Quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam – Na Uy
1. QUAN HỆ NGOẠI GIAO
1.1. Tổng quát
Việt Nam và Na Uy thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 25/11/1971. Na Uy là một trong những nước Phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Năm 1978, Việt Nam từng lập sứ quán tại thủ đô Oslo nhưng đến năm 1982 thì đóng cửa và hiện nay sứ quán Việt Nam tại Đan Mạch kiêm nhiệm Na Uy.
Năm 1996, Na Uy chính thức mở sứ quán thường trú tại Hà Nội nhân chuyến thăm của Thủ tướng Gro Harlem Bruntland tới Việt Nam.
Trong suốt gần 40 năm qua, quan hệ hai nước phát triển tích cực và dần đi vào chiều sâu trên rất nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Hai bên đã có những cơ chế hợp tác rất hiệu quả như Đối thoại nhân quyền và Tham vấn chính trị. Na Uy tích cực hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc đổi mới, xóa đói giảm nghèo và hội nhập quốc tế, quan tâm tới vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo ở Việt Nam. Na Uy cũng là nước có nhiều kinh nghiệm tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế (như LHQ, WTO, WB…), do đó hai bên hợp tác rất hiệu quả với nhau thông qua các kênh đa phương này.
Người Việt ở Na Uy có số lượng đông nhất Bắc Âu và là cộng đồng gốc Á lớn thứ nhì sau Pakistan (khoảng 19.000 người), chủ yếu di cư trước năm 1975. Nhìn chung, bà con có cuộc sống ổn định, tuân thủ pháp luật nước sở tại và hòa nhập tốt.
1.2. Trao đổi đoàn:
- Đoàn VN thăm Na Uy:
-
Tháng 6/1977: Thủ tướng Phạm Văn Đồng
-
Tháng 7/1992: Phó Thủ tướng Trần Đức Lương
-
Tháng 6/1995: Thủ tướng Võ Văn Kiệt
-
Tháng 9/1999: Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm
-
Tháng 10/2002: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu
-
Tháng 6/2008: Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
- Đoàn Na Uy thăm Việt Nam:
-
Tháng 10/1996: Thủ tướng Gro Harlem Bruntland
-
Tháng 8/1998: Phó Chủ tịch Quốc hội Jan Petersen
-
Tháng 12/1999: Công chúa Martha Louis
-
Tháng 11/2004: Nhà vua Harald V và Hoàng hậu Sonja
Những hiệp định và thỏa thuận đạt được qua những chuyến thăm:
-
Hiệp định Hợp tác kinh tế, công nghiệp, kỹ thuật và thương mại
-
Hiệp định tránh đánh thuế hai lần
-
Thỏa thuận về việc viện trợ 6 triệu NOK cho nhà máy chế biến cá Cửa Hội, Nghệ An
-
Hiệp định hỗ trợ dự án Luật
-
Quy định về thủy sản của Việt Nam.
-
Hiệp định hỗ trợ dự án cấp nước thị xã Lai Châu (6,4 triệu USD)
-
Hiệp định hỗ trợ dự án cấp nước thị xã Điện Biên (6,1 triệu USD)
-
Hiệp định hỗ trợ dự án tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu trường ĐH Nha Trang, giai đoạn 2 (3 triệu USD)
-
Hiệp định hỗ trợ dự án tăng cường năng lực giảm thiểu và thích ứng với địa thiên tai liên quan đến môi trường và phát triển năng lượng (2,4 triệu USD)
-
Ý định thư về hỗ trợ xây dựng ngôi nhà Liên hợp quốc tại Việt Nam (2 triệu USD)
-
Hợp đồng đóng 16 tàu trị giá 600 triệu USD
-
7 thỏa thuận hợp tác (giữa VCCI và Liên đoàn giới chủ Na Uy; giữa VINASHIN và Hoyskolen tại Alesund; thoả thuận 4 bên giữa VINASHIN, ĐH Hàng hải, DNV và Maritek; giữa VINASHIN và Hoyskolen tại Bergen; giữa trường ĐH Ngoại thương và Viện đào tạo quản lý Na Uy; giữa VINASHIN và GIEK; gữa ĐH Hàng hải và REDERIFRBVADET).
