Vào tháng 5/2000 nhân dân Việt Nam đã chứng kiến công trình mang tầm thế kỷ ở Việt Nam được hoàn thành và đưa vào sử dụng, đó là cầu Mỹ Thuận, một biểu tượng sinh động của tình hữu nghị Việt Nam -Australia. Chiếc cầu không chỉ nối nhịp sông Tiền mà còn chắp cánh cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa chính phủ và nhân dân hai nước mãi bay cao và vươn xa.
Người dân Việt Nam còn biết về nghĩa cử cao đẹp và cảm động của ba cán bộ Đại sứ quán Australia, trong đó có ngài Đại sứ Joe Thwaites đã hiến máu, một loại máu rất hiếm ở người Việt Nam và đã cứu sống một phụ nữ Việt Nam.
Ngược dòng thời gian, quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Australia đã hình thành và phát triển từ thập kỷ 60. Trong các bảo tàng thành phố, chúng ta dễ dàng tìm thấy hình ảnh của Nhà báo Australia Wilfred Burchett trong bộ quần áo của du kích Việt Nam đang thăm địa đạo Củ Chi. Ông đã dong ruổi khắp chiến trường miền Nam, rồi ra miền Bắc và bằng ngòi bút của mình giúp cho dư luận quốc tế hiểu đúng về cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
************
Ủng hộ Việt Nam trong thập kỷ 60, còn có ông Tom Uren, Nghị sĩ Quốc hội, lãnh tụ cánh tả trong Công đảng Australia, người mở đầu cuộc hành trình hàng chục năm đấu tranh vì hòa bình, tự do và công lý cho Việt Nam. Khi chính phủ Australia gửi cố vấn quân sự sang hỗ trợ chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam, Tom Uren là Nghị sỹ đầu tiên đứng lên phản đối gay gắt quyết định này của chính phủ. Ông còn vận động, thuyết phục Công đảng ủng hộ quan điểm của mình là Australia không nên dính líu vào cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam. Ông đã nguyện đồng hành cùng nhân dân Việt Nam, mặc dù lúc ấy chưa hiểu nhiều về Việt Nam. Khi Công Đảng ủng hộ Mỹ ném bom miền Bắc và chính phủ Australia gửi quân tham chiến tại Việt Nam, Tom Uren trở thành lãnh tụ cánh tả trong đảng, đại diện của những chính trị gia phản chiến. Tháng 12/1972, Tổng thống Nixon quyết định ném bom Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố khác của miền Bắc, lúc ấy Tom Uren là Bộ trưởng Nội các của chính phủ Australia, ông.đã tha thiết kêu gọi công luận “yêu cầu chấm dứt không chỉ sự giết chóc mà còn những lời nói dối, luận điệu lừa gạt, tuyên truyền và cả những câu chuyện hoang đường... đã được dùng làm mục đích hợp lý hóa cuộc chiến tranh”.
“Với tư cách là những đồng chí của những người anh em Việt Nam, chúng ta đòi hỏi phải chấm dứt việc ném bom và ký kết hiệp ước hoà bình. Đây là cách duy nhất để người dân Việt Nam quyết định những vấn đề của họ theo cách riêng của mình”, Bộ trưởng Tom Uren lên tiếng.
Năm 1973, ông đến Pháp chứng kiến cuộc ký kết hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Trong thời điểm đó, Tom Uren cùng với một số chính khách lãnh đạo Công đảng đã tích cực vận động để chính phủ Australia thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào tháng 2/1973. Năm 1978, Tom Uren lần đầu tiên đến thăm Hà Nội với tư cách là khách mời chính thức của Chính phủ nước Việt Nam thống nhất. Là "Người bạn lớn của Việt Nam", ông đã có mặt trong lễ kỷ niệm 50 năm ngày độc lập, 30 năm thống nhất Việt Nam , 60 năm nước Việt Nam độc lập ra đời.
Tom Uren vẫn gắn bó với Việt Nam. Nhiều năm, ông là Chủ tịch Hội Hữu nghị Australia - Việt Nam, tổ chức đã nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam - Australia phát triển.
*************
Năm 1965, ở đất nước Australia có Phong trào chống quân dịch "Hãy cứu con em của chúng ta" (Save our sons - SOS), một trong những phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam. Chị Jean McLean, người khởi xướng phong trào chống quân dịch, cùng với những người bạn cùng chí hướng, Joan Coxsedge, Irene Miller, Chris Cathie và Jo McLaine Cross, là những người sáng lập và tham gia phong trào từ những năm 1965 đến năm 1972.
Các chị đã từng bị chính quyền Australia bắt giam 2 tuần vào tháng 4/1971 vì vận động, kêu gọi thanh niên không đăng ký đi quân dịch. Trong 8 năm hoạt động, SOS được nhiều người biết đến như là một trong những nhóm chống chiến tranh tích cực và mạnh mẽ trên đất nước Australia.
Sau đó, các chị vẫn tiếp tục hoạt động đóng góp cho sự nghiệp hòa bình, đoàn kết và hữu nghị với nhân dân Việt Nam. Năm 1972, chị Jean Mc Lean đã chính thức trở thành người nối nhịp cầu hữu nghị giữa nhân dân hai nước Australia và Việt Nam. Với nhiệm vụ Chủ tịch Hội Australia - Việt Nam (Australia - Vietnam Society), chị đã vận động các tầng lớp nhân dân, chính giới tiến bộ ở Australia ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam, chị đã tổ chức mời đoàn Sinh viên giải phóng sang thăm Australia, gặp gỡ, giao lưu để giải thích, vận động giới sinh viên và nhân dân tiến bộ Australia hiểu về cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Và cũng trong những năm tháng chiến tranh ác liệt đó, chị đã thăm Miền Bắc tìm hiểu về đất nước mà các chị đang đấu tranh ủng hộ.
