Công cụ làm việc cá nhân

    Tìm kiếm

    


...

Thông tin cơ bản về Cộng hòa Belarus

Belarus chủ trương mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới, trong đó chú trọng quan hệ hữu hảo với các nước láng giềng, chủ trương xây dựng chính sách đối ngoại cân bằng và đa phương.

3.7.09_cobelarus

Quốc kỳ

 

3.7.09_bandobelarus

Bản đồ

 

Tên nước: Cộng hòa Belarus.

Thủ đô: Minsk

Ngày độc lập: 25-8-1991 (tách khỏi Liên bang Xô viết)

Quốc khánh: 3-7 (Ngày chiến thắng phát xít – ngày Minsk được giải phóng khỏi quân phát xít Đức)

 

Vị trí địa lý

 

Belarus nằm ở Đông Âu, phía Đông Ba Lan, giáp với Latvia, Lithuania, Ba Lan, Nga và Ukraine. Nằm kín trong lục địa, địa hình khá bằng phẳng với những dải đất đầm lầy rộng, Belarus là tuyến đường giao thông và thương mại quan trọng giữa châu Âu với các nước SNG.

 

Diện tích:  207.600 km².

 

Diện tích đất có thể trồng trọt được: chiếm 26,77% diện tích lãnh thổ.

 

Dân số: 9.648.533 (ước tính vào tháng 7-2009), trong đó người Belarus chiếm 81,2%, người Nga chiếm 11,4%, người Ba Lan chiếm 3,9%, người Ukraine chiếm 2,4%, người Do Thái chiếm 0,3% và các nhóm dân tộc khác chiếm 0,8% (số liệu thống kê 1999).

 

Tỉ lệ tăng dân số trung bình: - 0,378% (dự đoán 2009).

 

Tuổi thọ trung bình: 70,5.

 

Khí hậu

 

3.7.09_hoMinsk 

Hồ Minsk

 

Belarus nằm trong vành đai khí hậu ôn đới, thuộc vùng chuyển tiếp giữa khí hậu lục địa và khí hậu biển, do vậy Belarus có mùa đông lạnh, mùa hè mát và ẩm ướt. Lượng mưa trung bình hàng năm là 600 - 700mm. Mưa chủ yếu từ tháng Tư đến tháng Mười, chiếm 70% lượng mưa cả năm.

 

Belarus có tài nguyên thiên nhiên phong phú, là rừng, than bùn, có khối lượng nhỏ dầu mỏ và khí đốt, đá granite, đá vôi đôlômit, cát đất sét…

 

Tôn giáo

 

Chính Thống giáo chiếm 80%, Thiên Chúa giáo chiếm 14%, Tin lành chiếm 2%, các tôn giáo khác (gồm Chính thống giáo độc lập, Do Thái giáo, Hồi giáo, Hindu giáo) chiếm 4% dân số.

 

Ngôn ngữtiếng Belarus và tiếng Nga.

 

Đơn vị tiền tệ: Rúp Belarus

 

Lịch sử

 

3.7.09_phongcanhbelarus

Phong cảnh Belarus

 

Lịch sử của Belarus được ghi lại bằng việc các bộ tộc Slavic và Baltic đến định cư tại đây vào khoảng thế kỷ thứ VI sau Công nguyên. Vào khoảng thế kỷ IX, các bộ tộc này gia nhập nhà nước Nga Kievan cổ. Sau cái chết của nhà lãnh đạo nước Nga Kievan cổ, nước này bị tách ra thành nhiều vùng lãnh thổ độc lập. Sau đó, trước sức ép của đội quân Mông Cổ vào khoảng thế kỷ XIII, nhiều vùng lãnh thổ này lại hợp nhất thành Công quốc Lithuania. Năm 1386, Công quốc Lithuania gia nhập liên minh với Ba Lan. Năm 1795, Belarus sáp nhập vào Đế chế Nga.