-
Thông qua Chiến lược phát triển Việt Nam tập trung vào 4 lĩnh vực: hợp tác kinh tế, kỹ thuật, phối hợp quốc tế và đối thoại nhân quyền
-
Hiệp định về điều khoản và thủ tục chung về hợp tác phát triển
-
Thỏa thuận về hợp tác phát triển
-
Hiệp định về hỗ trợ phát triển hệ thống quản lý an toàn, môi trường lao động và kiểm soát ô nhiễm ngành dầu khí
-
Hiệp định về hỗ trợ các trung tâm vui chơi giải trí trẻ em
-
Biên bản thỏa thuận về đăng ký dân số trên máy tính
-
Biên bản thỏa thuận về khảo sát và lập bản đồ đáy biển
2. QUAN HỆ KINH TẾ
2.1. Thương mại
Kim ngạch thương mại hai chiều có xu hướng tăng nhanh nhưng vẫn còn thấp, chưa xứng với tiềm năng và quan hệ chính trị giữa hai nước, trong đó Việt Nam luôn xuất siêu.
Các mặt hàng chủ yếu của Việt Nam xuất sang sang Na Uy gồm hải sản, hàng dệt, quần áo, giày dép, túi du lịch, rau quả, cà phê, chè, cao su, sản phẩm gỗ. Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chính từ Na Uy là các sản phẩm cơ khí, thiết bị viễn thông, phương tiện giao thông, máy văn phòng, hóa chất, phân bón, chất dẻo và kim loại.
Tháng 3/1994, Na Uy ký Hiệp định hàng dệt may theo chế độ hạn ngạch. Năm 1998, Na Uy bỏ chế độ hạn ngạch cho hàng dệt may của Việt Nam.
Tháng 4/2005, Na Uy thành lập văn phòng đại diện của Telenor - một tập đoàn công nghệ thông tin lớn nhất của Na Uy.
Năm 2006, Na Uy thành lập Innovation - bộ phận thương vụ trực thuộc Đại sứ quán Na Uy.
Tháng 11/2006, hai bên đã ký MOU về hỗ trợ hợp tác thương mại Việt Nam - Na Uy và thành lập Tổ công tác song phương nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh tế, thương mại hai nước. Na Uy là một trong những nước sớm kết thúc đàm phán gia nhập WTO với Việt Nam.
Năm 2007, Tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam – Na Uy là 73,75 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu là 46,15 triệu USD, nhập khẩu 24,59 triệu USD.
2.2. Đầu tư
Tính đến tháng 3/2008, Na Uy có 14 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 35,2 triệu USD, đứng thứ 43/82 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Vốn đầu tư thực hiện đạt 9,6 triệu USD, chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư.
Các dự án của Na Uy tập trung vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, chiếm gần 50% tổng vốn đầu tư, có mặt tại 6 tỉnh thành trong cả nước, tạo công ăn việc làm cho trên 600 lao động trực tiếp và hàng nghìn lao động gián tiếp, tổng doanh thu đạt trên 150 triệu USD.
Đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam chưa đầu tư trực tiếp sang Na Uy.
2.3. Hợp tác phát triển (HTPT)
Quan hệ HTPT Việt Nam - Na Uy được nối lại kể từ khi hai nước ký Hiệp định khung về HTPT vào tháng 10/1996. Trước đây, chính sách viện trợ của Na Uy tập trung chủ yếu cho các nước Châu Phi, viện trợ cho Việt Nam được lấy từ Quỹ viện trợ khu vực, trung bình 5-6 triệu USD/năm. Tuy nhiên, chính sách này đang có xu hướng thay đổi với mức cam kết viện trợ cho Việt Nam tăng dần (10 triệu USD/năm).
