Công cụ làm việc cá nhân

    Tìm kiếm

    


...

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên chủ trì cuộc họp báo về chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam

Trong khuôn khổ hoạt động của ĐH Đảng X, chiều 21-4, tại Trung tâm báo chí, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đã chủ trì cuộc họp báo về chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Sau khi trình bày những thành tựu của Đảng ta trong 20 năm đổi mới, những bài học kinh nghiệm trong công tác đổi mới đối ngoại và phương hướng đối ngoại, hội nhập của Việt Nam trong 5 năm tới, Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên trả lời nhiều câu hỏi của các phóng viên trong và ngoài nước.

- Báo SGGP: Hiện nay Việt Nam đã đến rất gần với việc gia nhập WTO, xin Bộ trưởng cho biết, đường lối đối ngoại của nước ta hiện nay đã tính hết những vấn đề khi chúng ta chính thức vào WTO chưa? Liệu khi chính thức là thành viên của WTO, chúng ta có sự điều chỉnh nào trong đường lối đối ngoại?

- Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên: Hiện nay chúng ta đang trong quá trình đàm phán đa phương và song phương để gia nhập WTO. Về song phương chỉ còn 2 nước là Mỹ và Mexico, tuy nhiên đã đến rất gần với nhau rồi. Và ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị cho “hậu WTO”. Có rất nhiều vấn đề chúng ta cần phải xử lý, nhất là ở lĩnh vực kinh tế.

Tất nhiên đối ngoại và nhiều lĩnh vực khác cũng có liên quan. Chính sách đối ngoại của chúng ta là độc lập, tự chủ, đa dạng hóa và đa phương hóa, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế. Về cơ bản, đường lối này sẽ không có điều chỉnh gì. Tuy nhiên, về mặt “kỹ thuật”, chắc chắn chúng ta sẽ phải có sự điều chỉnh, bổ sung về các mặt để đảm bảo tận dụng được những cơ hội trong “sân chơi” rất lớn về kinh tế là WTO.

- Báo SGGP: Đề nghị Bộ trưởng cho biết những biện pháp và sách lược cụ thể để có thể thu hút được nhiều hơn những nguồn lực từ bà con Việt kiều đang sinh sống ở nước ngoài, nhất là nguồn lực về chất xám về xây dựng đất nước?

- Hiện nay chúng ta có hơn 3 triệu kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài. Về kinh tế thì không lớn, nhưng nguồn lực về trí tuệ, chất xám thì rất tốt và đa dạng. Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 36 về vấn đề này và các cơ quan chức năng đang cố gắng triển khai thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho kiều bào về nước.

Ví dụ như Chính phủ đã quyết định là từ tháng 1-2007, đồng bào Việt kiều, bất luận là có quốc tịch Việt Nam hay không đều được tự do về quê hương, miễn là chứng minh được nguồn gốc là người Việt Nam. Hiện nay đã thực hiện rồi, nhưng thời gian tới, chúng ta sẽ mở rộng hơn việc cho bà con Việt kiều được mua và sở hữu nhà ở Việt Nam. Nhiều bà con Việt kiều về nước, gọi là về nhà, nhưng lại phải ở khách sạn, vì họ đâu có nhà mà về!

Theo tôi, điều quan trọng là làm sao để thu hút được các nhà khoa học về làm việc trong nước. Đúng là cơ sở vật chất của chúng ta chưa thể đáp ứng được tất cả những nhu cầu của những nhà khoa học đó, nhất là về điều kiện làm việc. Đó là điều chúng ta cần khắc phục. Và tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là các nhà khoa học trong nước của chúng ta phải có sự liên lạc, phối hợp thật tốt với các nhà khoa học Việt kiều.

Khi các nhà khoa học, trí thức cùng ý tưởng, bắt tay với nhau, thì đó là một điều rất đáng mừng. Tới đây Bộ Ngoại giao, Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ KH-CN, Bộ GD-ĐT… sẽ cùng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động, hội thảo nhằm thu hút bà con Việt kiều, nhất là những trí thức về nước, góp phần xây dựng và phát triển quê hương Việt Nam.

