Công cụ làm việc cá nhân

    Tìm kiếm

    


Thành phố Vladivostok (Liên bang Nga)


Vladivostok là trung tâm hành chính của vùng Primosky, Liên bang Nga. Đây là thành phố cảng của Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga.

 

17.6.09_bandoValdivostok

Vị trí của Vladivostok

 

Địa lý

 

Vladivostok nằm ở vùng Viễn đông của Nga, bên bờ biển Nhật Bản, khu vực biên giới của CHND Trung Hoa - Liên bang Nga - Bắc Triều Tiên. Thành phố tọa lạc ở cực nam của bán đảo Muravyov - Amursky, rộng khoảng 30 km và dài 12 km. Tổng diện tích thành phố là 600 km².

 

Điểm cao nhất là núi Kholodilnik, có độ cao 275m

 

Khoảng cách đường sắt từ Vladivostok đi Moscow là 9.302 km.

 

17.6.09_cangVladivostok

Cảng Vladivostok

 

Khí hậu

 

Nhiệt độ trung bình hàng năm: 4,3°C

Nhiệt độ trung bình tháng Giêng: −13.7°C

Nhiệt độ trung bình tháng Tám: 20.2°C

Lượng mưa trung bình năm: 722 mm

 

Dân cư

 

Từ 1958 đến 1991, chỉ có công dân Soviet được sống trong thành phố này. Kể cả công dân Soviet từ nơi khác muốn vào thành phố cũng phải xin phép. Trước thời điểm hạn chế này, thành phố có cộng đồng nhiều người Hoa và Triều Tiên. Cộng đồng Armenia ở đây đông nhất phía đông Nga.

 

Kinh tế

 

Nền kinh tế chính của thành phố là đóng tàu, đánh cá. Đánh cá chiếm 4/5 tổng sản xuất thương mại của thành phố. Các loại thực phẩm khác chiếm 11%. Sản phẩm xuất khẩu: cá, sản phẩm gỗ, kim loại sắt, các kim loại màu, tàu biển. Nhập khẩu: dược phẩm, áo quần, giày, ô tô, đồ gia dụng.

 

Giao thông

 

Hệ thống xe lửa xuyên Siberia đã được xây dựng nối nước Nga châu Âu với Vladivostok.

 

Hệ thống này hoàn thành năm 1905. Đường sắt chạy từ Moscow đến Vladivostok đi qua nhiều thành phố lớn của Nga. Một phần đường sắt chạy qua Mãn Châu.

 

Từ đây, có đường hàng không nối thành phố với nhiều thành phố lớn của các nước lân cận như: Tokyo, Osaka, Bắc Kinh, Bình Nhưỡng, Seoul, Hà Nội,...

 

Giao thông nội địa cũng phát triển. Ngày 28-6-1908, đường xe điện đầu tiên bắt đầu hoạt động. Ngày nay, thành phố có hệ thống xe bus, xe điện, xe lửa, phà.

 

17.6.09_tauVladivostok

Tàu bè tại Cảng của thành phố

 

Giáo dục

 

Vladivostok có các viện và trường đại học:

 

Đại học Tổng hợp Quốc gia Viễn đông

Đại học Kỹ thuật Quốc gia Viễn đông

Đại học Quốc gia Hàng hải mang tên tướng Nevelskyi

Đại học Kinh tế và Dịch vụ Quốc gia Vladivostok

Đại học Y Quốc gia thuộc Vladivostok

Đại học Kinh tế Quốc gia Thái Bình Dương

 

Lịch sử

 

Từ thời xa xưa, lãnh thổ của Vladivostok thuộc quốc gia Bo-khai (năm 698 - 926), bắt đầu từ thế kỷ thứ 10 thuộc bộ tộc Kidan, Mông Cổ, sau đó là bộ tộc người Mãn Châu, Trung Quốc. Vào thế kỷ thứ 13, trên lãnh thổ của vùng Primorsky ngày nay xuất hiện một vài thành phố, nhưng đều bị phá hủy bởi quân xâm lược Mông Cổ (năm 1233). Về sau, các cuộc giao tranh giữa người Mãn Châu và Mông Cổ kéo dài triền miên, vùng đất phía Nam Primorsky không còn được nhắc đến cho đến cuối thế kỷ thứ 19.

 

Vladivostok thuộc chủ quyền của nước Nga chỉ sau khi Nga ký hiệp ước về Vùng lãnh thổ và thương mại với Trung Quốc năm 1858.

 

Vịnh Pie Đại đế (thành phố Vladivostok được xây dựng bên bờ Vịnh) được người Châu Âu biết đến vào năm 1852 bởi một nhóm ngư dân săn cá voi người Pháp. Năm 1859, thống tướng Vùng Nam Siberia Nicolai Nicolaev Muraviov - Amurskyi khi đi ngang bờ vịnh Pie Đại đế đã có ấn tượng với vùng vịnh mở này và quyết định đặt tên là vịnh Sừng Vàng, ra lệnh xây căn cứ quân đội tại đây và đặt tên là Vladivostok.

