Công cụ làm việc cá nhân
...

    Tìm kiếm

    


Thông tin cơ bản về Liên bang Nga và quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Nga


I/ KHÁI QUÁT CHUNG:

Liên bang Nga là nước có diện tích lớn nhất thế giới, trải dài trên hai lục địa Âu và Á.

- Diện tích: 17.075.400 km2

- Dân số: 145 triệu người, gồm trên 100 dân tộc, trong đó dân tộc Nga chiếm 81,5%; Tác-ta 3,8%, U-crai-na 3%. Ngoài ra còn gần 25 triệu người Nga sống ở các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và gần 2 triệu ở các nước khác trên thế giới.

- Ngày Quốc khánh: 12 tháng 6 năm 1990 (Ngày Tuyên bố chủ quyền).

- Thủ đô: Mát-xcơ-va (gần 9 triệu dân).

- Đơn vị tiền tệ: đồng rúp.

- Cơ cấu hành chính: Liên bang Nga chia làm 89 khu vực lãnh thổ, hành chính là chủ thể của Liên bang, gồm:

+ 21 nước cộng hòa.

+ 49 tỉnh.

+ 06 vùng.

+ 01 tỉnh tự trị.

+ 10 khu tự trị.

+ 02 thành phố trực thuộc Trung ương: Mát-xcơ-va và Xanh Pê-téc-bua.

Ngoài ra, nước Nga được chia thành 7 khu hành chính do người được Tổng thống bổ nhiệm đứng đầu.

- Lãnh đạo chủ chốt hiện nay:

+ Tổng thống: V. V. Pu-tin (tái đắc cử nhiệm kỳ 2 ngày 14/3/2004, nhiệm kỳ 4 năm).

+ Thủ tướng Chính phủ: M. Phờ-rát-cốp (được bổ nhiệm 3/2004).

+ Chủ tịch Hội đồng Liên bang: X.Mi-rô-nốp (được bầu 1/2003, nhiệm kỳ 2 ).

+ Chủ tịch Đu-ma Quốc gia: G. Gờ-rư-dơ-lốp (được bầu 12/2003, nhiệm kỳ 4 năm).

IV/ QUAN HỆ VIỆT - NGA:

1. Quan hệ chính trị:

Nền móng cho quan hệ Việt - Nga trong giai đoạn mới được thiết lập bằng việc ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa CHXHCN Việt Nam và Liên bang Nga ngày 14/6/1994 nhân chuyến thăm Nga của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Từ năm 1997, hai nước thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao. Chủ tịch Đu-ma Quốc gia Xe-le-dơ-nhốp và Chủ tịch Chính phủ Liên bang Nga Chéc-nô-mư-rơ-đin sang thăm Việt Nam năm 1997.

Tháng 8/1998, Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm chính thức LB Nga, tạo bước đột phá mới trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Hai bên ký Tuyên bố chung bày tỏ quyết tâm xây dựng quan hệ đối tác chiến lược trong thời gian tới.

Tháng 9/2000, Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Nga nhằm khai thông quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước cho tương xứng với tiềm năng và quan hệ truyền thống tốt đẹp. Nga tiếp tục khẳng định coi Việt Nam là đối tác chiến lược truyền thống.

Khuôn khổ quan hệ Việt - Nga trong thế kỷ XXI được xác lập và chính thức hóa bằng việc ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Pu-tin (28/02-02/03/2001). Đây là lần đầu tiên lãnh đạo cao cấp nhất của Nga thăm Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Chuyến thăm thể hiện Nga coi trọng và có lợi ích phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Việt Nam.

Tháng 10/2002, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm chính thức Nga theo lời mời của Tổng thống Pu-tin. Đây là chuyến thăm Nga đầu tiên của Tổng Bí thư ĐCS ta kể từ khi Liên Xô tan rã; là sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt, tạo động lực nâng quan hệ song phương lên tầm cao mới phù hợp với khuôn khổ đối tác chiến lược đã được xác lập.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 14-18/1/2003. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội ta kể từ khi Liên Xô sụp đổ, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 17-19/5/2004. Chuyến thăm này là một mốc mới quan trọng, tạo động lực thúc đẩy quan hệ song phương phát triển về mọi mặt.

Trên cơ sở quan hệ hữu nghị truyền thống, tin cậy, xuất phát từ quan điểm gần gũi trong nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, Việt Nam và Liên bang Nga đã và đang phối hợp chặt chẽ tại Liên hợp quốc và các diễn đàn đa phương khác.

2. Hợp tác kinh tế - thương mại và văn hóa - giáo dục:

Thời gian qua, quan hệ kinh tế - thương mại Việt - Nga có những bước phát triển đáng kể.

- Về đầu tư:

Nga hiện vẫn là một trong những nước có đầu tư đáng kể vào nước ta. Tính đến ngày 28/7/2003, Liên bang Nga còn 42 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 217 triệu USD, trong đó đã thực hiện 155 triệu USD. Lĩnh vực Nga đầu tư mạnh nhất là công nghiệp dầu khí, chiếm trên 24% tổng vốn đầu tư, tức là 53 triệu USD. Đứng sau dầu khí là các ngành xây dựng (vốn đầu tư 29 triệu) và thuỷ sản (28 triệu). Một số dự án đầu tư vào các lĩnh vực khác (nông - lâm nghiệp và công nghiệp chế biến) có quy mô hạn chế. Nhiều dự án (42 trong tổng số 79 dự án đã cấp phép) không hiệu quả và đã giải thể.