- Hãng Reuters: Xin ông cho biết về mối quan hệ của Việt Nam đối với Trung Quốc và Mỹ? Việt Nam đã chuẩn bị như thế nào cho sự kiện Tổng thống Mỹ G.Bush sẽ chính thức đến thăm Việt Nam vào thời điểm diễn ra Hội nghị cấp cao APEC ở Hà Nội tháng 11-2006?

- Về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, có thể nói đây là mối quan hệ đang phát triển hết sức tốt đẹp. Hiện nay chúng tôi đã có phương châm 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Chúng tôi cũng thực hiện tinh thần 4 tốt: “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đối tác tốt và đồng chí tốt”. Đó là những cơ sở gọi là phương châm, nhưng cũng thể hiện hướng đi và hành động để hai bên cùng phát triển.

Về các vấn đề như biên giới, Vịnh Bắc bộ đã được xử lý, nhất là thương mại. Hiện nay Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và sắp tới đây sẽ có nhiều công trình hợp tác giữa hai bên cùng phát triển… Tôi nghĩ, những điều đó sẽ thắt chặt hơn nữa mối quan hệ chính trị và kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Về mối quan hệ với Mỹ, đây cũng là mối quan hệ rất quan trọng. Nếu nhìn lại 10 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, thì chúng ta thấy có một sự phát triển vượt bậc. Năm ngoái, Thủ tướng Việt Nam lần đầu tiên đến thăm nước Mỹ và đây được xem là một chuyến thăm lịch sử. Trước đó, năm 2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng đã đến thăm Việt Nam. Tôi nghĩ, đến nay quan hệ với Mỹ đã phát triển trên rất nhiều mặt. Có nhiều lĩnh vực mà trước đây không có. Ví dụ như quan hệ về giới quân sự với nhau. Trước đây làm gì có! Về thương mại thì phát triển rất nhanh. Hiện nay Mỹ là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Về xuất khẩu, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Tất nhiên giữa Việt Nam và Mỹ có nhiều điểm khác nhau về chính trị, phong tục, tập quán, lịch sử… nhất là có một quá khứ nặng nề, nhưng không phải vì thế mà hai nước xa cách nhau, cản trở mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Vì vậy, hiện nay mối quan hệ hai nước phát triển với nhiều thuận lợi. Còn những điểm khác biệt thì hai bên tiếp tục thương lượng để tìm ra những giải pháp mà cả hai bên đều chấp nhận được. Với tôi, một người làm ngoại giao chuyên nghiệp lâu năm thì thấy rằng: đối thoại với Mỹ có lúc khó, nhưng có lúc dễ, chứ không phải khi nào cũng khó cả!

Về Hội nghị cấp cao APEC và chuyến thăm của Tổng thống G.Bush, tôi nghĩ rằng, năm ngoái, khi đến thăm Mỹ, Thủ tướng Phan Văn Khải đã chuyển lời mời đến TT G.Bush sang tham dự Hội nghị APEC ở Hà Nội và thăm Việt Nam, TT G.Bush đã nhận lời. Năm 2006 này, Việt Nam gọi là “năm APEC”, vì vậy chúng tôi đang làm hết sức mình để hội nghị này diễn ra thành công và mang dấu ấn của Việt Nam. Chúng tôi rất cần sự hợp tác của những nước như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… để tổ chức thành công hội nghị này. Về chuyến thăm chính thức của TT G.Bush, có rất nhiều vấn đề cần chuẩn bị: chính trị, kinh tế… Điều này sẽ được Bộ Ngoại giao hai nước bàn bạc, đối thoại để chuẩn bị một cách tốt nhất!

- Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Công): Xin ông cho biết những thông tin xung quanh việc Việt Nam ứng cử vào vị trí thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ khóa 2008 - 2009? Khi nào Việt Nam sẽ tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của LHQ?

- Cho đến bây giờ, chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự cam kết của các nước về việc ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ứng cử vào vị trí này và chúng tôi cũng xác định rằng, đây là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Với sự ủng hộ của các nước, tôi tin rằng, khi việc bỏ phiếu diễn ra vào tháng 5-2007, Việt Nam sẽ đủ phiếu để trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ.