 

Năm 1880 Vladivostok được công nhận là thành phố quân đội.

 

Ngày 16-3-1883, Nga hoàng Alexandr III ban bố huy hiệu đầu tiên của thành phố Vladivostok.

Năm 1888, Vladivostok trở thành thủ phủ của vùng Primorsky. Kể từ những năm 1890, Vladivostok dần trở thành trung tâm văn hóa Nga của cả vùng Viễn Đông.

 

17.6.09_duongphoVladivostok

Đường phố ở Vladivostok

 

Sau khi Liên bang Xô Viết nắm quyền từ năm 1917, chính quyền thành phố đã nhiều lần được thay đổi, qua nhiều lần cai trị của quân Nhật, Anh, Pháp và Mỹ. Từ năm 1920, 1921, Vladivostok là thủ phủ của nước Cộng hòa Viễn Đông. Năm 1912 đến năm 1922, thành phố là thủ đô của nước Cộng hòa độc lập Priamury, từ cuối năm 1922, Vladivostok thuộc Liên bang Xô Viết.

 

Từ năm 1938, thành phố trở thành trung tâm của vùng Primorsky.

 

Sau khi trở thành một thành phố - căn cứ quân sự của hạm đội Xô Viết, Vladivostok đã đóng cửa không giao lưu với người nước ngoài trong vòng 30 năm.

 

Năm 1959, sau chuyến công du đến Hoa Kỳ, lãnh đạo Nga Nikita Khrushov quyết tâm xây dựng thành phố này tốt hơn San Francisco. Ông ra lệnh xây dựng rất nhiều nhà ở, phát triển thành phố trong suốt thời kỳ Liên bang Xô Viết.  

 

Ngày 20-9-1991, Tổng thống Nga Boris Eltsin ký sắc lệnh cho phép Vladivostok mở cửa, người nước ngoài có thể đến thành phố. 

 

Bộ máy hành chính

 

Về mặt hành chính, thành phố được chia làm 05 quận, gồm:

 

Quận Leninsky

Quận Pervomaisky

Quận Pervorechensky

Quận Sovietsky

Quận Phrunzensky

 

Đứng đầu thành phố hiện nay là Thị trưởng Igor Sergeevich Pushkaryov, có 10 Phó Thị trưởng, trong đó có 2 Phó Thị trưởng Thứ nhất là bà Natalia Alexandrovna Voynovskaya và ông Alexey Nicolaevich Sukhov.

 

Thành phố Vladivostok là một trong những thành phố của vùng Viễn Đông Nga được chính quyền Trung ương và Bộ Phát triển Khu vực Liên bang Nga rất quan tâm và tạo nhiều điều kiện cho việc đẩy mạnh xây dựng hạ tầng cơ sở, xây dựng thành phố hiện đại để trở thành Trung tâm Hợp tác Quốc tế của Nga tại Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

 

17.6.09_nhaga

Nhà ga Vladivostok

 

Các hoạt động hợp tác với Việt Nam

 

1. Hiện nay, thành phố Vladivostok đang phát triển mạnh, dự kiến Hội nghị cấp cao APEC 2010 sẽ được tổ chức tại đây. Chính quyền thành phố rất chú trọng phát triển quan hệ với các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và quan hệ tốt với Việt Nam.

 

Vừa qua, Chính quyền thành phố đã thông qua quyết định đặt biển lưu niệm Hồ Chí Minh tại khu vực trung tâm của thành phố.

 

Tại Vladivostok hiện có hơn 1.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc.

 

2. Ngày 19-5-2009, Thị trưởng thành phố Vladivostok, Liên bang Nga, ông Igor Puskaryov và Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Vladivostok, bà Nguyễn Thị Cao Hòa, đã cắt băng khánh thành bia tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Bia tưởng niệm được đặt tại nhà ga thành phố Vladivostok. Sự kiện này được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 119 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lễ ký kết các văn bản hợp tác giữa Vladivostok và TPHCM.

 

3. Từ ngày 21 đến ngày 24-5-2009, chính quyền thành phố Vladivostok đã cử đoàn đại biểu do Phó Thị trưởng Thứ nhất Alexey Nicolaevich Sukhov sang thăm thành phố Hồ Chí Minh.

 

- Ngày 21-5-2009: Triển lãm ảnh “Thành phố Vladivostok - Trái tim rộng mở” tổ chức tại TPHCM được khai mạc với sự chứng kiến của đại biểu 2 thành phố.

 

- Ngày 21-5-2009: Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân TPHCM Nguyễn Thành Tài và Phó Thị trưởng Thứ nhất thành phố Vladivostok đã ký Bản ghi nhớ về việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai thành phố. Chứng kiến Lễ ký kết có đại diện các sở, ngành thành phố và Tổng Lãnh sự quán Liên bang Nga tại TPHCM.

 

(Quỳnh Nga, Sở Ngoại vụ TPHCM, ngày 17-6-2009)

(Nguồn: Wikipedia, www.vlc.ru.)

 


Cập nhật 06-07-2009