Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Bỉ
Việt Nam và Bỉ thiết lập quan hệ Ngoại giao ngày 22-3-1973. Bỉ mở sứ quán tại Hà Nội tháng 11-1975. Việt Nam mở đại sứ quán tại Bruxelles tháng 1-1991.
Các chuyến thăm cấp cao
Về phía Bỉ:
Năm 2008, Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ Karel De Gucht thăm Việt Nam
Năm 2007, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng kinh tế Vùng Flamand thăm làm việc tại Việt Nam
Năm 2005, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Vương quốc Bỉ, Đại tướng August Van Daele cùng đoàn đại biểu cấp cao quân đội Bỉ sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam
Năm 2004, Bộ trưởng Hợp tác phát triển Armand De Decker thăm chính thức và dự Hội nghị ASEM 5
Năm 2003, Thái tử Bỉ Philippe, Bộ trưởng Hợp tác Phát triển Marc Verwillghen thăm Việt Nam
Năm 2002, Bộ trưởng Chủ tịch Vùng Wallonie thăm Việt Nam
Và các chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Ngoại giao, đoàn Nghị sĩ Hạ viện, đoàn Quốc vụ khanh Hợp tác Phát triển, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Ngoại thương, Bộ trưởng – Chủ tịch Ủy ban Cộng đồng tiếng Pháp vùng Bruxelles – Thủ đô,... đến Việt Nam.
Về phía Việt Nam:
Năm 2008, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thăm và làm việc tại Bỉ
Năm 2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm làm việc tại Bỉ nhân dịp dự ASEM 6
Năm 2005, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thăm Bỉ
Năm 2004, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm và làm việc tại Bỉ
Năm 2003, Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà thăm Bỉ
Năm 2002, Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Bỉ
Từ năm 1991 trở đi, đã có nhiều chuyến thăm và làm việc tại Bỉ của lãnh đạo cấp cao nước ta, như: chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (1992), của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1993), của Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (1995), của Phó Thủ tướng Trần Đức Lương (1996)...
Các Hiệp định đã ký
Hiệp định khung hợp tác kinh tế, công nghiệp và kỹ thuật (1977) |
Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (1991) |
Hiệp định tránh đánh thuế trùng (1996) |
Hiệp định hợp tác khoa học kỹ thuật (2002) |
Hiệp định xóa nợ đợt I (1992) |
Hiệp định xóa nợ đợt II (1993) |
Hiệp định xóa nợ đợt III (2000) |
Hiệp định về con nuôi (2005) |
Bản ghi nhớ về các vấn đề di cư (2009) |
Viện trợ
Ngoài quan hệ hợp tác chính thức với Chính phủ Liên bang, Việt Nam cũng nhận được viện trợ không hoàn lại của các cộng đồng, các vùng của Bỉ (như Vùng Wallonie, Vùng Thủ đô Bruxelles, Vùng Flander) và các tổ chức khác thuộc Bỉ: VVOB, VLIR, APEFE, NGOs...
Từ năm 1977 đến nay, Bỉ đã cho Việt Nam vay và viện trợ không hoàn lại gần 300 triệu USD cho các lĩnh vực hợp tác chủ yếu là phát triển nông thôn - nông nghiệp, giáo dục đào tạo, y tế, môi trường.
Các dự án hợp tác do Bỉ tài trợ có quy mô vừa phải, hiệu quả, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo và tăng cường năng lực tại các điạ phương.
Năm 2007-2010 viện trợ của Bỉ cho Việt Nam ưu tiên cho phát triển nguồn nhân lực, quản lý nguồn nước, bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện sức khoẻ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Thương mại, Đầu tư
Kim ngạch thương mại hai chiều tăng 15% trong 5 năm qua.
Bỉ hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam trong EU. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Bỉ là giày dép, hàng dệt may, hải sản, cà phê.
Năm 2008, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt – Bỉ đạt trên 1,1 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2007.
Hiện nay, tại Việt Nam có gần 90 văn phòng đại diện, chi nhánh liên doanh của Bỉ, trong đó Vùng Flamande có 66 đơn vị.
Năm 2007, có thêm 11 doanh nghiệp mới của vùng Wallonie có mặt tại Việt Nam.
Tháng 5-2007, nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế Vùng Flamande, bà Fientje Moerman, Văn phòng đại diện kinh tế Vùng đã được khai trương tại TPHCM.