Sau khi chiến tranh ở Việt Nam kết thúc, nhóm Fairlea Five tiếp tục tham gia phong trào hòa bình và chị Jean McLean tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội Australia - Việt Nam trong 26 năm, với những đóng góp quý báu và được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị. Trong chuyến thăm Việt Nam của đoàn Fairlea five vào tháng 3/2001, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã trao tặng cho 5 chị Huy chương “Vì sự nghiệp hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc”.
Ba mươi năm sau, Rebecca McLean, con gái chị đã biên tập và dựng lại bộ phim tài liệu về phong trào "Cứu con em của chúng ta".
Bộ phim đã ghi lại một chương ít được biết đến trong lịch sử đấu tranh vì hòa bình và tiến bộ xã hội của phụ nữ Australia. Bộ phim đã được Đài Truyền hình Việt Nam giới thiệu đến công chúng Việt Nam.
**************
Còn có rất nhiều bạn bè yêu chuộng hòa bình ở Australia tham gia các phong trào phản chiến, ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược. Trong số đó có chị Maderith Buckman, từng là Nghị sĩ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Tiểu bang New South Wales. Chi đã tham gia biểu tình, vận động phản đối cuộc chiến tranh, kêu gọi chính phủ Australia không nên dính líu vào cuộc chiến ở Việt Nam.
Tất cả những hình ảnh đó là một minh chứng sống động, khơi dậy suối nguồn về quan hệ tình cảm trong sáng, thủy chung của bạn bè quốc tế dành cho nhân dân Việt Nam.
**************
Ngày nay, quan hệ Việt Nam và Australia đang phát triển mạnh mẽ và toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Chính phủ Australia đã tài trợ nhiều chương trình, dự án lớn cho Việt Nam. Chương trình viện trợ song phương của Australia giúp Việt Nam giải quyết một loạt các vấn. Australia đã và đang đầu tư vào Việt Nam, chủ yếu trên các lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải, viễn thông, y tế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển nông thôn, cung cấp nước sạch và cơ sở hạ tầng, chương trình hậu gia nhập WTO…
Australia còn là một trong những nước dẫn đầu trong việc cung cấp học bổng cho Việt Nam. Điều này đã phản ảnh sự tham gia tích cực của Australia vào tiến trình phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam.
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Australia ngày càng gia tăng. Các chương trình viện trợ của chính phủ và các tổ chức phi chính phủ Australia nhằm xóa nghèo và phát triển bền vững đang mang lại hiệu quả thiết thực.
Nhân dân Việt Nam trân trọng và đánh giá cao sự đóng góp của các tổ chức phi chính phủ Australia thực hiện các dự án nhỏ về y tế, giáo dục, tín dụng, nước sạch, môi trường, giúp trẻ mồ côi, người nghèo cải thiện cuộc sống ở nhiều địa phương khác nhau của Việt Nam.
Nhiều học sinh, sinh viên của một số trường Đại học, trung học phổ thông, trường dạy nghề, trường mù, trường nuôi dạy trẻ khuyết tật ở Thành phố Hồ Chí Minh được học tiếng Anh, vi tính do các giáo viên trẻ tình nguyện đến từ mọi miền đất nước Australia giảng dạy.
Ngoài ra, trên các lĩnh vực kinh tế, y tế, nông nghiệp, lâm nghiệp…cũng có mặt những chiến sĩ tình nguyện Australia. Những bạn trẻ Australia đóng góp kỹ năng, kiến thức cho quá trình phát triển của Việt Nam và họ là những nhịp cầu nối tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
*****************
Hiện nay, nhiều người dân Thành phố Hồ Chí Minh biết về quan hệ Việt Nam - Australia thông qua dự án tài trợ của tổ chức AusAID, giúp Quỹ CEP (Liên đoàn Lao động Thành phố) có thêm nguồn vốn giúp người dân Thành phố thoát nghèo. Nguồn vốn này đã đến được với hàng chục ngàn người.
Tổng Lãnh sự quán Australia, các tổ chức Phi chính phủ Australia như Loreto VietNam, Hội Chữ thập đỏ Australia, Save Children Australia, Fred Hollows Foundation, Care Australia, Rotary Club of Mosman, AVI (trước đây là OSB)…và các doanh nghiệp Australia, luôn tiên phong trong những chương trình dự án nhân đạo, phát triển từ việc giúp người nghèo ở vùng sâu, vùng xa, cung cấp nước sạch đến việc xây trường học, trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, mái ấm, nhà mở nuôi dạy trẻ em kém may mắn.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh Hội hữu nghị Việt Nam - Australia Thành phố Hồ Chí Minh đã được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 10/2002. Đây là một minh chứng trong quan hệ giữa nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh với nhân dân Australia. Điều này chứng tỏ rằng đây là mong muốn của người dân Thành phố Bác Hồ quyết tâm xây dựng và vun đắp mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa nhân dân hai nước./
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Tiên
Tổng thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TPHCM