Thông tin cơ bản về Vương quốc Na Uy
Địa lý
Tên nước: Vương quốc Na Uy. Tên Na Uy có nghĩa là “Con đường dẫn về phương Bắc”.
Thủ đô:
Quốc khánh: 17-5 (Ngày ban hành Hiến pháp)
Na Uy nằm trên bán đảo
Vương quốc Na Uy bao gồm phần đất liền, quần đảo
Diện tích: 385.230 km² (trong đó diện tích đất liền là 323.782).
Dân số: 4,6 triệu (7-2007). Những năm gần đây, người nhập cư chiếm hơn phân nửa tốc độ tăng dân số của Na Uy. Theo số liệu của Statistics Norway (SSB), khoảng 61.200 người đã nhập cư vào nước này trong năm 2007, hơn 35% so với năm 2006.
Khí hậu: Na Uy nằm ở vị trí Cực bắc, khí hậu khá ôn hòa nhờ có dòng hải lưu nóng dọc bờ biển. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ khoảng 8o C ở vùng ven biển phía Tây cho đến dưới 0o C ở khu vực miền núi.
Chỉ một phần nhỏ diện tích đất liền của Na Uy phù hợp cho sản xuất nông nghiệp hoặc trồng rừng. Tuy nhiên, Na Uy được trời phú cho nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, dầu mỏ, khí đốt, các loại quặng, cá, gỗ, nguồn nước. Những nguồn tài nguyên này, nhất là nguồn lợi từ các ngành công nghiệp ngoài khơi, đã biến Na Uy trở thành một trong những quốc gia giàu nhất thế giới tính theo thu nhập bình quân đầu người.
Tôn giáo: Đạo Tin lành dòng Luther chiếm khoảng 96% dân số, còn lại là công giáo La Mã, Hồi giáo.
Ngôn ngữ: Tiếng Na Uy
Lịch sử
Vào khoảng năm 885 sau Công nguyên, Vua Harald the Fairhaired, người Viking, đã thống nhất những công quốc nhỏ trong Na Uy thành một vương quốc Na Uy duy nhất. Đạo Cơ đốc được truyền bá tại đây. Vào những năm 1200, Na Uy trở thành một cường quốc trong khu vực dưới triều đại Hakon Hakonsson. Từ năm 1319, Na Uy mất độc lập.
Năm 1380, Na Uy nằm trong liên minh với Đan Mạch trong hơn 4 thế kỷ. Năm 1814, Đan Mạch nhượng Na Uy lại cho Thụy Điển theo điều khoản trong Thỏa thuận Hòa bình
Năm 1905, Na Uy trở thành một quốc gia độc lập cho đến ngày nay.
Trong chiến tranh thế giới I và II, Na Uy là một nước trung lập, tuy vậy đất nước vẫn bị phát xít Đức chiếm đóng trong vòng 5 năm (1940-1945) do vị trí địa chiến lược của Na Uy, nằm ngay sát nước Nga. Năm 1945, Na Uy trở thành thành viên Liên hợp quốc. Cựu Bộ trưởng Tư pháp và Ngoại giao, ông Trygve Lie, trở thành Tổng Thư ký đầu tiên của Liên Hợp quốc.
Năm 1949, do sức ép của Anh và Đức, chính sách trung lập của Na Uy không còn giữ được, khái niệm “trung lập hạn chế” và “xây dựng cầu nối” xuất hiện. Na Uy gia nhập NATO sau khi sáng kiến thành lập Liên minh phòng thủ Bắc Âu do Thụy Điển đưa ra năm 1948 bị thất bại. Năm 1960, Na Uy gia nhập khối mậu dịch tự do EFTA. Cuối thập kỷ 60, khai thác dầu khí đã thúc đẩy nền kinh tế Na Uy phát triển mạnh mẽ.
Năm 1972 và năm 1994, Na Uy thất bại trong trưng cầu dân ý về gia nhập EU.
Năm 2006, Na Uy tham gia Hiệp ước Schengen.
Chính trị - Đối ngoại
Na Uy là nước quân chủ lập hiến với hệ thống quản lý dân chủ nghị viện. Na Uy được chia thành 19 hạt và 431 thành phố (2009). Quốc hội gồm 2 viện với 165 nghị sĩ, nhiệm kỳ 4 năm.
Tại phiên họp toàn thể đầu tiên sau tuyển cử, Quốc hội chỉ định 1/4 số nghị sĩ vào Thượng viện, 3/4 số nghị sĩ vào Hạ viện. Nhiệm vụ của hai Viện là ban hành và bãi bỏ các luật lệ.