Công tác xúc tiến thương mại giữa hai nước được hai bên quan tâm và phát triển, về số lượng đoàn tham gia và các lĩnh vực trao đổi. Quan hệ thương mại giữa các tổ chức kinh tế trung ương, địa phương, ngành của Việt Nam với ba vùng Wallonie, Flamande, Thủ đô Bruxelles ngày càng chặt chẽ.
Quan hệ đầu tư còn khá khiêm tốn. Hiện Bỉ có 31 dự án với tổng số vốn đầu tư là 83,6 triệu USD, đứng thứ 34/81 nước và vùng lãnh thổ có FDI vào Việt Nam, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp. Các dự án chủ yếu là 100% vốn với quy mô tương đối nhỏ. Đầu tư của Việt Nam sang Bỉ hiện mới có 1 dự án là Trung tâm xúc tiến thương mại tại Bruxelles.
Văn hóa, Giáo dục, đào tạo
Việt Nam và Bỉ đã có những hoạt động hợp tác ở cấp chính phủ, cấp vùng và giữa các trường đại học của hai nước.
Hợp tác với chính phủ Bỉ, có thể kể đến dự án Hỗ trợ học từ xa, dự án Đào tạo giáo viên cho các trường trung học sư phạm cho các tỉnh miền núi phía Bắc.
Cộng đồng vùng Pháp ngữ đã hỗ trợ Việt Nam các dự án dạy tiếng, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực,... được triển khai ở các trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà nội, Đại học Mở Bán công TPHCM, Đại học Luật TPHCM.
Các trường đại học hai nước cũng có những dự án hợp tác hiệu quả, triển khai giữa Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Cần Thơ với Hội đồng các đại học liên kết phía Bắc Bỉ - VLIR; giữa Đại học Nông nghiệp I với Đại học Gembloux.
Từ năm 2002, chính phủ Bỉ khôi phục lại chương trình cấp học bổng đào tạo sau đại học cho Việt Nam. Hiện nay, trung bình mỗi năm, Bỉ cấp cho Việt Nam 40 suất học bổng đào tạo sau đại học tại Bỉ và 50 suất đào tạo thạc sĩ tại Việt Nam và Thái Lan.
Về văn hóa, hai nước thường xuyên trao đổi các đoàn nghệ thuật, tổ chức các triển lãm, các tuần lễ phim, ... nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau. Năm 2001, Việt Nam đã tổ chức tuần lễ văn hóa Việt Nam tại Bỉ.
Năm 2003, Việt Nam tổ chức triển lãm "Việt Nam - quá khứ và đương đại".
Năm 2006, Những ngày văn hóa Việt Nam tại Bỉ đã góp phần quảng bá cho thương mại, du lịch và văn hóa Việt Nam.
Khoa học – kỹ thuật, Quốc phòng
Hợp tác khoa học - kỹ thuật giữa hai nước tập trung trong các lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất ác-tê-mi-a, công nghệ sinh học phục vụ sản xuất dược liệu nguồn gốc thiên nhiên và công nghệ vũ trụ.
Năm 2003, nhân chuyến thăm Bỉ của Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà, hai bên đã ký Thỏa thuận khung về mối quan hệ và hợp tác giữa hai Bộ Quốc phòng, trong đó có trao đổi các đoàn quân sự, trao đổi thông tin liên quan đến chính sách quốc phòng, đào tạo, huấn luyện quân sự và thể thao quân sự...
(Ban Biên tập, ngày 9-6-2009)
Các tin liên quan:
- TPHCM và Bỉ đẩy mạnh hợp tác giao thông đường thủy (05-09-2013)
- Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân tiếp Bộ trưởng – Thủ hiến vùng Wallonie – Brusxelles, Bỉ (16-04-2013)
- Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân tiếp Tỉnh trưởng Namur, Bỉ (12-04-2013)
- Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân tiếp Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam chào xã giao (07-03-2013)
- Bí thư thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tiếp tân Đại sứ Bỉ tại Việt Nam chào ra mắt (01-03-2013)
- Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận tiếp nguyên Đại sứ Bỉ tại Việt Nam (16-11-2012)
- Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân tiếp Thái tử Vương quốc Bỉ (26-03-2012)
- Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm tiếp đoàn đại biểu Nghị viện vùng Wallonie - Bruxelles, Vương quốc Bỉ (29-02-2012)
- Giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM tiếp Đại sứ Bỉ (20-10-2011)
- Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Bỉ thăm và làm việc tại TPHCM (21-04-2010)
Cập nhật 10-06-2009