 

Trong quá trình đàm phán Hiệp ước Brest - Litovsk, ngày 25-3-1918, Belarus lần đầu tiên tuyên bố độc lập, hình thành nước Cộng hòa Nhân dân Belarus. Năm 1919, Cộng hòa XHCN Belarus được thành lập và ngày 30-12-1922, Belarus gia nhập Liên bang Xô Viết.

 

Năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, Belarus tuyên bố độc lập và đổi tên thành Cộng hòa Belarus, gồm 6 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Chính trị

 

Belarus theo thể chế Cộng hòa, đứng đầu là Tổng thống. Cơ quan lập pháp là Quốc hội gồm Viện Cộng hòa (Thượng viện) và Viện Đại biểu (Hạ viện) với nhiệm kỳ 4 năm. Viện Cộng hòa có 64 ghế, trong đó 56 ghế do hội đồng địa phương bầu, và 8 ghế do Tổng thống chỉ định. Viện Đại biểu gồm 110 ghế, các đại biểu được chọn thông qua bầu cử phổ thông.

 

Cơ quan hành pháp là Hội đồng Bộ trưởng, đứng đầu là Thủ tướng.

 

Tổng thống: Aleksandr LUKASHENKO (từ 20-7-1994).

Thủ tướng: Sergey SIDORSKIY (từ 19-12-2003).

Bộ trưởng Ngoại giao: Sergei Martynov.

 

Hiến pháp được thông qua ngày 15-3-1994, và được sửa đổi: lần thứ nhất sau cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc vào ngày 24-11-1996, tăng cường quyền lực to lớn cho Tổng thống; được sửa đổi lần nữa vào ngày 17-10-2004, xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ Tổng thống.

 

Cơ quan pháp gồm Tòa án Tối cao (các thẩm phán do Tổng thống chỉ định) và Toà án Hiến pháp với ½ thẩm phán do Tổng thống bổ nhiệm và ½ do Viện Đại biểu bổ nhiệm.

 

3.7.09_thuvienBelarus

Thư viện Quốc gia Belarus

 

Đối ngoại

 

Belarus chủ trương mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới, trong đó chú trọng quan hệ hữu hảo với các nước láng giềng, chủ trương xây dựng chính sách đối ngoại cân bằng và đa phương. Trọng tâm của chính sách đối ngoại là tìm kiếm các nguồn năng lượng, tiếp cận thị trường thế giới để phát triển nền kinh tế theo định hướng xuất khẩu ở trong nước và hợp tác quốc tế rộng rãi để có thể phản ứng hiệu quả với các thách thức hiện tại.

 

Belarus coi phát triển quan hệ toàn diện với Nga là hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình. Ngày 2-4-1997, Tổng thống hai nước đã ký Hiệp ước thành lập Nhà nước Liên minh Nga - Belarus và một số văn kiện, cụ thể hóa tiến trình liên minh hai nước trên tất cả các vấn đề, lĩnh vực liên quan.

 

Belarus không chỉ bó hẹp quan hệ với Nga và EU, mà còn chú trọng mở rộng quan hệ với các nền kinh tế đang nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác như Venezuela, Ai Cập, Nam Phi…

 

Đối thoại, đối tác bình đẳng và không phân biệt là nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của Belarus.

 

Kinh tế

 

3.7.09_giaothong

Phương tiện giao thông đường sắt

 

Belarus là nước có tiềm lực công nghiệp, nông nghiệp, khoa học, giáo dục và quốc phòng khá lớn, đứng thứ 3 trong số các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Sau khi tách ra thành quốc gia độc lập năm 1991, Belarus được thừa hưởng một số cơ sở kinh tế, quân sự và khoa học tương đối tốt của Liên Xô cũ và có thế mạnh trong các ngành cơ khí, điện tử, quang học, hóa chất, phân bón, gỗ, giấy, cao su v.v…

 

  • GDP (tính theo tỉ giá trao đổi chính thức): $57,68 tỉ (2008).
  • Tốc độ tăng trưởng GDP thực tế: 9,2% (2008).
  • GDP theo đầu người: $11.800 (2008).
  • Tỉ lệ đóng góp của từng ngành cho GDP (2008): nông nghiệp (8,4%), công nghiệp (41,5%) và dịch vụ (50,1%).
  • Sản phẩm nông nghiệp: ngũ cốc, khoai tây, rau, củ cải đường, lanh, thịt bò và sữa.
  • Sản phẩm công nghiệp: thiết bị máy móc cắt kim loại, máy kéo, xe tải, máy xới đất, xe máy, ti vi, sợi tổng hợp, phân bón, dệt may, radio, tủ lạnh…
  • Bạn hàng thương mại lớn nhất của Belarus là Nga, chiếm gần ½ tổng thương mại năm 2006; kế đến là Liên minh châu Âu.