Dưới Thượng viện và Hạ viện có 12 Ủy ban thường trực giúp việc cho Quốc hội và hai Viện. Nhiệm vụ của các Ủy ban thường trực là xem xét, chuẩn bị ý kiến để trình lên Quốc hội và hai Viện quyết định thông qua. Thành phần của các Ủy ban thường trực được phân bổ theo tỷ lệ đại diện của mỗi đảng trong Quốc hội. Các đảng trong Quốc hội cũng thành lập nhóm đảng của mình nhằm tạo điều kiện cho đại diện của đảng mình tham gia vào các Ủy ban khác nhau.
Chế độ bầu cử của Na Uy dựa trên nguyên tắc bỏ phiếu kín, bầu trực tiếp và theo tỷ lệ. Cả nước có 19 đơn vị bầu cử. Các công dân Na Uy tính đến ngày 31-12 của năm bầu cử tròn 18 tuổi, trừ những người mắc bệnh tâm thần, đang bị tù, đều có quyền đi bầu. Những người chưa có quốc tịch Na Uy thì được quyền tham gia bầu cử ở cấp địa phương, nếu đến ngày bầu cử mà đã sống liên tục ở Na Uy được 3 năm và đáp ứng các điều kiện chung về bầu cử. Bầu cử địa phương được tổ chức vào thời gian giữa nhiệm kỳ của Quốc hội.
Quốc hội hiện nay (nhiệm kỳ 2005 - 2009) có 169 ghế, trong đó Công Đảng chiếm đa số (61 ghế tương đương 32,7%).
Thủ tướng hiện nay là Jens Stoltenberg. Nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ là đệ trình các dự luật và dự toán ngân sách lên Quốc hội và triển khai thực thi các quyết định thông qua các Bộ. Hiện nay chính phủ đa số liên minh cánh tả gồm 3 đảng: Công đảng, Đảng XHCN cánh tả, Đảng Trung tâm. Hiện có 17 Bộ (bao gồm cả Văn phòng Thủ tướng).
Hệ thống toà án của Na Uy chia thành 3 cấp: Cấp quận, huyện, thành phố; toà án cấp cao; toà án Tối cao.
Kinh tế
Hiện nay kinh tế Na Uy có tốc độ tăng trưởng cao vào bậc nhất ở châu Âu. Mô hình kinh tế hỗn hợp, có sự kết hợp giữa kinh tế thị trường và kinh tế kế hoạch có sự điều tiết của chính phủ. Chính phủ Na Uy nắm giữ những lĩnh vực quan trọng, như: dầu khí, thủy điện, sản xuất aluminum, ngân hàng, dịch vụ viễn thông.
Na Uy đã tham gia Hiệp định Khu vực kinh tế Châu Âu (EEA), là thành viên Khu vực Thương mại Tự do châu Âu (EFTA), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức thương mại Thế giới (WTO), Ngân hàng phát triển xuyên Mỹ (IADB), Ngân hàng phát triển Châu Phi (AFDB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Châu Âu về tái thiết và phát triển (EBRD), Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu (NIB), Quỹ Phát triển Bắc Âu (NDF), Hội đồng Bắc Âu và Quỹ Dự án Bắc Âu (NOPEF)
Dầu khí là ngành công nghiệp quan trọng bậc nhất của Na Uy, đóng góp 1/3 thu nhập của cả nước (số liệu năm 2005). Na Uy là nhà xuất khẩu dầu lửa và khí đốt lớn thứ 3 thế giới. Theo ước tính trữ lượng khí đốt của Na Uy khoảng trên 3.000 tỷ m3 và trữ lượng dầu lửa khoảng 10 tỷ tấn. Với sản lượng khí đốt khai thác hiện nay thì trữ lượng khí đốt của Na Uy phải khai thác được trên 100 năm.
Na Uy cũng là nước đi đầu trên thế giới trong lĩnh vực kỹ thuật và môi trường.
Bên cạnh đó, đóng tàu và vận tải biển cũng là một trong những ngành công nghiệp chủ yếu của Na Uy. Na Uy quản lý 1 trong 5 đội tàu lớn nhất thế giới, với 1.618 con tàu (năm 2005). Tàu biển của Na Uy được đóng và trang thiết bị để chuyên chở được nhiều loại hàng hoá khác nhau và cung cấp các dịch vụ đa dạng. Tàu có thể chuyên chở dầu, hoá chất, than đá, ôtô, tàu phà chở khách cỡ lớn, tàu đặc chủng chuyên chở khí đốt ở thể lỏng, tàu cần cẩu, tàu kéo phục vụ cho khai thác dầu khí ngoài khơi, tàu đánh cá và tàu tuần tra trên biển... Thị trường quan trọng nhất của đội thương thuyền Na Uy là EU và Hoa Kỳ. Mỗi năm, đội tàu của Na Uy vận chuyển khoảng 110 triệu tấn hàng hóa.