Việt Nam cũng có 11 dự án đầu tư sang Nga với tổng số vốn 33 triệu USD, nhưng quy mô nhỏ, chủ yếu là hoạt động thương mại, chế biến thực phẩm và 01 dự án trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng.

Hai bên đang nghiên cứu khả năng mở rộng hợp tác đầu tư chế biến nông sản Việt Nam tại Nga và lắp ráp ô tô, khai thác than đá ở Việt Nam v.v… Tuy nhiên, với nguồn tài chính hạn chế và thiếu các ngành kinh tế mũi nhọn, khả năng đầu tư trực tiếp của Nga vào nước ta là không lớn.

- Về thương mại:

Năm 2002 kim ngạch hai chiều đạt 700 triệu USD, tăng khoảng 23% so với năm 2001. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2003 là 651,3 triệu USD, giảm 5,3% so với năm 2002, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam là 159,5 triệu USD (giảm gần 14,7%) và nhập khẩu đạt 491,8 triệu USD (giảm 1,7%). Như vậy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước chỉ chiếm 0,43% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Liên bang Nga và chưa tới 2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước. 2 tháng đầu năm 2004 kim ngạch thương mại hai chiều đạt 120,5 triệu USD (xuất khẩu đạt 21,9 triệu, nhập khẩu đạt 98,6 triệu). Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là gạo, cao su, chè, hàng dệt may, giầy dép, rau quả, mì ăn liền. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm sắt thép, phân bón, xăng dầu, máy thiết bị, ô tô.

Hai nước đã đề ra mục tiêu nâng kim ngạch hai chiều lên 1 tỷ USD trong những năm tới.

- Về hợp tác dầu khí:

Thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí là lĩnh vực hợp tác có hiệu quả cao, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách hai nước.

Liên doanh "Vietsovpetro" tiếp tục là biểu tượng của sự hợp tác Việt - Nga, là trụ cột của ngành thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam. Năm 2003, Xí nghiệp Liên doanh "Vietsovpetro" đã khai thác được 13,120 triệu tấn dầu thô. Vào tháng 10/2003 sản lượng khai thác đã đạt 125 triệu tấn dầu thô kể từ khi bắt đầu khai thác. Doanh thu từ việc bán dầu thô đạt 2,9 tỉ USD. Ngoài những lô dầu khí đang được khai thác, Việt Nam và Nga tiếp tục mở rộng hợp tác thăm dò các lô mới.

- Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng:

Đây cũng là hướng hợp tác truyền thống và có hiệu quả giữa hai nước mà công trình tiêu biểu là Nhà máy thủy điện Hòa Bình, đã và đang góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam.

Với sự hợp tác và giúp đỡ kỹ thuật của Nga, nhà máy thủy điện Yaly với công suất 720 MW đã khánh thành (04/2002), cả 4 tổ máy đã hòa điện vào lưới điện quốc gia.

Với tín dụng 100 triệu USD của chính phủ Nga, tháng 5/2003, hai bên đã khởi công xây dựng Nhà máy thủy điện Sesan – 3 và dự kiến ký kết hợp đồng dự án Nhà máy thủy điện Playkrong trong nửa đầu năm 2004.

Các tổ chức Việt Nam và Nga đã và đang tích cực đàm phán về hợp tác xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La, các nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, Thăng Long, Cẩm Phả, hợp tác trong lĩnh vực hiện đại hóa các cơ sở năng lượng đã được xây dựng với sự hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức Nga v.v…

- Giáo dục - đào tạo:

Sau một thời gian gián đoạn do Liên Xô sụp đổ, quan hệ hợp tác Việt - Nga trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo được nối lại vào năm 1995 bằng việc ký Hiệp định hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục Liên bang Nga giai đoạn 1996 - 2000. Để bảo đảm tính liên tục trong quan hệ hợp tác, sau khi Hiệp định trên hết hiệu lực, tháng 08/2001, hai Bộ ký tiếp Hiệp định hợp tác giai đoạn 2001-2003 và đang chuẩn bị ký Hiệp định hợp tác giai đoạn 2004 - 2007. Ngoài các đối tượng trao đổi theo Hiệp định nói trên, mỗi năm Nga cấp cho ta từ 100 đến 150 suất học bổng đào tạo đại học và sau đại học tại các trường của Nga.

Tháng 7/2002, Việt Nam và Liên bang Nga đã ký Hiệp định đào tạo trên cơ sở chuyển đổi nợ thành viện trợ. Từ nay đến năm 2010 ta có thể gửi sang Nga đào tạo từ 200 đến 500 người mỗi năm.

- Về văn hóa:

Việc tổ chức thành công "Những ngày văn hóa Nga" và "Những ngày Mát-xcơ-va" tại Việt Nam và Hà Nội năm 2001 là bước khởi đầu tốt đẹp cho việc nối lại và tăng cường giao lưu văn hóa giữa hai nước, hai dân tộc.

Tháng 7/2002 "Những ngày Hà Nội ở Mát-xcơ-va" và tháng 11/2002 "Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga” đã được tổ chức thành công tại Nga. Các hoạt động văn hóa này có ý nghĩa quan trọng, góp phần tăng cường sự hiểu biết và tình đoàn kết giữa hai dân tộc, là hình thức tuyên truyền và quảng bá hiệu quả văn hóa Việt Nam đến với nhân dân Nga.

Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam: 30/1/1950.

(Nguồn: Bộ Ngoại giao Việt Nam - cập nhật 08-2004)

 


Các tin liên quan:
Tạo bởi thanhdm
Cập nhật 26-03-2006