Thông tin cơ bản về Vương quốc Campuchia
Vị trí địa lý: Campuchia nằm ở Tây Nam bán đảo Đông Dương, Tây và Tây Bắc giáp Thái Lan (2.100 km), Đông giáp Việt Nam (1.137km), Đông Bắc giáp Lào (492km), Nam giáp biển (400 km).
Thủ đô:
Diện tích: 181.035 km2 (đồng bằng chiếm ½ diện tích, còn lại là núi đồi)
Quốc khánh: 9 - 11
Dân số: 13.125.000 triệu người (điều tra 2003)
Dân tộc: Người Khmer chiếm 90% gồm nhiều loại như Khmer giữa (Khmer Kandal), Khmer thượng (Khmer Leu) và Khmer dưới (Khmer Krom). Các dân tộc thiểu số: người Mã Lai, người Chăm, người Lào, người Myanmar, người Việt Nam, người Thái Lan và người Hoa (10%).
Tôn giáo chính: Đạo Phật (trên 80%) được coi là quốc đạo, còn lại là đạo Hồi và một số ít đạo Công giáo, Tin lành.
Ngôn ngữ: Tiếng Khmer
Tiền tệ: Đồng Riel (1 đô la Mỹ = 4000 Riels)
Nguyên thủ quốc gia: Quốc vương Samdech Preah Baromneath Norodom Sihamoni
Tóm tắt lịch sử
Ngày 7-1-1979, với sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, nhân dân và lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia đã lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot – Ieng Sari, thành lập nước “Cộng hòa Nhân dân Campuchia”, năm 1989 đổi thành “Nhà nước Campuchia” (SOC). Ngày 23-10-1991, Hiệp định hòa bình về Campuchia được ký kết tại Paris (Pháp). Tháng 5-1993, Tổng tuyển cử lần thứ nhất ở Campuchia do Liên hiệp quốc tổ chức. Tháng 9-1993, Quốc hội và Chính phủ mới ở Campuchia được thành lập trên cơ sở liên minh bốn Đảng nhưng thành phần chủ yếu là Đảng Funcinpec và CPP (Đảng Nhân dân Campuchia), lấy tên nước là Vương quốc Campuchia và thực hiện chế độ đa đảng.
Thể chế chính trị
Campuchia là quốc gia Quân chủ lập hiến. Hệ thống quyền lực được phân định rõ giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp gồm: Vua, Hội đồng ngôi Vua, Thượng viện, Quốc hội, Chính phủ, Toà án, Hội đồng Hiến pháp và các cơ quan hành chính các cấp.
Hành pháp: Đứng đầu nhà nước là Quốc vương Norodom Sihamoni. Đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng Samdech Hun Sen và hai Phó Thủ tướng. Nội các là các thành viên trong Hội đồng Bộ trưởng do Vua bổ nhiệm.
Lập pháp: Lưỡng viện gồm Quốc hội (Chủ tịch: Heng Samrin, có 123 ghế, bầu đại biểu theo chế độ phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 5 năm) và Thượng viện (Chủ tịch: Chea Sim, có 61 ghế: 2 do Quốc vương chỉ định, 2 do Quốc hội chỉ định, 57 do bầu cử, nhiệm kỳ 5 năm).
Tư pháp: Hội đồng Thẩm phán tối cao (được Hiến pháp quy định, thành lập 12-1997); Tòa án Tối cao và các tòa án địa phương.
Các đảng chính trị: Hiện nay ở Campuchia có 3 Đảng lớn là Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), Đảng Funcinpec (hai đảng chính đang cầm quyền ở Campuchia) và Đảng Sam Rainsy (đảng đối lập chính) và một số đảng khác.
Kinh tế
Campuchia là nước nông nghiệp, có nhiều tài nguyên quý hiếm như đá quý, hồng ngọc, vàng, gỗ. Ngoài ra, Campuchia có Angkor Wat là một kì quan nổi tiếng của thế giới. Nền công nghiệp của Campuchia còn chưa phát triển mạnh, chủ yếu sản xuất đồ dệt may, đồ uống, chế biến thực phẩm và đồ gỗ. Hàng năm, Campuchia phải nhập siêu hàng trăm triệu USD. Nợ nước ngoài hơn 2,4 tỷ USD, chủ yếu nợ Nga, Hoa Kỳ, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Sau Hiệp định Pari về Campuchia, một số nhà đầu tư nước ngoài đã vào kinh doanh, đầu tư ở Campuchia nhưng còn hạn chế. Tăng trưởng kinh tế năm 2003 đạt 5%, lạm phát dưới 3,5%. Xuất khẩu năm 2003 đạt 1,54 tỷ USD các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm hàng dệt may, đồ gỗ và cao su. Gần 50% ngân sách quốc gia hàng năm của Campuchia phụ thuộc vào viện trợ của nước ngoài (khoảng 500 triệu USD). GDP (năm 2003): 3,6 tỷ USD. GDP bình quân đầu người: 280 USD/1 năm.
Đối ngoại
Campuchia thực hiện chính sách hòa bình, trung lập, không liên kết vĩnh viễn, không xâm lược hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, có quan hệ hữu nghị với tất cả các nước, nhất là các nước láng giềng. Đến nay Campuchia đã thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ với 88 nước trên thế giới. Tháng 4-1999, Campuchia đã trở thành thành viên thứ 10 của ASEAN. Tháng 9-2003, Campuchia trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
(Nguồn: http://www.mofa.gov.vn
Các nước trên thế giới (Bộ ngoại giao 2000)
http://www.cambodia.gov.kh/unisql1/egov/english/country.overview.html)
(T.Trinh, Phòng Chính trị Kinh tế đối ngoại, ngày 10-7-2006)
Các tin liên quan:
- Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Huỳnh Thị Nhân tiếp Đoàn Viện trưởng Viện kiểm sát Campuchia (05-04-2010)
- Trao tặng kỷ niệm chương cho Tổng Lãnh sự Vương quốc Campuchia tại TPHCM (25-02-2010)
- Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân tiếp Tổng Lãnh sự Campuchia tại TPHCM chào từ biệt (05-02-2010)
- Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tiếp Tổng Lãnh sự Campuchia tại TPHCM chào từ biệt (05-02-2010)
- Giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM Trần Quang Dũng tiếp Tổng Lãnh sự Campuchia đến chào từ biệt (05-02-2010)
- Kỷ niệm ngày chiến thắng 7-1-1979 của nhân dân Campuchia và 30 năm thành lập Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia TPHCM (06-01-2010)
- Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân tiếp Bộ trưởng kiêm Tổng thư ký Hội đồng phát triển Vương quốc Campuchia (04-01-2010)
- Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam - Campuchia 2009 tại TPHCM (04-01-2010)
- Tại TPHCM: Hội nghị xúc tiến đầu tư của Việt Nam vào Campuchia (21-12-2009)
- Kỷ niệm lần thứ 56 Ngày độc lập Vương quốc Campuchia tại TPHCM (06-11-2009)
Cập nhật 11-07-2006