Hiện nay, Việt Nam là đối tác quan trọng, nước được ưu tiên viện trợ của Na Uy ở khu vực Đông Nam Á. Tổng viện trợ của Na Uy dành cho Việt Nam đến nay khoảng 200 triệu USD. Các dự án do Na Uy tài trợ đã và đang giúp ta tập trung vào các lĩnh vực: giáo dục, phát triển kinh tế, môi trường, bình đẳng giới, HIV/aids và quản lý nhà nước (theo Chiến lược HTPT 2008-2009)
Khối lượng viện trợ của Na Uy tuy nhỏ nhưng thủ tục và quy trình viện trợ rất linh hoạt, cụ thể là sau khi Chính phủ Na Uy thông báo cam kết về số lượng viện trợ hàng năm cho Việt Nam, quy trình tiếp theo được thực hiện phù hợp với những quy định của Việt Nam.
Nhìn chung, các dự án của Na Uy nhỏ về quy mô (dưới 10 triệu USD/dự án) nhưng có mức giải ngân cao (90%), mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Các dự án điển hình gồm: Dự án phát triển nông thôn ở Quảng Trị, Xây dựng trường nội trú trẻ em nghèo tỉnh Lai Châu, Xây dựng trường tiểu học vùng lũ lụt tại 3 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam,… đã góp phần tích cực cho công cuộc xoá đói giảm nghèo ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
Để đa dạng hóa hình thức và tăng quy mô tài trợ, Na Uy đã cung cấp tín dụng ưu đãi không ràng buộc nhằm hỗ trợ cho các dự án đầu tư phù hợp với chính sách ưu tiên của Chính phủ hai nước. Điều kiện vay tín dụng của Na Uy khá hấp dẫn cho nên thu hút được sự quan tâm của các địa phương trong nước.
3. QUAN HỆ KHÁC (VĂN HÓA, GIÁO DỤC, AN NINH, QUỐC PHÒNG, DU LỊCH, LÃNH SỰ)
Na Uy đã tích cực hỗ trợ Việt Nam xây trường nội trú cho trẻ em thiểu số ở Điện Biên, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, đồng tài trợ dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em khó khăn, giúp soạn thảo Từ điển dân tộc học, giúp Bảo tàng dân tộc học di chuyển một ngôi nhà Chăm truyền thống từ Ninh Thuận và dựng lại khuôn viên Bảo tàng để phục vụ cho việc nghiên cứu đời sống của người dân tộc thiểu số.
Na Uy dành cho Việt Nam một số học bổng đào tạo thạc sĩ trong lĩnh vực thủy sản và nhân quyền. Na Uy đã hỗ trợ 5 triệu USD cho Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục (năm 2006) thông qua hỗ trợ ngân sách.
Việt Nam đã miễn thị thực dưới 15 ngày cho công dân Bắc Âu (từ tháng 5/2005) trong đó có Na Uy và miễn thị thực cho Việt kiều (từ tháng 9/2007). Tuy nhiên, khách du lịch từ Na Uy tới Việt Nam vẫn còn ít.
Hai bên cũng tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa như triển lãm, trao đổi các đoàn nghệ thuật. Nhân dịp 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (25/11/1971-25/11/2006), hai bên đã phối hợp tổ chức một số sự kiện như: triển lãm, hội thảo về Gibler Ibsen (Nhà viết kịch tài ba người Na Uy), dựng vở kịch nổi tiếng “Nhà búp bê” của ông.
Na Uy cũng hỗ trợ việc nâng cấp nhạc cụ, bộ máy tổ chức quản lý, đào tạo âm nhạc cho Nhạc viện Hà Nội, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, Dàn nhạc giao hưởng thính phòng Việt Nam,…
(Ban Biên tập Website Sở Ngoại vụ TPHCM, ngày 18-6-2009)
Related news:
- Na Uy hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp (05-08-2012)
- Na Uy-Việt Nam tăng hợp tác đầu tư song phương (13-06-2012)
- Hòa nhạc kỉ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Na Uy (1971 – 2011) (30-11-2011)
- Lãnh đạo TPHCM chia buồn với Chính phủ và nhân dân Na Uy (04-08-2011)
- Việt Nam-Na Uy tham vấn chính trị cấp thứ trưởng (30-11-2010)
- Khai trương Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy (30-06-2010)
- Thông tin cơ bản về Vương quốc Na Uy (11-06-2009)
- Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo tiếp đoàn đại biểu Quốc hội Na Uy (22-02-2008)
Last modified 22-06-2009