học (Trường Đại học Quốc gia Belarus, Trường Kỹ thuật Quốc gia Belarus và Đại học Quốc gia Minsk về ngôn ngữ học), 43 trường trung học chuyên nghiệp, 259 trường đào tạo phổ cập và hơn 420 các tổ chức giáo dục khác bên cạnh 202 trung tâm và viện nghiên cứu khoa học, tập trung chính ở Viện Hàn lâm quốc gia về Khoa học.
Minsk có 20 rạp chiếu bóng, 100 thư viện, 300 tạp chí và 700 đầu báo.
Minsk cũng là nơi tập trung lực lượng trí thức trong các tổ chức giáo dục và khoa học ở các lĩnh vực khoa học lí thuyết và thực hành. Minsk từng là một trung tâm khoa học quan trọng trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) trước đây. Sự hiện diện của hơn 160 trung tâm nghiên cứu khoa học, trường Đại học cùng với Viện Hàn lâm khoa học đã chứng tỏ thế mạnh giáo dục của Thành phố. Các viện nghiên cứu được định hướng theo nhu cầu của các ngành công nghiệp, giao thông vận tải và truyền thông.
Ở Bảo tàng Chiến tranh thế giới II
Thể thao
Chính quyền Thành phố chủ trương phát triển văn hóa thể hình và du lịch nhằm phát triển ngành du lịch trong nước và ngoài nước, cũng như quảng bá lối sống khỏe mạnh cho người dân. Minsk hiện có 3.601 khu thể thao, bao gồm 21 sân vận động, 694 cung thể thao, 208 hồ bơi, chiếm 13,5% tỉ lệ của cả nước. Minsk cũng đã tổ chức giải Vô địch châu Âu ở Biathlon, giải Vô địch môn vật tự do Quốc tế, đăng cai thi Judo cúp Thế giới, giải Vô địch Khiêu vũ thể thao... Năm 2008, các vận động viên của Minsk tham gia vào 13 môn thi Olympic tại Thế vận hội tổ chức tại Bắc Kinh.
(T.Tiên, Sở Ngoại vụ TPHCM ngày 20-4-2009)
(Nguồn:
http://www.minsk.gov.by/index_a.shtml
http://en.wikipedia.org/wiki/Minsk
http://www.babinets.com/minsk/minskce.html)