Về vấn đề tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế, thực ra bây giờ có rất nhiều nước cả Mỹ, Nhật Bản cũng như ở châu Âu, muốn Việt Nam tham gia vào đội quân này. Tuy nhiên Việt Nam đang nghiên cứu khả năng này, và khi có điều kiện thuận lợi, cũng như sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền thì Việt Nam có thể tham gia vào lực lượng giữ gìn hòa bình thế giới, làm những việc nhân đạo như về y tế, cứu nạn, rà phá bom mìn… Đó là những lĩnh vực mà Việt Nam có nhiều kinh nghiệm.

- Hãng Thông tấn Ria Novosti (Nga): Xin Bộ trưởng đánh giá 20 năm qua, thành công lớn nhất trong quan hệ giữa Việt Nam và Nga, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển quan hệ với Nga ở lĩnh vực nào? Trong thời gian gần đây, ở một số nước Đông Âu và Liên Xô cũ đã xảy ra các cuộc cách mạng “sắc màu”, Việt Nam đánh giá sự việc này như thế nào, đó là một xu thế của thời đại hay là thách thức?

- Thành công lớn nhất trong quan hệ với Nga là chúng tôi vẫn giữ được mối quan hệ truyền thống, mối quan hệ chiến lược với nước Nga sau khi Liên Xô không còn nữa! Và mối quan hệ ấy vẫn tiếp tục được tăng cường. Như chúng ta đã biết là Tổng thống V.Putin đã đến thăm Việt Nam năm 2001, các nhà lãnh đạo của Việt Nam cũng đã đến thăm Nga và đến cuối năm nay, TT V.Putin cũng sẽ tham dự Hội nghị APEC và sang thăm chính thức Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề hợp tác phát triển kinh tế thương mại giữa hai nước là chưa được như mong muốn của cả hai bên. Sắp tới chúng tôi sẽ tìm những biện pháp để thắt chặt và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước lên cao nữa, vì Nga là một nước có tiềm năng rất lớn về mọi mặt. Trong quan hệ nhiều năm tới, Việt Nam xem Nga là một đối tác chiến lược quan trọng và tìm mọi biện pháp để tăng cường mối quan hệ, hợp tác với Nga.

Về cách mạng “sắc màu” ở những nước Đông Âu cũ, chúng tôi nghĩ đó là một hiện tượng chứ không phải là một xu thế. Nó diễn ra ở nước nào thì do những điều kiện bên trong của nước đó. Nhưng chúng ta cũng phải thấy rằng, những cuộc cách mạng đó cũng có sự tác động của bên ngoài. Tuy nhiên, theo tôi, điều chủ yếu, quan trọng nhất vẫn là những nhân tố nội tại bên trong của mỗi nước.Và đó không thể gọi là một xu thế của thời đại được.

- Hãng thông tấn Đức (DPA): Trong bài phát biểu của Bộ trưởng, không thấy nói gì về vấn đề diễn biến hòa bình. Phải chăng Việt Nam đã bớt lo lắng về vấn đề này? Theo Bộ trưởng, ai là “kiến trúc sư” của diễn biến hòa bình, có phải là Mỹ hay không? Những cách thức của việc tiến hành diễn biến hòa bình là gì và Việt Nam đối phó với cuộc diễn biến hòa bình này như thế nào?

- Trong các văn kiện của Đảng CSVN, các phương tiện thông tin đại chúng cũng như những học giả Việt Nam đều đã nói đến vấn đề diễn biến hòa bình. Đây là một hiện tượng thực tế mà chúng tôi nhìn nhận và nhận diện nó. Chế độ của Việt Nam là chế độ xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chúng tôi đang cố gắng để xây dựng một nhà nước pháp quyền XHCN, của dân, do dân và vì dân. Chúng tôi đang cố gắng để làm tốt vấn đề dân chủ, thực hiện dân chủ cho mọi người dân. Vì vậy, những nguy cơ mà Việt Nam đã đề ra, nếu đẩy lùi được, tăng được sự phát triển kinh tế, nâng cao được dân trí, xây dựng được Nhà nước pháp quyền, đẩy lùi và chống được tham nhũng… thì đó chính là biện pháp để ngăn chặn được diễn biến hòa bình.