Na Uy là nhà cung cấp cá và sản phẩm từ cá lớn nhất châu Âu. Đánh cá và nuôi trồng thuỷ sản là hai ngành quan trọng nhất của đất nước. Na Uy chủ yếu nuôi hai loại cá hồi (thịt vàng và thịt đỏ) để xuất khẩu. Na Uy có hàng trăm nhà máy chế biến hải sản phân bố dọc theo bờ biển. Có khoảng hơn 2.000 sản phẩm hải sản, bao gồm cá tươi, cá muối sấy khô, tôm, cua, sò... đông lạnh, cá hồi lát mỏng, dầu cá thu.
Công nghiệp sản xuất giấy, bột giấy, gỗ xẻ là một ngành quan trọng và có thế mạnh của đất nước. Diện tích rừng của Na Uy chiếm hơn 1/5 diện tích cả nước và là nguồn cung cấp nguyên vật liệu quan trọng cho công nghiệp. Na Uy có khoảng 1.500 xí nghiệp sản xuất giấy, bột giấy và gỗ xẻ với khoảng 30.000 lao động. 90% sản phẩm giấy của Na Uy dành cho xuất khẩu. Sản phẩm của công nghiệp gỗ bao gồm gỗ tấm dùng trong xây dựng nhà ở, văn phòng làm việc, đóng đồ dùng gia đình và trang bị văn phòng.
Na Uy có hơn hai trăm ngàn hồ nước ở trên núi và hệ thống sông, suối có độ dốc cao nên có tiềm năng thủy điện không nhỏ. Hiện nay Na Uy có khoảng 600 nhà máy thuỷ điện và là nguồn cung cấp năng lượng nhiều nhất cho công nghiệp và dân dụng. Công ty năng lượng lớn nhất của Na Uy là Norsk Hydzo được thành lập từ 1905, dùng thủy điện để sản xuất phân bón hoá học và luyện nhôm. Hiện nay luyện kim màu vẫn dùng thủy điện. Na Uy là một trong những nước sản xuất kim loại màu hàng đầu thế giới và chiếm 1/4 xuất khẩu hàng hoá của Na Uy.
Nhà máy thủy điện Ulla-Forre là một nhà máy lớn nhất ở Bắc Âu với công suất 1.240 MW.
Văn hóa
Văn hóa Na Uy chịu ảnh hưởng của nhà thờ Tin lành và văn hóa Đức trong suốt thời Trung Đại, văn hóa Pháp trong thế kỷ 18, và các nước nói tiếng Anh sau Thế chiến II. Trong suốt 30 năm qua, Na Uy đã biến chuyển từ một xã hội dân tộc thuần nhất sang một xã hội có nền văn hóa đa dạng với cộng đồng người nhập cư đông đảo.
Na Uy có 7 địa điểm nằm trong danh sách Di sản Văn hóa Thế giới: bến tàu Bryggen ở Bergen, Thị trấn mỏ Roros, Các hình khắc trên đá ở Alta, Nhà thờ Urnes Stave, Quần đảo Vega, Vịnh hẹp Tây Na Uy (West Norwegian Fjords) và Vòng cung Struve Geodetic Arc.
Thị trấn mỏ Roros
Trong thế kỷ 20, đã có 3 nhà văn Na Uy nhận được Giải Nobel Văn học. Đó là Bjornstjerne Bjornson năm 1903, Knut Hamsun năm 1920 và Sigrid Undset năm 1928.
Bryggen ở
(Nguồn: http://www.ssb.no/english/yearbook/geography.html,
http://www.mofa.gov.vn/vi/cn_vakv/euro/nr040819111625/ns080704154122)
(Phúc Minh, Sở Ngoại vụ TPHCM ngày 4-6-2009)
Related news:
- Na Uy hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp (05-08-2012)
- Na Uy-Việt Nam tăng hợp tác đầu tư song phương (13-06-2012)
- Hòa nhạc kỉ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Na Uy (1971 – 2011) (30-11-2011)
- Lãnh đạo TPHCM chia buồn với Chính phủ và nhân dân Na Uy (04-08-2011)
- Việt Nam-Na Uy tham vấn chính trị cấp thứ trưởng (30-11-2010)
- Khai trương Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy (30-06-2010)
- Quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam – Na Uy (22-06-2009)
- Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo tiếp đoàn đại biểu Quốc hội Na Uy (22-02-2008)
Last modified 11-06-2009