 

Văn hóa

 

3.7.09_trangphuc

Trang phục truyền thống của người Belarus

 

Belarus có nền văn hóa phát triển lâu đời, với sự tác động sâu sắc của tự nhiên, dân tộc (sự hòa trộn giữa những người Slavic di cư và những người Baltic bản địa), và tôn giáo. Các loại hình nghệ thuật như văn chương, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kịch phát triển phong phú. Các tác phẩm của Yanka Kupala (1882-1942) và Yakub Kolas (1882- 1956) là những tác phẩm văn chương tiêu biểu, lưu giữ những tư tưởng của dân tộc. Belarus còn nổi tiếng với những vở opera, ballet, và hài kịch âm nhạc. Bản nhạc lớn đầu tiên do người Belarus sáng tác là v opera Faust của Antonio Radwitt. Kịch đóng một vai trò quan trọng với nhiều rạp kịch hàng đầu, nổi tiếng tập trungMinsk.

 

 3.7.09_laudaiMir

Lâu đài Mir

 

3.7.09_laudaiNiasvir

Lâu đài Niasvir

 

Belarus có bốn di sản văn hóa thế giới, hai trong số đó thuộc sở hữu chung của Belarus với các nước láng giềng. Đó là cụm lâu đài Mir, lâu đài Niasvir, Belovezhskaya Pushca (khu rừng cổ, nằm dọc biên giới chung với Ba Lan) và Struve Geodetic Arc (sở hữu chung với Estonia, Phần Lan, Latvia, Lithuania, Na Uy, Moldova, Nga, Thụy Điển và Ukraine).

 

Thể thao

 

Chính phủ Belarus tạo điều kiện cho người dân được chơi thể thao bằng việc xây dựng nhiều cơ sở phục vụ cho hoạt động này, nhất là tại các trường học. Belarus 243 sân vận động, 250 hồ bơi, 5.140 phòng tập thể dục, 20 sân trượt băng… Tại Belarus, môn khúc côn cầu trên băng (ice hockey) là môn thể thao được yêu thích nhất.

 

Belarus lần đầu tham gia Thế vận hội Olympic vào năm 1952 tại Helsinki, với tư cách là thành viên của Liên bang Xô Viết. Tại Olympic Bắc Kinh 2008, Belarus đạt được 19 huy chương, trong đó có 4 vàng và 5 bạc. Các đội tuyển thành công nhất là đội tuyển điền kinh và cử tạ.

 

Ẩm thực

 

3.7.09_monkhoaitay

Món khoai tây nghiền

 

Các món ăn của Belarus tương đối giống các món ăn của Nga, Lithuania, Ukraine và Ba Lan. Các món ăn thường nhiều rau củ, thịt và bánh mì. Khoai tây đóng một vai trò quan trọng bởi đây là nguyên liệu chính trong hầu hết các món ăn của người Belarus hàng trăm năm qua.

 

(Phúc Minh, Sở Ngoại vụ TPHCM, ngày 2-7-2009)

(Nguồn: /www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/geos/bo.html,

http://www.mofa.gov.vn/vi/cn_vakv/euro/nr040819111004/ns090310150649/view,

http://www.state.gov/r/pa/ei/bgn/5371.htm,

http://memory.loc.gov/frd/cs/bytoc.html,

http://en.wikipedia.org/wiki/Culture_of_Belarus,

http://www.belarus.by,

http://mfa.gov.by/en/)

 


Cập nhật 06-07-2009