Về vấn đề “kiến trúc sư” của diễn biến hòa bình, tôi cho rằng, ở đây chúng ta nên nói đến những gì mà chúng ta phải xử lý. Đó là thách thức mà chúng ta phải đối mặt và xử lý nó, để làm thế nào chúng ta vẫn giữ được những bản sắc của dân tộc Việt Nam, vẫn giữ được độc lập tự chủ của đất nước Việt Nam, chúng ta vẫn giữ được chế độ của chúng ta và tiếp tục phát triển. Đó là vấn đề lớn mà chúng ta cần phải làm!

(Nguồn: Báo Sài Gòn giải phóng ngày 22-4-2006)

 

THÀNH TỰU ĐỐI NGOẠI CỦA ĐẢNG TRONG 20 NĂM ĐỔI MỚI (1986 – 2006):

1. Thành tựu đổi ngoại có tính chất bao trùm trong thời gian qua là từ chỗ bị cô lập về chính trị, bao vây cấm vận về kinh tế, Việt Nam đã chủ động, nỗ lực mở rộng hơn bao giờ hết quan hệ đối ngoại của mình theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa. Trong hơn 20 năm đổi mới, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao thêm với 57 nước, nâng tổng số quốc gia có quan hệ chính thức lên 169 nước và có quan hệ buôn bán với 244/255 thị trường của các nước và vùng lãnh thổ.

2. Việt Nam đã tạo dựng được khuôn khổ quan hệ hợp tác hữu nghị, ổn định lâu dài và ngày càng đi vào chiều sâu với các nước láng giềng, khu vực; góp phần đáng kể vào việc duy trì môi trường an ninh xung quanh Việt Nam và phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế.

3. Việt Nam đã đi lên từ bình thường hóa quan hệ đến từng bước nâng cấp và xác lập khuôn khổ quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước lớn, các trung tâm kinh tế-chính trị lớn và các nước công nghiệp phát triển.

4.Việt Nam đã tích cực chủ động, củng cố và phát triển quan hệ hợp tác với các nước bạn bè truyền thống và các nước đang phát triển khác ở Trung Đông, châu Phi và Mỹ La-tinh.

5. Hoạt động ngoại giao đa phương đã có bước phát triển vượt bậc, góp phần nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam tại các tổ chức và diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, ASEAN, APEC, ASEM... từng bước đưa Việt Nam hội nhập vào kinh tế khu vực và thế giới.

6. Công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế đã ngày càng phát huy vai trò; nội dung kinh tế ngày càng thể hiện rõ nét trong mọi hoạt động chính trị đối ngoại. Ngoại giao đã kết hợp tốt giữa chính trị đối ngoại với kinh tế đối ngoại, góp phần tạo thêm nguồn lực từ bên ngoài, mở rộng thị trường, gia tăng đối tác, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

7. Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài được thúc đẩy mạnh mẽ. Chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta đã và đang nhận được sự ủng hộ và hưởng ứng tích cực của bà con kiều bào; số lượng kiều bào về thăm quê hương, tìm kiếm cơ hội đầu tư buôn bán ở trong nước ngày càng gia tăng.

4 bài học trong công tác đổi mới đối ngoại
:

1. Đổi mới về tư duy đối ngoại: thể hiện ở cách nhìn nhận, đánh giá tình hình thế giới, quan hệ quốc tế, xu thế của thời đại, mối quan hệ tác động qua lại giữa Việt Nam và thế giới...

2. Nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, hòa bình, hòa hiếu, hợp tác để phát triển, đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu.

3. Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế với giữ vững độc lập, tự chủ, thống nhất và bản sắc dân tộc. Đó là độc lập tự chủ về đường lối, chính sách, có quyết sách để chủ động hội nhập, hội nhập có định hướng. Độc lập về kinh tế, tức là một nền kinh tế có thực lực đủ mạnh, có thể ứng phó nhanh, kịp thời với những biến động khó lường của nền kinh tế thế giới và khu vực.

4. Tạo sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tham gia quan hệ đối ngoại trên các lĩnh vực khác nhau và dưới các hình thức khác nhau, kết hợp ngoại giao Nhà nước, ngoại giao Đảng, ngoại giao nhân dân, ngoại giao Quốc hội, an ninh - quốc phòng...

(Nguồn: Trung tâm Báo chí ĐH Đảng X)

 


Các tin liên quan:
Tạo bởi thanhdm
Cập nhật 24-04-2006